(SinhvienUSA) Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sky Media Quốc tế, chủ thương hiệu Adamo Studio khẳng định: “Rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam luôn mong muốn có được những thành viên là du học sinh để mang đến sức sống mới cho tổ chức của mình”.
Trong quá trình công tác, anh Nguyễn Mạnh Tuấn từng có 5 nhân viên là du học sinh. Anh chia sẻ “kỷ niệm đáng nhớ” với một bạn trong số đó: Năm 2009, khi đang làm phó giám đốc của một công ty phát triển công nghệ, tôi có nhận 1 bạn về phụ trách mảng marketing và đối ngoại. Đây là một bạn gái đã học tại nước ngoài từ cấp 3, có 2 bằng cử nhân nước ngoài. Trong thời gian ngắn làm việc, bạn này đã có những đóng góp tốt cho công ty, gây ấn tượng khá tốt cho các thành viên về sự hiểu biết, năng nổ cũng như nhiều mối quan hệ rộng của mình. Bạn này càng ghi điểm hơn khi giới thiệu cho tôi một họ hàng đang làm cho một quỹ đầu tư tại Nhật, muốn đến thăm và làm việc với công ty chúng tôi, nhưng yêu cầu mọi liên hệ, giao dịch phải qua bạn này. Chúng tôi rất mừng khi nhận được thông tin này.
Tình cờ, một người trong ban giám đốc công ty nhận ra người Việt Nam đại diện của quỹ đầu tư đó là đồng nghiệp khi còn công tác bên Nhật. Và khi tìm hiểu kỹ thêm, chúng tôi mới biết là Quỹ đầu tư của Nhật liên hệ với chúng tôi trực tiếp qua email giao dịch do bạn gái đó phụ trách, và người đại diện cũng chẳng có họ hàng gì hết. Bất ngờ trước việc chúng tôi sắp xếp được gặp gỡ với đại diện của quỹ đầu tư kia mà không qua mình, bạn này này biết những lời nói dối của mình đã bị lật tẩy nên xin nghỉ việc.
Sau khi bạn đó chuyển đi, chúng tôi lại phát hiện bạn này có làm hồ sơ xin việc sang các công ty khác, trong đó chức danh của bạn gái này trong quá trình công tác tại công ty tôi được điền là: Tổng giám đốc.
Rất mừng là ngoài kỷ niệm không hay ở trên, từ thời điểm đó cho tới nay, các du học sinh mà tôi tiếp xúc, dù ở vai trò khách hàng, đối tác hay nhân viên đều để lại những ấn tượng tốt và khiến tôi muốn cộng tác lâu dài.
Trong quá trình công tác, anh nhận thấy du học sinh có ưu điểm gì?
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn: Sự tự tin, mạnh dạn trên cơ sở một nền giáo dục tiên tiến chính là hành trang quý giá nhất mà họ mang đến các doanh nghiệp. Đó là chưa kể các mối quan hệ quý báu mà họ tích luỹ trong quá trình du học.
Vậy để phát huy hết những lợi thế sẵn có, du học sinh cần chuẩn bị những gì trước khi về nước làm việc?
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn: Tôi nghĩ, cái quan trọng nhất là cần có sự cởi mở về mặt tâm lý để đón nhận những khác biệt so với môi trường làm việc nước ngoài, để từ đó nhanh chóng hoà nhập tiến tới phát huy những thế mạnh thu nhận được từ nền giáo dục nước ngoài. Với những doanh nghiệp như Adamo Studio, luôn hướng tới các quy chuẩn quốc tế và khách hàng nước ngoài, thì việc hoà nhập cho các du học sinh sẽ suôn sẻ hơn khá nhiều.
Một số người đang du học lo ngại rằng khi trở về, nếu chỉ có một mình trong một tổ chức thì rất khó phát huy tính sáng tạo, thậm chí sẽ “bị đì, bị dìm”. Anh có thể cho họ vài lời khuyên?
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn: Tôi nghĩ những lo lắng này là có cơ sở và chắc hẳn đã xảy ra ở 1 vài nơi. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên quá lo lắng vì tôi gặp rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam luôn mong muốn có được những thành viên là du học sinh để mang đến sức sống mới cho tổ chức của mình. Vấn đề của các bạn là tìm ra những doanh nghiệp như vậy. Nếu Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ trở thành cầu nối cho các du học sinh và doanh nghiệp khát khao tiến bộ như vậy thì tôi nghĩ là xã hội sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Và chắc chắn nếu mạng lưới này được thành lập thì Adamo Studio sẽ đồng hành cùng các bạn
Về nơi làm việc, tôi biết một số bạn phân vân lựa chọn giữa doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước để làm việc. Theo quan điểm của tôi, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ là địa điểm phù hợp nhất với các bạn du học sinh khi mới trở về, sau đó sẽ tới các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam có hoạt động ở phạm vi quốc tế. Tất nhiên, nếu muốn tìm kiếm sự đột phá, các du học sinh có thể tìm ciác doanh nghiệp Việt còn nhỏ, nhưng có khát vọng lớn để trở thành một thành phần quan trọng của doanh nghiệp đó, cùng doanh nghiệp hiện thực hoá khát vọng vươn mình đó. Và tại sao lại không tự mở một doanh nghiệp nếu những nơi bạn tìm đến đều không phù hợp?
Là người khởi nghiệp thành công, anh có kinh nghiệm nào để thích nghi tốt với môi trường công tác ở Việt Nam?
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn: Tôi nghĩ quan trọng nhất là tâm lý phải cởi mở, sẵn sàng đón nhận những khác biệt. Nếu có tâm lý đó rồi, thời gian hoà nhập sẽ không quá lâu dù bạn chọn phương pháp tiếp cận từng bước hay tức thì. Tất nhiên, không phải lần thử nào cũng thành công, có thể bạn sẽ thất bại để phải chuyển sang thử ở một doanh nghiệp hay tổ chức khác, nhưng nó sẽ là kinh nghiệm quý báu cho con đường phát triển lâu dài của các du học sinh.
Theo anh, nhà nước cần có chính sách cụ thể gì để thu hút và sử dụng nguồn chất xám của du học sinh Việt?
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn: Tôi nghĩ Việt Nam không thiếu các chính sách, vấn đề là tìm ra những vị quản lý các cấp có tâm, có tầm để cụ thể hoá và thực hiện các chính sách này đến nơi đến chốn, sau đó mới hãy nghĩ đến các chính sách mới.
Trân trọng cảm ơn anh.
Káp Thành Long (thực hiện)
Adamo Studio (http://adamo-studio) là một thương hiệu chuyên thiết kế các sản phẩm Infographic tại Việt Nam, hiện đang đặt trụ sở tại Hà Nội. Sản phẩm mà Adamo Studio cung cấp là Infographic dưới dạng: video clip, hình ảnh và thuyết trình. Mặc dù Infographic mới phát triển mạnh trên thế giới trong 2 năm trở lại đây và tất nhiên là còn rất mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đã khá nhiều tổ chức lớn đã quan tâm tới dịch vụ của Adamo Studio, gồm: Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Trung ương Đoàn, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, Vietnamnet, Truyền hình An ninh và các doanh nghiệp khác.
Bài 7: Đúng ngày đầu tiên của năm mới âm lịch tại Việt Nam, qua trang tin www.sinhvienusa.org, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn thể du học sinh. Đại sứ cũng chia sẻ thời gian ông học tập tại Mỹ và những bài học kinh nghiệm mà ông đã trải qua để hoàn thành tốt công việc trong ngành ngoại giao.