Đọc những gì mà Eza Vogel viết về cuộc chiến Trung Quốc xâm lược Việt Nam tháng 02/1979 trong “Đặng Tiểu Bình và sự chuyển đổi ở Trung Quốc” sẽ là những cảm giác hết sức trái chiều. Trong note này, tôi xin nhìn vào những bài học liên quan sự phát triển và tương lai dài hạn của Việt Nam.
Trên chiến trường ai dạy ai?
“Đặng Tiểu Bình nói rằng Trung Quốc đã dạy cho Việt Nam một bài học, nhưng các nhà phân tích quân sự phương tây lại cho rằng trên thực tế Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc một bài học.” Vogel đã viết một cách thẳng thắn.
Việc xâm lược của Trung Quốc đã được chuẩn bị chi tiết, nhưng họ thiếu thông tin tình báo và sự liên lạc giữa các cấp để ứng phó kịp thời.Trung Quốc đã không dám sử dụng không chiến vì lúc đó không quân của họ kém xa Việt Nam. Các chỉ huy quân sự Trung Quốc đã không được chuẩn bị kỹ và trở nên lo sợ.
Trung Quốc đã đặt kế hoạch chiếm được tất cả năm tỉnh biên giới của Việt Nam trong vòng một tuần, nhưng sau ba tuần họ vẫn không thể chiếm được Lạng Sơn. Họ đã không ngờ sự chống trả của Việt Nam quá hữu hiệu cho dù hầu hết quân đội chủ lực đang ở phía tây nam.
Sự phối hợp của quân Trung Quốc rất tệ và các nguồn tiếp tế quá xa và phân tán nên một số quân lính đã bị điều về Trung Quốc để nhận các nguồn tiếp tế. Cuộc chiến đã chỉ ra nhiều yếu kém của quân đội Trung Quốc bên cạnh việc thiếu các vũ khí hiện đại. Không ít người Trung Quốc cho rằng đây là cuộc chiến cần lãng quên.
Trong cuộc chơi
Cuộc chiến thực tế trên chiến trường chỉ kéo dài 29 ngày, nhưng nó đã phản ánh bức tranh toàn cầu lúc đó. Những vấn đề không chỉ của Việt Nam với Trung Quốc mà là địa chính trị trong khu vực và địa chính trị toàn cầu được thể hiện rất rõ.
Rất khó nói nguyên nhân vì sao, nhưng có thể nói đây là điều không may cho Việt Nam khi phải can dự/tham gia vào cuộc chơi của các “ông lớn” trên thế giới.
Cuộc chiến bắt nguồn từ những quan hệ và động thái vô cùng phức tạp của các quốc gia gồm: Campuchia, Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc, một số nước trong khu vực đông và đông nam Á cũng như nhiều nước khác từ nhiều thập niên trước đó.
Bắt nguồn từ lợi ích quốc gia, lợi ích cá nhân mà một số người ở những bên liên quan đã có ý định và cố gắng giàn xếp một đại cục hay một bức tranh có lợi (hay ít nhất là ít tổn thất nhất) cho các bên liên quan. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới, nhất là sự phân cực sâu sắc của ý thức hệ cũng như sự thay đổi ở mỗi nước đã không cho kết cục này xảy ra.
Hậu quả là Việt Việt Nam đã phải chọn chỗ đứng hẳn về một phía để cuối cùng trở thành nơi thử nghiệm hay là vật trao đổi của các nước lớn.
Sau cuộc chiến
Bài học trên chiến trường thì đã rõ. Tuy nhiên, một thập niên sau đó, Trung Quốc và Việt Nam đã đi theo hai đường hướng quân sự khác nhau. Đây chính là điều mà Việt Nam cần phân tích rất kỹ để rút ra các bài học cho mình.
Một mục tiêu chiến lược của Đặng Tiểu Bình khi triển khai cuộc cuộc chiến này là để chỉ ra sự yếu kém của quân đội Trung Quốc nhằm: (1) củng cố quyền lực của mình và (2) đẩy mạnh kế hoạch hiện đại hóa quân đội theo hướng tinh giảm nhưng tinh nhuệ.
Hơn thế, Đặng Tiểu Bình cũng muốn cho Mỹ thấy rằng việc gây ra cuộc chiến này sẽ loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập các quan hệ chặt chẽ với Liên Xô để chống lại Mỹ. Lúc này, Trung Quốc đang tăng cường thắt chặt quan hệ với Mỹ, nhất là sau chuyến thăm Mỹ của Đặng vào cuối năm 1978.
Cá nhân Đặng Tiểu Bình và Trung Quốc đã đạt được mục tiêu.
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc (theo số liệu chính thức) đã giảm đáng kể sau cuộc chiến. So với 4,6% GNP (tổng sản phẩm quốc gia) vào năm 1979, tỷ lệ này giảm đi rất nhiều từ năm 1980 và đến năm 1991, con số chỉ còn 1,4% GNP. Quân đội Trung Quốc đã có những cải cách và bước tiến mạnh mẽ.
Với sự hỗ trợ của Liên Xô và những đe dọa từ phía Trung Quốc, trong thập niên 1980, Việt Nam vẫn phải duy trì cuộc chạy đua vũ trang với những khoản chi phí khủng khiếp. Lượng vũ khí Việt Nam đã nhập khẩu cao gấp 6 lần Trung Quốc và gấp đôi Đài Loan, trong khi quy mô về kinh tế và/hoặc dân số của Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều. Những con số mà Vogel đã nêu ra thật là giật mình.
Hơn thế, chi phí để nuôi đội quân gần hai triệu người – thuộc nhóm năm nước có lực lượng quân đội đông nhất thế giới lúc bấy giờ quả là một gánh nặng khủng khiếp.
Ở đây tôi không nói đến nguyên nhân và sự cần thiết của việc duy trì một lực lượng quân sự hùng hậu với những khoản chi tiêu cho quốc phòng khủng khiếp. Tuy nhiên, việc chạy đua vũ trang trong thập niên 1980 cộng với sự thất bại của mô hình kinh tế kế hoạch đã đánh sập nền kinh tế Việt Nam.
Chúng ta cần học những gì?
Bài học đầu tiên mà Việt Nam cần học thuộc là từ cổ tới kim chưa có bằng chứng nào cho thấy quốc gia này có thể tốt với quốc gia khác một cách vô tư. Nếu đứng trước lựa chọn hy sinh lợi ích quốc gia và tình láng giềng hữu hảo thì kết quả ai cũng thấy rõ. Ai cũng vì lợi ích của mình.
Vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải là làm bạn hay đồng mình với một hay một số nước nào đó mà cần chọn cách tham gia vào cuộc chơi chung để cho lợi ích các bên đan xen nhau và cùng hướng. Nếu lợi ích trái chiều thì các nước nhỏ và yếu luôn phải làm những con tốt thí mà thôi.
Một điều vô cùng quan trọng nữa là chỉ khi Việt Nam thực sự giàu mạnh thì tiếng nói và vai trò của mình trên trường quốc tế mới có trọng lượng. Lúc đó, tính độc lập và tự chủ của mình mới được giữ vững. Singapore là một ví dụ điển hình nhất về việc này.
Muốn trở nên hùng cường thì cần phải có những doanh nghiệp, những người Việt Nam có chỗ đứng và khẳng định vị trí toàn cầu vùng vẫy năm châu. Ước mơ về những Vinashin (con tàu Việt Nam), Vinalines (con đường Việt Nam) là rất cần thiết và quan trọng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, sự nóng vội và trái quy luật đã làm cho những con tàu Việt Nam chưa kịp ra khơi đã chìm đắm (Vinashin thành Vinasink).
Sẽ là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng nếu giờ đây Việt Nam lại tham gia vào những cuộc chạy đua vũ trang tốn kém. Chủ nghĩa dân tộc và điều cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ một quốc gia nào, nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ cực kỳ nguy hiểm.
Một một số trang thiết bị quân sự hiện đại có thể là cần thiết trong một số tình huống và làm yên lòng người. Những chiếc tàu ngầm Kilo có thể là niềm tự hào ở những khoảnh khắc nào đó, nhưng chúng ta phải nhìn vào thực tế rằng chi phí mua sắm và vận hành chúng rất lớn trong khi tính hữu hiệu của các trang biết bị quân sự thông thường trong thời đại của vũ khí hạt nhân vẫn đang là dấu hỏi.
Do vậy, trọng tâm lớn nhất của Việt Nam hiện nay là giảm thiểu tối đa nguy cơ tạo ra những cuộc chạy đua vũ trang mà chúng ta phải can dự để tập trung cho kinh tế có thể cất cánh.
Muốn có được điều này, rất đơn giản đó là làm sao để hơn 90 triệu người Việt Nam hăng say làm việc và theo đuổi lợi ích của cá nhân mình. Không còn cách nào khác, những thể chế xơ cứng cản trở phát triển cần phải được thay bằng những thể chế dung nạp hơn.
Đối với quan hệ đối ngoại, bây giờ không phải là những tuyên bố hùng hồn là cần những bước đi và cách tiếp cận thực tế vì lợi ích dài hạn của Việt Nam. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện để người dân thể hiện lòng yêu nước của mình là hết sức quan trọng vì suốt chiều dài lịch sử, đây là tài sản và nguồn vốn quý giá nhất của dân tộc Việt.
Huỳnh Thế Du
Bài đăng trên FB của tác giả