Tác giả: Hoàng Khánh Hòa
Nguồn: Đọt Chuối Non
Chào các bạn,
Người Việt có câu “Nhập gia tùy tục”. Chúng ta ở Việt Nam gặp gỡ người nước ngoài dù sao cũng cảm thấy tự tin vì mình là “chủ nhà”. Bạn mình phải học và thay đổi theo văn hóa nước mình trong khi mình thì vẫn được sống trong bầu không khí thân quen.
Còn khi chúng ta đi ra khỏi Việt Nam? Thật là nhiều bỡ ngỡ. Rất dễ là chúng ta sẽ gặp các tình huống như sau:
– Tiếng Anh học cả chục năm mà vẫn ấm ớ, không tự tin khi giao tiếp.
– Chưa hiểu rõ về văn hóa, tập tục của người bản xứ nên lại càng ngại va chạm.
– Có nhiều câu hỏi như về cuộc sống của người bản xứ muốn tìm hiểu mà không dám hỏi vì sợ hiểu nhầm.
– Khi tham gia một nhóm với các thành viên toàn là người bản xứ, họ nói tiếng của họ mình chẳng hiểu gì nên rất dễ cảm thấy bị lạc lõng.
– Tham gia một nhóm với các thành viên đến từ nhiều nước khác nhau, ai cũng rất tự tin, nói nhiều, mình lại đâm ra mất tự tin. Không nói gì thì mọi người sẽ cho là người Việt nhút nhát, nhàm chán. Nói gì thì không biết nên bắt đầu từ đâu.
– Gặp một anh chàng người châu Phi cao to và đen thùi lùi thì bỗng dưng có ý nghĩ “sợ sợ” không dám bắt chuyện
Nói chung là sẽ có rất nhiều vấn đề kiểu như vậy. Bạn có thể nghĩ là đối xử với người Mỹ sẽ cần phải thế này, nhưng nếu gặp một bạn người Nhật thì phải nói thế khác….
Thực ra mọi thứ cũng không quá phức tạp đến thế. Dù là quốc gia nào, nền văn hóa nào, hình dáng nào đi nữa thì về bản chất con người đều giống nhau. Ai cũng quý những người khiêm tốn, chân thành, luôn lạc quan vui vẻ và tốt bụng. Ai cũng đều có điều gì đó thú vị để học hỏi. Ai cũng đánh giá cao sự tôn trọng giữa con người với con người. Những điều đó đều có thể nhận ra dù chỉ trong vài phút nói chuyện. Và ngược lại, chúng ta cũng sẽ không bao giờ hiểu được một người nếu như không bao giờ bắt chuyện với người đó.
Nếu luyện cho mình những đức tính trên thì bạn sẽ rất tự tin khi giao tiếp, không kể là ở trong xóm hay đi ra nước ngoài. Ngoài ra bạn có thể trang bị thêm cho mình một vài “chiêu” nhỏ cũng sẽ rất tốt:
– Học một số cụm từ giao tiếp tiếng Anh rất đơn giản và hữu dụng như:
How are you doing? How are you?… (Một câu hỏi thăm xã giao như người Việt mình gặp ai cũng hỏi “Đi đâu đấy?” :)),
I am good/fine. How about you?…Tôi khỏe, bạn thì sao?
Could you please help (close the door)?… Bạn làm ơn giúp (đóng cửa) được không?
I wonder if we (have dinner tonight/have any plan)?…Tôi không biết liệu chúng ta có (đi ăn tối hôm nay không? Có kế hoạch gì không)?
Do you mind if I/Can I (smoke)?…Bạn có phiền khi tôi/…Tôi có thể (hút thuốc không)?(Cách tốt nhất khi không hiểu là hỏi. Thật chẳng mất gì mà lại rất lịch sự, tránh được việc làm mếch lòng hoặc phiền người khác chỉ vì không biết phải không các bạn 🙂 ).
Thank you….người Việt mình hay cho là nói cảm ơn nhiều quá thì khách sáo, không chân thành. Nhưng nếu chúng ta thực sự cảm kích trước bất cứ một hành động nào đó thì hãy đừng ngại nói cảm ơn. Nói 100 lần một ngày cũng chẳng sao nếu như bạn thấy cảm kích 100 lần.
– Nhiều khi bí tiếng Anh thì chúng ta dùng body language, khoa chân múa tay đôi lúc cũng thú vị đừng ngại. Hãy hài hước một chút. Ai cũng thích vui vẻ cả mà 🙂
– Học một số từ địa phương thông dụng nếu quốc gia đó không nói tiếng Anh. Biết từ địa phương rất tiện khi bạn đi ra ngoài phố, mua đồ, bắt taxi, ngã giá…và nhất là tạo sự thân mật với người bản xứ khi nói Xin chào hay Cảm ơn bằng thứ tiếng của họ.
– Ở bất cứ đâu thì chúng ta cũng cần tỏ ra lịch sự. Nói to đủ nghe (cái này các bác nhà mình là rất hay mắc phải :D). Không chen lấn. Không vứt rác bữa bãi. Bạn không cần quan tâm người bản xứ có làm điều đó hay không. Những hành động đó của bạn sẽ khiến người bản địa rất nể trọng.
– Cảm ơn và xin lỗi đúng lúc.
– Đi ra nước ngoài có nhiều cái khác biệt, bạn rất dễ muộn xe bus, chậm lịch bay, bị đói vì không tìm được quán ăn, thậm chí ốm, mệt. Hãy sẵn sàng cho những điều này và đừng tỏ ra khó chịu hay tiêu cực.
– Đừng ngại hỏi. Hãy hỏi bất cứ điều gì bạn muốn biết. Với những câu mà bạn sợ “đụng chạm” thì nên ướm ý trước khi hỏi để tránh hiểu nhầm.
Mình biết là có nhiều bạn khi đi du lịch thì chán ngán chỉ muốn quay về nhà ngay lập tức, hay đi du học thì xác định chỉ học có vài năm nên cũng không chủ động học hỏi văn hóa nước bản xứ. Cũng dễ hiểu nếu như chúng ta chỉ muốn sống trong thế giới thân quen của mình thì thay đổi nào cũng đều đến như một cơn đau nhức.
Nhưng nếu bạn là người thực sự cởi mở và muốn học hỏi từ các chuyến du lịch và thời gian sinh sống ở nước ngoài thì hãy tận dụng tối đa cơ hội đó. Ngôn ngữ và văn hóa là rào cản nhưng đó không phải là rào cản lớn nhất. Rào cản lớn nhất chính là trái tim chúng ta.
Câu hỏi ở đây là liệu chúng ta đã thực sự mở cửa trái tim mình để chào đón những người bạn mới, cơ hội mới, kinh nghiệm mới hay không mà thôi. Hãy vượt qua những định kiến và lo lắng để chủ động trong giao tiếp, chắc chắn là bạn sẽ khám phá ra rất nhiều điều mới lạ.
Chúc các bạn một ngày tự tin.
Hoàng Khánh Hòa
==
Đọt Chuối Non là trang web phát triển cách nhìn cuộc sống tích cực