Đang đảm nhiệm một vị trí quan trọng tại Tập đoàn IBM Việt Nam, bỗng dưng một ngày cuối năm bạn bè và đồng nghiệp ngạc nhiên vì tin Giám đốc các Chương trình Chính phủ của IBM Phạm Thị Thanh Long lên đường sang Ireland làm tiến sĩ, mà theo chị “hiện thực hóa mong muốn có những thành phố thông minh hơn”…
Thưa chị, “đang yên đang ấm” với công việc hiện tại, lý do nào khiến chị quyết định đi làm tiến sĩ?
Phạm Thị Thanh Long: Thực ra tôi quyết định đi làm nghiên cứu không phải vì tấm bằng tiến sĩ, mà vì tôi thực sự thích lĩnh vực mà tôi mong muốn nghiên cứu. Tôi đã làm về đô thị thông minh hơn (smarter city) được 3 năm. Thực tế cho thấy, khi định hướng xây dựng và phát triển các thành phố thông minh thì công nghệ không phải là vấn đề, nhưng yếu tố con người trong đô thị lại là một câu chuyện lớn, và chuyện này đang ít được quan tâm. Điều này chưa được nghiên cứu sâu, và tôi nghĩ nghĩ đây có thể là điểm để tạo ra sự khác biệt. Tôi biết rằng sử dụng các loại công nghệ khác nhau để phát triển các thành phố thông minh sẽ mất tương đối nhiều tiền, nhưng để thấy các công nghệ đó được người dân chấp nhận, tham gia thì không phải dễ. Chính quyền phải có cơ chế để liên lạc, gắn kết với người dân của mình. Người dân có điện thoại thông minh (smart phone), nếu người ta đi qua đường phố, cửa sông, bãi rác,… nếu thấy thấy có gì bất thường và họ có kênh giao tiếp với chính quyền thì họ sẽ báo ngay. Nhưng bây giờ người dân chưa được khuyến khích, chưa có thói quen và chưa có cơ chế khả thi rõ ràng. Vấn đề này không phải chỉ các đô thị ở Việt Nam mà còn là thách thức của nhiều thành phố khác trên thế giới nữa. Tôi thấy đây chính là những điểm còn bỏ ngỏ và là cũng là cơ hội để tìm xem có cách nào để người dân cùng chính quyền giao tiếp và tham gia để vận hành và quản lý các thành phố hiệu quả hơn.
Ở Ireland họ đã thực hiện xây dựng đô thị thông minh ở mức độ tích hợp các loại công nghệ cao và tự động hóa trong một số lĩnh vực quan trọng như giao thông. Ireland cũng là nơi các tập đoàn lớn về giải pháp công nghệ đặt trụ sở Châu Âu và đặc biệt là các trung tâm nghiên cứu của các tập đoàn này cũng có mặt ở đây. Điều đó cho phép tôi có nhiều thông tin và kết nối phục vụ cho nghiên cứu mà tôi quan tâm là chính sách và quy định trong ứng dụng công nghệ, trong đó sẽ có mảng quan trọng là chính sách và quy định liên quan đến việc người dân sử dụng công nghệ tham gia cùng các nhà quản lý để tối ưu vận hành và quản lý các hệ thống trong một thành phố.
Ở châu Âu cũng đã có một số thành phố ứng dụng công nghệ để làm cho thành phố thông minh và cũng có chính sách, quy định tương đối hiệu quả, đặc biệt là các thành phố ở quy mô nhỏ độ vài trăm ngàn dân. Tại một số thành phố lớn có các thách thức tương tự nhau và ở quy mô lớn do đó các thành phố này đang tập trung sử dụng công nghệ cho các lĩnh vực ưu tiên như giao thông, an ninh công cộng và hạ tầng thông minh. Ở Mỹ và một số quốc gia khác đã và đang thấy việc đưa công nghệ vào giải quyết các thách thức của các thành phố từ hàng triệu đến mấy chục triệu dân có phát huy tác dụng. Với nhiều mô hình đã và đang được thực hiện, tôi phải tìm một khu vực phù hợp với hệ sinh thái đô thị của Việt Nam để nghiên cứu, và đó cũng là một trong các lý do tôi chọn Ireland. Tôi đang nghĩ đến một khái niệm mà nhiều người hay dùng gọi là đô thị bền vững (sustainable city), trong đó tôi quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố trong quan hệ giữa thị dân và chính quyền. Bởi rõ ràng là công nghệ có thể được phát kiến và áp dụng mới liên tục, nhưng nếu thị dân chẳng thấy quan trọng, không sử dụng, không tham gia cùng chính quyền hay nhà quản lý và ngược lại, thì cũng chẳng thể tận dụng triệt để được lợi thế mà công nghệ có thể mang lại.
Trong tưởng tượng của chị, một đô thị thông minh sẽ như thế nào?
Phạm Thị Thanh Long: IBM hiện đang có một chương trình có tên Thách thức Các Thành phố Thông minh hơn (SmarterCity Challenges), trong đó họ nhấn mạnh đến vấn đề công nghệ, đến trang thiết bị cho các hệ thống vật lý, kết nối vật lý, phi vật lý và sử dụng trí thông minh nhân tạo vào xử lý các thách thức của các thành phố mong muốn trở nên thông minh. Đó là nền tảng cho việc có thể huy động sự tham gia của các bên liên quan thông qua các phương tiện liên lạc trên một nền tảng để có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề hiệu quả hơn. Nó giống như facebook, nó là một nền tảng (platform) và chúng ta phải tạo ra nội dung trên nền tảng đấy. Trong các chương trình Thách thức các Thành phố Thông minh hơn mà tôi đã tham gia trong 3 năm qua, có 2 điểm theo tôi là quan trọng. Điều đầu tiên là các hệ thống phục vụ người dân phải hiện đại, tất nhiên là phải dần dần từng bước. Hệ thống dịch vụ công của chính quyền dành cho người dân phải trở nên tiện ích hơn. Ví dụ như một số quận lớn ở Tp Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã có hệ thống dịch vụ hành chính qua mạng cho người dân có thể dùng được và rất hiệu quả. Tất nhiên các dịch vụ này chưa đạt mức cao nhất hiện nay là mọi thứ đều qua mạng được kể cả chi trả phí, nhưng nhiều mẫu, bảng biểu và hướng dẫn các quy trình dành cho người dân sử dụng đã trở nên thông dụng. Các hệ thống khác của đô thị như là giao thông, giáo dục, y tế, cấp thoát nước, điện, an ninh công cộng, cũng dần dần được hình thành và phát triển theo hướng này.
Mảng thứ hai là trách nhiệm của người dân với thành phố đó. Trước giờ người dân hiểu là mình đóng thuế thì mình được phục vụ, nhưng với các thành phố và cuộc sống đô thị thì đó phải là trách nhiệm hai chiều. Người dân đi qua đường, thấy ổ gà, nắp cống mất phải có trách nhiệm báo với cơ quan có hữu quan, thay vào đó chỉ nói những câu rất bâng quơ chẳng hạn như “hỏng mãi sao không chịu sửa”. Thành phố mà người dân chọn để sinh sống là môi trường mà họ có thể nuôi dưỡng và phát triển cả gia đình. Theo các nghiên cứu kinh tế gần đây thì hiện nay các thành phố đang cạnh tranh với nhau bằng nguồn nhân lực. Thành phố phát triển nhanh là vì có nguồn nhân lực tốt. Vậy nên nếu thành phố có hạ tầng đô thị hiện đại, dịch vụ công của chính quyền với người dân tốt, và trách nhiệm của người dân với thành phố đó cao, thì rõ ràng đó là một đô thị đáng sống. Công nghệ có thể thúc đẩy cho quá trình này ngày càng nhanh chóng và hoàn thiện hơn. Bây giờ chuyện sử dụng công nghệ rất đơn giản, hầu hết cư dân đô thị biết sử dụng điện thoại, internet, hoặc có thể gọi vào một đường dây nóng nào đó để báo. Nhưng thực tế là hầu hết đều bỏ qua trách nhiệm của người dân với thành phố nơi mình sinh sống. Vậy đâu là những quy định, những chính sách mà chính quyền cần có để tạo động lực và dần hình thành thói quen đó cho người dân và cùng người dân thực hiện? Tôi tin là nếu quá trình này trở thành lối sống của người dân thành phố thì các thành phố sẽ có cơ hội phát triển và hiện đại hóa nhanh chóng để trở thành các thành phố thông minh.
Công nghệ đóng vai trò như thế nào trong một đô thị thông minh, thưa chị?
Phạm Thị Thanh Long: Công nghệ chỉ là phương tiện, có vai trò nhất định thôi. Anh có dựng hệ thống hoành tráng, đắt tiền, mà người dân không tham gia, không hưởng ứng thì cũng chẳng để làm gì cả. Do vậy, quan hệ giữa con người, sự hiểu biết lẫn nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau giữa những con người trong đô thị mới là quan trọng. Ai cũng tích cực làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình để đóng góp cho một thành phố đáng sống hơn, bền vững hơn, và những thị dân ở đó gắn bó lâu dài với nó thay vì mình phải di chuyển đi nơi khác.
Dường như đô thị càng hiện đại thì con người càng rời rạc, không như ở nông thôn ai cũng biết nhau, quan tâm nhau. Theo chị, mô hình đô thị thông minh mà chị hướng tới giúp ích gì trong vấn đề này?
Phạm Thị Thanh Long: Thực ra cuộc sống đô thị hối hả và nhiều vấn đề gặp phải hàng ngày làm dân cư đô thị phải mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên tôi tin rằng nếu người dân đô thị có trách nhiệm với thành phố của mình thì họ sẽ có chung một số quan tâm. Khi có chung điều quan tâm, họ sẽ cùng nhau chia sẻ và hình thành những nhóm theo sát các vấn đề của đô thị để cùng các nhà quản lý tìm cách giải quyết. Việc đó cũng là một quá trình thay đổi lối sống một cách tích cực.
Ngoài ra nếu các hệ thống phục vụ cuộc sống thường nhật của người dân được hiện đại hóa, tiếp cận dễ dàng và hiệu quả, chắc chắn chất lượng cuộc sống của dân cư đô thị sẽ được cải thiện. Qua đó người dân sẽ phần nào thấy cuộc sống dễ chịu hơn, ít bức xúc hơn, cởi mở hơn và tôi là tuýp người hơi lý tưởng một chút thì tin rằng họ sẽ đỡ lạnh nhạt với nhau hơn, quan tâm đến nhau hơn.
Trong cấu trúc của một đô thị, thành tố quan trọng nhất là thị dân, nhưng thực tế các đô thị ở ta là đa phần thị dân là người nhập cư từ tỉnh lẻ, vậy với đặc trưng đó, đô thị thông minh của chị sẽ vận hành thế nào?
Phạm Thị Thanh Long: Về cơ bản ở môi trường của Việt Nam cũng có những điểm được coi là lợi thế nếu biết sử dụng. Ví dụ người dân nhập cư ở tỉnh lẻ về các thành phố lớn nhưng vẫn mang theo mình lối sống của làng quê, các thị trấn, thị xã. Do quy mô và phong cách sống, những người dân nơi này tương đối có trách nhiệm trong việc chia sẻ thông tin. Điều này có thể tận dụng để khuyến khích người dân di cư đến thành phố giữ thói quen này, đặc biệt là những việc liên quan đến các hệ thống hạ tầng đô thị và dịch vụ mà người dân sử dụng nhiều.
Với các hệ thống hạ tầng hiện đại, người dân ở thành phố lâu hơn, đã biết sử dụng các hệ thống thành thạo thì có thể tổ chức các nhóm tùy tiêu chí để giúp những người mới đến thành phố có thể sử dụng tốt các hệ thống dịch vụ này. Một ví dụ mà nhiều người có thể thấy trong 5 năm trở lại đây là việc sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử qua hệ thống máy tự động. Hiện tại dịch vụ này đã trở nên thông dụng và qua đó tôi cho rằng người dân có khả năng học hỏi và cặp nhật kiến thức, kỹ năng tốt. Vậy việc thành phố thông minh vận hành ra sao để đạt hiệu quả cao trong đầu tư và phát triển thì phần nhiều phụ thuộc vào việc các chính sách, quy định cụ thể ra sao trong vấn đề tổ chức hay khuyến khích theo mô hình nào để phát huy trách nhiệm của các bên liên quan.
Chị có nghĩ công nghệ trong mô hình thành phố thông minh của chị sẽ giúp thị dân ý thức tốt hơn về sự tự chủ?
Phạm Thị Thanh Long: Tôi cho rằng công nghệ là phương tiện quan trọng trong vận hành và tối ưu quản lý các thành phố. Đối với người dân, hầu hết các công nghệ có tác dụng hai chiều: người dân thấy mình làm chủ được công nghệ đó, tức là biết sử dụng, và chính công nghệ đó góp phần điều chỉnh hành vi của người dân.
Một ví dụ tôi tin là ai cũng biết đấy là việc có camera giám sát ở các khu vực công cộng nhưng cần mức độ an ninh cao như sân bay hay nhà ga. Camera giám sát sẽ làm cho người dân điều chỉnh hành vi của mình ở nơi công cộng mặc dù tầm kiểm soát của camera có thể không phải rộng và rõ ràng như người dân nghĩ. Đây chính là điểm khởi đầu để người dân tôn trọng chính mình và những người xung quanh, dần hình thành thói quen của người thành phố khi ở nơi công cộng.
Ở Singapore hệ thống giao thông tích hợp của họ có một mảng mà tôi nghĩ rất hay đấy là việc thu phí linh động. Chắc chắn người cần đi xe trên đường sẽ thấy mình di chuyển rất hiệu quả vì không phải dừng lại để trả phí, hệ thống tự động trừ tiền trong tài khoản. Nhưng người cần đi xe này cũng biết đến một thực tế là nếu đi xe vào giờ cao điểm, tiền phí sẽ cao hơn và họ biết được qua tài khoản và các giao dịch tự động đó. Điều đó giúp người đi xe điều chỉnh hành vi và sẽ xem xét nhu cầu sử dụng xe của họ vào giờ nào cho hợp lý và tiết kiệm chi phí của mình nhất. Điều này có thể đúng trong các hệ thống khác như cấp nước, hệ thống điện sử dụng tại các hộ gia đình. Các công nghệ hiện đại sẽ giúp người dân làm chủ các hoạt động của mình.
Là người theo học thạc sỹ báo chí bằng học bổng Fullbright, nhưng lại gắn với ngành Công nghệ thông tin (IT), vì sao thưa chị?
Phạm Thị Thanh Long: Tôi có làm báo 8 năm trước khi sang làm cho IBM. Hồi tôi học bên Mỹ, điều ấn tượng nhất với tôi là việc sử dụng hê thống liên thư viện, mà xương sống của nó là IT, giúp tôi lục lọi được thông tin ở các trường ở Mỹ, Anh, Úc… Lúc đó tôi nghĩ một người không giỏi công nghệ lắm như mình mà sử dụng được hệ thống đó để lấy thông tin tin cậy và nhanh chóng, nếu chính quyền có được công nghệ như thế thì sẽ vận hành rất trơn tru và nhanh chóng. Tôi nhận thấy IBM có công nghệ tốt và là một công ty đi đầu về mảng sáng tạo và đổi mới. Tôi tìm hiểu về công nghệ, về cách thức quản lý hiệu quả và việc tối ưu hóa các nguồn lực ra sao để chia sẻ với các đối tác Việt Nam. Trong thời gian 5 năm tôi làm việc cho IBM thì SmarterCity cũng là một chương trình rất sáng tạo. Ý tưởng về thành phố thông minh không phải mới mà là đã có từ những năm 1970, 1980 rồi, nhưng đến năm 2008 IBM với vai trò là một công ty hàng đầu trong ngành IT đã nhận trách nhiệm đi đầu, thúc đẩy phổ biến khái niệm đó, khiến các thành phố phải suy nghĩ lại để ứng dụng công nghệ như thế nào. Và khi tôi làm thì thấy rõ ràng là yếu tố con người trong đó quan trọng đến thế nào. Khi tôi biết được một hệ thống các thông lệ tối ưu đã được đúc rút từ các thành phố trên thế giới, thì việc học hỏi để áp dụng vào thực tiễn các đô thị ở Việt Nam là điều khả thi.
Hình dung đến 4-5 năm tới, sau khi học xong tiến sĩ, chị nghĩ công việc, cuộc sống của chị như thế nào?
Phạm Thị Thanh Long: Tôi mong muốn làm việc cho một tổ chức quốc tế về lĩnh vực tư vấn, phát triển. Tôi đã từng làm ở cơ quan nhà nước rồi, đã làm ở một ngành công nghiệp IT, và sắp tới sẽ là 3-4 năm làm ở viện nghiên cứu. Như vậy, tôi đã trải qua một “thế kiềng ba chân” đầy đủ và hiểu cách thức người ta hợp tác thế nào. Sau đó tôi muốn làm ở tầm quốc tế để có tầm nhìn rộng hơn, để học từ chính những trải nghiệm. Khoảng vài năm sau khi có kinh nghiệm quốc tế, hy vọng kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn, các nguồn lực cũng đã được tạo ra kha khá, thì tôi có thể trở về, cùng làm việc với một số cơ quan hữu quan, cùng nhau thực hiện việc phát triển nhanh các thành phố thông minh và bền vững. Tất nhiên sẽ là từ một số thành phố nhỏ trước.
Nếu trong hai từ về giá trị mà chị muốn hướng tới trong chặng đường sắp tới của mình, thì đó là từ gì?
Phạm Thị Thanh Long: Tôi thích hai chữ “nhân văn”, vì con người sống với nhau thì phải có cái tình.
Bài viết được đăng một phần trên báo Người Đô thị số Xuân Giáp Ngọ
Tựa đề do Biên tập viên sinhvienusa.org đặt lại
——-
Tính cách Phạm Thị Thanh Long:
Thân là đàn bà mà mang tên đàn ông nên chắc cũng vân vào người chút: Tính tình thẳng thắn và tương đối quyết liệt.
Được gọi là “Mẹ hổ” vì khá sát sao với các con trong chuyện học và thói quen sống.
Quan điểm sống là luôn phải lên kế hoạch cho những gì định làm, đánh giá thiệt hơn và thực hiện đến cùng với quyết tâm cao nhất.
Đặc biệt quan tâm đến các thế hệ sinh viên và học sinh, luôn tìm kiếm và tối ưu các nguồn lực để giúp các em.
Quan tâm đến khởi nghiệp và tham gia hỗ trợ một số doanh nhân trẻ khởi nghiệp. Bản thân đã khởi nghiệp với việc buôn thúng bán bưng từ năm 11 tuổi nhưng lại chưa có duyên để có doanh nghiệp của bản thân.
Thích nấu ăn và nấu ăn cũng ngon, có một vài món tủ.
Tập thể dục hàng ngày, cơ bản là để đỡ căng thẳng hơn là để giữ dáng.