Tác giả: Catherine Rampell
Catherine Rampell là một nhà báo chuyên viết về mảng kinh tế cho tờ New York Times. Trang blog do cô chủ biên tại New York Times – Economix – đã giành được giải thưởng của Hiệp hội Nhà văn và Biên tập viên Kinh tế của Mỹ. Trước đó cô làm biên tập viên cho tờ Washington Post và Chronicle of Higher Education (ND).
Sinh viên tại lễ tốt nghiệp Đại học Bowie bang Maryland tháng 5/2013.
Washington – Thống kê liên bang cho thấy số sinh viên Mỹ tốt nghiệp đại học tăng vọt trong những năm gần đây, đưa tỷ lệ người có bằng cử nhân lên một mốc mới.
Biểu đồ thể hiện sự gia tăng đồng loạt số lượng bằng đại học
Trước khi có đột biến tăng về số người tốt nghiệp đại học, đã có hai mươi năm tăng trưởng chậm của đào tạo đại học khiến nước Mỹ tụt lại sau nhiều quốc gia khác và làm các chính trị gia của cả hai đảng, kể cả Tổng thống Obama, phải rung hồi chuông báo động.
Theo Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia, trong năm vừa qua, 33,5% người Mỹ ở độ từ 25 đến 29 sở hữu ít nhất một tấm bằng đại học, so với 24,7% năm 1995 và 21.9 % năm 1975. Số sinh viên có bằng cử nhân cao đẳng hệ hai năm, số người hoàn thành bằng thạc sĩ và tiến sĩ gần đây cũng tăng so với những năm trước.
Nguyên nhân của xu hướng này là do số lượng sinh viên nhập học tăng mạnh và cũng nhờ vào những cải thiện quy trình để sinh viên tốt nghiệp của các trường đại học.
Các nhà kinh tế học nói những xu hướng này có thể mang đến tín hiệu tốt lành trong những năm tới, sẽ có thêm người đủ trình độ để làm các việc được trả lương cao khi nền kinh tế hồi phục.
Lượng sinh viên nhập học tăng trong thập kỷ vừa qua một phần là do có nhiều nghề mới được tạo ra trong kỷ nguyên kỹ thuật số, đây là những nghề đã làm tăng sự khác biệt giữa tiền lương của người có bằng cấp so với những người còn lại. Một yếu tố quan trọng khác nữa chính là cuộcsuy thoái kinh tế vừa qua đã khiến nhiều người lao động ở mọi lứa tuổi tìm nơi “trú ẩn” trong các học xá đại học trong lúc thị trường lao động ảm đạm.
Cô Sarah O’Doherty, 24 tuổi, vốn là nhân viên tiếp tân của một tiệm làm nail cho biết: “Cơ bản mà nói, tôi không phù hợp và không hề hứng thú với công việc cũ của mình. Tôi muốn làm một việc gì đó để không phải sống tằn tiện từ đồng dollar này tới đồng dollar khác. Sau khi sinh con trai, tôi muốn làm một công việc mà mình đam mê: có một nghề nghiệp”. Sang tháng tới cô sẽ tốt nghiệp trường Cao đẳng hạt Corris, bang New Jersey với chuyên ngành Liệu pháp Hô hấp.
Số lượng cử nhân là phụ nữ trẻ trong thập kỷ vừa qua tăng nhanh hơn rất nhiều so với số lượng cử nhân nam giới trẻ tuổi. Số lượng sinh viên da trắng, da màu, và những người Hispanic (gốc gác Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha – ND) trẻ tuổi tốt nghiệp cũng tăng, mặc dù vẫn còn tương đối ít so với nhóm người châu Á là nhóm có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao nhất. Tỷ lệ cử nhân của từng bang có sự khác biệt rõ ràng: 48,1% người trong độ tuổi 25-34 ở bang Massachusetts có bằng đại học trong khi con số đó chỉ dừng lại ở mức 20,4% dân số tại bang Nevada. Những số liệu này được cung cấp bởi Trung tâm Quốc gia Hệ thống Quản lý Đào tạo sau Đại học, một trung tâm nghiên cứu và phát triển được thành lập để cải thiện trình độ quản lý của các trường đại học.
Mặc dù đã có những bước tiến trong thời gian gần đây, song các chuyên gia giáo dục bậc đại học vẫn nhấn mạnh rằng tỷ lệ sinh viên ra trường đang còn ở mức rất thấp. Theo Trung tâm National Student Clearinghouse, chỉ một nửa số sinh viên năm thứ nhất nhập học trong năm 2006 tốt nghiệp năm 2012.
Theo ông Jamie P. Merisotis, giám đốc điều hành Tổ chức Lumina – một tập đoàn có trụ sở tại thành phố Indianapolis chuyên trách mảng đào tạo sau đại học và mới đây đã phát hành một bản báo cáo phân tích các số liệu toàn liên bang: “Có những dấu hiệu đáng lo ngại rằng nhu cầu nhân lực trình độ cao tăng nhanh hơn tốc độ đào tạo người của chúng ta. Chúng ta không thể kỳ vọng các công dân của mình đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế và xã hội thế kỷ 21 mà lại thiếu một nền giáo dục thế kỷ 21”.
Các nhà kinh tế cho biết sự nhảy vọt gần đây của tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp gần đây phản ánh những tiến bộ tương tự của giáo dục trong suốt thời kỳ suy thoái trầm trọng trước đó.
Claudia Goldin, giáo sư kinh tế của trường Đại học Harvard nói: “Một trong những thứ, hài hước thay lại là tốt đẹp, của cuộc Đại suy thoái năm 1930 là cuộc khủng hoảng đã khiến cho tất cả trẻ em đều tốt nghiệp trung học, điều sau đó hóa ra thực sự có ích cho người lao động”.
Đạo luật quân nhân (GI Bill – đạo luật về chính sách cho quân nhân giải ngũ – ND) sau đó đã tạo ra bước nhảy vọt thứ hai trong việc đầu tư cho giáo dục sau Thế chiến II, điều đã góp phần tạo nên cuộc bùng nổ kinh tế thời hậu chiến. Dĩ nhiên, trong những trường hợp này, giáo dục được miễn phí hoặc học phí rất rẻ, chứ không như các đại học ngày nay.
Chi phí có thể là một lý do khiến tỷ lệ tốt nghiệp ở nhóm sinh viên có thu nhập thấp không tăng nhiều, nhiều sinh viên vì mắc nợ nên thường cũng không tốt nghiệp. Tỷ lệ người ở độ tuổi 24 thuộc nhóm các gia đình thu nhập thấp có bằng đại học có mức tăng trưởng nằm ngang trong vài thập kỷ gần đây, theo Tom Mortenson, nhà phân tích chính sách giáo dục đại học viết trên tờ báoPostsecondary Education Opportunity.
Dường như các sinh viên thu nhập thấp tốt nghiệp phổ thông trung học không nhiều bằng những học sinh khá giả, vào đại học ít hơn và sau đó tốt nghiệp cũng ít hơn. Ông Mortenson cho hay năm 2011, chỉ 1/10 học sinh có bố mẹ thuộc nhóm thu nhập thấp nhất có bằng đại học hệ bốn năm trước tuổi 24, tỷ lệ này trong nhóm học sinh thuộc nhóm gia đình có thu nhập cao nhất là 7/10.
Trong tăng trưởng tốt nghiệp gần đây có một số là những người học đại học hoặc quay trở về đi học lại khi tuổi đời cao hơn. Các chuyên gia dự đoán tỷ lệ tốt nghiệp của nhóm sinh viên này có thể tiếp tục tăng trong tương lai vì nhóm này có tiềm năng tăng trưởng lớn.
Các trường đại học “vị lợi nhuận”, bất chấp việc thu học phí cao và có tỷ lệ sinh viên ra trường thấp hơn các trường đại học khác, đã nhận nhập học nhiều sinh viên có tuổi và thu nhập thấp. Giáo sư Goldin ước tính trường đại học “vị lợi nhuận” chiếm khoảng 1/5 của lượng gia tăng số người tốt nghiệp đại học trong 10 năm qua.
Bà cho biết: “Đơn giản là các trường cộng đồng không có tiền để mở rộng. Với các trường đại học có mục đích kinh doanh, tất cả sinh viên đến học đều mang tiền cho trường, và cứ thế trường mở rộng”.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tăng cũng châm ngòi cho cuộc tranh luận về sự đúng đắn của việc mọi người đổ xô đi học đại học, mặc cho tỷ lệ vay nợ để đi học cao và đầy những câu chuyện về sinh viên ra trường thất nghiệp vẫn phải sống nhờ cha mẹ.
Nhiều nhà kinh tế học chỉ ra rằng những người có bằng đại học thành công hơn những người cùng trang lứa nhưng ít có cơ hội học hành, và họ lập luận rằng về lâu dài thì việc nâng cao trình độ giáo dục sẽ có lợi cho sự phát triển kinh tế. Kể từ khi khủng hoảng bắt đầu vào tháng 12 năm 2007, số lượng cử nhân tìm được việc làm tăng 9% trong tuyển dụng lao động lại giảm với những người còn lại.
Theo Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đối với nhóm người đã tốt nghiệp đại học ở độ tuổi 25-34 là 3,3% vào tháng 3. Đối với nhóm người ở độ tuổi này nhưng chưa học đại học, tỷ lệ thất nghiệp là 11,8%.
Yêu cầu bằng cấp bắt buộc như hiện nay một phần là do các nhà tuyển dụng ngày càng chọn lựa ứng viên kỹ càng và dựa trên bằng cấp kể cả những vị trí không yêu kỹ năng cao hơn. Tuy nhiên công việc tự nó cũng cũng đã thay đổi.
“Nghĩ mà coi, 15 năm trước có rất nhiều công việc không cần bằng cấp gì cả.” Sandy Baum, sinh viên cao học khoa Giáo dục Đại học George Washington nói. “Nhưng hiện nay, rất nhiều công việc trong số đó lại cần. Có thể nếu không có bằng cử nhân, bạn vẫn biết đổ bô hàng ngày. Nhưng ngày nay nếu bạn là một thợ cơ khí xe hơi, bạn thực sự phải biết máy tính và các đồ kỹ thuật khác”.
Người dịch: Nguyễn Thị Thu Trang – Sinh viên ĐH Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội.
Bài gốc có thể xem tại đây.