Một tấm bằng hành chính nghệ thuật hoặc lịch sử nghệ thuật sẽ mang lại cho bạn nhiều lựa chọn cho công việc của mình. Những kiến thức chính mà bạn sẽ thu nhặt được trong quá trình học là lịch sử nghệ thuật, các phong trào nghệ thuật điển hình trên thế giới… Khi ra trường, bạn sẽ có thể đưa ra cái nhìn phân tích đối với bất kì một tác phẩm hội họa, kiến trúc, điêu khắc nào. Đây chính xác là ngành học dành cho những ai muốn được phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa.
Những công việc tiềm năng bạn có thể lựa chọn là những công việc thuộc về bảo tàng, tư vấn, viết lách hay thậm chí là kinh doanh.
Trong “lãnh địa” bảo tàng, bạn có thể trở thành curator – người phụ trách công tác lựa chọn, hướng dẫn, quản lí các tác phẩm nghệ thuật để trưng bày. Dễ hiểu hơn, curator là người có công trò chuyện với họa sĩ, tìm hiểu, đi sâu vào các tác phẩm để có thể lên chương trình triển lãm sao cho hài hòa, hợp lí. Ở Việt Nam, curator chỉ là nghề tay trái của những họa sĩ có kinh nghiệm triển lãm và có quan hệ rộng với các đồng nghiệp trong giới – chứ chưa phải là một nghề thực sự phổ biến. Thế nên, mảnh đất màu mỡ này vẫn vô cùng hứa hẹn đối với những curator được đào tạo bài bản.
Cùng với hiểu biết và những kĩ năng chuyên môn của mình, bạn cũng có thể trở thành nhà tư vấn cho các tổ chức, học viện liên quan đến lĩnh vực này. Ở nước ngoài, chẳng hạn như tại trường Cao đẳng nghệ thuật Lasalle, Singapore, sinh viên Hội họa cũng được nhà trường định hướng đi theo công việc tư vấn nghệ thuật, hướng dẫn nghệ thuật, quản lý và thiết kế phòng tranh…
Còn nếu có khả năng viết lách, bạn hoàn toàn có thể đầu quân cho các báo và tạp chí về văn hóa, nghệ thuật để làm phóng viên, biên tập viên. Ở Việt Nam không thiếu những người có khả năng viết, nhưng những người viết về nghệ thuật thuần chất không nhiều vì hạn chế về chuyên môn. Cho nên bạn hoàn toàn có thể phát triển theo hướng này. Trong thời gian du học, hãy thử xin cộng tác với các tạp chí, báo giấy hay báo online và các trang mạng trong lĩnh vực nghệ thuật. Có thể kể ra đây một số đầu tạp chí như Mỹ thuật & đời sông, Soi…
Những ai quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh cũng có thể chọn trở thành “art dealer” (tạm gọi là những nhà môi giới nghệ thuật). Với công việc này, bạn vừa có thể làm việc cho các bảo tàng, vừa cộng tác với những nhà sưu tầm tư nhân. Đây là những người mua và bán lại các tác phẩm nghệ thuật (điêu khắc, hội họa, ảnh…). Art dealer Trung Phan đã từng chia sẻ với tạp chí Đẹp rằng công việc này đến với anh bằng việc chơi cổ vật. Tất nhiên, để trụ lại được với nghề này, bạn nhất thiết phải đảm bảo một trong hai (hoặc cả hai) yếu tố là tài chính và các mối quan hệ để có thể khởi nghiệp thành công.
Tất nhiên trên đây chỉ là một số công việc phổ biến, ngoài ra còn có những nghề khác như art historian (nghiên cứu lịch sử nghệ thuật), art critic (nhà phê bình nghệ thuật), fundraiser (người đi xin tài trợ), art technician (chuyên gia kỹ thuật)… Để có thể hoạch định được cho mình hướng đi phù hợp, tốt nhất là bạn nên tham khảo nhiều từ những người đi trước và đặc biệt là tạo cho mình cơ hội tiếp xúc với môi trường này từ khi còn đi học. Chẳng hạn như xin vào làm ở các phòng tranh, bảo tàng…
Theo Trang Ami/HotCourses.vn
Bài gốc có thể xem tại đây.