Nhà báo Trần Việt Hưng từng tốt nghiệp trường báo chí danh giá Ecole Supérieure de Journalisme de Lille (Pháp), hiện là Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên. Nhà báo Việt Hưng đã dành cho sinhvienusa.org cuộc trao đổi thẳng thắn với góc nhìn của một “sếp” làm việc tại cơ quan báo chí uy tín tại Việt Nam.
Nhà báo Trần Việt Hưng khi dự hội thảo tại Hàn Quốc
Từng là du học sinh trở về từ Pháp rồi sau này làm công tác quản lý với một số nhân viên từng du học nước ngoài, anh nhận thấy du học sinh có điểm mạnh, điểm yếu gì?
Nhà báo Trần Việt Hưng: Các cựu du học sinh thường là những người có một số phẩm chất cá nhân vượt trội: ngoài ngoại ngữ như là công cụ để thu nhận tri thức mới, họ thường có phương pháp làm việc khoa học hơn đồng nghiệp khác, kiến thức nền tảng cũng vững vàng hơn. Còn các kỹ năng khác như giao tiếp, khả năng dẫn dắt, sự tự tin… thì không phải là đặc quyền của người học ở nước ngoài
Một số người cho rằng du học sinh chảnh (kiêu kỳ, tự mãn), thiếu thực tế… Anh có đồng ý với quan điểm này?
Nhà báo Trần Việt Hưng: Tôi đồng ý một phần. Một trong những hạn chế của du học sinh đó là thường thiếu thực tế nên tư duy đôi khi máy móc; kỹ năng giao tiếp mặc dù rất tốt có thể vẫn không phù hợp với môi trường văn hóa Việt Nam. Kỳ vọng về đãi ngộ của họ cũng thường cao hơn trung bình, dẫn đến chỗ nôn nóng trong đòi hỏi quyền lợi
Từ chính câu chuyện của bản thân mình, anh có thể cho du học sinh lời khuyên: họ cần phải chuẩn bị những gì trước khi trở về?
Nhà báo Trần Việt Hưng: Trước khi trở về nước, theo tôi, quan trọng nhất là du học sinh cần chuẩn bị về mặt tư tưởng. Việc này bao gồm một loạt thao tác tư duy: trước hết là tự đánh giá toàn diện năng lực của mình – bao gồm cả tri thức tích lũy trong quá trình học tập, phẩm chất cá nhân, mạng lưới quan hệ xã hội của bản thân và gia đình… Trong những yếu tố đó, đánh giá xem yếu tố nào thuận lợi/không thuận lợi cho việc trở về nước. Sau đó là tự vấn về nguyện vọng, sở thích, nhu cầu của mình, xem có phù hợp với môi trường sống và làm việc trong nước hay không. Trong mọi trường hợp, kể cả khi mọi điều kiện khách quan và chủ quan đều cho thấy bạn nên về nước, bạn cũng cần hiểu rằng thực tế sẽ khó khăn hơn bạn tưởng, xác định trước như vậy để sau này khi vấp váp, bạn sẽ không nản lòng.
Kinh nghiệm của riêng tôi, đó là nên thiết lập được kênh đối thoại trực tiếp với người phụ trách, để chia sẻ những tri thức mới, lắng nghe và học hỏi những vấn đề đặt ra của tổ chức, tranh thủ sự hậu thuẫn của người có trách nhiệm với những ý tưởng, khát vọng của mình.
Một số người đang du học lo ngại rằng khi trở về, nếu chỉ có một mình trong một tổ chức thì rất khó phát huy tính sáng tạo, những kinh nghiệm học được từ nước ngoài, thậm chí sẽ “bị đì, bị dìm”. Anh có thể cho họ lời khuyên?
Nhà báo Trần Việt Hưng: Thực tế sẽ khó khăn hơn bạn tưởng, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi chuyện ở VN, mọi nơi ở VN đều đen tối hết. Điều lo ngại nhất của mọi trí thức trẻ, không chỉ là những người được đào tạo ở nước ngoài, đó là không được phát huy hết năng lực, sức sáng tạo của mình. Nhưng tôi có thể khẳng định người trẻ có tài ngày càng có nhiều không gian để tự khẳng định mình. Có lẽ chỉ trừ một số “điểm đen” thường là trong khu vực nhà nước, còn lại cả xã hội VN đang phải chuyển mình theo chiều hướng tích cực: cạnh tranh hơn, dân chủ hơn, hiệu quả hơn. Mà như thế thì chỉ lo thiếu người tài chứ không lo thiếu chỗ đứng cho người tài.
Theo tôi, sau khi học xong, nếu có cơ hội, các bạn nên tìm cách ở lại làm việc cho một số doanh nghiệp, cơ quan tại nước ngoài một thời gian sau đó hãy về nước. Môi trường giáo dục dù tân tiến đến đâu cũng không thể hoàn toàn giống môi trường làm việc. Trải qua một thời gian, tính bằng tháng hay năm tùy mỗi người định đoạt, để học hỏi thêm những kiến thức thực tế, sẽ là lợi thế đáng kể cho các bạn khi về nước
Với góc nhìn của một nhà báo, theo anh, nhà nước cần có chính sách gì để thu hút và sử dụng nguồn chất xám của du học sinh Việt?
Nhà báo Trần Việt Hưng: Vấn đề này quá lớn để trả lời một cách ngắn gọn. Song theo tôi, không hẳn là cần một chính sách cho riêng đối tượng này, mà cần nhất là một chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài nói chung để thu hút họ vào một số ngành trọng điểm: sư phạm, hành chính, nghiên cứu ứng dụng. Còn nếu nói riêng một chính sách cho du học sinh, thì đó là nên có chính sách tín dụng để khuyến khích thanh niên ra nước ngoài học tập, đổi lại bằng cam kết trở về nước sau khi học xong
Xin cảm ơn anh
Káp Thành Long (thực hiện)
Email của nhà báo Trần Việt Hưng: viethung@thanhnien.com.vn
Bài 6. “Nếu có tài mà không có tâm sáng thì rất khó phát triển lâu dài”, đó là chia sẻ của anh Nguyễn Mạnh Tuấn, giám đốc công ty SkyMedia Quốc tế, anh Mạnh Tuấn kể về trường hợp một du học sinh thiếu trung thực, lợi dụng uy tín công ty để “đánh bóng” tên tuổi của mình.