(Sinhvienusa.org) Robert J. Sternberg lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Stanford, dạy tại ĐH Yale trong 30 năm, từng là chủ nhiệm khoa, hiệu trưởng trường đại học… ông đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng nghề nghiệp nghiêm trọng. Ông đã làm thế nào để vượt qua nó? 10 lời khuyên hữu ích của giáo sư Robert J.Sternberg cho những người trẻ.
Dưới đây là bài viết của ông đăng trên www.chronicle.com
Hồi còn học cao học, tôi từng nghĩ một người trí thức thành công sau này sẽ có một cuộc sống luôn dễ chịu và có khi còn đơn điệu. Giờ đây, ở một mức độ nào đó, tôi là một trong số những trí thức đó. Sau khi nhận tấm bằng Tiến sĩ từ trường Stanford, tôi dạy tại Yale 30 năm và 8 năm thì là chủ nhiệm khoa, hiệu trưởng, và chủ tịch tại ba cơ quan khác. Tôi có cổ phần học vị tiến sĩ danh giá và là thành viên tại nhiều viện nghiên cứu danh giá quốc gia. Đó là tin tốt.
Tin xấu là trong 39 năm làm việc về học thuật, tôi đã trải nghiệm không biết bao nhiêu thử thách nghề nghiệp và ba cuộc khủng hoảng trầm trọng. Bài này viết về việc làm thế nào để đối mặt với những khủng hoảng như vậy, bất kể bạn đang thành công như thế nào.
Nhưng trước khi đưa ra lời khuyên của mình, tôi mong người đọc có thể chấp nhận những điều khó nghe.
Tôi gặp khủng hoảng đầu tiên khi tôi 28 tuổi. Khi ấy tôi đã là trợ lí giáo sư được 3 năm, và như tất cả những người trợ lí giáo sư khác, tôi lo lắng làm sau để được bổ nhiệm làm phó giáo sư, giáo sư. Tôi nhận điện từ một giáo sư ở trường khác mà tôi được đề nghị làm việc. Tôi nói với chủ nhiệm khoa tôi đang làm việc về đề nghị đầy hứa hẹn đó, và trường tôi bắt đầu xem xét để tôi được bổ nhiệm sớm.
Tuy nhiên, hoá ra đó chẳng phải là đề nghị công việc gì cả. Tôi hiểu được rằng đề nghị công việc phải đến từ chủ nhiệm khoa, chứ không phải từ một giáo sư bất kì nào, và rằng họ phải viết đề nghị đó ra trước khi bạn có thể nghĩ về nó như một đề nghị nghiêm túc. Khi tôi báo lại với chủ nhiệm khoa tôi rằng đề nghị công việc đó chẳng những biến mất mà thậm chí còn chưa từng tồn tại ngay từ đầu, ông ấy đã đề nghị tôi phải viết thư để rút khỏi cân nhắc bổ nhiệm. Tôi cảm thấy thực sự bị xúc phạm, như thể bị ném xuống một cái hố. Tôi đã tự biến mình thành trò hề trước cả khoa.
Khủng hoảng thứ 2 diễn ra khi tôi 54 tuổi, đó là khi tôi và đồng nghiệp hoàn thành một dự án nghiên cứu thành công táo tợn – thiết kế ra một bài kiểm tra mới có thể dùng cho tuyển sinh đại học. Tôi luôn luôn muốn thay đổi cách các trường đại học nhận học sinh, bao gồm nhiều kiến thức và kĩ năng hơn, và giờ thì tôi có dữ liệu để chứng minh quan điểm của mình.
Báo cáo của chúng tôi được đăng tải trên một tờ báo hàng đầu trong ngành của tôi, và có những hãng truyền thông cũng viết về báo cáo đó. Tương lai nghiên cứu của tôi được đảm bảo, tôi nghĩ, bởi giờ đây tôi có thể theo đuổi nghiên cứu để sáng tạo ra những cách thức mà các trường đại học có thể sử dụng để tuyển sinh.
Nhưng sau đó, công ty trước đây đồng ý chi trả cho nghiên cứu của chúng tôi đã từ chối cấp thêm tiền, họ tuyên bố rằng những gì chúng tôi đã làm không thể thành hiện thực được. Tốn quá nhiều mồ hôi công sức vào nghiên cứu đó, tôi cảm thấy như mình bị nhảy xuống hố một lần nữa.
Khủng hoảng thứ 3, xảy đến khi tôi 63 tuổi. Tôi chấp nhận đề nghị công việc hiệu trưởng của một trường đại học lớn. Tôi vẫn luôn yêu thích công việc hiệu trưởng ở một trường đại học khác và tôi tin rằng ngôi trường mới này phù hợp với những giá trị và niềm tin của riêng tôi về giáo dục.
Nhưng thật trớ trêu, sau 4 tháng làm việc tại đây, tôi nhận ra rằng những giá trị và niềm tin của tôi không giống lắm với những gì tôi tưởng, hoá ra tôi không hợp với trường này chút nào. Vì thế tôi từ chức. Một lần nữa, tôi lại như thấy cái hố trước mặt mình?
Sau cả ba ví dụ trên, cuối cùng thì, tôi cũng bình phục. Tôi không được bổ nhiệm sớm ở Khủng hoảng thứ nhất, nhưng tôi được bổ nhiệm vài năm sau đó. Ở khủng hoảng thứ 2, tôi tìm được một khoản tiền tài trợ tư nhân cho nghiên cứu của mình, và cùng với những người cộng sự, tiến hành chương trình tuyển sinh đó tại 2 trường đại học. Và giờ đây, sau khủng hoảng thứ 3, tôi tìm được một vị trí trong khoa mà tôi thấy phù hợp hơn.
Nhưng ngẫm nghĩ lại về những gì xảy ra, tôi nhận ra có 10 điều tôi đã làm, hoặc ít nhất đã cố để làm, trong mỗi đợt khủng hoảng để có thể vượt qua, và hi vọng kinh nghiệm của tôi có thể giúp được bạn phần nào.
1. Nhận ra rằng bạn không đơn độc.
Bất kể khủng hoảng có diễn ra tồi tệ như thế nào, có những người đã trải qua những chuyện tương tự, và có thể còn tồi tệ hơn bạn. Chỉ có điều bạn không biết điều đó, bởi có thể họ đang trải qua chuyện này ở địa điểm khác trong một khoảng thời gian khác. Hơn nữa, hẳn là họ cũng không muốn quảng cáo rộng rãi về những gì xảy ra với họ. Tôi đã không thể nói về vụ thất bại bổ nhiệm ở Khủng hoảng số 1 trong nhiều năm sau khi nó xảy ra.
Nhưng nếu bạn có thể tìm được những người đang có những khủng hoảng giống bạn, hãy nói chuyện với họ. Phần nào của quá trình hồi phục sau một sự thoái trào trong sự nghiệp đó là việc nhận ra rằng những khủng hoảng như vậy là một phần bình thường của cuộc sống, không chỉ xảy ra với mỗi mình bạn. Không những thế, đó còn là những trải nghiệm mà ai cũng từng kinh qua, mặc dù mỗi người sẽ trải qua một cách khác nhau.
2. Bạn không được nản lòng, vì không chỉ thông mình mà được.
Một tính cách điển hình khiến mọi người thành công không phải bởi IQ của họ, không phải trí thông minh cảm xúc của họ, càng không phải sức sáng tạo của họ. Đó là sự kiên trì của họ trong những khi khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Những khó khăn đó có thể rất cá nhân (ly hôn, bệnh tật, tai nạn) hay chuyên môn (từ chối đề bạt, mất tài trợ, một chuỗi các bài báo bị từ chối).
Tôi đã chứng kiến rất nhiều bạn cùng lớp của tôi từ những năm học cao học thất bại bởi những lí do trên. Chẳng ai có thể nghĩ con đường sự nghiệp của họ có thể đi trật đường ray. Nhưng mỗi người trong số họ đều gặp phải những chướng ngại vật lớn trên con đường tới thành công, và rất nhiều người đã từ bỏ sau chướng ngại vật đầu tiên, thứ hai hoặc thứ ba.
3. Phần lớn thì chẳng có chuyện gì riêng tư cả
Sau một loạt lời từ chối từ các cơ sở cấp kinh phí hỗ trợ nghiên cứu, tôi bắt đầu nghĩ rằng họ có lí do riêng nào đó để chống lại tôi, cho tới khi tôi nói chuyện với một người viết đề án xin hỗ trợ thành công, tôi mới biết rằng tỉ lệ từ chối của anh ta cũng nhiều như của tôi – chỉ có điều anh ta tiếp tục gửi hồ sơ. Khi nhiệm kì hiệu trưởng trường đại học của tôi đang có nguy cơ thất bại, tôi cảm thấy vô cùng tồi tệ cho đến khi tôi nhận ra rằng cách tôi nhìn nhận thế giới không giống với cách nhìn của đồng nghiệp tôi. Họ trung thành với quan điểm của họ, nhưng tôi cũng trung thành với quan điểm của tôi.
Phần lớn thành công trong sự nghiệp học thuật thì phải phù hợp – phù hợp với những giá trị của trường đại học, phù hợp với một học thuyết trong lĩnh vực nghiên cứu, hay phù hợp với nhu cầu của sinh viên. Trong cuộc sống, khi bạn bước vào một môi trường mới, việc đầu tiên bạn làm là cố gắng thích nghi, và thay đổi bản thân để phù hợp với môi trường đó. Rồi sau đó bạn có thể sẽ tìm cách để kiến tạo môi trường đó để nó phù hợp hơn với bạn. Nhưng nếu cả hai công việc thích nghi lẫn kiến tạo đều không hiệu quả, câu trả lời hữu hiệu nhất là chấp nhận rằng chẳng có việc gì phải giấu giếm cả, chọn một con đường thoái lui.
4. Học từ những trải nghiệm
Bất chấp tình huống tồi tệ thế nào, bất chấp cả ý nghĩ cho rằng đó là lỗi của người khác, bạn luôn luôn có thể học được điều gì đó từ cuộc khủng hoảng. Trong trường hợp của tôi, tôi học được rằng đề bạt không dưới dạng văn bản thì không được coi là đề bạt; rằng nếu như một tổ chức không hỗ trợ nghiên cứu của tôi thì có thể người khác sẽ ủng hộ tôi; và rằng nếu tôi không phù hợp với một nơi nào đó tốt nhất tôi nên rời bỏ. Những người sẽ phỏng vấn bạn để tuyển dụng chắc chắn sẽ hứng thú với cách xử lí và bài học nhận được khi bạn gặp khủng hoảng, càng chi tiết càng tốt.
5. Tìm kiếm một mạng lưới hỗ trợ để giúp bạn tiếp tục
Trong ngành học thuật, đúng là cần cả một đội ngũ để hoàn thành một điều gì đó, tìm một công việc, xin hỗ trợ tài chính hay thu xếp việc dạy học. Tôi nghĩ mình đã tận dụng được triệt để mạng lưới hỗ trợ của mình.
Trong trường hợp săn việc làm, bạn có thể sẽ thấy nhiều lời tuyển dụng trên quảng cáo, nhưng bạn chỉ có thể biết thêm về công việc bằng cách liên lạc trực tiếp với người ở cương vị có thể giúp đỡ. Nghĩ xem ai có thể sẵn sàng giúp đỡ bạn trong mạng hỗ trợ là một điều giá trị nhất giúp bạn lấy lại tinh thần; sau đó hãy liên lạc với họ. Bạn có thể nghĩ bạn tự mình xoay sở được, nhưng bạn có thể làm tốt hơn nhiều nếu như bạn có những người khác làm cùng, hoặc có những người giúp bạn.
6. Sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì bạn thực sự yêu thích
Điều này có thể không xảy tới với bạn ở giữa cuộc khủng hoảng. Bạn có thể nghĩ rằng bạn không xứng đáng để xả hơi. Bạn có thể nghĩ rằng bạn không có đủ thời gian hay bạn không kiên nhẫn. Nhưng sẽ thực sự chẳng còn thời gian khi bạn không giữ được tinh thần của mình.
Bạn cần năng lượng để hồi phục nhanh chóng, và năng lượng đó cần phải đến từ nơi khác. Nó có thể đến từ việc bạn làm một việc bạn yêu thích.
7. Nghĩ kĩ trước khi đáp trả
Khi chúng ta thấy mình đi sai đường, chúng ta thường trở thành minh chứng sống cho quan điểm mỗi hành động khởi phát một phản ứng tương tự và đối nghịch. Tôi đã từng chứng kiến nhiều người trong khủng hoảng dành nhiều tiền và thời gian chi cho sự phục thù của họ. Việc tố tụng chẳng hạn, rất tốn thời gian và tốn tiền.
Mục tiêu của bạn có thể hiểu được. Nhưng câu hỏi cần đặt ra là liệu sắp đặt cuộc phục thù có phải bạn đang sử dụng tối ưu thời gian, năng lượng, danh tiếng và tiền bạc? Liệu có phải thông minh hơn nếu tập trung lo cho tương lai?
8. Đừng trốn tránh
Sau mỗi cuộc khủng hoảng nghề nghiệp, tôi luôn muốn biến mất một lúc. Tình huống càng xấu thì bạn sẽ càng muốn trốn tránh. Nhưng đừng làm vậy. Bạn cần xác nhận cho mọi người, và cho cả bạn, bạn là ai và bạn đấu tranh cho điều gì. Và bạn cần cho mọi người thấy cuộc khủng hoảng đó không tiêu diệt được bạn – rằng bạn sẵn sàng và đã có thể tiến lên và vượt qua những chướng ngại vật ấy.
9. Nhìn nhận khủng hoảng như một cơ hội
Đây là điều quan trọng nhất. Vì khủng hoảng rõ ràng là một cơ hội.
Trong trường hợp của tôi, tôi không nhận được đề nghị bổ nhiệm vào đó, nhưng tôi quyết định tại thời điểm đó là tôi sẽ đánh bóng hồ sơ của mình để lần tới tôi nộp đơn, tôi có thể dễ được thông qua hơn. Và thực tế là như vậy. Trong khủng hoảng số 2, tôi sử dụng số tiền hỗ trợ như một cơ hội để quyết định vào ban điều hành trường, để tôi có thể đưa những ý tưởng tuyển sinh của tôi vào thực tiễn mà không phải phụ thuộc vào cơ quan, tổ chức nào. Và trong trường hợp tôi từ chức hiệu trưởng, tôi sử dụng khủng hoảng như một cơ hội để dành toàn bộ thời gian cho việc dạy và nghiên cứu, lĩnh vực mà tôi luôn yêu thích.
Cuối cùng, như người ta vẫn thường nói, bạn không bao giờ nên để phí một cuộc khủng hoảng.
10. Tiến lên
Trong một cuộc khủng hoảng nghề nghiệp, thật khó để không nghĩ nhiều về nó hay bị ám ảnh bởi nó. Tại sao điều đó lại có thể xảy ra? Sao lại với tôi? Tôi nhìn mọi người như thế nào đây? Nhưng bạn càng cuốn sâu vào quá khứ, bạn càng khó bước tiếp tới tương lai.
Thế nên hãy dẹp khủng hoảng sang một bên. Tương lai đang chờ bạn.
Đỗ Vân dịch
Nguồn: http://chronicle.com/article/Coping-With-a-Career-Crisis/144191/
Robert J. Sternberg từng giữ chức hiệu trưởng University of Wyoming trong một thời gian ngắn.