
Tác giả: ĐàoThu Hằng
Nguồn: Đọt Chuối Non
Chào các bạn,
Hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn điều mà mình cực kỳ biết ơn cuộc sống đã mang lại cho mình – đó là chuyện học và làm việc. Và nó rất vui!
Chương trình mình đang học là sự phối hợp của 8-10 trường đại học ở Châu Âu (Erasmus Mundus). Chương trình của mình mỗi năm trao học bổng cho 9 bạn sinh viên được chọn từ khắp thế giới và mỗi bạn được nhận vào học và nghiên cứu ở mỗi trường đại học kỹ thuật hàng đầu ở 9 nước Châu Âu khác nhau. Mỗi 1, 2 năm, bọn mình đổi chéo các trường đại học. Còn lại tất cả làm việc qua email, conference call là rất thường xuyên để làm việc với giáo sư và các bạn ở các trường ở quanh Châu Âu. Có những bạn một năm làm việc ở vài nước là chuyện bình thường.
Châu Âu trở thành một cộng đồng, một liên minh năng động mà nước nào cũng phải học và dùng tiếng Anh, đặc biệt là môi trường giáo dục. Và họ đang rất thành công về mặt liên kết giáo dục và trao đổi văn hóa. Mình nghĩ là nếu Châu Á, hay Đông Nam Á phát triển vượt bậc lên một mô hình trao đổi kiểu gì đó tương tự thì thật tuyệt vời.
Trước đây mình cũng có đi và học và ở một vài nước khác ngoài Châu Âu. Khi đi giao lưu học hỏi với người phương Tây hay nhiều người ở các nền văn hóa các nơi khác như vậy thì mình học được điều gì?
Mình học được rất rất nhiều điều hay và cũng thấy vô khối cái dở. Những điều quý giá mà mình học được qua lắng nghe, trao đổi, tiếp xúc làm việc với họ đó là:
Trước hết không ai hỏi mình là “bạn có nói được tiếng Anh không?” vì tiếng Anh là cái bắt buộc, là sống còn, không có nó thì không làm gì được trong môi trường ngày nay. Người trẻ ở Châu Âu nói được nhuần nhuyễn 3 -4 thứ tiếng như Anh, Pháp, Tây Ban Nha là chuyện rất bình thường. Cho nên cũng không ai mang tiếng Anh ra đọ nhau.
Không ai hứng thú nghe mình chém gió về công nghệ, khoa học về Steve Jobs, Apple, Google hay về kinh tế thị trường chứng khoán vì cái đó họ là thầy mình, nếu không thì chúng ta đã chẳng phải đổ sang Mỹ, sang Châu Âu mà học.
Họ cũng chẳng buồn nghe nếu mình bàn về xe cộ, thời trang, Zara, Ferrari, brand nọ kia vì cái đó nhiều người nói được, nói đúng và hay!
Người ta cũng chẳng mặn mà gì khi nếu mình ba hoa về triết học, tâm lý học vì thực tế là họ được học Triết học phương Tây một cách rất tử tế chứ không mù mờ như ta.
Vậy người ta lắng nghe và rất quan tâm khi mình nói về điều gì? Mình có thể chia sẻ và dạy cho họ được điều gì?
Đó là khi mình nói về văn hóa của Việt Nam mình, về ngôn ngữ, về Thiền, về triết học Phật giáo, về đồ ăn, truyền thống của Việt Nam mình. Khi mình dạy họ cuốn nem, gói bánh chưng, dạy họ ngồi Thiền.
Các bạn có quan sát thấy một xu hướng, một movement gì đang diễn ra ở phương Tây không? Các nước phương Tây, hay Châu Âu họ đang học tập truyền thống tâm linh Châu Á để quay về chính truyền thống tâm linh của họ. Không chỉ học ngồi Thiền hay tập Yoga đơn thuần mà họ học một cách tử tế để tìm về chính cái gốc tâm linh Thiên Chúa giáo của họ. Những người sâu sắc thực sự thừa nhận rằng khi học Thiền, học về triết lý Phật đạo một cách đúng đắn thì họ càng yêu Chúa, yêu nhà thờ của họ hơn. Nhờ đó mà mình cũng hiểu cũng yêu Đức Phật, yêu Chúa hơn.
Mình đã thấy được rằng, họ đã có cái gốc chắc rồi họ học rất nhanh và ngày càng mạnh. Các bạn trẻ phương Tây ngày càng nhiều đến các Meditation Centre của Phật giáo ở khắp Châu Âu, họ đến Tây Tạng, Ấn Độ để học Thiền, học về Phật giáo. Điều này không phải bây giờ mới thấy mà nó âm thầm diễn ra nhiều chục năm nay rồi.
Có bao giờ ta thắc mắc tại sao các nhà khoa học, các nhà quản lý, nhà tâm lý học đang đến các thiền viện của Phật giáo ở Châu Âu để học Thiền?! Những nhà quản lý khách sạn, người giảng dạy về hospitality management đến các Thiền viện chỉ để học cách các tăng ni cười như thế nào, học cách họ yêu người như thế nào?!
Bạn có thấy và thắc mắc tại sao những số một thế giới như Google, Stanford, Harvard họ mời Dalai Lama của Tây Tạng, Thích Nhất Hạnh của Việt Nam đến để dạy và làm việc với họ?!
Mình đang thấy được rằng, họ đang là số một và với cách họ học như vậy họ sẽ vẫn là số một! Ở Châu Âu với những nước nhỏ chỉ khoảng 10 triệu dân trở xuống là rất phổ biến cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, họ học càng nhanh càng mạnh cái hay của Châu Á để ngày càng lan truyền và củng cố và đất nước họ sẽ ngày càng mạnh và vượt trội!
Việt Nam, chúng ta có sẵn truyền thống tâm linh Phật đạo ở nhà ta rồi mà ta lại chạy đi đâu học văn hóa và tâm linh? Nếu chúng ta không hiểu văn hóa của ta, ta không có gốc, ta không lớn mạnh được, không cạnh tranh được, không ngóc đầu lên được. Và chúng ta vẫn cứ tụt lùi lặn ngụp trong mù mờ.
Các bạn đừng nghĩ là đi học ở nước ngoài thì hơn các bạn ở nhà chưa có điều kiện đi học. Đừng tự đánh giá thấp mình như thế. Thực tế là nhiều bạn du học sinh Việt Nam vài năm ở nước ngoài không nói được tiếng Anh tử tế, không nói chuyện được với Tây về văn hóa Việt Nam về Thiền và Phật giáo một cách đúng đắn.
Mình gặp rất nhiều bạn trẻ phương Tây, trẻ em từ cấp I được học về kinh thánh, học về lịch sử Thiên Chúa Giáo, ai cũng nói được vanh vách về lịch sử Thiên chúa giáo mặc dù có thể chẳng đi nhà thờ bao giờ. Con nít học về lịch sử văn hóa tôn giáo qua trò chơi, làm đồ chơi, vẽ tranh, đóng kịch…
Chúng ta, người Việt Nam có ngôi nhà Việt Nam tuyệt đẹp thì ta đã học đã hiểu được lịch sử Việt Nam, về Thiền học và Phật giáo đến đâu? Hay là ta chỉ nghe loáng thoáng bình loạn ở đâu đó, hay từ thầy nọ thầy kia rồi hoặc là chê bai “dân Việt ta mê tín” hoặc là cũng sợ hãi mà lại bị mê tín thật!
Các bạn trẻ có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài, khi thấy Tây nào nói là “tao không đi nhà thờ bao giờ vì tao ghét giáo hội” thì đừng có nên hùa theo “ừ Việt Nam mê tín lắm, nên tao không đi chùa bao giờ” trong khi đó thì “tháng này xui quá, ra đường đụng xe, cuối tháng đi ăn thịt chó giải đen với tao đi” hay là “mình mãi chả có người yêu, bạn có biết ông thầy cúng nào siêu siêu để giúp mình giải hạn chống ế đi?”
Và có một điều là ta sẽ gặp được những nhà học giả phương Tây lỗi lạc, các nhà nghiên cứu và khoa học nói rất hay và đúng về Thiền về Phật đạo và truyền thống văn hóa Việt Nam và Á Châu. Nhưng họ vẫn lắng nghe khi mình nói, họ vẫn học hỏi, và bị thuyết phục bởi các tăng ni mười mấy tuổi là vì sao? Vì chúng ta đã có cái gốc và có cái máu Việt Nam sẵn trong ta rồi, và vì ta THỰC HÀNH và TRẢI NGHIỆM chứ không chỉ ngồi đọc sách.
Chúng ta có một truyền thống văn hóa Phật giáo và Tâm linh tuyệt đẹp, chúng ta phải nương vào gốc rễ vững chắc đó mà phát triển. Vậy thì ta phải học văn hóa, học tâm linh từ đâu và học như thế nào thì chúng ta cần ôn bài và thực hành như là:
Trái tim linh thiêng
Lòng tin hay mê tín
Học truyền thống của Việt nam không có nghĩa là ta bịt tai với tất cả văn hóa khác và tự đóng lại các cánh cửa của mình mà cần Mở rộng trái tim linh thiêng và trí tuệ của mình. Dân tộc Việt Nam chúng ta là một dân tộc có văn hóa và truyền thống vô địch và các nền văn hóa khác cũng đều đẹp. Cái nào hay của họ thì ta học, còn cái nào là hủ tục mê tín của ta thì phải bỏ!
Vậy học văn hóa Việt Nam và học tiếng Anh để giao lưu và mở rộng trí tuệ. Học tiếng Anh và học tiếng Anh điều này ĐCN đã nhắc lại hàng tỉ lần rồi. Và học văn hóa và tiếng Anh như thế nào thì chúng ta cần ôn lại và thực hành nhiều bài ví dụ như.
Không phải tự nhiên mình ngồi viết chia sẻ tới các bạn được như hôm nay. Mình nghĩ rằng các bạn trẻ đang đi học, dù là học sinh cấp ba, sinh viên hay đi làm, nếu các bạn thực sự nghiêm túc muốn đi học ở nước ngoài, muốn giao lưu học hỏi để giúp phát triển đất nước hay lập thân ở đâu cũng vậy thì hãy quan tâm học tử tế đến những vấn đề về văn hóa, tâm linh nhân văn và giáo dục của đất nước ngay từ bây giờ. Nếu không thì có 10 năm, 20 năm học tập hay sinh sống ở nước ngoài thì cũng không tận dụng được cơ hội để phát triển bản thân, để mà giúp đất nước.
Hãy học văn hóa Việt Nam, mang nó theo mình, đặt học tiếng Anh lên làm mục tiêu sống còn để đi bất cứ đâu, gặp ai, rồi khi nhắc đến tên bạn là người ta nghĩ đến hình Việt Nam tuyệt đẹp, với những con người giỏi giang và nhân ái!
Chúc các bạn ngày càng mở rộng.
Thân,
Thu Hằng
===
Đọt Chuối Non là trang web phát triển cách nhìn cuộc sống tích cực.