TS Lương Hoài Nam đề xuất Việt Nam nên cân nhắc lựa chọn theo mô hình giáo dục của Anh để sớm đạt được những thành tựu trong tương lai.
Để thực hiện được tốt nội dung đổi mới
“căn bản và toàn diện” theo đúng tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng, VTC News tiếp tục thực hiện chuyên đề cấu trúc lại nền giáo dục Việt Nam.
Báo điện tử VTC News xin giới thiệu bài viết của TS kinh tế Lương Hoài Nam góp ý việc lựa chọn mô hình giáo dục cho Việt Nam.
TS.Lương Hoài Nam
Nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam đã liên tục được Đảng, nhà nước, giới chuyên môn và người dân quan tâm trong hàng chục năm nay.
Vì thế, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và đề án đổi mới giáo dục và đào tạo của Bộ GD-ĐT là những sự kiện rất lớn, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của toàn xã hội.
Không có gia đình nào lại không có con cái là đối tượng của giáo dục. Với truyền thống hiếu học của người Việt Nam và mức độ quan tâm của các gia đình cho việc học hành của con cái, chuyện học ở Việt Nam quan trọng không kém chuyện ăn, quan trọng hơn chuyện mặc, chuyện ở.
Thậm chí, ở nhiều gia đình nghèo, bố mẹ, ông bà còn tiết kiệm các khoản ăn uống, để dành tiền cho con cháu học hành.
Khó lượng hoá hết được giá trị đầu tư bằng sự quan tâm, thời gian, công sức và tiền của của các gia đình Việt Nam cho việc học hành của các con cái.
Còn đối với các em, đó là sự đầu tư những năm tháng tuổi trẻ, cái mà khi đã qua đi, không bao giờ quay trở lại. Tất cả những điều vừa nêu đều là “chi phí cho giáo dục”, kể cả những thứ lượng hoá được và những thứ không thể lượng hoá được.
Trong bất kỳ công việc đầu tư nào, người đầu tư mong muốn, đòi hỏi những kết quả thoả đáng, tương xứng với các chi phí đầu tư.
Trong giáo dục, “kết quả đầu tư” chính là các em thiếu niên, thanh niên ở đầu ra của các bậc giáo dục – đào tạo. Các gia đình – “nhà đầu tư” mong muốn các em được khoẻ về thể lực, giỏi về trí lực, sẵn sàng cao nhất cho bậc học tiếp theo và cho việc bước vào cuộc đời tự lập sau những năm tháng học hành.
Nhìn nhận dưới góc độ đó, rõ ràng là nền giáo dục nước ta lâu nay chưa đáp ứng được sự mong đợi, đòi hỏi của các gia đình. Họ đã và đang “đầu tư”, bỏ ra nhiều công sức, tiền của mà “kết quả” thu về chưa tương xứng.
Những đứa trẻ ở đầu ra của giáo dục nước ta chưa được đào tạo, phát triển toàn diện về thể lực, trí lực, chưa được trang bị các kỹ năng sống và làm việc tốt như các bạn trang lứa ở những nước có nền giáo dục tiên tiên hơn nước ta.
Rõ ràng các em bị thiệt thòi, có ít cơ hội thành công hơn các bạn ở nước ngoài, còn đất nước ta thì khó phát triển với chất lượng lao động thấp.
Trong tình hình đó, một số gia đình có điều kiện đã và đang gửi con cái ra nước ngoài du học. Hiện tại, số học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam du học ở nước ngoài khoảng 60.000 người. Mỗi năm, chi phí của các gia đình Việt Nam cho con cái học ở nước ngoài có thể ước tính khoảng trên dưới 2 tỷ USD.
Dù vậy, đại đa số các gia đình Việt Nam và hầu hết các gia đình quân nhân, công nhân, nông dân, giáo viên, công chức không có điều kiện tài chính cho con cái đi học ở nước ngoài, mà cho các em học ở trong nước.
Chỉ tính riêng bậc đại học và dạy nghề, số lượng sinh viên hằng năm ở các trường trong nước khoảng 2,2-2,3 triệu người. Mặc dù phải chi số tiền khổng lồ hằng năm, nhưng con số 60.000 người Việt Nam ra nước ngoài du học chỉ như muối bỏ bể, chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số học sinh, sinh viên.
Tương lai của các em và của đất nước đòi hỏi nhanh chóng đổi mới giáo dục để các thế hệ người Việt Nam có điều kiện thụ hưởng một nền giao dục tiên tiến ngay ở đất nước mình, nhờ đó có cơ hội phát triển cá nhân tốt nhất, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của đất nước.
Chọn mô hình nào?
Các nội dung đổi mới giáo dục Việt Nam rất nhiều, nhưng vấn đề mà tác giả bài này cho là gốc rễ, quan trọng nhất là: mô hình giáo dục nào được chọn cho lần đổi mới giáo dục rất được trông đợi và kỳ vọng này? Đây là “vấn đề của mọi vấn đề”.
TS Lương Hoài Nam đề xuất giáo dục Việt Nam nên lựa chọn theo mô hình giáo dục nước Anh
Tác giả bài này rất băn khoăn với ý kiến của một số người trong cuộc nói rằng các cơ quan chức năng đã nghiên cứu hàng chục mô hình giáo dục trên thế giới và không chọn mô hình giáo dục của một nước nào hết, rằng nước ta sẽ xây dựng một mô hình giáo dục riêng của Việt Nam, kế thừa những gì tốt của các mô hình tiên tiến và phù hợp với các điều kiện thực tiễn của nước ta.
Tóm lại là chúng ta sẽ sáng tạo!
Câu hỏi là liệu chúng ta có đủ trình độ, hiểu biết để sáng tạo một mô hình giáo dục đủ tốt cho Việt Nam hay không?
Tác giả bài này e là không. Chúng ta có nhiều chuyên gia giáo dục và mỗi người biết tốt một số vấn đề giáo dục, nhưng e rằng nước ta vẫn chưa có các “tổng công trình sư giáo dục”, những người có đủ kiến thức, kinh nghiệm thiết kế một mô hình giáo dục đồng bộ, chất lượng như các mô hình tiên tiến trên thế giới.
Nếu giao cho các nhà giáo dục Việt Nam khác nhau đánh giá, so sánh các mô hình giáo dục trên thế giới, e rằng kết quả đánh giá, so sánh của họ cũng sẽ khác nhau đáng kể.
Nếu như mọi thứ hay ho, tiên tiến của thế giới đều có thể dễ dàng “vận dụng một cách sáng tạo” thì nước ta đã tự làm được tất cả mọi thứ và trở nên giàu mạnh từ lâu rồi (kể cả việc tự sản xuất máy bay, tàu ngầm hay tàu vũ trụ).
Nhưng vấn đề không phải như thế, không đơn giản như thế. Chúng ta có thể liệt kê hàng loạt thất bại của các chương trình “vận dụng một cách sáng tạo” trong các lĩnh vực. Giáo dục không phải là lĩnh vực ngoại lệ.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, nền giáo dục Việt Nam trong suốt lịch sử chưa bao giờ có tính độc lập cao. Nó luôn luôn dựa trên mô hình, tư tưởng giáo dục của quốc gia có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam trong từng giai đoạn. Đây cũng là điều bình thường trên thế giới.
Trong thời kỳ phong kiến, giáo dục Việt Nam chịu ảnh rất hưởng lớn của nền giáo dục Trung Hoa. Trong thời kỳ Pháp thuộc và đến tận ngày thống nhất đất nước, hệ thống giáo dục ở miền Bắc nước ta thừa kế đáng kể hệ thống giáo dục Pháp. Sau khi đất nước thống nhất, giáo dục Việt Nam được chuyển dịch về mô hình giáo dục Liên-xô.
Sau khi Liên-xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, giáo dục Việt Nam bắt đầu chịu sự tác động của các nền giáo dục khác (đặc biệt về giáo dục – đào tạo sau phổ thông).
Có thể nói rằng, qua những giai đoạn “điều chỉnh” như vậy, nền giáo dục của Việt Nam hiện nay ở các bậc học là tập hợp chắp vá của nhiều hệ thống, tư tưởng giáo dục khác nhau: Trung Hoa, Pháp, Liên-Xô, Anh, Mỹ…, tùy bậc học và chương trình học.
Nếu các nhà giáo dục nước ta để ý, không khó để họ nhận ra rằng khi tự chi tiền cho con cái đi du học nước ngoài, hầu hết các gia đình Việt Nam chọn các nước theo mô hình giáo dục Anh: Anh, Mỹ, Úc, Singapore, New Zealand, Canada…
Số học sinh, sinh viên đi du học tại các nước khác như Pháp, Đức,Thuỵ Sỹ, Hà Lan, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… không nhiều trong tổng số du học sinh Việt Nam và thường theo các chuyên ngành hẹp mà các nước đó có thế mạnh.
Điều đó cho thấy các gia đình Việt Nam nhìn chung tin tưởng và đánh giá cao mô hình giáo dục Anh. Nếu có điều kiện, họ sẵn sàng đầu tư cho con cái học hành theo mô hình giáo dục Anh ở một nước phát triển.
Về đại cương, hệ giáo dục Anh bao gồm 6 năm tiểu học và 5 năm trung học (chương trình trung học “nén” là 4 năm). Sau khi kết thúc trung học, tuỳ thuộc kết quả một kỳ thi chung, học sinh được chọn theo học hệ cao đẳng học nghề (polytechnic) 3 năm, hoặc dự bị đại học 2 năm để thi vào các trường đại học (university, college) với thời gian học đại học 3 năm (ngoại trừ một số ngành đặc biệt có thời gian học dài hơn).
So với chương trình phổ thông trung học ở nước ta hiện nay, học sinh tiết kiệm 01 năm (hoặc 02 năm nếu theo chương trình “nén”). Số môn học ở các lớp trung học cũng ít hơn và học sinh được chọn các môn học (ngoài 3-4 môn học bắt buộc).
Như vậy, học sinh trung học đã bắt đầu được hướng nghiệp qua việc lựa chọn các môn học mình yêu thích và có thế mạnh. Số môn học các năm cuối cấp trung học chỉ khoảng 7-8 môn (thay vì 12-13 môn theo chương trình hiện nay của Việt Nam), cho phép các em học sâu hơn các môn này.
Chương trình dự bị đại học 2 năm (chương trình “nén” 1,5 năm) cũng cho phép học sinh chọn học 7-8 môn học phù hợp với định hướng ngành học đại học, tuy nhiên, học sinh cũng có quyền chọn học nhiều môn hơn.
Khả năng thích ứng của mô hình giáo dục Anh đã được khẳng định không chỉ ở các nước có nền văn hoá Anh như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, mà còn ở cả các nước châu Á có sự khác biệt lớn về văn hoá như Singapore, Malaysia…
Các em học sinh, sinh viên Việt Nam học ở các nước theo mô hình giáo dục Anh cũng không gặp khó khăn đáng kể và thường đạt kết qủa học tập tốt.
Nếu hỏi ý kiến các gia đình Việt Nam xem họ có muốn con cái được học theo mô hình giáo dục Anh hay không, tác giả bài này tin rằng phần đông các gia đình sẽ ủng hộ.
Vấn đề chỉ là ngành giáo dục Việt Nam có khẳng định được năng lực thực hiện với một lộ trình hợp lý hay không (về nhân lực, chương trình, cơ sở vật chất…)?
Giáo dục Anh là một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới và nước nào áp dụng được nó đều đạt được những thành tựu phát triển tốt. Nó đáng để Việt Nam nghiên cứu kỹ và cố gắng áp dụng.
Nếu theo hướng này và thực hiện một cách đồng bộ, đợt đổi mới giáo dục lần này sẽ thoát khỏi tình trạng chắp vá, thực sự mang tính “căn bản và toàn diện”.
Theo TS Lương Hoàng Nam/VTC.vn
Bài gốc có thể xem tại đây.