Từ những điều mắt thấy tai nghe trong chuyện ăn uống của chính con gái mình tại trường mẫu giáo ở Cambridge, Massachusetts, tôi nhận ra rằng: Trẻ con hiểu về chữ công bằng rất đơn giản: Các bạn được ăn thì mình cũng phải được ăn. Có lẽ đây là quyền cơ bản nhất của lũ trẻ, có điều, quyền đó có đươc tôn trọng hay không mà thôi.
Đây là bức ảnh chụp tài khoản của bạn Thư (tên gọi ở nhà là Mỡ) và rất hiếm khi lại ở trạng thái dư tiền như thế này. Với số đa số các bố mẹ chưa từng sinh sống ở nước ngoài nói chung, hoặc ở Mĩ nói riêng thì khái niệm tài khoản sẽ được liên tưởng trực tiếp tới một cái gì đó rất người lớn, nhưng ở đây, lại là tài khoản tiền ăn ở trường bạn Mỡ bao gồm ăn sáng, ăn trưa và một số khoản ăn uống lặt vặt khác.
Bạn Mỡ học trường Kennedy Longfellow (gọi tắt là KLo), một trường ở bậc trung của thuộc hệ thống trường công lập thành phố Cambridge, bang Massachuset, Hoa Kỳ. Trường gồm các cấp lớp từ lớp mẫu giáo cho tới hết cấp II, mỗi học sinh trong trường dù ở cấp lớp nào, lớn nhỏ đều có một tài khoản như thế này tương ứng với mã số học sinh đươc quản lý trên quy mô toàn thành phố.
Tài khoản này được cập nhật hàng ngày khi các em tới cafeteria của trường (ở Việt Nam thường gọi là căng – tin) ăn sáng, ăn trưa hoặc đối với đa số học sinh hoặc ăn vặt, ăn lót dạ với các học sinh lớp lớn hơn hay những học sinh ở lại trường học thêm các lớp sau giờ học (thường là các lớp năng khiếu, thể thao hoặc hỗ trợ làm bài tập ở nhà với mức chi phí rất rẻ, tầm 30 usd/1 tháng, tương đương với 6 cái bánh kẹp ở cửa hàng ăn nhanh).
Các em ăn gì, người bán hàng sẽ tự động trừ vào tài khoản đó, bố mẹ chỉ việc chuyển tiền vào trả cho con. Học sinh ở cấp lớp nào thì cũng bình đẳng với nhau như vậy trong cách thức ăn uống ở trường. Các em được tự điều chỉnh việc ăn uống của mình mà không phải trả bằng tiền mặt, bố mẹ cũng kiểm soát được chuyện ăn uống ở trường của con mình một cách rất đơn giản và nhẹ nhàng. Có hai câu chuyện nhỏ mà mẹ Mỡ muốn kể về cái tài khoản này và kèm theo một câu chuyện khuyến mại.
Câu chuyện thứ nhất: Tài khoản của Mỡ
Khi mẹ nhận công việc Visting Scholar ở Harvard, Mỡ theo mẹ và bố chuyển tới sống ở thành phố Cambridge trong vừa vặn một năm học. Sinh năm 2008, Mỡ sẽ học năm cuối mẫu giáo ở Việt Nam, nhưng sang Mỹ, theo luật giáo dục ở bang này, vì Mỡ sinh sau ngày mùng 1 tháng 9 nên vẫn ở lớp dưới ngang bằng với lớp Mỡ vừa học ở Việt Nam là lớp Junior – Kindergarten (JK). Sau một loạt các thủ tục loằng ngoằng như kiểm tra trình độ tiếng Anh, tiêm chủng, khám sức khỏe và kiểm tra phản xạ cơ thể đủ kiểu thì Mỡ được nhập học, và vì học trường công nên Mỡ không phải đóng học phí. Trước khi đi học chính thức, mẹ và Mỡ có một buổi gặp riêng cô giáo để nhận biết cô giáo và trường học.
Thường ngày, Mỡ sẽ tự đi xe bus của thành phố, mẹ chỉ đưa ra bến xe bus cách nhà 5 phút đi bộ mà thôi. Ngày đầu tiên mẹ rất lo lắng vì không biết con mình ăn uống ra sao. Đã quá quen với việc ở nhà các con được bưng đồ ăn vào tận lớp, ăn xong các cô bưng đi mà có khi còn chẳng xong, có bạn lại phải có các cô đút cho mới ăn được hết suất, sang đây con lại còn phải tự đi ra ăn, tự lo mọi thứ, không biết con mình sẽ xoay sở ra sao.
Sáng hôm đó mẹ dậy sớm, nấu cho Mỡ ăn rồi đưa ra bến xe bus. 10 giờ, sốt ruột quá gọi điện hỏi cô giáo thì cô nói Mỡ đến trường ra cafeteria ăn sáng tiếp phát nữa, lại chuẩn bị đi ăn buổi trưa nữa rồi nên mẹ cũng hơi yên tâm. Về hỏi con gái, thấy con gái có vẻ khoái chí vụ đó lắm, vì con gái thấy mình rất người lớn, được tự chọn ăn gì, tự bê thức ăn từ quầy ra bàn, ăn xong tự dọn và đổ rác vào thùng như các anh chị lớn.
Tất cả quy trình đó, Mỡ học được trong vòng một ngày từ quan sát các bạn khác, cũng chẳng cần ai dạy dỗ huấn luyện gì cả.
Trong suốt 2 tuần sau đó, một phần là mẹ bận quá vì những việc ở văn phòng, phần chính là mẹ dốt các loại giấy tờ hành chính thủ tục, nhất là ở đây cái gì cũng làm online nên không biết làm sao mà trả tiền ăn cho con. Chỉ lo con mình đói thì chết. Sau 2 tuần trường gửi về một thông báo là tiền ăn của Mỡ chừng này chừng này và phải vào mylunchmoney để xác lập tài khoản và trả tiền bằng phương thức chuyển khoản, nếu không thì sẽ phải gửi check tới cơ quan phụ trách bữa ăn học đường của thành phố hàng tháng. Mẹ làm theo hướng dẫn nhưng không lập được tài khoản vì không có mã số học sinh, lúc đó mẹ Mỡ mới biết là có cái đó, gọi điện hỏi cô giáo phụ trách lớp mãi không được, gọi lên giáo vụ trường thì giáo vụ trường bảo hỏi cô giáo. Loanh quanh một hồi, tổng cộng mẹ Mỡ mất hơn một tháng mới lập được tài khoản và nạp tiền cho Mỡ, lúc đó “sổ đen” của Mỡ đã lên tới hơn – 50 USD. Việc tài khoản của Mỡ thường xuyên thâm hụt là chuyện thường ngày ở huyện, vì mẹ bận nên hay quên khuấy đi mất, lần nào chuyển tiền vào tài khoản của Mỡ cũng thấy hiện lên số âm. Nhưng chưa một lần nào mà bữa trưa Mỡ phải đứng ở ngoài cổng trường cả.
Câu chuyện thứ hai: Tài khoản của bạn bạn Mỡ
Bạn của Mỡ cùng tuổi, con một bác cũng đang làm sau Tiến sĩ ở trường Harvard. Bạn lúc chưa tới một tuổi đã tới Mỹ nên đã từng học qua các cấp lớp khác ở đây, nhưng mọi năm vì nhà bạn ở một thị trấn ven thành phố là Someville nên bạn học các trường ở đó (nói chung là cũng phải học đúng tuyến như ở Việt Nam).
Năm nay bạn chuyển trường sang trường Cambridge Port ở thành phố, nhưng thủ tục làm muộn một chút thành ra nhập học sau ngày khai giảng 2 tuần. Bạn “phi” thẳng vào lớp học mà chưa làm bất kì thủ tục gì. Mẹ của bạn rất lo lắng về chuyện ăn uống của con mình, không biết chưa làm xong thủ tục nhập học thì con mình có được ăn hay không. Một nỗi lo lắng nữa là, con mình có phải trả tiền ăn hay không.
Theo luật ở Mĩ thì những nhà nào chứng minh được là thu nhập thấp thì được hưởng nhiều dịch vụ miễn phí hoặc giá thấp, như bạn của Mỡ nếu đi học sẽ không phải trả tiền ăn như Mỡ. Nếu phải trả tiền ăn, thì đó cũng là một khoản làm thâm hụt đáng kể ngân sách gia đình. Đem thắc mắc hỏi cô giáo thì cô giáo của bạn nói với mẹ bạn là “Chị cứ yên tâm, con chị không phải đói đâu mà lo”. Tiếp đấy sau nửa tháng sau có trát gửi về cho mẹ bạn là tiền ăn của bạn trong tháng là là 17 USD, kèm theo một bản khai dành cho gia đình thu nhập thấp để được miễn tiền ăn sáng, ăn trưa ở trường (bản này mẹ Mỡ cũng nhận được khi đưa Mỡ nhập trường nhưng không được vào diện đó nên cũng chả khai làm gì) để khai và từ tháng sau thì không phải đóng đồng xu nào. Trong suốt hai tuần đó, cũng chưa thấy lần nào bạn của bạn Mỡ phải ra đứng ngoài cổng trường vào bữa ăn trưa.
Câu chuyện thứ ba:
Mỗi tháng, thành phố quy định có một ngày các trường nghỉ học sớm 2 tiếng đồng hồ. 2 tiếng này để các cô họp giáo vụ, còn các con được đi chơi. Thông thường, trước ngày nghỉ học sớm một tuần, cô giáo sẽ gửi bản đăng kí về cho cha mẹ xem con có đăng kí đi chơi với trường không, nếu đi thì gửi tiền hoặc gửi check tới trường kèm theo kí tên vào bản cam kết đồng ý cho con đi chơi, đồng thời phải ghi rõ trên bản đó là con có ăn trưa ở trường hay là tự mang bữa trưa đi.
Mẹ Mỡ tháng nào cũng cho Mỡ đi chơi và chuẩn bị đồ ăn trưa cho Mỡ để sẵn trong balo. Đương nhiên là đã tích vào ô không ăn trưa ở trường trong bản đăng kí đã gửi cho cô giáo trước đó. Tháng vừa rồi, ngày nghỉ học sớm đi chơi theo kế hoạch, mẹ Mỡ thế nào lại quên làm đồ ăn bỏ vào balo cho Mỡ và đương nhiên là đã đăng kí cho Mỡ không ăn trưa ở trường từ cách đấy một tuần như thường lệ. Bụng bảo dạ là đưa Mỡ ra bến xe xong thì gọi điện cho cô giáo để nhờ nhưng lui cui một đống việc không tên ở văn phòng thành ra ngẩng đầu lên đã 11h trưa, mà 12h các con đã lên xe đi tới chỗ học trượt băng rồi. Tá hỏa gọi điện tới trường cho cô thì cô giáo cười nói Mỡ ăn trưa gần xong rồi, chuẩn bị đi chơi rồi. Hôm đó, Mỡ cũng không phải nhịn đói vì sự vô tâm của mẹ hoặc để đảm bảo công bằng với các bạn khác.
Khoan hãy nói đến chuyện so sánh về ưu nhược điểm của các hệ thống giáo dục hoặc chính sách hay ngân sách chính phủ, trẻ con hiểu về chữ công bằng rất đơn giản: Các bạn được ăn thì mình cũng phải được ăn. Có lẽ đây là quyền cơ bản nhất của lũ trẻ, có điều, quyền đó có đươc tôn trọng hay không mà thôi.
Nguyễn Tô Lan
Mẹ Mỡ, viết tại Harvard, một ngày đầu đông 2013.