Kết quả khảo sát PASEC 10, đồng thời những thống kê mới từ cuộc khảo sát PISA mà Bộ GD-ĐT mới đưa ra có tác dụng khẳng định những gì mà các chuyên gia giáo dục cảnh báo cũng như người dân lo ngại từ lâu.
Ngoài kiến thức được đo đạc thì những hạn chế của học sinh Việt Namcũng được “xếp hạng” theo các tiêu chí của quốc tế một cách “đàng hoàng”, chứ không chỉ còn là lo ngại cảm tính.
“Chăm học vị tất đã là hay”
Câu nói của GS Hoàng Tuỵ thêm một lần được minh chứng từ các số liệu của hai cuộc khảo sát.
Các bài kiểm tra PASEC đã không cho phép đo lường sự tiến bộ về năng lực của 75% học sinh giỏi nhất ở lớp 5, bởi vì các em đã đạt được mức độ kết quả cao nhất ngay từ đợt khảo sát đầu năm học ở môn Tiếng Việt. Con số này ở môn Toán là 25%.
Lưu ý đây là chương trình phân tích hệ thống giáo dục của hội nghị Bộ trưởng các nước sử dụng tiếng Pháp, sử dụng các tiêu chí chung trong cộng đồng này.
Thế nhưng, với một kết quả cao ngất trong khảo sát PASEC 10, khuyến cáo về chương trình và sách giáo khoa, các chuyên gia lại nhấn mạnh tới : “Tăng cường năng lực lý giải và lập luận của học sinh” và “gắn chặt chẽ hơn chương trình với cuộc sống”. Khuyến cáo này đã chỉ rõ học sinh tiểu học Việt Nam đang thiếu điều gì.
Những số liệu thống kê mới từ PISA cũng vẽ nên một bức tranh chân dung học sinh bậc THCS.
Khảo sát PISA 2012 tập trung vào môn toán. Diễn giải những con số PISA có thể thấy học sinh Việt Nam rất yêu thích môn Toán (Thái độ yêu thích môn Toán xếp thứ 6/68). Động lực học môn toán của các em khá cao (Động lực học môn Toán: 15/68) và các em nhận được sự hỗ trợ từ giáo viên khá lớn (Hỗ trợ của giáo viên môn Toán: 16/68).
Có điều, kiến thức, phương pháp học toán các em tiếp nhận chắc chắn không phải là những gì mới mẻ, tiên tiến nhất bởi sự “Quen thuộc với các khái niệm toán học trong đề thi PISA” của học sinh Việt Nam chỉ xếp thứ 37/68.
Thời gian học toán mỗi tuần của các em cũng thuộc diện khá, xếp thứ 26/68. Tuy nhiên, kinh nghiệm đối với nhiệm vụ học tập môn Toán tại trường chỉ xếp 58/68. Điều này lý giải tại sao học sinh phải đi học thêm ngoài nhà trường nhiều đến thế – 5/68?
Và con số nhức nhối nhất, là “Sự cởi mở, linh hoạt trong giải quyết vấn đề của học sinh: 67/68”.
Tương lai không nằm ở kỹ năng tính toán
Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 với tựa đề “Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới công bố cuối tháng 11/2013 nhấn mạnh rằng bản chất công việc trong một nền kinh tế thị trường hiện đại sẽ thay đổi và trở nên phức tạp hơn. Ngày nay, người sử dụng lao động Việt Nam đang tìm kiếm một tập hợp các kỹ năng nhận thức, hành vi và kỹ thuật chất lượng cao.
“Tỷ lệ lao động Việt Nam có kỹ năng đọc, viết và tính toán cao hơn so với các nước khác, kể cả các nước giàu có hơn Việt Nam, nhưng một lực lượng lao động có kỹ năng cao mới là chìa khóa thành công trong chuyển đổi kinh tế,” bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới chia sẻ.
Với phần lớn lực lượng lao động có khả năng đọc và viết, thách thức hiện nay của Việt Nam là làm thế nào có thể biến các sinh viên tốt nghiệp từ những người giỏi học theo sách trở thành những người có tư duy phản biện và biết cách giải quyết vấn đề, những người được trang bị đầy đủ để lĩnh hội các kỹ năng kỹ thuật từ các trường đại học, trường dạy nghề và trong suốt quãng đời làm việc của mình.
Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 nhận định nền giáo dục Việt Nam có truyền thống thành tích rất tốt trong việc cung cấp các kỹ năng đọc viết và tính toán cơ bản, nhưng nền giáo dục đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn về việc đào tạo các kỹ năng tiên tiến theo yêu cầu sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới.
Theo ông Christian Bodewig, tác giả chính của báo cáo cho biết người sử dụng lao động xác định các kỹ năng kỹ thuật liên quan trực tiếp đến công việc là kỹ năng quan trọng nhất.
“Đồng thời, họ cũng tìm kiếm các kỹ năng nhận thức như kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện, và các kỹ năng hành vi như kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp. Việc định hướng lại hệ thống giáo dục để tập trung hơn vào các kỹ năng này sẽ giúp người lao động Việt Nam sẵn sàng cho tương lai” – ông Christian Bodewig nhấn mạnh.