“Mình muốn nhắc lại với các bạn trẻ, nếu vẫn còn cái nhìn tiêu cực, trách móc nhau như vậy thì ta còn khổ dài dài. Đất nước sẽ còn tối tăm mù mịt trăm năm. Và người trẻ thì rất dễ bị chết trẻ. Mình cũng suýt chết trẻ như vậy. Mà chết vì tự giết mình như thế thì không ai giúp được, mà cũng thật là không đáng chết. Vì như thế thì tự chúng ta làm mất đi cái vinh dự đươc làm người của mình mà không dễ có được. Bởi những điều này nó có từ khi chúng ta còn là học sinh, sinh viên từ gia đình, bạn bè xã hội. That’s super stupid! Cái stupid mà mình cũng từng mắc phải. Tất cả những cái đó không phải là cái cớ cho ta chết trẻ”.
Chào các bạn,
Bài này mình muốn dành cho các bạn trẻ, các bạn sinh viên hay những ai coi mình còn trẻ, đây cũng là những điều mình tự răn mình để chúng ta không bị chết trẻ. Mình cũng muốn viết cho tất cả các bạn bè mình làm việc ở bất cứ vị trí nào. Bạn nào tự nhận mình đã già mà đồng ý với mình một vài điểm và vẫn có chút ý muốn thay đổi thì mình thấy cũng chẳng già chút nào.
1. Từ khi còn là sinh viên tới khi ra trường bắt đầu làm cho công ty khởi nghiệp, có một điều cay đắng mà bọn mình nhận thấy là văn hóa truyền thống của Việt Nam nhìn vào những người làm kinh doanh lệch lạc từ xưa, cho nên mọi người nhìn doanh nghiệp tư nhân với con mắt dè chừng vì ý nghĩ cứ doanh nghiệp kinh doanh tư nhân là chỉ nhăm nhăm kiếm tiền, còn doanh nghiệp nhà nước thì trì trệ.
Điều này dẫn đến các doanh nghiệp trẻ cảm thấy bị chùn bước vì không được xã hội ủng hộ. Trong khi đó, các bạn trẻ thì không thích làm cho chính phủ vì cho rằng trì trệ và quan liêu. Các bạn trẻ cũng không ham thích làm cho doanh nghiệp nhỏ vì sợ đủ thứ, vì nó nhỏ. Và cũng vì thế không ít doanh nghiệp trẻ có cái nhìn rất tiêu cực về doanh nghiệp nhà nước và chính phủ vì làm ăn thực sự khó khăn chật vật quá.
Rồi mình đã hiểu rằng, doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước mình phải giúp chính mình trước, tập trung làm ăn lương thiện và thật mạnh lên thì nhà nước hay doanh nghiệp lớn ắt phải thay đổi. Khi mình chưa mạnh thì sẽ đủ mọi cớ để trách móc. Việt Nam có thêm nhiều công ty khởi nghiệp nữa vẫn không thấm vào đâu để tạo thêm công ăn việc làm cho đất nước sắp gần 100 triệu dân của chúng ta. Mình biết bạn bè mình cũng nhiều người làm ở nhà nước cũng vật lộn, làm thì nhiều, lương thì ít, chạy đủ thứ kiếm sống. Vậy nên chúng ta hãy ủng hộ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, trẻ và khởi nghiệp làm ăn lương thiện, ít nhất và trước hết về mặt tinh thần nếu chưa có điều kiện tham gia trực tiếp.
2. Thêm nữa, không ít doanh nghiệp tư nhân có cái nhìn tiêu cực về cách làm không chỉ của chính phủ mà còn có cái nhìn không ủng hộ phi chính phủ NGOs vì nói rằng họ không làm ra tiền chỉ đi xin tài trợ. Mình đã thấy được rằng, chính phủ Việt Nam có mạnh bằng chính phủ Mỹ đi nữa thì còn số NGOs và tổ chức dân sự ở Việt Nam còn quá ít. Chính phủ không thể lo hết mọi việc được mà cần sự hỗ trợ của NGOs, các tổ chức dân sự. Ấn Độ có 1.3 tỉ người với con số NGOs là 3 triệu hoặc hơn thế nhưng không thấm vào đâu cả. Trong khi Mỹ có 300 triệu dân và có 1.5 triệu NGOs. Thế nên Việt Nam hay Ấn Độ có thế hay có nữa NGOs cũng chưa lo hết được đủ thế loại vấn đề của các quốc gia.
Mình mong và tin là chính người dân và nhà nước phải thay đổi có những hỗ trợ các các tổ chức dân sự được phát triển có quy củ và hoạt động hiệu quả.
3. Nói đến NGOs, mình cũng làm việc và có rất nhiều bạn bè làm cho NGOs. Không ít bạn mình còn có cái nhìn tiêu cực và chỉ trích chính phủ vì cho rằng chính phủ chưa có chính sách hỗ trợ, trách móc các công ty chỉ biết kiếm tiền, không làm công tác xã hội. Thực sự là doanh nghiệp và chính phủ cũng vật lộn đủ thứ, không thể có đủ 1000 tay để lo hết tất cả mọi việc nên mới cần đến bàn tay NGOs.
Và mình cũng mong các NGOs ở Việt Nam được học và trang bị thật tốt về quản lý tài chính cho NGOs. Một lý do các NGOs ở Châu Âu và Bắc Mỹ rất mạnh không chỉ bởi là người có ý thức cao mà là các NGOs đó họ rất mạnh, rất giỏi về quản lý tài chính. Không ít bạn mình làm cho NGOs ở châu Phi và Nam Mỹ đến Châu Âu học về quản lý tài chính Finance management dành riêng cho NGOs. Còn thì mình thấy rằng người dân ở đâu cũng thế, ý thức mong cầu hưởng thụ và được hòa bình, yên thân của nhân dân thì như nhau ở khắp nơi.
4. Rồi nữa, bạn bè mình là các MBA các kỹ sư cũng vô khối. Và cũng có một bộ phận học xong thì có cái nhìn tiêu cực trách móc các ông thầy trong trường đại học rằng chỉ biết dạy lý thuyết không hiểu gì về thị trường, làm việc không có cạnh tranh. Các ông thầy chỉ toàn lý thuyết không biết kiếm tiền, chỉ chết dí vào mấy bài báo và phòng nghiên cứu hay mấy công việc không làm ra lợi nhuận.
Mình chỉ biết chắc chắn một điều rằng, phải có những ông thầy bao gồm cả thầy tu, thầy chùa mà phải thầy giỏi, thầy có lương tâm thì xã hội mới hết ngu dốt tối tăm. Bởi không ít ông thầy ma quái làm cho xã hội ta đi xuống. Thế nên xin các MBA các kỹ sư đừng dè bỉu chê bai các ông thầy các tiến sĩ giáo sư mà cho rằng họ vô tích sự. Bằng cấp học vị không có tội tình gì cả. Chúng ta hãy biết ủng hộ cho người biết cống hiến và đam mê học hỏi. Ta có trở thành tỉ phú cũng không chắc hạnh phúc hơn hay bớt đau khổ hơn một người ăn mày là mấy đâu.
Nếu các kỹ sư hay MBA có dịp làm việc ở những công ty đa quốc gia hàng đầu thì sẽ hiểu là bộ phần R&D nghiên cứu và phát triển của họ hoạt động không khác gì những trường đại học danh tiếng thế giới, thậm chí là kinh khủng hơn.
Ngược lại các Tiến sĩ cũng nên nhìn lại mình mà nhìn ra thế giới khiêm tốn học hỏi bởi những gì các Tiến sĩ biết và học được cũng chỉ như giọt nước ở trong lòng đại dương mà thôi. Mình chưa dám nhận mình là chuyên gia gì cả mình còn đi học. Nhưng mình đang rất nỗ lực học cách truyền thông giản dị cho mọi người hiểu tầm quan trọng và ứng dụng của giới nghiên cứu hàn lâm vào cuộc sống. Nếu ai có dịp làm việc với các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới sẽ thấy là họ làm việc cạnh tranh như một công ty đa quốc gia. Có kiểm toán trong và ngoài (internal and external auditing), nếu lơ mơ làm việc không nghiêm túc, gian lận, không có kết quả nghiên cứu thì sẽ bị loại thẳng thừng.
Vậy nên, các Tiến sĩ hay tân Tiến sĩ cần nhìn lại mình. Thực sự là nếu mình có vài hay vài chục bài báo đăng trên các tạp chí thì chẳng có gì đảm bảo là cái tư duy của mình vượt ra khỏi lũy tre làng hay là có trí tuệ hơn gì một bà mẹ quê ít học, có khi còn mù chữ. Có nhiều người có vài cái Tiến sĩ rồi nhưng vẫn không hiểu được điều đơn giản này. Thế nên trí thức hãy học hỏi và ủng hộ khi xã hội có những phong trào mới tiến bộ. Ngồi tán phét chữ nghĩa với nhau rất vô bổ.
5. Tiếp đến ở trong trường đại học. Từ ngày trước mà cho đến cả bây giờ mình thấy ở khắp nơi mà nhất là sinh viên các trường kỹ thuật, kinh tế nhìn dân nghệ thuật nhà văn, họa sĩ là những người vô công rồi nghề, nhìn họ như người ngoài hành tinh vì không hiểu họ làm gì. Giới nghệ thuật thì đôi khi than thở đám người phàm phu kia sao chẳng ai thấu hiểu lòng ta, thôi mặc kệ đời!
Mình thì thấy rằng, mình cũng chưa hiểu gì về nghệ thuật lắm đâu nhưng mà khi mình chưa hiểu được thì không có nghĩa là công việc của họ vô ích. Thay vì chê bai nhau thì chúng ta hãy biết cách góp ý để cho công trình và tác phẩm của nhau có tính nhân văn, phục vụ cộng đồng thiết thực hơn là chỉ để ngắm cho vui.
6. Dân đen như đa số chúng ta đây cũng nhìn lại mình xem có phải ta vẫn còn đang có cái nhìn tiêu cực với đủ mọi thể loại từ công ty, chính phủ, NGOs cho đến trường đại học vì nghĩ rằng mấy cái người đó chẳng làm ăn nên trò chỉ mà chỉ biết tiêu tiền. Người trẻ thì trách người già suốt ngày than vãn và kể về quá khứ. Người già thì trách tụi trẻ là chỉ có ăn chơi suốt ngày.
Dân đen, nhân dân có thấy tất cả những gì mà ta trách móc đều là sản phẩm của chính chúng ta, của dân đen. Có dân đen nào mà không đang làm hay ở một vị trí nào đó từ nông dân, công chức, giáo viên, học sinh cho tới một ông tổng thống hay thủ tướng. Và những điều này không chỉ là vấn đề của Việt Nam và ở khắp thế giới này. Các bạn cứ thử nhìn ra thế giới một chút mà xem.
Mình muốn nhắc lại với các bạn trẻ, nếu vẫn còn cái nhìn tiêu cực, trách móc nhau như vậy thì ta còn khổ dài dài. Đất nước sẽ còn tối tăm mù mịt trăm năm. Và người trẻ thì rất dễ bị chết trẻ. Mình cũng suýt chết trẻ như vậy. Mà chết vì tự giết mình như thế thì không ai giúp được, mà cũng thật là không đáng chết. Vì như thế thì tự chúng ta làm mất đi cái vinh dự đươc làm người của mình mà không dễ có được. Bởi những điều này nó có từ khi chúng ta còn là học sinh, sinh viên từ gia đình, bạn bè xã hội.That’s super stupid! Cái stupid mà mình cũng từng mắc phải. Tất cả những cái đó không phải là cái cớ cho ta chết trẻ.
Khi còn là học sinh, sinh viên mình cũng đã từng bị vậy nếu không muốn nói là rất ngu và ngờ nghệch. Ngờ nghệch vì đi gật gù đi nghe những thứ tạp nham ở những nơi, những người cũng ngờ nghệch không kém gì mình thậm chí ngu hơn mình.
Mình không muốn nói nặng nhưng thỉnh thoảng vẫn phải nói to một tí, thi thoảng có người ngủ quên hay ngủ gật phải hô to hay tát cho vài cái để cho tỉnh ngủ. Chúng ta đừng tự làm ngu mình, đừng để mình bị chết trẻ bị đầu độc bởi những thứ độc hại đầy rẫy trên báo chí truyền thông! Đừng nói xấu nhau. Hãy hỗ trợ và nâng nhau lên. Các bạn, vì mình biết chúng ta tràn đầy năng lượng để nâng nhau lên.
Thế giới đâu đâu cũng vậy, đừng nhìn sang nhà hàng xóm mà dè bỉu nhà mình. Chỉ có điều thế giới đang không ngừng tiến lên ầm ầm và không chờ ta. Ta đừng mất thời gian mà bới móc cãi nhau. Đơn giản vậy mà hàng nhiều chục năm ta vẫn cứ không nhận ra điều này sao?
Khi chúng ta xóa bỏ được những cái nhìn phân biệt tiêu cực về nhau thì sẽ thấy đâu cũng là Bạn mình mà giúp bạn. Con người cũng rất đáng thương vì năng lượng sức lực của mỗi cá nhân mặc dù lớn nhưng cũng chưa đủ mạnh. Thay vì để mất năng lượng sức lực vào những thứ không đáng bằng trách móc, sỉ vả thì hãy hỗ trợ Nâng nhau lên để tạo ra năng lượng cộng hưởng. Đó là yếu tố số một của các quốc gia hùng mạnh.
Mình rất đau lòng nếu các bạn làm việc với mình mà nói xấu người nọ, chê bai người kia tiêu cực về mọi thứ. Và tất nhiên là mình cũng không bao giờ muốn làm việc với những nơi như thế. Không có tổ chức nào, nhóm hội hay công ty trường đại học nào mình đã và đang làm mà bạn bè và đồng nghiệp của mình có thói quen mất thời gian cho những thứ vô bổ như thế dù là online hay offline. Bởi vì mọi người đã quá bận rộn để tập trung làm tốt công việc của mình và cố gắng hỗ trợ, yêu thương người khác hết sức có thể.
Tất cả những điều này không có nghĩa là bỏ qua làm ngơ cho những tội ác, gian dối, làm ăn ma đạo, tham nhũng vô lương tâm. Những con người đó đáng thương thật nhưng tội của họ thì vẫn phải bị vạch mặt, lên án, trừng trị thật thích đáng công bằng. Lương tâm ta có thể tha thứ nhưng có tội thì vẫn phải bị trừng phạt nghiêm khắc.
Chúc chúng ta có cái nhìn không phân biệt, hỗ trợ và nâng nhau lên.
Thân,
Theo Thu Hằng/blog Đọt Chuối Non
Về tác giả: http://en.gravatar.com/hangbelu