Nếu không dạy, không giúp được sinh viên là do thầy cô dở, nhà trường dở chứ không phải sinh viên kém.
TS Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Quản trị (ĐH Kinh tế TP.HCM) nêu quan điểm như vậy trong cuộc trò chuyện với VietNamNet. Theo ông, với3 yếu tố cốt lõi (chương trình, quản lý và giảng viên) tạo nên chất lượng giáo dục đại học thì giảng viên là yếu tố quyết định.
TS Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Quản trị (ĐH Kinh tế TP.HCM) |
Như thế nào sẽ được coi là một giảng viên tốt, thưa ông?
– Những tiêu chuẩn của một giảng viên tốt thì khá phức tạp và có thể có nhiều tranh luận.
Nhưng theo tôi, để hoàn thành nhiệm vụ của một giảng viên thì trên góc độ năng lực thì đòi hỏi ba nhóm năng lực quan trọng: Năng lực chuyên môn, năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu.
Theo chuẩn mực chung của thế giới thì một giảng viên đại học phải có học vị tiến sỹ (Ph.D.).
Và nếu đáp ứng được điều này thì đảm bảo được hai nhóm năng lực là chuyên môn và nghiên cứu – tôi nhấn mạnh là Ph.D chứ không phải Doctor.
Theo ông, ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc phát triển năng lực cho giảng viên?
– Việc nâng cao năng lực giảng dạy là trách nhiệm của nhiều bên liên quan, nhà trường, khoa, và giảng viên.
Tuy nhiên, theo tôi, việc này trước hết và quyết định hoàn toàn là ở bản thân giảng viên, việc này không thể đổ cho ngoại cảnh, điều kiện, hay lương lậu.
Tôi vẫn tin: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!”.
Giảng viên quá quan tâm đến thu nhập là không đúng
Nhưng ở Việt Nam hiện nay, thu nhập chính thức của giảng viên ĐH thấp, và vì thế các giảng viên có thể phải lo cơm áo gạo tiền trước nên không có thời gian cho nâng cao năng lực giảng dạy?
– Tôi đã từng nhận một bài học vào năm 1993.Sau 10 năm giảng dạy tôi mới có cơ hội nhận được học bổng đi du học ở AIT. Ông thầy khi đó phỏng vấn tôi tại sao lại muốn theo đuổi khóa học đó. Tôi trả lời:Tôi muốn làm giảng viên nên tôi phải học tập và nâng cao trình độ.
Ở Việt Nam hiện nay giáo viên rất nghèo và tôi hi vọng khi tôi có trình độ thì tôi sẽ giàu. Ông thầy cười và bảo: Giáo viên trên thế giới không có ai giàu đâu, và đừng hy vọng là sẽ giàu. Nhưng trên thế giới thu nhập của giáo viên được xếp ở trung lưu bậc trung, cũng không nghèo đâu. Ông còn nói thêm: Nếu muốn giàu thì hãy làm kinh doanh, còn muốn làm giảng viên thì đừng hi vọng có nhiều tiền.
Theo tôi thấy ở Việt Nam hiện nay, thu nhập của giảng viên ĐH có thể xếp ở trung lưu bậc thấp, không giàu có nhưng cũng sống được. Muốn làm giảng viên mà quá quan tâm thu nhập là không đúng.
Một người lao động khôn ngoan sẽ coi việc đi làm là đóng góp giá trị cho tổ chức, rồi sẽ được nhận lại từ tổ chức lương thưởng, sự phát triển nghề nghiệp, kinh nghiệm, quan hệ, sự tôn trọng… Trong các giá trị này, giá trị cần nhanh chóng thu nhận và dễ được hỗ trợ để phát triển là năng lực. Khi có năng lực rồi sự kính trọng sẽ tới, và tiền cũng sẽ tới sau đó.
Muốn có được năng lực, phải khắc phục đặc điểm mà người Việt Nam rất kém, đó là thói quen núp, né. Xã hội cào bằng đã tạo ra điều đó mà quên đi rằng càng nhào vào chỗ khó, việc khó, năng lực càng phát triển.
Nhiều người cho rằng đầu vào sinh viên của ta hiện nay kém nên khó có thể nâng cao chất lượng, ông có thấy điều đó không?
– Cách đây 10 năm tôi có chủ trì một cuộc tập huấn cho lãnh đạo của Trường ĐH Mở TP.HCM.
Khi phân tích môi trường của trường, một số giảng viên khi đó có nói sinh viên vào trường thuộc “hạng 2” vì “hạng 1” vào Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, ĐHQG hết rồi.
Tôi giải thích: Tỉ lệ sinh viên trong các trường ĐH, CĐ của ta chiếm khoảng 13% số người trong độ tuổi từ 18 – 24 – và đến bây giờ, sau bao nhiêu năm phấn đấu cũng chỉ xoay quanh con số đó. Như vậy,sinh viên trong các trường ĐH, CĐ của ta là thuộc top 10% tinh hoa của dân số trong độ tuổi học ĐH.
Nếu không dạy được họ, không giúp được họ là do thầy cô dở, nhà trường dở chứ không phải sinh viên dở. Thêm nữa, nếu nói đầu vào kém tại sao các em rớt ĐH ở Việt Nam lại học tốt ở Mỹ, Anh, Úc và các nước phát triển khác?
Với những giáo viên hay chê sinh viên dốt,thì cần phải làm rõ là các em có dốt, không biết, yếu kém mới cần đến nhà trường và giáo viên. Sứ mạng của nhà trường và giảng viên là phải giúp họ. Giáo viên không giúp được sinh viên là giáo viên dở.
Bàn về chất lượng đầu vào kém có thể có liên quan đến chất lượng tuyển sinh. Hệ thống tuyển sinh của ta hiện nay thiếu cả độ giá trị và độ tin cậy nên không cho cho phép tuyển được những người sẽ thành công trong học tập.
Tôi đúng, nên tôi tin
Cách nhìn về vai trò, vị trí của người giảng viên trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của ông có trong ông từ khi nào, trước hay sau khi học tập ở nước ngoài?
– Niềm tin này có được khi tôi bắt đầu đi dạy. Khi đó, tôi đã nghĩ lại quá trình học tập của mình, tôi thấy sự khác biệt giữa các thầy cô đã dạy tôi về năng lực, phẩm chất, và nhiệt huyết giành cho sinh viên. Cùng một môi trường và điều kiện như nhau nhưng chúng ta vẫn có những giảng viên tâm huyết và giỏi. Niềm tin này càng được củng cố khi tôi đi du học.
Thời gian học ở Viện Công nghệ Châu Á (AIT),bài tập đầu tiên thầy yêu cầu viết là phân tích môi trường giáo dục Việt Nam và vai trò của giảng viên trong hệ thống đó. Hầu hết các bạn học trong lớp tôi đều là giảng viên ĐH đã chỉ rõ hệ thống ĐH ở Việt Nam được quản lý tập trung, các chương trình quy định từ Bộ, tới trường, rồi xuống tới giảng viên. Vì thế, vai trò của giảng viên là chấp hành tốt các quy định của bộ và nhà trường, giảng viên có vai trò rất mờ nhạt trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Khi đó, tôi viết rằng đây là hệ thống cứng và quản lý tập trung nhưng nó là một hệ thống quan liêu, nhìn bề ngoài thì rất chặt nhưng thực chất nó là một hệ thống rất lỏng lẻo, nó không kiểm soát, và cũng chẳng kiểm soát được gì hết, giảng viên muốn làm gì thì làm, không ai biết, chỉ cần lên lớp đúng giờ, không bỏ giờ là được, miễn là học trò đừng kêu.
Sau bài viết này, tôi được giáo viên phụ trách môn học gọi lên, yêu cầu phân tích rõ tại sao tôi lại nhìn khác các bạn trong lớp. Thầy giáo bảo, như vậy có hai cách tiếp cận: Nếu các bạn anh đúng thì những đổi mới của giáo dục Việt Nam cần phải thay đổi từ Bộ. Còn nếu phân tích của anh đúng thì điểm mấu chốt của đổi mới giáo dục Việt Nam cần bắt đầu từ thay đổi giảng viên.
Tôi tin là mình đúng. Sau này sang Mỹ học,tôi càng tin là mình đúng vì rõ ràng họ có chương trình tốt, giảng viên cũng đạt một chuẩn nhất định, nhưng vẫn thấy được có người giỏi…
Kéo học trò căng ra và bay cao lên, khơi dậy cho các em những khát vọng cháy bỏng là do người thầy, do trách nhiệm, lương tâm, năng lực của người thầy.
Tại sao phải ra nước ngoài giảng viên trẻ mới có được những “trải nghiệm thật sự”, mà không phải ở môi trường giảng dạy trong nước?
– Bởi vì lúc đó họ mới đến đúng môi trường,nên từ đó bùng nổ. Cũng bởi vì nội dung giảng dạy tôi mang từ Mỹ về, về chứ không phải tôi phát minh ra điều gì mới. Hơn nữa, giáo dục và đào tạo là chuẩn bị cho người học thích ứng với tương lai chứ không phải là nói chuyện quá khứ.
Và, nói như các anh chị ở bên kinh tế, “Việt Nam không phải là đất nước chậm phát triển mà là không chịu phát triển”.
– Cảm ơn ông!
Theo Chi Mai/Vietnamnet.vn
Bài gốc có thể xem tại đây.