

Một người bạn Ấn Độ của mình đã nói rằng nhìn thấy poster quảng cáo trên đường là “Nếu muốn đăng ký lập NGO với giá rẻ nhất hãy đến với chúng tôi”. Lập NGO – tổ chức phi chính phủ là một cách tham nhũng!
Mình không rõ con số tổ chức NGO ở Việt Nam là bao nhiêu, có lẽ là vài trăm. Con số NGOs ở Ấn Độ đó là 2 đến 3 triệu, thậm chí còn nhiều hơn. Ấn Độ có khoảng 1.3 tỷ người thì số người mù chữ không ít hơn một nửa. Với con số đó thì vài triệu tổ chức NGOs của Ấn Độ thực ra cũng không thấm vào đâu. Theo một bài báo mà mình mới đọc thì Mỹ đứng thứ 2 sau Ấn Độ về số lượng NGOs khoảng 1.5 triệu. Điều này không bất ngờ vì sao nước Mỹ lại hùng mạnh như vậy.
Ở Việt Nam, đặt chân đến những vùng nghèo nhất của đất nước, mình vẫn cảm thấy có tràn đầy hy vọng vì người dân không nghèo nụ cười. Nhưng đến những chỗ này của Ấn Độ mình cảm thấy một sự nghèo không tưởng được, mình có cảm tưởng họ nghèo cả nụ cười. Nhiều người Ấn và các bạn trẻ còn không biết và không tin được là đất nước mình nghèo thế nào vì khoảng cách giàu nghèo quá khủng khiếp.
Đến Patna, tụi mình đến thăm một NGO rất có uy tín, tổ chức giữ trẻ và dạy học cho các em nhỏ trong khu ổ chuột trong khi bố mẹ đi làm ban ngày. Bọn mình chia nhóm hướng dẫn mới các tình nguyên viên Ấn Độ đi vào các khu nhà ở và lớp học ở các khu ổ chuột.
Khi xuống xe tụi mình những bạn quốc tế hăm hở đi vô một khu ổ chuột. Nhiều bạn Ấn Độ còn ngập ngừng, thậm chí các bạn Ấn Độ còn dặn là Be safe! Hằng. Bởi vì những chỗ đó nếu không có người địa phương dẫn đi thì không bao giờ thậm chí là các bạn ấy cũng không dám vào.
Thực sự sau khi bọn mình đi ra thì mấy đứa quốc tế mới biết điều đó. Giờ nghỉ lại mình cũng thấy hơi liều là trong chuyến đi lúc đó mình hơi bị ốm và sốt thật. Thật may mà nhờ giời Phật phù hộ mà mình không làm sao 😀
Sau thăm một nhà trẻ cho trẻ em ở khu ổ chuột. Bọn mình đi ra ngoài một khu giặt giũ của người dân ở đó. Bọn mình nhờ bạn Ấn Độ hỏi một phụ nữ có con được học ở trường do tổ chức NGOs hỗ trợ “bọn mình hỏi là cô có thấy việc cho bọn trẻ đi học rất là cần thiết cho chúng không. Người phụ nữ trả lời “Tất nhiên rồi vì khi con tôi được đi học, nó sẽ được ăn mặc giống như các cô các cậu vậy”.
Vậy đấy, người ta muốn cho con đi học chẳng để thi đua hơn kém ai, chỉ là để cho con được mặc đồ như những người khác vậy thôi.
Mình nhìn lại đồ mình mặc trên người lúc đó, mình nghĩ cũng chẳng khác họ là mấy. Mình chẳng hiểu có bốc mùi không nữa. Nhưng mà có lẽ mọi người ai cũng vậy nên chắc không ai nhận ra là đứa nào có bốc mùi không. Hai tuần chưa được tắm một cách đúng “tiêu chuẩn” mà thế giới tự coi là văn minh đặt ra là có vòi nước hay bồn tắm mà chỉ là vài gáo nước trên tàu với trạng thái vừa tắm vừa di động (tàu vẫn chạy như thường).
Nhìn những đứa trẻ ở khu ổ chuột rách rưới, thiếu mất cả nụ cười hồn nhiên trên mặt. Mình đang bị mệt ốm sẵn đến đó và đi ra không khỏi đăm chiêu nhưng khi chụp hình với các bạn vẫn cố nhe răng cười.
Thu Hằng
===
Thu Hằng là một tác giả của trang web Dotchuoinon.com
Đọt Chuối Non là trang web phát triển cách nhìn cuộc sống tích cực.