Biết chồng đang mạnh khỏe khi làm nhiệm vụ chấp pháp nơi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, chị Hồng nói trong tiếng nấc: “Hãy nói với anh ấy rằng mẹ con tôi rất tự hào về anh”.
Trước lúc tàu Cảnh sát biển 4032 vào bờ để sửa chữa hư hỏng do bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm va, thủy thủ Lương Cao Tân (tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003) tranh thủ giờ nghỉ sau ca trực, viết vội vài dòng cùng số điện thoại của gia đình, kèm lời nhắn: “Về đất liền gọi cho vợ con giúp mình, để mọi người yên tâm. Mẹ mình đang ốm, nếu biết mình vẫn khỏe và vững vàng làm nhiệm vụ chắc mẹ sẽ nhanh khỏi bệnh”.
Còn đồng đội ở cùng phòng, thủy thủ Nguyễn Văn Thuận, lại nắn nót từng nét chữ: “Sức khỏe của bố vẫn tốt. Tình hình trên biển diễn biến bình thường, không có nguy hiểm gì. Gửi lời chúc sức khỏe gia đình nội ngoại. Bố nhớ mẹ con nhiều”. Gửi xong lá thư tay, dưới ánh trăng vằng vặc ở Hoàng Sa, anh Thuận nhìn theo con tàu 4032 đang khuất dần về hướng Đà Nẵng.
Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang ngày đêm thực thi pháp luật trên biển, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống về nước. Ảnh: Nguyễn Đông |
Trước khi tàu nổ máy ra khu vực giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc đặt trái phép, hầu hết anh em thuộc lực lượng chấp pháp ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… không kịp về nhà từ biệt gia đình. Thế nhưng, hơn 10 ngày thực thi pháp luật trên vùng biển chủ quyền, những cảnh sát biển và anh em kiểm ngư chưa một phút xao lòng. Suốt nhiều ngày đêm kiên cường tiến sát giàn khoan phát loa tuyên truyền pháp luật, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, những chàng cảnh sát biển càng đen sạm, rắn rỏi.
Hình ảnh Trung Quốc dùng các biên đội tàu có trọng tải và công suất lớn ùa ra uy hiếp từ khu vực biển cách giàn khoan cả chục hải lý, hay hung hăng dùng vòi rồng tấn công, húc thẳng mũi tàu vào lực lượng chấp pháp Việt Nam làm nhiệm vụ… tràn ngập trên truyền thông. Thông tin thực địa thì có, song ít người dân biết được cuộc sống, tình hình sức khỏe của lực lượng chấp pháp trên tàu như thế nào. Thực tế là đến giờ, các anh vẫn chưa một lần liên lạc với gia đình.
“Nhớ vợ con à?”, một thủy thủ lên tiếng hỏi đồng nghiệp cùng cái vỗ vai và ánh mắt nhìn trực diện như đo đếm cảm xúc. Anh Tân cười: “Nhớ chứ. Nhưng quyết phải ở lại Hoàng Sa đến khi Trung Quốc chịu rút giàn khoan mới về, để còn khoe với vợ con chứ!”.
Còn thủy thủ Bùi Huy Đáp buột miệng ngâm thơ: “Bao ngày em mỏi mắt trông/ Chiều nay nhận cánh thư hồng nơi anh/ Nhìn vào nét chữ mực xanh/ Viết lên trang giấy biết anh nhớ nhiều” và không quên khoe: “Thơ mình tự sáng tác đấy. Nhờ bài thơ này mà có được người yêu bây giờ là mẹ của hai đứa con mình”.
Đại tá Lưu Tiến Thắng, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, đang có mặt trên tàu 8003 để theo sát tình hình thực địa, chia sẻ bản thân ông khi nhận lệnh từ cấp trên cũng chỉ kịp chuẩn bị vội ít tư trang. Khi tàu rời cảng mới có thời gian gọi điện về báo tin cho vợ con. “Những người vợ, người mẹ là hậu phương vững chắc, ủng hộ chồng con hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông nói.
Anh Duy cùng người vợ đang mang bầu trong giây phút gặp mặt ngắn ngủi. Ảnh:Nguyễn Đông |
Chiều 16/5, ít phút sau khi tàu Cảnh sát biển 4032 cập cảng, nhận được điện thoại của người từ Hoàng Sa trở về, chị Nguyễn Thu Hồng, vợ anh Tân hỏi dồn dập: “Anh ấy vẫn khỏe chứ? Khi nào Trung Quốc mới rút giàn khoan phi pháp ra khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam để anh ấy về với gia đình?”.
Biết tin chồng mạnh khỏe và đang ngày đêm kiên cường bám biển làm nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc, người vợ trẻ bật khóc: “Nếu có cách nào gọi điện lại được cho anh Tân, nhắn giúp mẹ con tôi rằng, mọi người vẫn khỏe. Thằng lớn mới được giải 3 Rung Chuông Vàng của trường. Gia đình và mẹ con tôi ở nhà rất tự hào về anh ấy”.
Trong chuyến tàu 4032 về bờ lần này, có lẽ trung úy Trịnh Văn Duy (32 tuổi, quê Thanh Hóa) là người may mắn nhất vì có dịp tạt qua nhà động viên người vợ đang chờ ngày sinh đứa con đầu lòng. 30 phút gặp mặt ngắn ngủi, vợ chồng quấn quýt không rời.
Yêu nhau suốt thời gian dài, anh Duy nên duyên cùng cô gái trẻ Nguyễn Thị Thúy Hằng cuối năm 2013. “Từ ngày yêu nhau đến lúc cưới, anh ấy thường xuyên đi công tác nên tôi cũng quen dần. Nhưng lần này xem tivi thấy tàu của chồng bị phía Trung Quốc đâm, mẹ con tôi ở nhà lo lắm”, chị Hằng nói.
Còn anh Duy bảo, khi tàu Cảnh sát biển 4032 bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm va, ban lãnh đạo tàu đã điện về Vùng cảnh sát biển 2 (Quảng Nam), nơi các thủy thủ công tác, nhờ mọi người gọi về động viên gia đình. “Về lần này, dù giây phút đoàn tụ ngắn ngủi, nhưng tôi đã may mắn hơn bao đồng đội khác”, người lính trẻ nói.
Ngồi bên nhau tại một quán cà phê gần quân cảng Đà Nẵng, anh Duy ghé tai lên bụng vợ, cảm nhận những cử động của cậu con trai sẽ chào đời sau 2 tuần nữa. “Vợ chồng mình đặt tên con là Hoàng Sa nhé”, anh nói trong ánh mắt rạng ngời của vợ.
Theo Nguyễn Đông / Vnexpress
Bài gốc có thể xem tại đây.