Ở một đất nước xa lạ, tôi hiểu nếu không muốn bị coi thường, được đối xử bình đẳng, muốn thật sự được tôn trọng thì cần phải học tập cái tốt đẹp và giữ gìn bản sắc của chính dân tộc mình. Chúc tất cả các anh/chị/các bạn du học sinh Việt Nam sẽ luôn gặp thành công trên con đường mình chọn. Mới đi xa nhà chưa lâu, nhưng giờ là lúc tôi thấm thía câu nói: “Đi xa là để nhớ về”.
17 tuổi, tôi bước ra khỏi vòng tay bao bọc của ba mẹ, rời xa họ hàng, bạn bè, tạm biệt Việt Nam yêu quý. Tôi đi du học. Australia là nơi tôi đến.
Mỗi người có điểm mạnh riêng…
Đó là điều dễ dàng nhận thấy và được công nhận ở đây, dù bạn học giỏi hay hát hay hoặc chơi thể thao tốt, đều được động viên và đánh giá cao như việc học giỏi toán, văn vậy. Ngoài toán và tiếng Anh là hai môn bắt buộc, học sinh trong trường đều được tự chọn cho mình 4 môn học tùy sở trường. Môn học nhiều về số lượng và thể loại cũng rất đa dạng, từ các môn tự nhiên, xã hội đến kinh doanh và nghệ thuật. Các khóa học chuyên sâu về âm nhạc hay thể thao cũng rất phổ biến trong trường học.
Tất cả tài năng đều đáng được tuyên dương, điều này là thực tế ở nơi này. Chúng tôi mỗi năm có 2 lễ trao giải được tổ chức rất cẩn thận và đó là lễ trao giải về thể thao và học tập. Tôi nhớ có lần thầy Siddle, thầy giáo giúp học sinh định hướng sau khi tốt nghiệp (guidance officer) bảo chúng tôi, con người thành công khi tự chọn con đường phù hợp với chính mình và đi trên nó thật tốt. Tôi thật sự rất thích việc mọi người được phát triển tự nhiên bởi lẽ, đến cây cỏ còn mỗi loại cũng phát triển khác nhau nữa là con người?
Ở trường tôi nhiều bạn lựa chọn con đường thể thao chuyên nghiệp rất được bố mẹ và nhà trường cổ vũ. Có bạn, sau khi đi thực tập và được giấy chứng nhận học nghề, lại chọn sẽ đi làm ngay khi hết phổ thông; nhiều bạn tìm được đại học ưng ý rồi quyết tâm học tốt để được nhận. Đâu phải chỉ có một con đường để tới thành Rome!
Trong lớp học dành riêng cho học sinh cuối cấp, một tuần một buổi, tôi vẫn nhớ cô Thwaite cầm tờ thời gian biểu của tôi lắc đầu: “Em không nên đi ngủ 11 giờ nhé, ngủ 10 giờ mới tốt”. Tôi ngạc nhiên lắm, bởi chúng tôi, khi ở Việt Nam, việc ngủ 11 hay 12 giờ cũng là chuyện thường, nhất là các kỳ thi quan trọng đang tới gần.
Ở đây, các bạn và thầy cô đều cho rằng việc học vốn dĩ quan trọng nhưng không phải quan trọng nhất, chúng tôi được khuyến khích tự học 10 giờ mỗi tuần là tối đa. Mỗi kỳ mỗi môn thường yêu cầu làm báo cáo hoặc làm bài thi, có đôi lúc thì làm cả hai. Tôi mới sang cũng thích lắm, do thi cử rất dãn cách, trung bình 2 tháng rưỡi chúng tôi mới có kỳ thi, trong khi học thì tuyệt nhiên không bao giờ có kiểm tra.
Các hoạt động ngoại khóa cũng rất quan trọng bên cạnh chuyện học. Chúng tôi có rất nhiều các hoạt động như thi hùng biện, thi thể thao, phát biểu tranh cử chủ tịch hội học sinh…, nhờ những điều đó, chúng tôi phát triển được nhiều mặt hơn. Chẳng vậy mà ở đây rất ít các bạn rụt rè, phần đông đều rất cởi mở. Kỳ nghỉ là để nghỉ ngơi và ở bên gia đình. Chúng tôi ở đây một khi đến cuối tuần hay kỳ nghỉ hết kỳ đều không bao giờ có bài tập, bởi đã là kỳ nghỉ thì tại sao lại phải học?
Lễ trao giải năm học 2013. Diệu Linh đang nhận giải thưởng dành cho học sinh quốc tế của năm. |
Thực hành là nhớ mãi, thực tế để ứng dụng
Thú thật, khi mới xem qua sách vở tài liệu, tôi khá tự tin mình sẽ được điểm cao bởi kiến thức thật sự không khó, kể cả khi tôi học ở lớp toán nâng cao. Nhưng sau đó không lâu, tôi nhận ra là tôi đã nhầm. Mọi thứ đều gắn với thực tế, đòi hỏi hiểu thực chất vấn đề và phân tích lý giải chứ không phải chỉ tính toán ra là đủ, điều mà với tôi là gần như mới hoàn toàn.
Với các môn tự nhiên, tôi rất tự tin với kỳ thi giấy, khi các công thức được đưa ra và giải bài áp dụng, nhưng lại rất bỡ ngỡ với việc thiết kế và thực hành thí nghiệm cá nhân cho các bài báo cáo chuyên sâu (extended investigation). Như kỳ trước, môn vật lí, chúng tôi phải thiết kế thí nghiệm tạo ra pin từ chất hóa học, tất cả là tự làm, tự nhận xét ưu khuyết điểm về sản phẩm của mình trong báo cáo, thầy cô chỉ hướng dẫn cấu trúc bài, còn tất cả đều phải tự tìm tòi trên mạng internet hay mượn sách thư viện.
Môn sinh học tôi phải làm là tìm hiểu về một loại vi sinh vật bằng cách tự thiết kế thí nghiệm đưa các mẫu vi sinh vật vào các môi trường khác nhau rồi quan sát, viết báo cáo. Hay như môn hóa kỳ này tôi được học các lý thuyết để áp dụng vào việc hít thở trên cạn và việc lặn dưới nước, rất thú vị, chúng tôi liên tục nói chuyện với nhau về những gì được học và còn rủ nhau đi lặn sau khi hiểu rõ cách lặn cho đúng và an toàn. Giờ tôi vẫn nhớ y nguyên những lý thuyết tôi áp dụng vào các thí nghiệm trên.
Giống như đi xe đạp vậy, chúng ta không bao giờ có thể quên đi xe đạp dù nhiều năm chuyển sang đi xe máy bởi ta thực sự đã biết đạp xe, không giống như cầm quyển sách học thuộc làu làu rồi quên ngay sau khi rời phòng thi. Nhưng thực hành chẳng bao giờ là dễ, có phải ai cũng biết đi xe đạp sau khi ngồi lên yên?
“Hoà nhập chứ không hoà tan”
Đó là điều mà khi còn đang học cấp 3 ở Hà Nội, cô giáo dạy văn của tôi thường dặn dò khi thấy đám học sinh chuyên Anh chúng tôi lúc nào cũng bù đầu vào lo du học. Tôi không bao giờ quên điều đó, bản thân tôi cũng là một người rất Việt Nam, không thể bỏ chấm nước mắm và ăn gạo.
May mắn cho tôi, Australia là đất nước với nhiều nền văn hóa giao hòa, tỉ lệ học sinh quốc tế ở trường tôi lên tới 20%. Có lẽ vì ở trong môi trường như vậy nên chúng tôi không bị đối xử phân biệt vì khác biệt màu da tiếng nói và bằng một cách nào đó, lại luôn giữ được trong mình một chút gì đó riêng độc đáo và khác biệt nhau.
Giống như việc hội học sinh Châu Á chúng tôi hay ngồi ăn cơm trưa với nhau và chia cho nhau các món ăn đặc trưng của nước mình để nếm thử. Tôi vẫn mặc áo dài, người ta sẽ lại thấy áo dài trắng hòa cùng kimono hay hanbok. Australia là nơi tuyệt vời để chúng tôi học hỏi những điều mới lạ văn minh và cũng là nơi để chúng tôi nhận ra giá trị độc đáo của dân tộc mình.
Australia có nhiều bang, mỗi bang có đặc điểm riêng và luật riêng. Ở Queensland, bang mà tôi đang sống, hết lớp 12 chúng tôi được xếp thứ tự trong bang (gọi là OP – Overall Position), có 25 bậc, cao nhất là 1 và thấp nhất là 25. Các trường đại học sẽ căn cứ theo kết quả xếp thứ của mỗi học sinh để nhận vào trường, tùy trường và tùy khoa sẽ có mức giới hạn xếp thứ được nhận.
Để công bằng giữa các trường, một bài thi được đưa ra làm thước đo chung, một bài thi không về kiến thức mà là kỹ năng, học sinh lớp 12 toàn bang nếu muốn vào đại học đều phải tham dự, thường diễn ra vào tháng 9 hàng năm. OP kể trên là dành cho các bạn muốn vào đại học, các bạn muốn học nghề hay đi làm thì có nhiều cách tính điểm khác, phù hợp từng đối tượng. Tôi vẫn giữ ước mơ làm bác sĩ với quyết tâm cao nhất trong năm lớp 12 sắp tới.
Vậy là một học kỳ nữa lại sắp trôi qua, tôi lại sắp được trở về nhà đón Tết cùng ba mẹ. Ở một đất nước xa lạ, tôi hiểu nếu không muốn bị coi thường, được đối xử bình đẳng, muốn thật sự được tôn trọng thì cần phải học tập cái tốt đẹp và giữ gìn bản sắc của chính dân tộc mình. Chúc tất cả các anh/chị/các bạn du học sinh Việt Nam sẽ luôn gặp thành công trên con đường mình chọn. Mới đi xa nhà chưa lâu, nhưng giờ là lúc tôi thấm thía câu nói: “Đi xa là để nhớ về”.
Huỳnh Diệu Linh/báo Lao Động
Học sinh của Keebra Park State High School Gold Coast, Queensland, Australia
Bài nguyên gốc đăng tại đây