Trả lời câu hỏi “Ai không để cử nhân thất nghiệp?” độc giả Vũ Tuấn Anh (Viện Quản lý Việt Nam) cho rằng, bản thân sự chọn lựa của sinh viên và gia đình là nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp gia tăng.
Người xin việc tại một hội chợ việc làm |
Theo ông Tuấn Anh, thay vì nêu hàng loạt nguyên nhân thì chính bản thân sinh viên và gia đình phụ huynh học sinh cũng là nguyên nhân tạo nên thất nghiệp.
Phải nhìn thẳng vào sự thật các bạn sinh viên đều trên 18 tuổi và có quyền quyết định tương lai của chính mình.
Các bạn tự chọn con đường, tự quyết định các bước đi, tự quyết định phấn đấu như thế nào, tự xin việc như thế nào đều do các bạn lựa chọn 100 % hoàn toàn không có áp lực từ nhà trường, xã hội, Bộ GD-ĐT.
Một bạn học sinh lớp 12 thay vì đi học nghề lại ham hố ảo vọng của tấm bằng đại học thi vào những trường vét điểm sàn 13-14 điểm. Trong quá trình học tập với sự buông thả bản thân và ham vui chỉ có kết quả làng nhàng thi lại với 4-5 điểm.
Toàn bộ quá trình học “mù” kiến thức sống, lóng ngóng kỹ năng mềm thì chắc chắn đối diện thất nghiệp ngay khi tốt nghiệp.
Lỗi tại ai – nhà trường chăng, xã hội chăng, thầy cô chăng?. Không phải – thủ phạm và cũng là nạn nhân chính là sinh viên và bố mẹ phụ huynh. Lý do quan trọng của thất nghiệp sinh viên đó là sinh viên và phụ huynh đã chọn nhầm sân chơi nghề nghiệp cho mình.
Một công dân tốt trong xã hội cần phải có trách nhiệm với chính bản thân mình. Vì vậy dư luận, báo chí và xã hội cần đồng lòng chỉ rõ thủ phạm của thất nghiệp chính là người lao động chứ không phải một ai khác.
Phải tự cứu mình…
Trong những buổi hướng nghiệp, có rất nhiều bạn học sinh hỏi có nghề nào mà nhàn hạ, học ít nhưng lại lương cao. Xin thưa rằng muốn lương cao thì phải học khó khăn vất vả. Còn nếu muốn an nhàn thì sẽ không có lương – thất nghiệp.
Đáng ngạc nhiên các thầy cô cũng tư vấn cho học sinh các nghề như các em tìm hiểu. Các thầy cô và nhà trường cần phải truyền tải rõ ràng nghề nào cũng cần những người thật sự tốt và phù hợp cho nghề đó. Câu chuyện không phải là nghề hot mà bản thân các em có trở thành hàng hot trên thị trường tuyển dụng hay không.
Để trở thành hàng hot các bạn sinh viên trong mọi ngành cần thấu hiểu quy tắc 4H (Học- Hiểu – Hành và Hoàn thiện). Khi nhìn vào công thức này chúng ta thấy phần lớn sinh viên đã mất đi nền tảng căn bản khi tâm thế các em học đại học với ước muốn trung bình. Học tốt thì chưa chắc Hiểu và Hành tốt nhưng không Học thì chắc chắn sẽ không Hiểu và Hành được.
Lý do thứ hai của thành công đó chính là Hiểu . Chữ Hiểu bao gồm phạm trù rộng hơn rất nhiều Học. Học chỉ là những gì thầy cô dạy dỗ trên lớp. Hiểu có thể được suy nghĩ như là tìm hiểu lý thuyết vận dụng như thế nào trong thực tế, các yếu tố ảnh hưởng, trên thực tế công ty vận hành ra sao.
Đáng tiếc, các bạn sinh viên lại lười biếng trong câu chuyện Hiểu vì họ luôn luôn không chịu dấn thân trải nghiệm. Họ để dành thời gian trà chanh chém gió hay facebook luận anh hùng thay vì các hoạt động Hiểu. Vế thứ ba là Hành thì càng ít sinh viên đạt được.
Tâm lý thực dụng và không hiểu mình là ai là những trở ngại quan trọng nhất cho các bạn sinh viên tiến tới chữ Hành. Để đạt được chữ Hoàn thiện, các bạn sinh viên phải có thời gian nhất định và trải nghiệm trong các công ty để đạt tới độ chin của kiến thức kỹ năng và kinh nghiệm.
Lựa chọn sân chơi – học nghề, trung cấp , cao đẳng hay đại học là nguyên nhân quan trọng nhất ảnh hưởng tới khả năng tìm kiếm việc làm của học sinh.
Nguyên nhân thứ hai quan trọng kế tiếp đó chính là thái độ đúng đắn Học- Hiểu – Hành – Hoàn thiện của sinh viên trong suốt quá trình học tập. Học lờ vờ – Hiểu lờ mờ – Hành lờ đờ là con đường nhanh nhất dẫn tới thất nghiệp.
Nguyên nhân cuối là sự ỷ lại và đổ tại hoàn cảnh khách quan của bản thân sinh viên và gia đình.
Thầy cô, nhà trường, xã hội và các đơn vị quản lý chỉ có thể hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ cho mỗi cá nhân phát triển nghề nghiệp.
Mỗi sinh viên và gia đình luôn luôn có quyền chọn lựa cao nhất là tiếp tục, hay dừng chuyển sang hướng khác trong cả cuộc đời nghề nghiệp của họ.
Bạn có cùng quan điểm với độc giả Vũ Tuấn Anh? Ý kiến xin gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn! |
- Vũ Tuấn Anh (Viện Quản lý Việt Nam)
Bài gốc có thể xem tại đây.