Lời tòa soạn: Ngày 29/4, Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ công bố danh sách 84 thành viên mới, trong đó có GS Đàm Thanh Sơn, hiện đang làm việc tại ĐH Chicago. Trong buổi gặp gỡ sau đó với VietNamNet, GS vật lý Đàm Trung Đồn, nguyên chủ nhiệm bộ môn Vật lý chất rắn – khoa Vật lý, nguyên trưởng ban điều hành hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), chia sẻ về “cậu cháu” nổi tiếng Đàm Thanh Sơn.
Việc GS Đàm Thanh Sơn vốn là học sinh chuyên toán, lại chuyển sang học và thành công ở ngành vật lý, có phải là do định hướng của gia đình không, thưa ông? Hiện nay cũng có trường hợp của em Ngô Phi Long, học chuyên toán nhưng đã đạt được những thành tích nổi bật trong các kỳ thi theo vật lý, và định hướng theo đuổi lâu dài là vật lý. Bố mẹ của Phi Long là giáo viên vật lý cho biết muốn em học chuyên toán để có được kỹ năng tính toán tốt trước khi theo vật lý. Việc học ở phổ thông của GS Đàm Thanh Sơn có nằm trong dự tính như vậy?
– Việc học toán trước đây là do Sơn tự chọn.
Khi còn nhỏ, Sơn tự mày mò đọc sách của chị, lớp 2, 3 đã giải được toán lớp 10. Gia đình đưa Sơn đến cho các thầy giáo kiểm tra, các thầy nhận xét Sơn có năng khiếu đặc biệt về toán, nên cho Sơn đi theo con đường đó.
GS Đàm Thanh Sơn khi còn nhỏ
Vả chăng, thời đó có quan niệm lưu truyền bất thành văn: Giỏi học toán, khá giỏi học lý, khá học hoá, trung bình học sinh.Hơn nữa, khi đó, cấp 1 rồi đến cấp 2 chỉ có chuyên toán, còn chuyên lý sau này mới có.
Khi đó, chuyên toán của Bộ Giáo dục có khối A0 của ĐH Tổng hợp và chuyên toán ĐH Sư phạm. Trường ĐH Tổng hợp thiên về đào tạo cán bộ nghiên cứu còn trường ĐH Sư phạm hướng về đào tạo giáo viên nên phong cách dạy học sinh chuyên toán của hai trường cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng. Sau khi thi vào hệ chuyên toán, Sơn thuộc nhóm dẫn đầu nhưng theo phân công sẽ rơi vào sư phạm. Gia đình anh chị tôi muốn định hướng cho Sơn theo con đường nghiên cứu khoa học, nên tìm mọi cách để bồi dưỡng, phát triển cho con theo hướng ấy, do đó bố Sơn muốn Sơn học ở Tổng hợp. Nhưng các trường đều không muốn mất người giỏi, nếu Sơn sang Tổng hợp, Tổng hợp sẽ phải đổi một người giỏi khác sư phạm mới chấp nhận. Là người trong ngành, tôi đã phải xuống trường sư phạm đề nghị đặc cách cho Sơn được chuyển mà không phải đổi người.
Sau khi đoạt giải nhất tuyệt đối tại Olympic toán quốc tế, theo thông lệ Sơn sẽ được phân công học tiếp lên đại học ngành toán ở nước ngoài. Song bản thân Sơn và gia đình đều mong muốn Sơn theo ngành vật lý, vì sự yêu thích của bản thân Sơn và vì khi đó có một số thành tựu nổi bật trong vật lý thế giới, nên tôi đã trực tiếp đến xin lãnh đạo Bộ GD-ĐT chuyển cho Sơn đi học ngành vật lý và được chấp nhận. Đó là “sự tích” của việc Sơn từ học sinh chuyên toán chuyển sang học vật lý.
Nói xa hơn, ở gia đình tôi trước đây, trong các ông anh của tôi, thì bố của Sơn – GS Đàm Trung Bảo – được nhận định là rất có năng lực, gia đình muốn anh trở thành nhà khoa học và vẫn gọi anh một cách thân mật là Savant (Bác học). Tuy nhiên, năm 1949, khi anh Bảo đỗ tú tài thì ở vùng tự do không có trường đại học phù hợp để theo học. Hơn nữa trong giai đoạn đó, thanh niên đang nô nức đi bộ đội, nên trường quân dược là lựa chọn phù hợp nhất với anh khi đó, và mới có giáo sư dược học Đàm Trung Bảo sau này. Tôi nghĩ, nếu không có chiến tranh, anh tôi sẽ theo học một ngành khác – có thể là ngành Vật lý.
GS Đàm Thanh Sơn và nhà báo Hàm Châu
Theo ông, đặc điểm nổi bật nhất của GS Đàm Thanh Sơn là gì?
– Đây là một con người rất ham hiểu biết về khoa học.
Ở nhà khi nhỏ ít thấy con hoạt động chân tay, bố mẹ đã tạo điều kiện để Sơn ra ngoài đá bóng với trẻ con cùng lứa, nhưng chỉ được một lúc lại thấy ra ngồi tính toán.
Một điểm thứ hai của Sơn là không tìm hiểu sự kiện một cách hời hợt, bao giờ cũng đi sâu ngọn ngành. Một lần đến chơi nhà, thấy tôi đang làm thí nghiệm, Sơn ra ngồi xem, sau đó lẳng lặng lấy giấy bút ra tính toán… Đó là cách làm việc hiếm có, ngay từ khi Sơn còn rất ít tuổi.
Trên blog Sơn ra những bài toán cực kỳ hay, mang ý nghĩa vật lý rõ ràng.
Đặc điểm nữa là làm vật lý lý thuyết nhưng không ai “bịp” được Sơn về hiện tượng vật lý. Trong vật lý, tính toán chỉ là cách diễn đạt tinh thần của mình, còn đúng hay không đúng phải kiểm chứng bằng thực nghiệm. Khi đó tính toán kia mới có ý nghĩa.
Sơn rất có tài “đánh hơi” sự kiện vật lý. Một sự kiện vật lý có rất nhiều khả năng có thể diễn ra, nhưng Sơn có linh tính, cảm nhận chính xác về hướng đi mà sự kiện phải theo.
Tôi dạy vật lý từ năm 1956 đến nay, dạy rất nhiều học sinh năng khiếu, phụ trách hệ sinh viên tài năng trong trường đại học. Nhưng tôi thấy rất hiếm sinh viên có được sự kết hợp hai khả năng tính toán và cảm nhận vật lý, như Sơn. Có lẽ chỉ được vài ba em.
GS vật lý Trương Nguyên Trân (trường Ecole Polytechnique – Pháp), từng nói rằng, nếu Việt Nam cần người phát triển vật lý thì tốt nhất là kéo Đàm Thanh Sơn về hỗ trợ.
Khi mà sự hiện diện của GS Đàm Thanh Sơn ở Việt Nam dường như vẫn còn khá ít ỏi, thì sự “kéo về” này, theo ông, phụ thuộc vào những yếu tố nào?
– Hiện nay Sơn đang tham gia vào Viện Toán cao cấp của GS Ngô Bảo Châu. Tôi cho rằng, nếu Sơn đứng ra làm một Viện Vật lý theo mô hình như vậy sẽ rất có ích cho nước nhà.
Lâu nay Sơn vẫn muốn có đóng góp cho Việt Nam. Từ trước khi Sơn nổi tiếng như bây giờ, tôi vẫn thường trao đổi, và Sơn luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu có học sinh giỏi tôi giới thiệu sang.
Khi có cần giúp đỡ về vật lý ở nhà, tôi hỏi Sơn có sẵn sàng tham gia không, Sơn luôn nhiệt tình. Ví dụ như khi tôi nhận nhiệm vụ tham gia công tác chuẩn bị kỳ thi Olympic vật lý quốc tế tại Việt Nam, tôi đã đề nghị mời và Đàm Thanh Sơn về để cùng tham dự vào ban tổ chức…
Quan điểm của ông là như thế nào, trước những kỳ vọng về việc GS Đàm Thanh Sơn sẽ đoạt giải Nobel trong tương lai?
– Tôi, và chắc là cả Sơn cũng vậy, nghĩ rằng làm khoa học không nhằm vào giải thưởng, mà vào sự say mê. Được giải tất nhiên là mừng, nhưng đó không phải là cái đích.
Nhiều người đặt hy vọng Sơn được giải Nobel. Nhưng nghiên cứu khoa học là việc mình làm, được giải hay không là do người khác quyết định. Mình không nên bận tâm quá đến việc người khác.
Nói vậy, nhưng với tư cách là người nhà, trong thâm tâm tôi rất mong Sơn được giải thưởng lớn đó.
Bố của Sơn trước khi mất cũng mong như thế.
Đọc các bài viết nói về niềm hy vọng vào Sơn, tôi rất thích. Nhưng có một bài viết từ năm trước tôi thấy rất đúng. Trong bài viết, tác giả phân tích rằng muốn được giải Nobel phải là người nổi tiếng, và trước hết hãy tự xem mình có xứng đáng vào Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ hay không.
Khi ĐH Chicago, Mỹ bổ nhiệm Đàm Thanh Sơn là “Giáo sư Đại học” Vật lý từ tháng 9/2012, tôi đã nghĩ rằng Sơn đã bước thêm được một bước tới giải thưởng này.
Với người làm khoa học, điều quan trọng nhất là những nghiên cứu có được thừa nhận không, có được tín nhiệm tuyệt đối về mặt khoa học không.Và bây giờ, khi được bầu vào Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ, tức là Sơn đã tới gần thêm một chút nữa. Còn việc có được hay không, một phần phụ thuộc vào nỗ lực của Sơn, một phần phụ thuộc vào sự đánh giá của cộng đồng.
Nói học sinh Việt Nam giỏi lý thuyết, kém thực hành là sai
Như trên ông đã nói, hiếm có học sinh, sinh viên Việt Nam nào có được cả hai kỹ năng về tính toán và nhạy cảm vật lý. Đó là do bẩm sinh hay do cách dạy học trong nhà trường không kích thích được sự phát triển kỹ năng của học sinh, thưa ông?
– Ít tài năng về vật lý trước tiên do những người có năng khiếu đặc biệt về vật lý chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Quan niệm của tôi kiếm được một người có năng khiếu về vật lý khó hơn tìm một người có năng khiếu về toán. Một tỉ lệ ví dụ tương đối thế này: Nếu như tỉ lệ những người giỏi toán là 1/ 100 thì những người có năng khiếu đặc biệt về vật lý là 1/ 10.000.
Bởi vì, một người được coi là có năng khiếu vật lý phải tập trung nhiều ưu điểm: phải có năng khiếu toán để làm vật lý lý thuyết, cộng với nhạy cảm vật lý.
Nếu như tỉ lệ người có năng khiếu toán là 1/100, tỉ lệ người có nhạy cảm vật lý là 1/100, thì tỉ lệ người có năng khiếu vật lý là 1/100x 1/100 = 1/ 10.000.
Ngoài yếu tố “trời cho” đó ra còn phải hội tụ nhiều yếu tố khác, như truyền thống gia đình, được sống trong một môi trường mà việc nghiên cứu khoa học được trân trọng.
Gần đây tôi có tiếp xúc với một học sinh giỏi vật lý, thấy em đó có tư chất. Hỏi sau này định học ngành gì, em đó trả lời dù được giải hay không trong các kỳ thi Olympic vật lý khu vực và quốc tế, thì sau này em sẽ theo ngành cảnh sát. Lý do là trong họ hàng có một vài người đã theo ngành này, và kinh tế gia đình eo hẹp. Vì vậy, nếu theo ngành cảnh sát tương lai kinh tế sẽ khá hơn.
Bây giờ, trong số học sinh học năng khiếu vật lý, có lẽ số đích thực có say mê làm vật lý không tới 10%. Điều này là bình thường, đương nhiên không phải là xấu, vì học vật lý không chỉ để làm vật lý mà còn làm các ngành khác nữa. Nhưng nói như vậy để thấy rằng số các em có năng khiếu và thực sự say mê với vật lý là rất ít.
Và cách dạy trong trường học tác động như thế nào tới việc phát triển năng khiếu của học sinh, thưa ông?
– Trong trường học hiện nay, cách 312dạy có tác dụng rất khiêm tốn đối với phát triển năng khiếu vật lý cho học sinh. Người ta ít quan tâm đến việc bồi dưỡng cho học sinh phương pháp tư duy vật lý mà nặng về rèn kỹ năng làm bài, kỹ năng tính toán, thể hiện rõ nét nhất là cách dạy và ra đề trong các kỳ thi học sinh giỏi vật lý. Đó là do cách đào tạo từ nhiều năm nay, các thầy cứ theo nếp đó mà làm.
Điểm yếu thứ hai của cách dạy vật lý trong trường phổ thông hiện nay là sự tách rời tới mức không tưởng giữa học lý thuyết và thực nghiệm. Tôi đã nói nhiều về việc này, nhưng không ai nghe.
Enrico Fermi (1901 – 1954) – nhà bác học người Ý nhận Giải Nobel Vật Lý năm 1938 – là nhà bác học nguyên tử tài giỏi cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm, được hội đồng Olympic vật lý quốc tế xem như nhà vật lý mẫu mực. Được làm quan sát viên (từ xa hàng chục km) trong vụ thử quả bom nguyên tử đầu tiên, trong tay không hề có bất kỳ một dụng cụ nào, đã “đo” được năng lượng phát ra từ vụ nổ, và kết qua gần trùng với giá trị được công bố sau này.
Michael Faraday (1791 – 1867), một nhà hóa học và vật lý học người Anh, đã từng phải… xé váy cũ của vợ lấy vải quấn dây kim loại để làm thí nghiệm về điện từ trường, và cuộn dây này được lưu trữ trong viện bảo tàng….
Trong khi đó, Việt Nam không bao giờ dạy học sinh làm thí nghiệm bằng những đồ dùng hàng ngày. Người ta thiên về cung cấp các bộ thí nghiệm làm sẵn, học sinh chỉ việc bấm nút. Do đó tuy một phép đo vật lý có thể có nhiều cách thực hiện, nhưng các thầy cũng chỉ bày sẵn cho các em theo 1 cách và xem đó là cách làm duy nhất. Bộ thí nghiệm có một hỏng hóc nhỏ hoặc thiếu một chi tiết vặt vãnh là đã bị kêu là không đồng bộ, không làm được.
Cả một hệ thống bao lâu nay đã đào tạo học sinh vật lý như thế, và không ít các học sinh ấy nay là giáo viên…
Ở phổ thông, cách tốt nhất là để các thầy tự làm bộ thí nghiệm với những thiết bị có sẵn trong tay. Muốn làm như thế người thầy dạy vật lý phải hết sức say sưa với việc làm đó. Và tất nhiên là không phải ai cũng say sưa, và không phải ai cũng có điều kiện để say sưa.
Có những người luôn nói học sinh của ta giỏi lý thuyết, kém thực hành, tôi không đồng tình với ý kiến này. Học sinh Việt Nam làm thực hành cũng rất giỏi, chỉ có điều các em không được dạy, được học đúng cách, nên không bằng người khác.
Có câu châm ngôn của Pháp: “Cái ngon sẽ đến trong lúc mình ăn”.
Học sinh phải được thường xuyên làm thí nghiệm, rồi mới dần có ham muốn về việc đó.
Mới đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết trong đợt đổi mới chương trình và SGK lần này sẽ tăng cường thí nghiệm ảo, công nghệ thông tin trong dạy học. Quan điểm của ông về vấn đề thí nghiệm ảo đối với việc dạy và học vật lý như thế nào?
GS. Đàm Thanh Sơn, ảnh chụp năm 2012, ở Institute for Nuclear Theory in Physics faculty (Ảnh: Mary Levin)
– Đối với môn vật lý, tôi đã thấy những hiểu biết về công nghệ thông tin có ảnh hưởng rất tốt đến việc học vật lý của học sinh. Nhưng về tác dụng của thí nghiệm ảo thì cần đánh giá một cách thận trọng.
Công thức vật lý không phải tuyệt đối đúng, bất kỳ công thức nào cũng chỉ là gần đúng, và kết quả đo không phải bao giở cũng đúng như kết quả tính mà phụ thuộc rất nhiều vào mức độ thuần thục của người làm thí nghiệm. Học sinh không biết điều đó sẽ rất tai hại.Thí nghiệm ảo nên hiểu là một cách biểu diễn để học sinh dễ nhớ bài học. Thí nghiệm ảo căn bản được xây dựng, lập trình dựa trên các công thức. Nếu chỉ dạy học bằng cách đó học sinh sẽ nghĩ vật lý là công thức, và công thức là chân lý. Đó là sai lầm rất lớn.
Ảo bao giờ cũng chỉ là ảo.
Xin cảm ơn ông!
Theo Chi Mai / Tuần Việt Nam
Bài gốc có thể xem tại đây.
Một số đề vật lý từ blog của GS Đàm Thanh Sơn:
Có bõ công không? Sữa để miệng mèo Thằn lằn Jesus Christ |