Bây giờ đang là mùa nộp hồ sơ xin học và chờ kết quả vào các trường. Niềm vui lớn nhất của bất kỳ người nộp hồ sơ là nhận được thư chấp nhận vào những trường mà mình mong đợi. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng có được điều này.
Đối với các bạn chưa đạt được kỳ vọng của mình, nhất là những người có điểm cao nhất trong những người không đậu cũng không nên quá thất vọng vì thất bại hôm nay có thể là nền tảng để có được những thành công lớn hơn. Điều này đã xảy ra với tôi qua hai lần phải làm lại từ đầu.
Hai lần nộp hồ sơ học bổng Fulbright
Năm 2006 tôi nộp hồ sơ học bổng Fulbright – học bổng khá danh giá đi học chương trình thạc sỹ ở Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi nộp hồ sơ dạng này. Tôi đã được nhận vào vòng bán kết (semifinal), tức là vòng phỏng vấn cuối cùng để biết được chọn hay không.
Hồ sơ lúc đó của tôi khá mạnh và tôi đã tràn trề hy vọng với rất nhiều viễn cảnh được vẽ ra. Tuy nhiên, năm đó tôi đã bị từ chối khi đến trước “cổng thiên đường”.
Thất vọng tràn trề. Cảm giác người có điểm cao nhất trong số những người không đậu lại trào dâng trong tôi. Tuy nhiên, chưa được thì phải làm lại chứ biết làm sao giờ.
Một năm sau, tôi đã được toại nguyện. Quan trọng hơn cả là tôi đã được nhận vào Harvard để học chương trình thạc sỹ về quản lý công.
Bây giờ nhìn lại, nếu năm 2006 tôi được học bổng Fulbright để sang Mỹ học năm 2007 thì cơ hội để được vào Harvard của tôi là rất thấp vì các điều kiện trong hồ sơ có lẽ chỉ đủ vào một trường thường thường bậc trung thôi.
Sau khi bị rớt vào năm 2006, tôi đã có thêm một năm để chuẩn bị và hồ sơ của tôi đã mạnh lên rất nhiều để được trường như ý.
Hai lần nộp hồ sơ vào các chương trình tiến sỹ
Sau một năm học chương trình thạc sỹ ở Harvard, tôi đã quyết định nộp hồ sơ vào các chương trình tiến sỹ. Trong đó, Harvard vẫn là ngôi trường mơ ước của tôi.
Khi nộp hồ sơ vào những trường như vậy, nói chung về các kết quả học tập hay lý lịch khoa học của các ứng viên gần như không khác nhau nhiều (49 gặp 50). Lúc này, thư giới thiệu có vai trò rất quan trọng.
Đối với trường hợp của tôi, khi nộp hồ sơ vào chương trình tiến sỹ ba năm của Harvard Graduate School of Design, tôi đã được hai giáo sư có danh hiệu ở đó viết thư giới thiệu. Trong đó, một thầy đã từng làm hiệu trưởng của trường.
Với một lý lịch khoa học và học thuật không đến nỗi tệ và được hai người như thế viết thư giới thiệu đã làm cho tôi có cảm giác việc được nhận vào trường đã nằm trong túi.
Tuy nhiên, năm đó tôi lại bị từ chối mà đến giờ tôi cũng chưa biết lý do tại sao và ngay cả giáo sư có tên tuổi nêu trên cũng nói với tôi là thầy ngạc nhiên vì tôi không được nhận.
Nói gì thì nói, rớt là thực tế và đương nhiêu là thất vọng, nhưng phải làm lại từ đầu chứ có cách nào khác đâu.
Ngay học kỳ xuân năm 2010, khi bị rớt tôi vẫn cố gắng thực hiện hai nghiên cứu thật tốt dưới sự hướng dẫn của hai giáo sư nêu trên. Một trong hai nghiên cứu là về dự án đường sắt cao tốc mà lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đã bác một dự án như vậy vào mùa hè năm 2010.
Khi biết tôi có ý định nộp lại hồ sơ, hai thầy đã ủng hộ ở mức có thể. Thậm chí lần này hai thầy còn xem qua đề cương nghiên cứu và góp ý giúp tôi.
Lần này thì tôi đã được nhận.
Điều quan trọng là trong một năm bị rớt này, tôi đã có thể tập trung rất nhiều vào các nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực mà tôi quan tâm.Do vậy, khi quay lại Harvard tôi đã có một số vốn lận lưng.
Nhờ những nghiên cứu trong năm này, cộng những may mắn và sự thuận lợi trong năm đầu tiên của chương trình tiến sỹ mà tôi đã trở thành người đầu tiên của trường bảo vệ luận văn tiến sỹ sau ba học kỳ.
Nếu tính thời gian từ lần đầu tôi nộp hồ sơ thì cũng đúng ba năm tôi cũng có thể tốt nghiệp (đây là chương trình 3 năm, nhưng thời gian tốt nghiệp trung bình của mọi người là trên 4 năm).
Thực ra nhờ một năm bị rớt này tôi mới có thể chuẩn bị kỹ hơn và hoàn tất chương trình học nhanh đến như vậy.
Không tính những lợi thế khác, chỉ riêng về tài chính thì bình quân chương trình 4 năm mới có thể tốt nghiệp thì tôi có hai năm đi làm có thu nhập (năm học 2010 – 2011 và năm nay tôi đang làm nghiên cứu sau tiến sỹ cũng là một dạng đi làm).
Đương nhiên ai cũng sẽ thất vọng khi nộp hồ sơ mà không được nhận. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bản thân tôi thấy rằng khi chưa được có thể là tiền đề chuẩn bị cho những thành công tốt hơn.
Do vậy, đừng quá thất vọng nha các bạn!
Huỳnh Thế Du