Nguồn: Đọt Chuối Non
Có một vấn đề em chưa nghe nói đến nhiều, đó là phổ biến kiến thức cho lực lượng công nhân nói riêng và người lao động nghèo và/hoặc có trình độ dân trí chưa cao, nên em muốn chia sẻ một số suy nghĩ về chuyện này.
Trong tình hình hiện tại, theo em cảm nhận thì mối nguy hiểm lớn ngang bằng với tình hình đối diện trực tiếp với Trung Quốc ngoài biển Đông là vấn đề đến từ trong nước, cụ thể là đến từ nhóm người lao động nghèo, dân trí thấp không được cập nhật thông tin chính xác và đầy đủ. Hậu quả như những ngày vừa qua là những vụ đập phá công ty có vốn đầu tư Trung Quốc, và cả một số quốc gia khác mà người dân “tưởng” là Trung Quốc, thậm chí đã có thương vong, kéo theo đó là tình trạng hôi của… tạo nên một hình ảnh vô cùng xấu cho người Việt Nam đối với thế giới. Đây là một cái cớ rất tốt để chính phủ Trung Quốc tiến hành những bước tiếp theo.
Nguyên nhân đến từ bên ngoài là do những nhóm người xấu cố tình cài vào để kích động người dân, có thể vì mục tiêu chính trị (tiếp tay cho chính phủ Trung Quốc) hoặc mục tiêu kinh tế (hôi của), giải pháp cho nguyên nhân này thì hiện nay chính phủ Việt Nam cũng đang điều tra và bắt giữ những thành phần này.
Nguyên nhân bên trong là do lực lượng lao động:
(1) Trình độ học vấn thấp nên không có khả năng đánh giá sự việc, dễ nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu
(2) Đời sống khó khăn dẫn đến việc sẵn sàng nhận tiền từ những thành phần xấu
(3) Thiếu nguồn thông tin chính xác và đầy đủ về sự việc
Nguyên nhân (1), trong tình thế cấp bách hiện nay thì ta khó có thể phổ cập trình độ học vấn cho người dân, nên em bỏ qua giải pháp cho nguyên nhân này. Nguyên nhân (2), em nghĩ mình cũng khó tác động vì không thể tự nhiên có thêm ngân sách để chi trả cho họ, và không thể dùng tiền để yêu cầu họ phải làm như thế này, không được làm thế kia. Vậy còn lại nguyên nhân (3) mà em muốn nói tới, và khả năng làm trong lúc này là có thể, sử dụng nguồn lực sẵn có.
Hiện nay các phương tiện truyền thông và mạng xã hội cũng đang nỗ lực phát đi thông tin, nhưng một bộ phận rất lớn những người lao động nghèo hoặc những người buôn bán không đủ điều kiện vật chất (mua TV, máy tính, lắp internet) cũng như thời gian (thời gian để đi làm là hết cả ngày, sau đó còn về lo việc gia đình) để theo dõi thông tin, nếu có cũng chỉ qua loa, hoặc đọc nhầm tin lá cải và các truyền đơn từ nhóm người xấu.
Trong cả nước có các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu về vấn đề biển Đông cũng như các vấn đề liên quan, nhưng hiện thông tin, chứng cứ, lập luận cũng vẫn chỉ đang nằm trên giấy (bài giảng, bài nghiên cứu, bài báo…). Vậy thì có thể nào mình kết hợp tổ chức các buổi thông tin và Hỏi&Đáp ngắn trong giờ làm việc của các công nhân, với các diễn giả là giảng viên/nghiên cứu viên từ các cơ sở nói trên, hoặc nếu được thì mời cả những người nắm rõ vấn đề nhất trong bộ ngoại giao, bộ chính trị (những bộ này thì em biết khó mời hơn). Với uy tín của các cơ sở này, người lao động sẽ có được niềm tin nhất định và đề phòng trước kẻ xấu.
Nội dung buổi nói chuyện sẽ gồm những nội dung chính:
(1) Cập nhật thông tin thực tế về tình hình biển Đông, về tình hình nội bộ Trung Quốc (đẩy sự chú ý đối với những tình hình lục đục trong nước ra bên ngoài) và cả khả năng tích cực giải quyết vấn đề trong hòa bình
(2) Lập luận tại sao không được có các hành vi quá khích đi ngược với luật pháp Việt Nam và quốc tế:
+ Nhấn mạnh vào lập luận những hành vi quá khích sẽ là mộtcái cớ để chính phủ Trung Quốc vin vào(bảo đảm an toàn cho công dân của họ) và gây chiến.
+ Tác nhân gây nên mối bất hòa này là chính phủ Trung Quốc, ta không thể gom đũa cả nắm, cả những người dân Trung Quốc và thành phần Hoa Kiều vô tội đang sinh sống tại Việt Nam.Điều này và điều trên sẽ làm cho Việt Nam mất đi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
+ Khi bạo loạn hoặc biểu tình tự phát xảy ra, chính phủ buộc phải dồn lực lượng quân đội xuống những khu vực này để bảo toàn an ninh khu vực, như vậy sẽ làm mỏng đi quân số ở những vùng trọng yếu. Từ đó việc châm ngòi vào những sơ hở này là hoàn toàn dễ dàng.
+ Nếu xảy ra bất cứ bạo động nào như vậy thì trách nhiệm của lực lượng an ninh Việt Nam sẽ là bảo vệ trật tự, và đương nhiên sẽ có thể dùng các biện pháp trấn áp, lúc này người dân rất dễ hiểu lầm là lực lượng công an muốn bán nước, vi phạm nhân quyền –> bạo động leo thang khi quân dân không một lòng.
+ Thiệt hại về kinh tế nặng nề và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người lao động nghèo
(3) Khuyến khích người dân lan truyền nguồn thông tin đầy đủ chính xác đến cộng đồng xung quanh, bên cạnh đó đưa ra các biện pháp đối phó khi gặp phải xúi dục của kẻ xấu
Điều cần lưu ý trong các buổi nói chuyện này đó là tìm cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu và gần gũi đối với khán thính giả là lực lượng lao động nghèo, trình độ học vấn không cao, đi kèm theo đó là các dẫn chứng và số liệu cụ thể, chính xác.Tránh các lối nói phức tạp, lồng vào quá nhiều khẩu hiểu ca ngợi sáo rỗng khiến người dân nghĩ mình đang tiếp nhận thông tin một chiều.Nhân nói đến vấn đề khẩu hiểu, mấy ngày nay trên đường Mạc Đĩnh Chi TP.HCM, có hai băng rôn lớn về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và tuân theo pháp luật, tinh thần của những thông điệp này hết sức đáng quý, song, cách thể hiện nó còn làm cho người đọc cảm thấy thông tin truyền đi có phần nào phiến diện và mang tính hô hào nhiều hơn.
Ngoài các buổi nói chuyện ra, việc cập nhật tin tức hằng ngày từ các nguồn tin đáng tin cậy cũng rất quan trọng, vậy thì có thể bố trí một bảng tin ngay vị trí người lao động ra vào nhiều trong nhà máy/xí nghiệp và có người phụ trách cập nhật bản tin đó, và trong suốt ngày làm sẽ có loa phát thanh thông tin đến cho công nhân.Bên cạnh đó, nên có một quầy báo miễn phí đọc tại chỗ và một số lượng nhất định được mang về.Những điều trên đây giúp họ không phải mất tiền để mua báo, lắp internet hoặc mất thời gian để tự đọc thông tin.
Để làm được những việc này, em nghĩ cần sự phối hợp của các cơ quan chính sau: các hãng thông tấn uy tín, các cơ quan nghiên cứu/giáo dục, bộ ngoại giao, ban giám đốc và công đoàn các nhà máy/xí nghiệp cùng với các chính quyền địa phương (vì mình cần có được giấy phép đi xuống những nơi này, cũng như giấy phép đi công tác của các diễn giả từ các viện nghiên cứu/giáo dục).
Hôm nay phía chính phủ có một hành động rất hay là đã thay mặt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắn tin cho những người sử dụng mạng di động khuyến khích người dân yêu nước nhưng phải tuân thủ luật pháp, chi tiết như sau:
“Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu và kêu gọi mọi người Việt Nam không có những hành động vi phạm pháp luật, không nghe theo kẻ xấu, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống và góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp của nước ta và luật pháp quốc tế.”
Việc dùng tin nhắn là hoàn toàn hợp lý vì đa số người dân hiện nay đều có khả năng để sở hữu một chiếc điện thoại thông thường có thể nhận tin nhắn, như vậy sẽ tiếp cận được với nhiều tầng lớp dân cư trong xã hội. Hy vọng chính phủ sẽ có những bước đi tương tự như vậy trong những ngày sắp tới.Một phần lớn người dân trong và ngoài nước bất đồng với chính phủ là vì họ cảm thấy chính phủ không minh bạch, thông tin mù mờ, vì vậy mà càng dễ bị các nguồn thông tin lá cải cũng như phản động gieo rắc vào đầu.Vậy thì minh bạch hóa thông tin là một biện pháp để lấy lại lòng tin của người dân để từ đó có thể đoàn kết được mọi người trong mọi lĩnh vực.
Trên đây là một số suy nghĩ của em, tập trung vào vấn đề phổ biến kiến thức cho thành phần lao động nghèo, học thức chưa cao, bằng cách sử dụng nguồn lực dồi dào sẵn có nhưng chưa được phát huy của ta, đó là các giảng viên, nghiên cứu viên từ các cơ sở giáo dục và nghiên cứu trên cả nước. Thiết nghĩ, đã đến lúc ta cần dùng ngòi bút hóa vũ khí để bảo vệ đất nước. Dù biết là khó khăn, nhưng không đi làm sao biết có tới được hay không 🙂
Vương Thảo Vy