Câu hỏi được đặt ra là cơ quan nhà nước có thực sự cần tuyển nhà khoa học trẻ có trình độ tiến sỹ hay không? Cơ quan nào là nơi thích hợp nhất để cho họ làm việc?
Kể từ Đại hôị VI (1986), đặc biệt là trong những năm vừa qua khi đất nước bước vào giai đoạn “đổi mới” mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, và phát triển nguồn nhân lực, nhằm xây dựng nguồn cán bộ cho lớp kế cận của đất nước. Đó là một chủ trương đúng đắn, hợp xu thế. Gần đây nhất, ngày 21/1/2014, Bộ Chính trị có kết luận Số 86-KL/TW về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Văn bản này phần nào thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước tới lớp thanh niên, nhà khoa học trẻ ưu tú, đặt đúng họ vào vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Câu chuyện có lẽ sẽ không phải bàn luận thêm nếu đối tượng thu hút tuyển chọn không có nhà khoa học trẻ có bằng cấp tiến sỹ. Bài viết này xin góp một góc nhìn về câu chuyện tuyển dụng và sử dụng nhà khoa học trẻ, để nhằm góp phần làm rõ thêm tính hiệu quả cũng như khả thi của chính sách quản lý và sử dụng nguồn nhân lực quốc gia này.
Kết luận sô 86-KL/TW ghi rằng, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ. Trong đó, quy định độ tuổi tiến sĩ khoa học không quá 35 tuổi, tiến sĩ không quá 32 tuổi, thạc sĩ không quá 28 tuổi và sinh viên tốt nghiệp xuất sắc không quá 25 tuổi.
Câu hỏi được đặt ra là cơ quan nhà nước có thực sự cần tuyển nhà khoa học trẻ có trình độ tiến sỹ hay không? Cơ quan nào là nơi thích hợp nhất để cho họ làm việc?
Thứ nhất, công việc cơ quan nhà nước chủ yếu tập trung vào thực thi công vụ. Những công việc này rõ ràng không cần đòi hỏi phải có kiến thức uyên bác, thâm sâu, tố chất sáng tạo của một người có trình độ tiến sỹ. Thay vào đó, công việc tại cơ quan nhà nước này đòi hỏi người cán bộ có thực lực chứ không chỉ qua bằng cấp. Đó phải là cán bộ có kiến thức cơ bản và tổng hợp; có tầm nhìn; có hiểu biết sâu sát tới công việc, địa bàn; có tâm huyết và tận tuỵ với nghề quản lý nhà nước; có kiến thức và sử dụng được nhuần nhuyễn nghệ thuật quản lý; có phong cách lãnh đạo; có uy tín cá nhân…vv.
Nếu cứ giả sử rằng đến 2020 sẽ có ít nhất 1000 người, họ là sinh viên xuất sắc, thạc sỹ, tiến sỹ được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước thì ở môi trường hiện nay thì bao nhiêu trong số họ đáp ứng được các tiêu chí và phẩm chất quan trọng khác của cán bộ nhà nước hay chúng ta chỉ xoay quanh tiêu chí bằng cấp? Hơn nữa, nếu không làm tốt, chính sách này sẽ vô tình tạo tâm lý lệch lạc cho một trào lưu “tiến sỹ hoá” trong bộ máy công quyền, gây lãng phí nguồn lực quốc gia.
Thứ hai, lý luận và thực tế cũng đã khẳng định nền khoa học và công nghệ phát triển là một động lực quan trọng kéo con tàu dân tộc Việt Nam đi về phía trước. Tuy khoa học và công nghệ nước ta đã có bước phát triển so với chính mình nhưng so với khu vực và trên thế giới vẫn còn một khoảng cách lớn. Sự thiếu hụt các nhà khoa học giỏi, xuất sắc đã trở nên trầm trọng. Không quá khó để khẳng định rằng nơi làm việc thích hợp nhất cho chính những nhà khoa học trẻ có bằng tiến sỹ không quá 35 tuổi chính là các trường đại học, các viện nghiên cứu và cũng chính nơi đây cần họ nhất. Ví dụ: chúng ta chỉ cần xem xét về tỷ lệ tiến sỹ/sinh viên ở các trường đại học ở nước ta là đã thấy tỷ lệ này còn thấp, thậm chí rất thấp. Như vậy thay vì sử dụng nguồn lực này cho công tác quản lý nhà nước, tại sao chúng ta không mạnh mẽ thu hút và đặc biệt khuyến khích họ tham gia trực tiếp vào mặt trận khoa học và giáo dục?
Thứ ba, trong thực tế vừa qua có một ví dụ điển hình về công tác tuyển dụng và sử dụng cán bộ trẻ tại Hà Nội mà báo chí nhiều lần đã nêu. Sau nhiều năm thực hiện chính sách thu hút các thủ khoa đại học vào làm việc tại cơ quan nhà nước của thành phố Hà Nội, đến nay số lượng những trí thức chất lượng cao này về làm việc chỉ rất khiêm tốn. Đa số các bạn ưu tiên lựa chọn trường đại học, viện nghiên cứu sau là nơi làm việc của mình sau khi ra trường và vào nhà nước làm việc chỉ là giải pháp cuối cùng. Nếu đánh giá kết quả với với mục tiêu đặt ra ban đầu thì rõ ràng chính sách này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Đó là một bài học có giá trị thực tiễn cao về khi nói về nguyên nhân tại sao cơ quan nhà nước vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với lớp trí thức chất lượng cao.
Từ những phân tích và thực trạng ở trên, chúng ta cần thiết phải tiến hành một nghiên cứu công phu và khoa học về vấn đề này. Chính sách cũng cần giới hạn lại đối tượng, đó là không khuyến khích thu hút các nhà khoa học trẻ có bằng tiến sỹ về làm trong cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, một số giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng cán bộ nhà nước đó là: Công tác thi tuyển và tuyển chọn cán bộ cần được cải tiến, mang tính chất đột phá, để chọn được đúng người vào làm đúng việc; Môi trường làm việc cần được cải thiện mạnh mẽ, đảm bảo được tính công khai, công bằng, dân chủ, minh bạch, gắn với xu thế quản lý nhà nước hiện đại.
Tóm lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong cơ quan nhà nước là một hướng đi đúng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước (quản lý nhà nước) không nhất thiết cần phải thu hút những nhà khoa học trẻ có bằng tiến sỹ. Thay vào đó chúng ta nên có nhiều chính sách thu hút đãi ngộ đặc biệt các nhà khoa học trẻ về làm việc tại viện nghiên cứu và trường đại học vì nơi đây là môi trường thích hợp nhất để cho họ sáng tạo và phát triển.
Khúc Văn Quý
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Colorado State University