Xin được trích đoạn “Về tự do học thuật” trong cuốn sách “Thế giới như tôi thấy” của một trong những con người vĩ đại nhất của thế kỷ 20: Albert Einstein. Cuốn sách là tập hợp những bài viết, bài nói chuyện, thư từ và tiểu luận khoa học của ông. Trích đoạn “Về tự do học thuật” nằm trong Phần I – “Thế giới như tôi thấy” do dịch giả Đinh Bá Anh dịch. Sách được xuất bản bởi Nhà xuất bản Tri Thức.
Giáo sư Emil Julius Gumbel là một giảng viên đáng kính của Đại học Heidelberg từ 1923 đến 1932. Năm 1931, sau khi công bố một số tài liệu liên quan đến những bê bối chính trị của nước Đức, ông trở thành đối tượng bị bêu riếu và tẩy chay bởi các sinh viên cánh hữu (những sinh viên theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan). Thời gian này, Einstein đã hết mình ủng hộ Gumbel. Dưới đây là bài phát biểu của Einstein trong một cuộc họp nhân “Vụ Gumbel” năm 1931.
Bục giảng thì nhiều nhưng thầy giỏi và cao quý thì hiếm. Giảng đường thì nhiều và rộng, nhưng số người trẻ tuổi thành thật khao khát chân lý và lẽ công bằng thì ít. Tạo hóa hào phóng vung ra vô số sản vật, nhưng chỉ hy hữu mới sản sinh ra vài hạt giống tốt.
Điều đó chúng ta ai cũng biết cả, vậy còn than vãn làm chi? Chẳng phải đã luôn thế và sẽ luôn thế hay sao? Hẳn vậy, và người ta phải chấp nhận cái mà tạo hóa ban cho họ, đúng như nó vốn thế. Song bên cạnh đó còn có một tinh thần thời đại, một lý tưởng đặc thù của thế hệ, lý tưởng được truyền từ người này qua người khác, mang lại dấu ấn tiêu biểu cho một cộng đồng. Mỗi chúng ta cần đóng góp phần nhỏ bé của mình cho sự chuyển đổi của tinh thần thời đại ấy.
Các bạn hãy so sánh cái tinh thần thấm nhuần trong giới trẻ hàn lâm cách đây một trăm năm với tinh thần của giới trẻ hôm nay! Đã từng có một niềm tin về sự cải thiện xã hội loài người, từng có sự kính trọng trước mỗi quan điểm chân thật, từng có sự khoan dung cởi mở mà vì chúng, các nhà cổ điển của chúng ta đã sống và chiến đấu. Ngày đó, đã từng có một nỗ lực hướng tới sự thống nhất rộng lớn về chính trị với tên gọi Nước Đức, và lý tưởng ấy được nuôi dưỡng trong giới trẻ hàn lâm và giảng viên đại học.
Ngày hôm nay cũng đang có một nỗ lực hướng tới tiến bộ xã hội, hướng tới sự khoan dung cởi mở và tự do tư tưởng, tới sự thống nhất rộng lớn hơn nữa về chính trị với tên gọi Châu Âu. Nhưng hôm nay, giới trẻ hàn lâm lại không phải là giới gánh vác hi vọng và lý tưởng của dân tộc, cũng tương tự như giới giảng viên đại học. Bất kỳ ai có cái nhìn lạnh lùng và tỉnh táo về thời đại của chúng ta đều phải thú nhận điều đó.
Hôm nay chúng ta đến đây để cùng nhau nghĩ lại về chính chúng ta. Lý do ngoại cảnh của việc tụ họp này là “Vụ Gumbel”. Con người đầy ý thức về lẽ phải ấy, bằng sự tận tâm hết mình, bằng sự dũng cảm lớn lao, và bằng tính khách quan mẫu mực, đã viết về những tội ác chính trị không bị trừng phạt; ông đã đóng góp lớn cho xã hội bằng những cuốn sách của mình. Hôm nay chúng ta chứng kiến, con người này đang bị đấu tố và bị tìm cách xua đuổi bởi giới sinh viên và phần nào đó, cả bởi tập thể giáo viên của trường đại học nơi ông làm việc.
Nhiệt tình chính trị không thể được phép đi quá đà như vậy. Tôi tin rằng bất kỳ người nào từng đọc sách của Gumbel với tinh thần cởi mở đều có cảm nghĩ giống tôi. Chúng ta cần những người như vậy, nếu chúng ta muốn hướng tới một cộng đồng chính trị lành mạnh.
Mỗi người hãy phán xét theo sự cân nhắc của bản thân, dựa trên những gì chính mắt mình đọc được, chứ không phải theo những điều người khác nói!
Nếu được thế, “Vụ Gumbel” sau hồi đầu không lấy gì làm hay ho vẫn có thể có tác động tốt đẹp.
Theo Đinh Bá Anh (dịch)/hocthenao.vn