Kết quả của kỳ thi PISA 2012 – Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Program for international Student Assessment) cho thấy hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam thành công hơn khá nhiều các hệ thống giáo dục ở các quốc gia giàu có hơn,xét trên khả năng cung cấp cho học sinh những kỹ năng nhận thức cơ bản như đọc, viết và tính toán. Lần đầu tiên tham gia vào kỳ thi PISA, các học sinh Việt Nam ở độ tuổi 15 đạt được các kết quả tương đương với các bạn bè đồng trang lứa của mình ở Đức và Áo, và tốt hơn so với hai phần ba các nước khác cùng tham gia trong kỳ thi này. Kết quả tuyệt vời này cũng nhất quán với kết quả của một khảo sát gần đây về khả năng đọc và viết của người lớn, theo đó, người lớn ở Việt Nam cũng là những người đọc và viết tốt. Trên thực tế, khả năng biết đọc và viết rất phổ biến trong lực lượng lao động của Việt Nam và điều này đã trở thành động lực cơ bản giúp Việt Nam thành công trong phát triển ở hai thập kỷ vừa qua và các kỹ năng này đã giúp cho người lao động Việt Nam dịch chuyển thành công từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang các công việc phi nông nghiệp có năng suất cao hơn.
Click vào đây để xem đồ họa thông tin đầy đủ
Làm thế nào để giải thích cho thành công của Việt Nam ở kỳ thi PISA? Quan sát của tôi là:
- Đầu tiên, việc đầu tư tập trung trong nhiều năm liền để tăng số lượng học sinh nhập học ở mọi cấp học và các nỗ lực để xác định và thực hiện chuẩn chất lượng tối thiểu (“mức độ chất lượng cơ bản” trong trường tiểu học) trên cả nước đã đem lại kết quả.
- Thứ hai, một báo cáo mới đây của dự án nghiên cứu Những cuộc đời trẻ thơ (Young Lives)về tình trạng nghèo của trẻ em ở Việt Nam, Ấn độ (Andhra Pradesh), Ethiopia và Peru chỉ ra rằng, tính chuyên nghiệp và tính kỷ luật ở các trường trên toàn Việt Nam là rất cao: Ở Việt Nam hầu như không có tình trạng giáo viên bỏ dạy và giáo viên Việt Nam thực sự có năng lực. Hơn nữa, tỷ lệ học sinh đến lớp cũng cao.
- Thứ ba, Việt Nam hiện nay vẫn đang phải đối phó với trình trạng học sinh bỏ học sớm, đặc biệt là học sinh nghèo, khó khăn và thường cũng là học sinh người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nhập học ròng ở bậc trung học phổ thông là 60%, và chỉ có một phần ba học sinh nằm trong nhóm 20% dân cư nghèo nhất đi học ở bậc học này. Do kỳ thi PISA chi đánh giá năng lực của các học sinh 15 tuổi đang đi học, chúng ta có thể suy luận rằng kỳ thi này chỉ đánh giá được các em học sinh Việt Nam vẫn còn đi học ở bậc trung học. Thông thường, đây là các em học sinh có điều kiện tốt hơn, và do đó, nhiều khả năng sẽ học tốt hơn. Rõ ràng, một thách thức lớn vẫn còn tồn tại ở Việt Nam là việc giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bỏ học sớm.
Hơn nữa, một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới có tên “Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam” cho thấy người sử dụng lao động hiện nay đang tìm kiếm không chỉ là các kỹ năng nhận thức cơ bản, mà họ còn ngày càng quan tâm đến các kỹ năng như tư duy phê phán, làm việc nhóm và giao tiếp. Người sử dụng lao động nói rằng sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ra trường thường bị thiếu các kỹ năng này. Điều này có nguyên nhân từ việc dạy và học trên lớp ngày nay thường chỉ tập trung vào học thuộc lòng và ghi nhớ. Cách dạy và học này có thể tạo ra những học sinh biết đọc lưu loát, nhưng lại không quan tâm đầy đủ đến các kỹ năng quan trọng khác. Tuy nhiên, tiếng nói của người sử dụng lao động càng ngày càng có trọng lượng hơn. Theo một thông báo mới đây, Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch phát huy hơn nữa thành tích ở kỳ thi PISA 2012 thông qua việc tiếp tục cải cách chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và đánh giá để giúp học sinh phát triển thêm các kỹ năng này. Những cải cách giáo dục mới được khơi nguồn cảm hứng từ những kinh nghiệm của nước ngoài: Các chuyên gia của Việt Nam hiện đang nghiên cứu bài học kinh nghiệm từ cải cách chương trình giảng dạy ở Hàn Quốc – quốc gia đạt thứ hạng cao nhất trong kỳ thi PISA 2012, và kinh nghiệm từ những phương pháp giảng dạy đổi mới sáng tạo của Columbia thông qua dự án thí điểm Mô hình trường học mới do Quỹ Hợp tác toàn cầu về giáo dục hỗ trợ (GPE-VNEN) và đang được triển khai ở 1.500 trường học trên cả nước. Việt Nam không ngủ quên trên thành công ở kỳ thi PISA 2012. Chúng ta hãy cùng đón chờ kết quả tốt hơn của Việt Nam ở kỳ thi PISA 2015.
Các bạn nghĩ thế nào về việc sử dụng kết quả của kỳ thi PISA để cải thiện hệ thống giáo dục ở đất nước mình? Hãy chia sẻ cùng chúng tôi!
Theo Christian Bodewig/WorldBank.org
Bài gốc có thể xem tại đây.