Nhận định mặt bằng chung về năng lực của nhân sự cấp cao tại Việt Nam còn thấp hơn so với khu vực, Giám đốc điều hành Navigos Search – Nguyễn Thị Vân Anh cho biết hiện rất khó tìm những nhân vật mới, xuất chúng.
– Có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm người điều hành cho các doanh nghiệp, bà nhận xét như thế nào về mặt bằng chung của các nhân sự cấp cao hiện nay ?
– Bên cạnh những điểm yếu chung của lao động trong nước là kỷ luật và năng suất kém hơn, kỹ năng quan trọng nhất nhân sự cấp cao ở Việt Nam còn thiếu là quản lý, làm việc nhóm. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đưa ra các yêu cầu tương đương với nhiều thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia…
Tuy nhiên, khi tư vấn cho khách hàng, chúng tôi cũng phải thẳng thắn như vậy để họ cân nhắc. Nếu họ kỳ vọng quá nhiều và đi tìm ứng viên theo kiểu “hái sao trên trời” thì có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.
Chính vì sự thiếu và yếu rất lâu chưa được khắc phục nên thị trường nhân sự cấp cao ở Việt Nam hiện luẩn quẩn, khó tìm được những nhân vật mới, xuất chúng. Do đó, thực chất của việc biến động nhân sự ở phân khúc này trong thời gian qua chỉ là sự chuyển dịch từ nơi này sang nơi khác.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh cho biết rất khó tìm nhân tố mới trên thị trường nhân sự cấp cao. |
– Trong năm qua, ngành nào có nhân sự ở cấp C-level (CEO, CFO, COO…) biến động mạnh nhất?
– Ngành sản xuất vẫn luôn giữ được ổn định vì các doanh nghiệp FDI chủ yếu đã chuẩn bị sẵn cho lãnh đạo, đa số là người từ quốc gia đó. Mảng dịch vụ đầu tư, tài chính ngân hàng, chứng khoán, bất động sản cũng khá trầm lắng so với năm 2012. Khách hàng của chúng tôi ở các ngành hiện chủ yếu có nhu cầu ở cấp quản lý tầm trung.
– Với những vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, trung bình thời gian tuyển dụng kéo dài khoảng bao lâu?
– Những vị trí này phải săn tìm lâu cũng không còn là chuyện lạ. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp khi chuẩn bị thay lãnh đạo phải đặt trước cả năm. Các vị trí C-level như Tổng giám đốc (CEO), Giám đốc Tài chính (CFO), Giám đốc Tác nghiệp (COO)… nhanh nhất cũng phải tầm 4 tháng, chúng tôi mới “làm mối” thành công.
– Kỷ lục một vụ “mai mối” kéo dài nhất mà công ty từng thực hiện là bao lâu?
– Cách đây không lâu, chúng tôi có một khách hàng là một doanh nghiệp nước ngoài. Lãnh đạo tại Việt Nam của họ sắp hết nhiệm kỳ nên muốn tìm người thay thế. Sau khi cân nhắc và lựa chọn, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được người phù hợp, đó là một ứng viên người Hong Kong (Trung Quốc), muốn ổn định công việc tại Việt Nam.
Vị này phải trải qua 10 vòng phỏng vấn, kiểm tra với lãnh đạo cấp khu vực, cũng như lãnh đạo tập đoàn và phải liên tục bay qua, bay lại nhiều nước khác nhau. Việc tuyển dụng đến lúc kết thúc kéo dài tới gần một năm và chính ứng viên cũng chia sẻ đó là một trong những kỷ niệm nhớ đời của họ.
– Có đơn vị tuyển dụng từng cho biết, không ít vụ “mai mối” bị đổ bể chỉ vì việc lo chỗ ăn, ở, học tập cho gia đình, con cái của ứng viên gặp trục trặc. Chuyện này ở Navigos thế nào?
– Chúng tôi chưa gặp câu chuyện như vậy vì thường phải thu thập thông tin rất kỹ càng. Tuy nhiên, tôi cũng nghe khách hàng chia sẻ những trường hợp tương tự. Việc tuyển dụng người nước ngoài khá phức tạp liên quan đến chỗ ở, vé máy bay đi lại, trường học cho con cái… Rất nhiều người chia sẻ với chúng tôi về việc ở Việt Nam không có nhiều trường quốc tế để lựa chọn, đặc biệt tại miền Bắc.
Ngoài ra, một vấn đề nữa là làm Giấy phép lao động. Khi các cơ quan quản lý yêu cầu rất nhiều thủ tục giấy tờ, và việc xét duyệt cũng mất thời gian. Có một ứng viên mà khách hàng của chúng tôi rất thích nhưng không thể tuyển được vì anh ấy không học đại học. Mặc dù anh ấy đã hoàn thành rất nhiều khóa học khác và có không ít chứng chỉ cũng như kinh nghiệm làm việc.
– Riêng lĩnh vực ngân hàng, vốn được coi là ngành “nóng” trong những năm gần đây, hiện mức lương trung bình các vị trí dao động khoảng bao nhiêu?
– Ngành ngân hàng, tài chính, khi ở vào giai đoạn nóng thì là ngành có mức lương khá cao so với mặt bằng chung trên thị trường. Năm 2013, lương nhân sự cấp cao trong ngành này vẫn tăng trung bình khoảng 10%-13%.
Số liệu của chúng tôi cho thấy mức lương đưa ra cho vị trí giám đốc điều hành, hay trưởng bộ phận, trưởng chi nhánh của một tổ chức tài chính hay một ngân hàng trước đây dao động khoảng từ 300.000 USD một năm cho người nước ngoài và khoảng 5.000-7.000 USD mỗi tháng đối với ứng viên là người Việt. Tuy nhiên, hiện nay con số này đã giảm đi đáng kể.
Theo Ngọc Tuyên/vnexpress.net