Featured image: Nguyễn Thị Lệ Quyên
Tôi để nguyên văn câu nói của các em học sinh. Dù tôi biết nó sai chính tả. Nhưng với tôi, nó mộc mạc và đẹp hơn bất kỳ câu nói trau chuốt trước sau nào. Vì nó xuất phát từ chính tấm lòng của những em học sinh cấp II trường Banborthong, Thái Lan.
Tôi gặp chị ấy – Lệ Quyên, cựu sinh viên đại học ngoại thương TP.HCM vào mùng 6/3/2014, khi chị vừa từ Thái Lan về Sài Gòn được 3 ngày. Nhưng cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ gương mặt và ánh mắt của chị. Đẹp đầy hạnh phúc. Với nụ cười tỏa nắng, chị bắt đầu kể tôi nghe chuyến đi tình nguyện của mình. Chị làm trong “Sawasdee Thailand Project” (Xin chào Thái Lan), một dự án dạy học cho trẻ em vùng sâu vùng xa nổi tiếng toàn quốc. Đến mức AIESEC Thái Lan có ở 7 trường đại học, thì cả 7 trường đều chạy dự án “Sawasdee Thailand”.
Ngày 16/1/2014, chị đến Tân Sơn Nhất, lên máy bay, chia tay Việt Nam. 1/3/2014, AIESEC Thái tổ chức tiệc chia tay ở Bangkok, rồi chị rời xa Thái Lan. Trở về TP.HCM, chị tiếp tục cuộc sống thường ngày của một sinh viên đã tốt nghiệp. Nhưng thời gian một tháng rưỡi ngắn ngủi để lại trong chị những trải nghiệm trĩu nặng.
Chị dạy tiếng Anh ở trường Banborthong, thuộc tỉnh Chaiyaphum, cách Bangkok 10 tiếng đi xe. Chị tiếp xúc với những đứa trẻ cấp II da rám nắng, đã biết lái xe máy, lái máy cày, đã biết yêu, thi thoảng chạy ù qua hỏi chị: “Cô ơi, giá thuốc phiện ở Việt Nam có đắt không?” “Cưới vợ Việt Nam có tốn tiền không?” Và tụi nó thường hét lên khi chị bước tới trường: “Teacher suay!” (Cô giáo dễ thương). Chị dạy tụi nhóc mà một câu tiếng Anh bẻ đôi nhóc cũng không biết, ước mơ cuộc đời cũng không có. Tụi nhóc không nghĩ việc học là quan trọng. Chị đã từng hỏi tụi nhỏ:
“Hết lớp 9, các em có ước mơ gì không?”
“Ở nhà cô giáo ạ.”
“Tại sao em không học lên cấp III, học đại học, rồi đến thành phố làm?”
“Em không thích!”
Dự định của các em là sau khi hết lớp 9 sẽ ở nhà, lấy vợ, sống cùng ba mẹ, tiếp tục lái máy cày trên những thửa ruộng mênh mông, tiếp tục trồng rau cạnh những bụi chuối già, tiếp tục sống ở miền quê Thái Lan. Khi tôi nhìn tấm ảnh chị chụp vườn rau các em trồng, tôi giật mình. Vì nông thôn Thái Lan, Việt Nam, hai đất nước tuy khác nhau mà khung cảnh giống đến nao lòng.
Rất nhiều lần khi chị đứng lớp, học sinh quậy, chị muốn mắng, muốn đánh tụi nó. Nhưng rồi không thể. Vì tụi nhóc rất tội. Chị thấy những cố gắng của tụi nó để học tiếng Anh cùng chị. Chị thấy tụi nhóc thích chị vô cùng. Đến một thời gian, chị không còn giận nổi tụi nó nữa. Mà thương.
**
Những đứa trẻ đó tuy nghịch nhưng cực kỳ tình cảm. Ban đầu chúng lạ chị, chị giảng bài nhiều đứa không thèm nghe, bỏ đi chơi. Nhưng dần dần những nhóc quậy trở lại lớp học, nghe giảng và chịu làm kiểm tra. Chị cười: “Chị cố gắng mãi em ạ, trên lớp thì bày trò chơi, hết giờ thì chủ động đi tưới rau, đá bóng cùng tụi nhóc… Cuối cùng cả lớp cũng chấp nhận chị, chịu đến lớp, chịu học.” Một ngày, khi chị đang tới trường, những đứa nhóc ngày xưa nửa câu tiếng Anh không biết, giờ chạy qua, đập vào vai chị, hét lên: “Teacher, what are you doing?” “Where are you going?”
Chị đứng ngây ra đó. Ngỡ ngàng. Và vui đến mức muốn khóc.
Chúng coi chị không phải cô giáo, mà như một người chị gái. Chuyện tình cảm, chuyện gia đình chúng nó đều ngồi tâm sự với chị. Những câu chuyện về các cậu nhóc lớp 9 sau khi tốt nghiệp sẽ nghỉ học, cưới bé lớp 8. Và tiếp tục cuộc sống chặt mía, trồng khoai mì, ngày cày kéo trên cánh đồng mênh mông, đêm lên núi săn thú hiếm cùng gia đình. Chị nghe mà lòng xót xa. Thật tội nghiệp những đứa trẻ chưa bao giờ có cơ hội đến một nơi khác, gặp những cô gái, chàng trai khác và nhìn thấy một thế giới khác. Để hiểu rằng, còn những niềm vui, niềm hạnh phúc khác đang chờ các em. Để hiểu rằng, thế giới này còn rất nhiều sắc màu. Để hiểu rằng, cuộc đời này còn có những ước mơ lớn lao.
**
Cuối tuần, khi cô bạn người Trung Quốc và các thực tập sinh khác lên kế hoạch đi du lịch, chị ở lại Chaiyaphum. Tôi hỏi vì sao, chị cười: “Vì chị thương học sinh của chị lắm em. Xa một chút là lại thấy nhớ.” Mỗi khi hết giờ học, các em hay rủ chị đi chơi bóng chuyền, bóng đá, bắt ốc, đi trồng rau, trộm me Thái và hí hoáy lột vỏ. Và ngày thứ 7, Chủ nhật tụi nhóc cứ dẫn chị đi bơi suối, rủ chị hái xoài, dạy nhảy, dạy hát những bài cổ truyền Thái Lan. Tụi nó còn dạy chị học đấu kiếm. Nhưng chị chưa kịp cầm đến cây kiếm tre, mới chỉ học chào, hỏi thì chuyến thực tập của chị kết thúc. Chị phải về Việt Nam.
Trước ngày chị đi, tụi nó xúm xít lại tặng quà. Có đứa tặng chiếc khăn quàng cổ, mà khi mở ra, chị thấy nó vẫn còn ẩm nước. Chị biết, đó là chiếc khăn của đứa nhóc, em vừa giặt xong tối hôm qua để hôm nay kịp trao cho chị. Và giật mình nhất, là khi chị mở bức thư của một học trò được viết bằng tiếng… Việt. Hỏi ra mới biết, các em gõ tiếng Thái lên google dịch, rồi chép bằng tiếng Việt vào. “Những câu chữ tuy vụng về, đứt gãy, Nhưng đó là những lời xúc động nhất mà chị từng biết, em à!” – Chị kể với tôi với đôi mắt lấp lánh. Tôi không biết đó là niềm vui hay sự xúc động khi nhớ về một kỷ niệm nặng sâu.
Và những giờ phút cuối của buổi học kết thúc, các em học sinh bắt chị ngồi yên trên chiếc ghế nhựa màu đỏ. Rồi các em bắt đầu thực hiện một nghi lễ truyền thống, bày tỏ lòng tôn trọng vô cùng với giáo viên ở Thái Lan. Đó là… cúi lạy. Lũ nhóc ngồi xung quanh, cùng hát một bài tiếng Thái. Học sinh quỳ xuống cúi lạy chị. Rồi các em đồng thanh nói: ”Teacher, don’t go Vietnam!”
“Từ lúc các em bắt đầu hát, chị đã khóc. Và khi các em cúi xuống lạy mình, chị òa khóc không thể kiềm chế được.” Tôi nghe chị nói, nhưng chưa hoàn toàn hiểu. Mãi đến khi tôi mở email ra, nhìn tấm ảnh chị gửi, tôi đã bị chấn động. Nếu là tôi là chị, chắc chắn tôi cũng sẽ khóc. Bởi vì các em đã trân trọng chị vượt mức chị có thể tưởng tượng. Điều trớ trêu là, lúc chị hiểu được điều đó thì chị lại sắp phải về Việt Nam.
“Chị và tụi nhỏ khóc từ lúc chị rời nhà host đến trạm xe buýt, bắt xe chuẩn bị về thành phố. Thấy nó khóc, chị khóc theo. Và tụi nó thấy chị vậy, càng khóc to hơn nữa. Và chủ nhà host của chị, người mà chị gọi là daddy, trước khi để chị lại ở trạm xe buýt, đã nói rằng: “Con để địa chỉ lại cho daddy đi, khi nào nhớ daddy sẽ viết thư cho tụi con nhé. Daddy muốn qua Việt Nam, mà không phải đi máy bay đâu. Daddy sẽ lái xe từ Thái Lan đến Việt Nam thăm con.”
**
Về Việt Nam, khi cơn gió Sài Gòn ập vào chị và tiếng xe máy ồn ào va đập trong tai chị, chị tự nhiên nhớ Chaiyaphum tha thiết. Chị nhớ những lúc cùng tụi nhóc đi bắt ốc, trộm me. Chị nhớ tiếng ếch, tiếng dế kêu đêm ngày. Chị nhớ cả những câu chuyện tình cảm mà tụi nhóc thủ thỉ tâm sự với tấm lòng tin tưởng. Trong một tháng rưỡi ấy chị đã sống hết mình, không có lấy một phút giây rảnh rỗi. Và giờ đây, trở lại Sài Gòn, chị hụt hẫng.
“Chị chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ ra 15 triệu để đến Thái Lan trong một tháng rưỡi là lãng phí. Được trải nghiệm, được các em yêu thương và tin tưởng, những kỷ niệm đó với chị là vô giá. Về nhà 3 ngày rồi mà chị vẫn không thể nguôi nhớ. Trước khi đi tình nguyện, chị đã nghĩ hết tương lai, dự định cho cuộc đời mình. Nhưng chị không thể tin nổi là chị đã thay đổi. Bây giờ chị muốn sang Thái Lan làm việc 1, 2 năm rồi mới về Việt Nam. Chị muốn khơi ước trong các em bằng cuộc sống của chính chị. Chị muốn các em thành công, đừng luẩn quẩn ở một nơi suốt cả cuộc đời, đừng tốt nghiệp để lấy vợ, rồi ngày kéo cày, đêm săn thú như vậy. Chị muốn giúp các em hiểu rằng, thế giới này còn rất nhiều điều thú vị. Còn có vô vàn sắc màu và những ước mơ lớn lao. Và có lẽ chị sẽ không kể câu chuyện này với ai nữa đâu. Kể nhiều, sợ kỷ niệm nó sẽ hao mòn…”
Và tôi nghĩ, chắc chắn chị đã yêu Thái Lan rồi. Rồi tôi nói với chị: “Em sẽ viết lại câu chuyện này.” Vì tôi muốn đưa kỷ niệm của chị đến thật nhiều người mà tôi có thể. Để ký ức này đừng phai nhạt. Để tôi và bạn thêm một lần thấm thía, tình nguyện thực sự không phải là để chụp ảnh. Càng không phải để có tấm giấy chứng nhận vuông vắn kia. Mà là để đi, để trải nghiệm, để yêu thương. Nhưng “trải nghiệm” là một từ kỳ lạ. Cho dù có tôi có tận tai nghe chị kể, cho dù bạn có đọc bao nhiêu câu chuyện đi chăng nữa, thì chúng ta chỉ biết, chứ chưa hiểu. Đến khi thực sự lên đường rồi, trải nghiệm mới thấm vào trong tim.
Và trong lúc bài viết này đang chờ được admin xét duyệt, tôi lại tiếp tục viết. Một câu chuyện khác. Một câu chuyện lay động tôi với những lời tâm sự:
“A piece of my heart was forever left in India because of the unforgettable friendship among me and the other youths. All of my teammate – Louises, Victor, Bonnie, Dewel, Deep will remain unchanged in every single beat of my heart…”
Theo Đỗ Thanh Lam/Triết học đường phố
Bài gốc có thể xem tại đây.