Sinh năm 1980, Haruhisa Okamura là nhà sáng lập và CEO của Adways, một trong những công ty công nghệ lớn nhất Nhật Bản, tập trung chủ yếu vào quảng cáo trực tuyến. Adways cũng sở hữu mạng lưới quảng cáo, dịch vụ internet và trò chơi trên di động riêng. Hiện nay, công ty có hơn 1 ngàn nhân viên trên khắp thế giới và có tổng thu nhập năm trước trên 22.6 tỷ Yên (221 triệu Đôla Mĩ).
Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất chính là Okamura là một trong những nhà sáng lập trẻ tuổi nhất ở Nhật đã gây dựng một công ty từ con số 0 đi lên cổ phần hóa.
Một trong số các yếu tố để đi đến thành công này chính vì Okamura đã bắt đầu sự nghiệp từ rất sớm. Khi mới 16 tuổi, Okamura đã quyết định rằng anh ta không còn phù hợp ngồi trên ghế nhà trường nữa. Anh đã bỏ ngang THPT để đi bán hàng cho một công ty.
“Tôi không thể kết bạn ở trường nên tôi chọn cách đi làm sớm.”, anh chia sẻ.
Kết quả bán hàng xuất sắc của Okamura đã giúp anh thăng tiến nhanh chóng. Anh đã nhiều lần trở thành người bán hàng hàng đầu công ty vì quá xuất chúng trong việc bán hàng tận nhà. Ở lứa tuổi 16, Okamura đã cho thấy những tín hiệu của một nhà khởi nghiệp giỏi. Ít nhất anh ta cũng chứng minh được rằng mình có hiểu biết về nghệ thuật bán hàng.
Được truyền cảm hứng từ CyberAgent
Năm 2000, Internet tràn vào Nhật Bản, dẫn đến việc cổ phần hóa của nhiều công ty mạng. Ngành công nghiệp này đã hấp dẫn Okamua tham gia.
“Tôi nhìn thấy CEO của CyberAgent [ông Susumu Fujita] trên tivi và tôi đã được ông truyền cảm hứng.” anh nói.
Lúc đó, anh ta chẳng biết gì nhiều về mạng Internet, cứ nghĩ rằng “CyberAgent chính là mạng Internet.”
Okamura cố ứng tuyển vào CyberAgent nhưng bị từ chối. Vì chẳng còn nhiều sự lựa chọn, Okamura quyết tâm thành lập công ty marketing trực tuyến của riêng mình.
Tháng 2/2001, Adways ra đời. Khởi nghiệp với chỉ 1 triệu Yên (10 000 Đôla Mĩ), Okamura chi 300 000 Yên (3000 đôla Mĩ) để mua một chiếc máy tính. Số tiền còn lại dành cho việc xây dựng một phần mềm Email Marketing. Để tìm kiếm những nhà phát triển phần mềm tài năng, anh đã đến phát tờ rơi ở các trường Cao Đẳng Công nghệ và tiếp cận các sinh viên để thuyết phục họ xây dựng hệ thống cho anh ta. Okamura rốt cuộc cũng tìm được một người chịu làm với giá 500 000 Yên (5000 đôla Mĩ), nhưng sản phẩm rốt cuộc lại không thể sử dụng được.
Dù gặp phải nhiều trở ngại, Okamura vẫn không từ bỏ. Thay vào đó, anh ta đến một trường Đại học Công nghệ hàng đầu và tiếp tục thuyết phục sinh viên. Lúc đó anh ta hầu như đã cạn tiền. Thế nên, thay vì lương bằng tiền mặt, anh đưa ra đề nghị trả 30% tiền lãi của Adways nếu người kĩ sư đó có thể tạo ra phần mềm anh muốn.
Thật may mắn, Okamura đã gặp được Sanki Nishiguchi, một kĩ sư tài năng đồng ý giúp Adways. Nishiguchi sau này trở thành Giám đốc Kỹ thuật của Adways. “Tôi đã quyết tâm phải tìm một người thật giỏi để làm cộng sự, đến nỗi tôi thậm chí còn đi đến nhà sách tìm tên những kỹ sư giỏi và theo dõi họ” anh kể.
Đi lên cổ phần hóa từ con số 0
Dưới sự lãnh đạo của Okamura cùng với tài năng công nghệ của Nishiguchi, Adways nhanh chóng phát triển và được cổ phần hóa vào năm 2006. Việc này đã giúp Okamura trở thành một trong những nhà khởi nghiệp trẻ tuổi nhất ở Nhật đưa công ty lên sàn chứng khoán vào thời điểm đó. Khi được hỏi điều gì đã làm cho công ty phát triển nhanh đến thế, Okamura đã trả lời trên TechinAsia 3 điểm mấu chốt:
Adways khởi đầu dưới dạng một công ty chi nhánh, khách hàng chỉ trả cho những kết quả thật. Hầu hết khách hàng cảm thấy thoải mái hơn với dạng công ty này, vì thế họ sẵn sàng trả tiền hơn.
Mặc dù ban đầu chỉ nhắm đến thị trường máy tính cá nhân (PC), sau 4 tháng Adways đã chuyển sang quảng cáo trên di động (mobile marketing) để bắt kịp xu thế. Điều này hóa ra là một lựa chọn đúng đắn.
Adways luôn cố gắng tuyển chọn những kỹ sư tốt nhất trong ngành, điều đó đã giúp xây dựng cột trụ vững chắc cho tất cả các sản phẩm của nó.
Okamura, nay 33 tuổi, đã phát triển Adways từ một công ty khởi nghiệp nhỏ trở thành một doanh nghiệp toàn cầu với hơn một ngàn nhân viên trên toàn thế giới. Bên ngoài Nhật Bản, Adways có văn phòng ở Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Mĩ và Singapore. Lợi nhuận ở nước ngoài chiếm 10% lợi nhuận của công ty, nhưng con số đó đã lên đến hơn 50% trong những năm gần đây. Rõ ràng là, Okamura không chỉ muốn thành công ở Nhật Bản mà còn khao khát thành công trên toàn thế giới.
“Ở Nhật Bản, chúng tôi hiện là công ty lớn nhất trong giới quảng cáo và muốn mở rộng ra ngoài thế giới, đặc biệt là ở Châu Á. Chúng tôi muốn trở thành mạng lưới quảng cáo hàng đầu trên điện thoại thông minh, và chúng tôi cũng muốn xây dựng thêm một vài dịch vụ mới cho người dùng di động.”
Adways cũng đầu tư vào một số công ty công nghệ đầy triển vọng khác. Công ty mới nhất nhận được đầu tư là Gumi, công ty trò chơi trên di động với trò chơi nổi tiếng Brave Frontier.
“Chúng tôi đang có vị thế tốt với tư cách là một công ty quảng cáo trên di động trên toàn châu Á, và chúng tôi muốn trở thành số 1 trong ngành này. Nhưng chúng tôi không thể thực hiện điều này một cách đơn độc, vì thế chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư để đạt được mục tiêu”, dẫn lời Nobu Noda, trưởng nhóm Phát triển Kinh doanh Quốc tế tại Adways.
Okamura đang ủng hộ thế hệ các nhà khởi nghiệp mới hãy trở nên can đảm, đặc biệt trong lĩnh vực mạng internet. Okamura chia sẻ rằng hơn 60% lợi nhuận bán hàng của Adways đến từ những việc kinh doanh bắt đầu từ 3 năm trước.
“Chúng tôi buộc phải biết được xu hướng trong ngành công nghiệp mạng. Mọi thứ đều đang chuyển động lên xuống rất nhanh. Những nhà khởi nghiệp cần phải bắt kịp làn sóng đó”, Okamura nói.
Theo VietYouthEntrepreneurs
Bài gốc có thể xem tại đây.