Sau khi tin tức về Huyền Chip được vào Stanford lan truyền trên cộng đồng mạng, nhiều người đã nhắc đến cái tên Trần Ngọc Thịnh, một người quyết liệt phản đối cuốn sách “Đừng chết ở Châu Phi” của Huyền Chip.
Trên Facebook của Trần Ngọc Thịnh vừa đăng note nêu rõ quan điểm về sự kiện này. Để đảm bảo tính khách quan, thông tin đa chiều, www.sinhvienusa.org đăng lại note của tác giả Trần Ngọc Thịnh, một số câu trong note đã được biên tập sau khi có sự đồng ý của tác giả.
Dưới đây là bài của tác giả Trần Ngọc Thịnh:
Tôi đã chần chừ một hồi lâu khi quyết định viết cái note này, bởi từ sau khi chính thức tuyên bố dừng theo đuổi vụ việc xoay quanh cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”, tôi muốn dành thời gian để tập trung cho những gì mà tôi nghĩ là cần thiết và có ích cho xã hội hơn là việc đẩy sự việc lùm xùm đi quá xa, ảnh hưởng rất nhiều tới tôi và gia đình. Nhưng tôi quyết định viết cái note này để chia sẻ những suy nghĩ của mình xung quanh mấy sự kiện gần đây của Huyền Chip mà nhiều người có nhắc đến tôi.
Tôi vs. Huyền Chip
Tôi khẳng định một điều rằng cá nhân tôi và Huyền Chip không có thù oán gì nhau mà khiến tôi phải trả thù hay tìm cách triệt hạ em ấy như một số người quy kết. Tôi không biết HC là ai cho tới khi những nghi vấn về tính trung thực của cuốn sách của cô ấy được báo chí làm rùng beng thu hút sự chú ý của tôi – một người luôn có thói quen đọc báo trước khi đi ngủ chứ không có sở thích đọc sách du ký.
Cá nhân vs. Cộng đồng
Việc tôi làm vừa rồi, tôi không cho rằng đó là chuyện của cá nhân (tôi ) với cá nhân (Huyền Chip) mà là chuyện của một bên là hàng ngàn độc giả (mà tôi đại diện cho quan điểm của họ) với một bên là những người ủng hộ HC (bao gồm ekip sản xuất sách NXB Văn học, cty Quảng Văn và các đơn vị tài trợ). Do vậy, việc này không nên nhìn nhận là việc của 2 cá nhân. Tôi không ganh đua hay đố kỵ gì bản thân tác giả thế nên tôi mong mọi người đừng có lôi tôi vào so sánh bởi nó rất khập khiễng. Giữa tôi và HC cũng như sách của tôi và cô ấy có rất nhiều điểm không tương đồng thế nên so sánh là điều không cần thiết và không nên làm. Tôi không có mong muốn được tôn làm “thủ lĩnh” nhưng tôi chấp nhận những “gạch đá” bay vào tôi vì tôi là người đi đầu. Tôi dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm cá nhân. Còn nếu bạn không làm được điều này, và thích ném đá dấu tay, hay chửi đổng, tôi không có thời gian để trả lời comment của bạn được, mong bạn thông cảm.
Nghĩa vụ vs. Lựa chọn
Tôi thấy những nghi vấn mà độc giả đưa ra hoàn toàn là xác đáng và có lý. Tôi cho rằng, độc giả có quyền được đòi hỏi tác giả phải giải đáp những thắc mắc và nghi vấn của mình. Với tác giả khi anh bán sách kiếm tiền (chứ ko phải viết blog miễn phí), thì đó là một nghĩa vụ (a must) chứ không phải một lựa chọn (a choice). Rất tiếc, Huyền Chip không hiểu điều đó và với sự bênh vực của những người có tiếng tăm và lượng fan đông đảo cũng như một số báo, cô bé càng trở nên hung hăng và hiếu thắng hơn. Những gì cô ấy thể hiện ở 2 buổi họp báo đã làm cho nhiều người thất vọng và người ta chuyển từ nghi vấn sang ghét cô. Ghét bởi cái thái độ hỗn láo, xấc xược và thách thức dư luận. Tôi cho rằng HC có thể còn ít tuổi và thiếu sự khôn khéo trong cách ứng xử với bức xúc của dư luận. Tôi cảm thấy buồn vì những người lớn có tiếng tăm, những cơ quan báo đài, nhưng fan cuồng ra sức bênh vực và bao biện cho HC thay vì khuyên cô ấy làm việc cần làm là sáng tỏ nghi vấn lại dùng các phép “ngụy biện” mà tôi đã từng liệt kê ra trong bài “Những đỉnh cao chói lòa của ngụy biện” trong Facebook Page này.
Tại sao tôi kiến nghị?
Thật lòng mà nói, việc viết đơn kiến nghị là việc cực chẳng đã, vạn bất đắc dĩ. Bởi đây chẳng khác gì việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” hay “ôm rơm nặng bụng” nhưng tôi vẫn quyết định làm, bởi nó xuất phát từ một niềm tin cá nhân của tôi vào lẽ phải và công lý. Đây là điều mà tôi tâm đắc nhất từ cuốn sách tôi thích nhất khi học bên Mỹ mang tên “Justice – What’s right thing to do” của GS. Michael Sandal của ĐH Harvard. Tôi đánh giá vấn đề tranh qua, cãi lại giữa độc giả và tác giả là về tính xác thực xung quanh nội dung của cuốn sách. Mà tôi đã chia sẻ trong một note về văn hóa tranh luận của mình rằng cách tốt nhất để chấm dứt một tranh luận là có một người thứ ba “độc lập, công tâm” đứng ra phân xử. Đó là lý do tôi mời Cục Xuất bản – đơn vị quản lý nhà nước về xuất bản vào cuộc. Tuy nhiên, những gì Cục xuất bản và cá nhân Cục trưởng Chu Văn Hòa làm tôi khá thất vọng, nó càng củng cố sự mất niềm tin của tôi vào sự khách quan và công tâm của cơ quan công quyền khi ngay trước đó Cục ra quyết định cấm phát hành cuốn tiểu thuyết đại gia một cuốn hư cấu phản ánh hiện thực xã hội đầy bê bối, nhưng lại cho phép tiếp tục phát hành một cuốn nhật ký khẳng định là chân thực nhưng là phóng đại nhiều cái, chưa nói đến những cái điều vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật trong cuốn sách. Vụ việc phơi bầy một văn hóa tranh luận rất hạn chế ở Việt Nam, khiến tranh luận trở thành tranh cãi và người ta không dám thể hiện quan điểm của mình vì sợ, vì ngại và vì nhiều cái khác.
Sự thật vs. Giả dối
Một nửa chiếc bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa của sự thật sẽ không còn là sự thật. Chuyện sẽ chẳng ầm ĩ nếu như Huyền Chip thừa nhận là sách của mình có chút phóng đại hoặc “thêm mắm, thêm muối” cho nó hấp dẫn. Đằng này cứ khăng khăng bảo mình viết thật, những người bênh vực cũng cho là vậy mặc dù chả có chứng cứ gì rõ ràng. Đến khi buộc phải giải trình thì đành phải thú nhận là có giả dối, có phóng đại. Như vậy, tôi cho rằng với độc giả là vấn đề “sự thật” đã sáng tỏ.
Tôi phản đối những ai bênh vực Huyền Chip cho rằng chúng ta đang sống trong một xã hội đầy rẫy giả dối nên việc cô bé giả dối cũng là chuyện nhỏ. Chính lối suy nghĩ này mà xã hội Việt Nam, sự thật là thứ vô cùng xa xỉ. Từ chuyện nhỏ, tới chuyện lớn. Từ chuyện showbiz như phẫu thuật thẩm mỹ mà cứ cãi bay cho tới khi lộ clip, cho tới chuyện cô hoa hậu đã có chồng dối trá để được “cống hiến”. Huyền Chip nếu chỉ là một cô bé vô danh nói dối thì chả ai quan tâm, nhưng mà một người “dối trá” được đưa thành thần tượng của giới trẻ, để được ngưỡng mộ thì cần phải xem xét. Với tôi sự trung thực là nền tảng vững chắc cho niềm tin trong xã hội. Không có niềm tin, xã hội sẽ đổ vỡ về mọi mặt, tạo dựng nên một xã hội với quá nhiều dối trá lọc lừa mà chúng ta đang chứng kiến. Sống thực giờ đây vô cùng khó và khao khát được sống thực với chính mình là khao khát cháy bỏng rất đỗi nhân văn của người Việt, giống như Chí Phèo đã từng thét lên trước khi chết “Ai cho tao làm người lương thiện”.
Khoan dung vs. khắt khe
Những ai biết tôi từ lâu sẽ thấy một điều là tôi là người rất ngại “va chạm”. Tôi luôn tránh những “xung đột” không đáng có. Tôi không phải là một người không có sự khoan dung, nhưng bản thân tôi có những giá trị mà tôi sống chết với nó. Tôi bảo lưu quan điểm của mình và sẵn sàng tranh luận với bất cứ ai muốn tranh luận với tôi về quan điểm đó. Tôi cho rằng, việc dễ dãi với những sai lầm sẽ nguy hiểm hơn là khắt khe những sai lầm ấy, nhất là với một người trẻ. Việc bênh vực và bào chữa cho một sai lầm, xét về khía cạnh cảm xúc thì thấm đẫm tình người, nhưng xét về khía cạnh luân lý thì lại là một sai lầm nguy hại. Dư luận cũng đã chia 2 phe khi tòa quyết định xử tử hình tướng cướp Duy Trúc. Dư luận cũng chia 2 phe khi Cục nghệ thuật biểu diễn quyết định cấm diễn cô hoa hậu nói dối Diễm Hương. Những việc làm sai trái về đạo đức và luật pháp của Huyền Chip, dưới con mắt khoan dung sẽ là những “lỗi lầm, hay bồng bột của tuổi trẻ” không nên truy cứu làm gì, nhưng dưới sự khắt khe là điều làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam ở nước ngoài. Cái này tôi nghĩ khó tranh luận bởi lẽ nó xuất phát từ quan điểm và cách nhìn nhận của mỗi người về bản chất của vấn đề. Giữa tình và lý, tôi thừa nhận tôi nghiêng về lý, nhưng không phải là tôi không có tình. Sự khoan dung của tôi (nếu để tự tôi nhận xét) là việc tôi quyết định không theo đuổi vụ việc và đẩy nó tới pháp đình, cho dù tôi vẫn tin rằng sau khi sự thật được sáng tỏ, thì việc kiện ra tòa đòi quyền lợi cho người tiêu dùng bị “lừa” mua hàng dởm chúng ta hoàn toàn có thể chiến thắng. Các bạn ủng hộ tôi ở Sài Gòn đã gặp gỡ luật sư và muốn làm tới cùng.Họ đã tỏ ra rất thất vọng khi tôi quyết định dừng theo đuổi vụ việc. Nhưng tôi nghĩ, như thế là đủ rồi, hãy để xem HC nhìn nhận sự việc và thay đổi ra sao. Hãy xem cuốn sách tiếp theo (nếu có) sẽ như thế nào? Rồi tính tiếp, đời còn dài không gì phải vội vã.
Du phượt vs. Du học
Việc HC quyết định đi du học đã được cô ấy chia sẻ tại buổi họp báo, chứ không phải là do việc tôi làm tác động hay do cô ấy đọc sách của tôi. Tôi không có thói quen nhận vơ, hay vơ vào như thế. Mong các bạn đừng nhắc đến tôi khi đọc tin Huyền Chip đi du học. Bản thân tôi mừng vì cô ấy quyết định thay vì đi “phượt” để viết tiếp tập 3, tập 4, đã quyết định đi du học. Tôi nghĩ đó là một lựa chọn đúng đắn cho Huyền Chip và các bạn trẻ Việt Nam ở tuổi cô. Trong cuốn sách của mình “Du học không khó”, thông điệp chính mà tôi muốn truyền tải tới các bạn trẻ Việt Nam là hãy đi du học đi, đất nước mình cần nhiều thanh niên du học để thay đổi như những gì người Nhật đã làm. Quan điểm của tôi cho rằng cách duy nhất để Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu là phải có nhiều thanh niên Việt Nam được sang các cường quốc năm châu đó học hỏi và quay về thay đổi đất nước. Việt Nam cần nhiều du học sinh hơn là phượt thủ.
Là một du học sinh, tôi đã trải qua những khó khăn khi theo đuổi ước mơ du học, do vậy cuốn sách tôi chia sẻ những kinh nghiệm bản thân và những người khác để giúp các bạn trẻ có một cái nhìn “lạc quan” hơn về cơ hội du học cho mình mà nhiều bạn khi gặp tôi tại các buổi giao lưu đều chia sẻ những trăn trở, lo lắng về ước mơ du học mà các bạn cho là quá “xa vời” của mình.
Sự thành công của Huyền Chip là một minh chứng cho thông điệp đó, bởi lẽ nếu bạn biết nỗ lực cộng với sự chỉ dẫn và giúp đỡ của những người đi trước thì du học sẽ không khó với bạn. Đó là khao khát được chia sẻ, được giúp các bạn trẻ đi du học là lý do tôi muốn viết cuốn sách mà tôi ấp ủ từ lâu rồi, nhưng do quá bận rộn công việc mà chưa thể hoàn thành, chứ không phải là để tranh thủ ra sách để PR qua vụ Huyền Chip hay vì bị “kích động” nên phải viết sách để thể hiện hay chứng tỏ tôi có thể viết sách.
Tôi nghĩ đời còn rất dài và còn rất nhiều việc có ích để mà làm. Chúng ta hãy làm những việc chúng ta tin là đúng và có ích. Hãy để thời gian và lịch sử đánh giá những việc mà chúng ta làm là có ích cho xã hội hay không. Thay vì tốn thì giờ tranh cãi, mỉa mai nhau, hãy làm những việc có ích cho xã hội. Vì đó là mục tiêu chung của con người khi tồn tại ngắn ngủi trên thế gian này. Rồi mọi thứ cũng trở thành cát bụi, đừng vội tan biến khi chưa làm được gì hoặc làm những điều sai trái.
Chúc mọi người một ngày tốt lành.
Trần Ngọc Thịnh
Sài Gòn, 31/3/2014