Những lời chúc, cho một năm mới hạnh phúc an vui đã lại vang lên trong các cuộc gặp gỡ từ khoảng giữa tháng 11 đến Tết âm lịch. Người người, nhà nhà cầu mong bình an, sức khỏe, sự phát đạt và sinh sôi nảy nở cho nhau. Loài người cổ kim luôn có những mẫu số chung về hạnh phúc và bình an, cho những tháng ngày cùng tồn tại trên cõi nhân gian này.
Những lời chúc:
Những lời chúc, cho một năm mới hạnh phúc an vui đã lại vang lên trong các cuộc gặp gỡ từ khoảng giữa tháng 11 đến Tết âm lịch. Người người, nhà nhà cầu mong bình an, sức khỏe, sự phát đạt và sinh sôi nảy nở cho nhau. Loài người cổ kim luôn có những mẫu số chung về hạnh phúc và bình an, cho những tháng ngày cùng tồn tại trên cõi nhân gian này.
Người Âu Mỹ đã phát thiệp với lời chúc chung Season Greetings bởi giai đoạn này là mùa Thanks Giving, rồi đến Noel, tết Dương lịch và rồi tết Âm lịch của nhân loại châu Á. Một lời chúc chung không dành cho chỉ một hoặc hai mùa vui mà thôi. Giáng sinh có lời chúc vui vẻ (Merry Xmas), cho cả một năm mới thì lời lẽ ở mức độ cao hơn, đó là “hạnh phúc” (Happy New Year). Chúc nhau một mùa vui nhưng không hẳn chỉ là một mùa mà kéo dài đến bốn mùa và xa hơn nữa. Chúc nhau sự sinh sôi nảy nở như một lời nguyện phồn thực và bền vững của giống nòi.
Người Trung quốc và nhiều nước Á Đông treo chữ Phúc, chữ Cát hay Ngũ phúc lâm môn (Phúc Lộc Thọ Khang Ninh) cũng là một ước nguyện viên mãn nhất có thể. Có phúc, lộc, thọ nhưng không khỏe mạnh (khang) mà bệnh rề rề thì cũng không được, song nếu có phúc lộc thọ khang mà tâm hồn không ninh tĩnh, “ăn thịt bò mà lo ngay ngáy” thì cũng khó coi.
Thật hạnh phúc cho những ai còn giữ được cho mình một vài tấm thiệp úa màu thời gian nhưng lời chào, lời chúc vẫn tươi như hoa Xuân.
Về tâm lý học, lời chúc có giá trị tự kỷ ám thị, vực dậy những tâm hồn nản chí trong những cuộc đua tranh, buộc họ phải quan tâm tới chính họ trong những ngày nhân quần cùng vui vẻ bên nhau. Những lời chúc của dân Do Thái lạc nước từ năm 70 đến năm 1948 dành cho nhau quả nhiên đã thành hiện thực.”Sang năm về Jerusalem!”
Tuy nhiên lời chúc tụng hay khẩu hiệu có khi đi bên lề hiện thực, khiên cưỡng, không phát từ thành tâm dễ trở thành lạc điệu như lời tụng bốn tốt và mười sáu chữ vàng. Khi đó lời tụng trở thành sáo rỗng và mỉa mai- y như một lớp phấn son không đủ sức để ngụy trang một dung nhan tàn tạ.
Chắc cũng chứng kiến những khiên cưỡng như vậy mà ngày xưa các cụ Yên Đổ và Vị Xuyên mô tả mùa xuân và các lời chúc một cách không mấy thiện cảm như
“Khăn là bác nọ to tày rế, váy lĩnh cô kia quét sạch hè” hoặc “Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu”, “Bồng bế nhau lên nó ở non”. Chính nhờ những lời chúc có phần cay đắng ấy mà trong mùa xuân, con người sẽ chúc nhau những mong mỏi về tương lai thành công, tốt lành, hiền hòa mà không lạc điệu hay xu thời phụ thế.
An bình và ninh tĩnh:
Liên quan đến an ninh vật chất và sự bình an trong tâm hồn thì không thể không bàn về sự bất an từ bên ngoài tác động vào một cá thể. Thucydide từ cổ xưa đã xác định một trong những lý do tiến hành chiến tranh của cổ nhân chính là sự mất an tĩnh của tâm hồn. Nỗi sợ hãi.
Đến thời buổi hiện đại này, nỗi sợ hãi, sự đe dọa vẫn đến từ nhiều nơi, không chắc ít hơn ngày xưa vì tiến bộ khoa học cho phép con người loại bỏ nhiều nỗi sợ hãi nhưng cũng mang đến nhiều âu lo khác. Cơn bão quái ác Haiyan là lời nhắc nhở của tự nhiên đến sự mong manh của con người. Lúc này, những lời chúc trở nên ít có ý nghĩa hơn một hành động cụ thể hay một cái bắt tay thân ái. Ngoài thiên tai, nỗi bất an dễ thấy nhất đó là cái đói ăn trên 870 triệu dân toàn thế giới và đi kèm là lạc hậu và bị cách ly khỏi những tiện ích mà thế giới đang được thụ hưởng. Công việc bảo đảm an ninh lương thực thường được nhắc đến thời gian gần đây. Khi đói, khi lạnh hay bị ngược đãi, những lời chúc lành sẽ nâng con người vượt qua khổ sở. Và khi vượt qua khó khăn vật chất, con người đòi hỏi quyền của mình được nâng lên như những nấc thang Maslov cao dần và trên cùng là những nhu cầu về quyền tinh thần, tâm linh. Sự bình an trong tâm hồn cũng đến từ quyền được thờ phượng và an trú trong không gian tâm linh của cá nhân. Những câu chúc an ổn trong tâm thường nghe như :”Chúc thân tâm an lạc” “Chúc thường lạc” cũng rất là hiện thực và cụ thể.
Nhân tai như vụ xả lũ để gây ra cái chết hàng chục người, nhiều án oan sai và sự chai đá của công bộc, sự lạnh lùng của công dân đối với nhau chẳng phải là mất an ninh sao?
Để định nghĩa sự bình an, người đọc có thể thấy hàng loạt thể hiện cho sự bất an: từ tảng thiên thạch cho đến con vi khuẩn từ nước không sạch đến mưa acid, từ khủng bố đến biến đổi khí hậu, từ đổ vỡ hệ thống gia đình đến biến tướng của những tôn giáo, từ láng giềng ba trợn đến tên xâm lược trâng tráo, từ truyền thống đến phi truyền thống . Những sự an ổn ngắn hạn phải đánh đổi bằng những cuộc biến động máu lệ. Sự bình an đôi lúc đầy miễn cưỡng kiểu như “thôi thì hy sinh cho thế hệ sau” với một niềm tin vu vơ rằng chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, nhân họa sẽ chỉ là những chuyện của ai đó, của xứ nào đó.
Chưa kịp điều chỉnh mình theo tầm nhìn của Rachel Carson, nhà đấu tranh bền bỉ về môi trường, thì con người lại vẫn hứng chịu nhiều bất an hơn nữa, không giới hạn bởi vùng miền hay quốc gia, tiến bộ hay lạc hậu. Bom tự sát của Al Qeada hay hô hoán giành biển bằng chữ U tưởng tượng chẳng những làm nhân loại bất bình mà còn không giảm đi bất an cho các tác giả tham lam, bạo lực. Tôi dám cá!
Bởi vậy, Tết và ước mong bình an vẫn luôn xoay vần đến với nhân gian mỗi năm một bận. Bởi vậy, những lời chúc an bình dù có phần chua chát của hai cụ Nguyễn, Trần vẫn sáng tươi hơn những lời tụng hòa mà không bình, an mà không ninh của cờ hoa, phướn liễn.
Năm mới, bên cạnh những lời chúc tốt đẹp, có lẽ chọn làm một điều lành sẽ khiến cho lời chúc được hiện thực hơn. Những lời chúc sẽ như một sức mạnh tinh thần dẫn dắt con người đến bình an và hạnh phúc, chứ không phải dìm cho con người mê mẩn và mê tín đi. Những cờ phướn chúc tụng quá sự thật hay tấm thiệp Season Greetings sặc sỡ sẽ bị gỡ bỏ khỏi vách thời gian. Chỉ có ước muốn của con người về một miền an hòa, ninh tĩnh, yên vui và chân thật vẫn còn đó. Những lời chúc ấy ấm lành, sáng tươi như bãi mía nương dâu, như bát cơm manh áo thoát kiếp cơ cầu trong một mùa Xuân Vĩnh Cửu.
Theo TS.Lê Vĩnh Trương/Sai Gon tiep thi