Trở ngại cuối cùng và có lẽ lớn nhất đối với Mỹ khi muốn lập 1 tổ chức kiểu NATO tại châu Á, chính là phản ứng của Trung Quốc.
Trong bối cảnh Trung Quốc chưa thực sự “trỗi dậy hòa bình” như hiện nay, các quốc gia khu vực đang nghi ngờ một nước Mỹ không nhất quán trong lời nói và hành động, lại không đủ quyết tâm và sức mạnh để thực hiện những gì mình đã hứa.
Có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, đặc biệt là khi những láng giềng lại có sức mạnh như Nga ở Đông Âu hay Trung Quốc ở Đông Á. Vì vậy, với nước Mỹ, một cách tiếp cận khác mang tính chiến lược hơn tại khu vực Thái Bình Dương là khuyến khích các đồng minh thân cận xây dựng một mạng lưới chung về chiến lược. Sự hòa quyện về lợi ích sẽ giúp cho cho đoàn tàu đồng minh tiếp tục chạy và Mỹ không cần phải là người bơm nhiên liệu chính.
Cuộc tranh luận đã bắt đầu
Đã có nhiều ý kiến nói về việc Mỹ thiết lập một NATO tại châu Á. Đây được xem là một liên minh quân sự nhằm thúc đẩy lợi ích địa chính trị của các thành viên trong khu vực. Tuy nhiên hành động này không được đánh giá là mới, bởi Mỹ cũng đã từng tạo ra tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) nhưng không thành công và bị giải tán vào năm 1977.
Tại châu Á, sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã mang lại cho quốc gia này những “biểu hiện” như một cường quốc kinh tế. GDP của Trung Quốc đã vượt qua Đức và vươn lên đứng hàng thứ 3 trên thế giới, đồng thời Bắc Kinh cũng sở hữu lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất mà đặc biệt là đồng đô la.
Sự nổi lên này đã đi cùng với việc mở rộng quân sự, quyền lực địa chính trị, ngoại giao và công nghệ. Trung Quốc được đánh giá là mạnh nhất Đông Á về quân sự và Bắc Kinh hiện đang cố gắng cải thiện cũng như hiện đại hóa thiết bị quân sự, tìm cách phát triển khả năng cạnh tranh sức mạnh trên biển trong thời gian dài sắp tới.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Nga cũng đã trở thành đối tác hợp tác chặt chẽ thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Cả hai cường quốc đồng ý chia sẻ ảnh hưởng tại Trung Á nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ và bắt đầu có những buổi tập trận chung.
Cùng với sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, sự hồi sinh của Nga cũng được đánh giá khá quan trọng khi Kremlin chỉ ra phát triển năng lượng là một trong những lợi ích của Nga. Theo đó, với mục đích đa dạng hóa các đối tác thương mại của mình, Nga đã nghiêm túc nghĩ về việc cung cấp nhiên liệu hóa thạch cho các nền kinh tế lớn nhất khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoài ra, Liên bang Nga có kế hoạch tăng thị phần tại các thị trường vũ khí Đông Nam Á. Điều này như một minh chứng cho việc Nga muốn “vươn mình” xa hơn vai trò của một cường quốc khu vực.
Đã có nhiều ý kiến nói về việc Mỹ thiết lập một NATO tại châu Á.
Trước những thách thức địa vị của mình tại châu Á, Washington đã gia tăng sự hiện diện ở đây thông qua việc đóng quân tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Diego Garcia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Guam và Úc. Từ đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cho rằng việc khuếch đại khả năng quân sự thông qua một phiên bản NATO tại châu Á là điều cần thiết.Mặt khác, các nền kinh tế khác trong khu vực cũng đã phát triển rất mạnh mẽ, cụ thể là Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Đài Loan và Kong Kong. Điều này đồng nghĩa châu Á đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò ngày càng quan trọng trên trường chính trị quốc tế.
Như vậy, mục tiêu cuối cùng của một NATO ở châu Á là nhằm ngăn chặn Trung Quốc trở thành một thách thức sức mạnh của Mỹ. Đó là lý do ít được nói đến, nhưng mặc định ngầm hiểu thông qua các chiêu bài khác nhau.
Hiện thực hóa NATO ở châu Á có gặp khó?
Mặc dù có nhiều tranh cãi những đa số các nhà phân tích nhận định rằng châu Á không phải nơi để NATO có thể hoạt động đối phó lại Trung Quốc. Stewat Patrick, thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, trong một bài viết cho rằng: Mặc dù chủ trương thực hiện chiến lược “tái cân bằng” đối với châu Á nhưng Mỹ thiếu khả năng tài trợ cho một tổ chức phòng thủ tập thể tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ít nhất với ba lý do. Đó là không đủ tinh thần đoàn kết giữa các đối tác đa dạng trong khu vực, không muốn xa lánh Trung Quốc và nhận thức những lợi thế từ các thỏa thuận an ninh song phương.
Đầu tiên, lý do chính khiến nhiều người cho rằng một tổ chức như NATO không bao giờ có thể hoạt động ở châu Á là vì các nước trong khu vực có lợi ích đa dạng và ưu tiên trong trường hợp quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản không đủ mức độ tin tưởng để kết hợp với nhau. Thiếu vắng niềm tin hay sự “đồng sàn dị mộng” có thể được quan sát trong mối quan hệ Nhật – Hàn hay trường hợp giữa các quốc gia ASEAN.
Một trở ngại khác cho cho tổ chức NATO ở châu Á là sự chiếm cứ lợi thế từ các thỏa thuận an ninh song phương đã được thông qua trước đó. Hoa Kỳ đang ngày càng thu hút được sự hợp tác trong liên minh để có thể kết hợp lại tạm thời như một cơ chế nhằm giải quyết những thách thức khu vực cũng như những thách thức an ninh toàn cầu.
Trở ngại cuối cùng và có lẽ lớn nhất, theo một số phân tích chỉ ra, chính là tác động hay chính xác hơn là phản ứng của Trung Quốc khi một tổ chức giống NATO ở châu Á ra đời. Bởi khác với hậu Chiến tranh Thế giới 2 ở châu Âu, Trung Quốc có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với hầu hết các nước láng giềng.
Sự phụ thuộc chặt chẽ dẫn đến lợi ích kinh tế sẽ xen ngang, và đôi lúc làm giảm tầm chiến lược của các yếu tố an ninh. Một khi hai lợi ích này mâu thuẫn nhau, lợi ích an ninh thường chiếm ưu thế nếu quốc gia đang dưới một mối đe dọa đủ lớn.
Từ đó, việc thiết lập một NATO ở châu Á có thể sẽ phụ thuộc vào quy mô của mối đe dọa từ Trung Quốc đặt ra cho khu vực. Điều này đồng nghĩa là không thể có ngay một NATO tại châu Á trừ khi Trung Quốc có một hành động xâm chiếm ngang nhiên các nước.
Mỹ không thể một mình giải quyết tất cả vấn đề an ninh tại châu Á. Tái cân bằng là một nỗ lực của nước Mỹ, nhằm đảm bảo vị trí bá chủ trong khu vực, nhưng thành công cuối cùng của nó sẽ không phụ thuộc vào một mình Washington.
Theo Vũ Quỳnh / Tuần Việt Nam
Bài gốc có thể xem tại đây.