Một tỉ lệ không nhỏ du học sinh học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài sẽ trở về Việt Nam giảng dạy. Khi trở về, họ nên lưu ý điều gì để “hòa nhập trở lại” và đóng góp tích cực cho nền giáo dục trong nước? PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, ĐH Ngoại thương sẽ giải đáp thắc mắc này.
Tham gia chuyên đề “sếp Việt nghĩ gì về du học sinh”, PGS, TS Phạm Thị Hồng Yến gửi cho Ban biên tập Sinhvienusa.org bài viết như một lá thư giành cho du học sinh với nhiều thông tin bổ ích. Dưới đây là toàn văn bài viết của TS.Phạm Thị Hồng Yến, một chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức cán bộ tại trường đại học.
Các bạn du học sinh thân mến!
Từ năm 2008 đến nay, Trường đại học Ngoại thương đã có hơn 40 giảng viên được đào tạo ở nước ngoài như Anh, Úc, Mỹ …về nước và tiếp tục công tác tại trường.
Tôi nhận thấy du học sinh là những người có khả năng nhìn vấn đề đa chiều, do đó các bạn nắm được bản chất vấn đề tốt hơn các bạn cùng lứa tuổi nhưng học trong nước. Các bạn có năng lực ngoại ngữ rất tốt, có tri thức mới và có phương pháp tiếp cận mới trong nghiên cứu cũng như trong việc thực hiện các công việc được giao.
Có người nói rằng du học sinh thường chảnh, đòi lương cao… nhưng với nhiều năm làm công tác cán bộ, tôi thấy phần lớn du học sinh về công tác tại trường ĐH Ngoại thương không chảnh, luôn cầu tiến và học hỏi.
Tuy nhiên, có một số điểm yếu mà du học sinh có thể mắc phải: Thứ nhất, khi các du học sinh vừa về nước, các bạn thường có tư tưởng rụt rè, chưa dám phát biểu ý kiến của mình; từ đó, các bạn thường có tâm lý sống khép kín hoặc chỉ chơi với các bạn cùng đi du học, như vậy rất khó để tổ chức nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các bạn nhằm có hướng trọng dụng các bạn một cách hiệu quả.
Thứ hai, những du học sinh đi học lâu thường bị ảnh hưởng bởi văn hóa của nước họ học tập, do đó, có sự khác biệt trong hành động cũng như suy nghĩ chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tôi rất mong các bạn “thích nghi trở lại” và có cách tiếp cận mềm mỏng, linh hoạt để có thể hòa nhập với tập thể, góp phần hoàn thiện tổ chức và đưa tổ chức phát triển mạnh hơn.
Điều đáng mừng là theo quan sát của tôi, khi các bạn du học sinh đã hòa nhập được “trở lại” với điều kiện Việt Nam, các bạn phát huy rất tốt những điểm mạnh của mình trong nghiên cứu cũng như trong giảng dạy;
Ở trường Đại học Ngoại thương, phần lớn các viên chức học ở nước ngoài về công tác tại trường đều được đồng nghiệp và sinh viên đánh giá cao về chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, có một số trường hợp, giảng viên đã không gắn bó với trường vì họ những kế hoạch khác so với kế hoạch của nhà trường, đây là điều chúng tôi rất tiếc và trăn trở.
Có bạn đề nghị tôi cho lời khuyên: Vậy các bạn nên làm thế nào để có thể hòa nhập tốt với môi trường giảng dạy đại học ở Việt Nam khi các bạn trở về?
Theo kinh nghiệm của tôi, để có thể hòa nhập tốt với môi trường trong nước nhằm đóng góp được nhiều cho sự phát triển của đất nước thì các bạn du học sinh cần chuẩn bị một số hành trang như sau:
Thứ nhất, trong suốt quá trình học tập tại nước ngoài, các bạn cần giữ liên lạc chặt chẽ với cơ quan công tác, với đồng nghiệp để biết được những thông tin của cơ quan công tác, những thông tin có liên quan đến công việc của mình và đồng thời nắm bắt được điều kiện Việt Nam ra sao…
Bằng việc gửi các báo cáo định kỳ 6 tháng/lần, tổ chức sẽ nắm bắt được quá trình học tập của các bạn ra sao, những giá trị gia tăng mà các bạn thu nhận được từ nước ngoài để từ đó có được những kế hoạch sử dụng phù hợp trong tương lai. Là người làm công tác cán bộ, tôi cho rằng điều này là hết sức quan trọng, nó tốt cho cả các bạn và cho chúng tôi trong việc bố trí, sắp xếp vị trí công tác.
Tiếp theo, khi các bạn du học sinh có những đóng góp về mặt khoa học, các bạn nên nên chia sẻ những thành quả này với tổ chức bằng cách gửi các tóm tắt nghiên cứu cho các hội thảo trong trường cũng như các hội thảo trong nước.
Vấn đề quan trọng quyết định đến thành công của các bạn du học sinh sau khi về nước công tác đó là việc “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Các bạn tham gia cùng tập thể nhưng làm sao phải phát huy những sáng tạo, tiêu chuẩn cao của nước ngoài mà các bạn học được để tạo ảnh hưởng lên bạn bè, đồng nghiệp. Có như vậy, các bạn mới chứng tỏ được mình và cùng góp phần cho tổ chức phát triển hơn.
Ngoài ra, như trên tôi đã nói, một vấn đề quan trọng cần lưu ý đó là du học sinh khi trở về không nên sống quá khép kín, không nên chỉ chơi với nhóm bạn cùng học nước ngoài, các bạn nên cởi mở và thân thiện với những người trong cơ quan công tác để từ đó tổ chức sẽ có các phương án sử dụng “nhân tài” như các bạn phù hợp hơn.
Cuối cùng, tôi chúc các bạn có sức khỏe tốt cả về thể lực và tinh thần, học tập thật tốt để trở về đóng góp nhiều hơn cho nền giáo dục nước nhà.
Thân mến
Phạm Thị Hồng Yến
Bài 5. Nhà báo Trần Việt Hưng, trở về từ trường báo chí danh tiếng Lille, Pháp, hiện là Phó tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên chia sẻ với du học sinh khi trở về: “Kinh nghiệm của riêng tôi, đó là nên thiết lập được kênh đối thoại trực tiếp với người phụ trách, để chia sẻ những tri thức mới, lắng nghe và học hỏi những vấn đề đặt ra của tổ chức, tranh thủ sự hậu thuẫn của người có trách nhiệm với những ý tưởng, khát vọng của mình”.