Mối quan hệ với sếp là một trong những nhân tố quyết định lớn nhất tới mức độ hạnh phúc trong việc của bạn cũng như độ hài lòng của sếp về bạn.
Ảnh minh họa: Forbes
Dưới đây là bảy hành động sẽ khiến sếp mất niềm tin nơi bạn và khó để lấy lại:
1- Không giữ lời hứa
Kỳ vọng cơ bản nhất của sếp ở bạn là bạn sẽ làm những gì đã nói sẽ làm hoặc được giao cho. Nếu bạn không giữ lời hứa, công việc sẽ không được thực hiện theo cách sếp chờ đợi – điều này là một trong số những điều tai hại nhất khiến sếp đánh mất niềm tin. Vì vậy, bạn phải cẩn thận với những gì bạn nói sẽ làm, hoàn thành đúng thời gian đã hứa và cập nhật cho những người có liên quan khi khung thời gian cần phải thay đổi. Liên tục không thực hiện những gì mình đã hứa có thể dẫn tới mối quan hệ mà sếp không tin tưởng bất cứ điều gì bạn nói.
2- Không báo cáo sếp những việc quan trọng
Một người sếp tốt không nghĩ bạn cần báo cáo từng chi tiết công việc của bạn với anh/cô ấy nhưng sếp kỳ vọng bạn sẽ chủ động thông báo khi có những việc quan trọng như khách hàng không hài lòng về dịch vu, một dự án đang dần trở nên hỗn độn hoặc cần đưa ra một quyết định lớn. Nếu sếp không nghĩ bạn biết khi nào cần đến ý kiến của mình, anh/cô ấy sẽ phải “xới tung” cả văn phòng để biết điều gì đã xảy ra – điều mà cả sếp và bạn đều không thích. Do đó, tốt hơn hết bạn nên cập nhật những vấn đề quan trọng với sếp ngay từ đầu.
3- “Đoán bừa” khi không biết câu trả lời
Đôi khi bạn có thể phán đoán khi không biết câu trả lời nhưng điều đó có nghĩa là bạn sẽ cung cấp sai thông tin. Và vì sếp không đặt ra câu hỏi cho bạn chỉ để giải trí, anh/cô ấy sẽ đưa ra quyết định hoặc hành động dựa trên thông tin sai bạn đưa ra. Do đó, nếu bạn không chắc chắn về điều gì đó, hãy thừa nhận và sau đó nói rằng bạn sẽ tìm hiểu câu trả lời chính xác.
4- Không chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình
Sếp hiểu lý lẽ biết rằng nhân viên cũng là người bình thường và đôi khi mắc sai lầm. Nhưng nếu bạn không nhận trách nhiệm, bao biện hay trở nên cực đoan về sai lầm của mình, sếp sẽ lo lắng rằng bạn không hiểu tại sao sai lầm lại xảy ra và điều đó có nghĩa là anh/cô ấy không tin rằng bạn có thể tránh lặp lại sai lầm tương tự trong tương lai.
5- Không cởi mở về những thành kiến của bạn
Có thành kiến về sự việc hay người nào đó là điều bình thường, ai cũng có những quan điểm của riêng mình. Nhưng nếu bạn che giấu thành kiến của mình và cuối cùng tình cờ sếp biết được, bạn sẽ phá hỏng niềm tin với anh/cô ấy. Mặt khác, nếu bạn cởi mở chia sẻ thành kiến của mình ngay từ đầu, bạn có thể được tín nhiệm. Chẳng hạn, nếu bạn phàn nàn về chất lượng công việc của đồng nghiệp và sếp nhận thấy rằng từ trước tới giờ bạn đặc biệt không thích người đó, bạn sẽ được tin tưởng hơn nếu nói trước “Tôi muốn thừa nhận rằng Thành và tôi chưa bao giờ thân thiết và điều đó có thể ảnh hưởng tới quan điểm của tôi nhưng…”
6- Không lên tiếng khi bạn bất đồng ý kiến về những vấn đề quan trọng
Người quản lý tốt muốn làm việc với những nhân viên thẳng thắn – người có thể mang đến những ý kiến trung thực, đặc biệt khi được hỏi và khi cần thông tin để nhóm đưa ra một quyết định quan trọng. Nếu dự án trở nên tồi tệ, bạn sẽ đánh mất niềm tin của sếp nếu anh/cô ấy nhận ra bạn đã luôn nghĩ đó là một ý tưởng tồi nhưng lại không nói ra vì không muốn “dậy sóng” bất đồng ý kiến với cả văn phòng.
7- Phần nàn sau lưng sếp
Để rõ ràng, một người sếp tốt muốn lắng nghe nếu bạn có phàn nàn về sự lãnh đạo của anh/cô ấy, công việc của bạn và những vấn đề liên quan khác. Nhưng điều đó có nghĩa là nói chuyện trực tiếp với cô ấy chứ không phải phàn nàn sau lưng. Nếu sếp nghĩ bạn liên tục phàn nàn với những người khác, anh/cô ấy hiểu rằng bạn đánh giá thấp sếp và nghiêm trọng hơn bạn đang lan truyền sự tiêu cực trong văn phòng.
Theo VŨ HUYỀN (Theo Usnews) / Tuổi Trẻ
Bài gốc có thể xem tại đây.