Sự kiện Trung Quốc bất chấp những thỏa thuận cấp cao giữa hai nước đem giàn khoan khổng lồ đặt trên vùng biển của Việt Nam, gây ra những căng thẳng nghiêm trọng hiện nay là thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Chúng ta sẽ phải tính toán lại chiến lược và cách ứng xử trong tình hình mới. Trong đó, tăng cường khả năng quốc phòng là việc phải làm.
Tuy nhiên, Việt Nam cần hết sức tỉnh táo để tránh một cuộc chạy đua vũ trang đầy tốn kém làm kiệt quệ nền kinh tế như đã từng xảy ra trong quá khứ. Hơn lúc nào hết, bây giờ không phải là thời khắc cho những do dự mà những cải cách sâu rộng cần phải được tiến hành ngay để Kinh tế Việt Nam có thể cất cánh và Việt Nam trở nên hùng cường.
Những bài học
Sau khi đẩy lùi sự xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía bắc vào năm 1979, Việt Nam vẫn phải duy trì cuộc chạy đua vũ trang với những khoản chi phí khủng khiếp trong thập niên 1980. Lượng vũ khí Việt Nam đã nhập khẩu cao gấp 6 lần Trung Quốc và gấp đôi Đài Loan, trong khi quy mô về kinh tế và/hoặc dân số của Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều.
Những trục trặc của mô hình kinh tế kế hoạch tập trung đã làm cho sản xuất đình đốn trong thập niên 1980 là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng. Tuy nhiên, gánh nặng từ cuộc chạy đua vũ trang nêu trên cũng giáng một đòn chí tử vào nền kinh tế vốn dĩ đã rất kiệt quệ lúc bấy giờ.
Nhìn từ bên ngoài, Liên Xô đã sụp đổ nhanh chóng khi mắc vào cái bẫy trong cuộc đua “Chiến tranh giữa các vì sao”. Nền kinh tế đang rất kiệt quệ của họ đã phải dành quá nhiều nguồn lực cho chi tiêu quốc phòng. Kết quả như thế nào thì đã rõ.
Tiềm lực quốc phòng của Bắc Triều Tiên hiện nay là điều mong ước đối với nhiều quốc gia, nhất là những nước có quy mô nhỏ về dân số, diện tích và kinh tế. Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người trên hành tinh của chúng ta mong muốn được sống trong một đất nước như vậy.
Ở thái cực ngược lại, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore là những kinh nghiệm rất đáng tham khảo. Cả ba luôn phải chịu những áp lực bị thâu tóm hay đe dọa từ láng giềng. Tuy nhiên họ đã tránh được cái bẫy chạy đua vũ trang, dồn toàn lực cho an ninh quốc phòng làm kiệt quệ nền kinh tế.
Một mặt họ luôn củng cố tiềm lực quốc phòng, nhưng mặt khác họ cũng sử dụng một cách linh hoạt các giải pháp ngoại giao tìm kiếm các đồng mình, các đối tác chiến lược để tăng cường sự đảm bảo an ninh quốc gia.
Quan trọng hơn là cả ba, cho dù có những cách tiếp cận khác nhau đã có những chính sách hết sức hợp lý để trở thành những nền kinh tế phát triển. Đây là nhân tố có lẽ quan trọng nhất và căn cơ nhất đối với bất kỳ một quốc gia, lãnh thổ hay nền kinh tế nào.
Thách thức đối với Việt Nam
Muốn hay không muốn thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng kinh tế Việt Nam hiện tại đang gặp rất nhiều trục trặc và còn rất yếu, trong khi việc gia tăng chi tiêu để củng cố quốc phòng là việc không thể không làm. Nếu dành quá nhiều nguồn lực để củng cố khả năng phòng vệ và những nguồn lực kinh tế không được nuôi dưỡng thì nền kinh tế của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hết sức gay go.
Do vậy, vấn đề của Việt Nam hiện tại là cần phải hết sức thận trọng và tính toán rất kỹ trong mọi khoản chi tiêu. Các khoản cho quốc phòng là cần thiết, nhưng cần phải cân nhắc kỹ để có những trang thiết bị đủ mạnh có thể giúp chúng ta bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Để có thể phòng vệ tốt, Việt Nam cần một nguồn lực đáng kể, trong khi cấu trúc thể chế hiện đang tạo ra những sự lãng phí nguồn lực khủng khiếp. Do vậy, ngay từ lúc này, Việt Nam cần có những quyết sách hợp lý để sử dụng và phát huy hiệu quả của các nguồn lực hiện hữu. Điều này có nghĩa là những cải cách sâu rộng để tận dụng và phát huy các nguồn lực hiện có một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, đây là điều không hề đơn giản vì các lý do sau:
Thứ nhất, cấu trúc thể chế hiện tại đang có rất nhiều trục trặc mà chúng cản trở hoặc không thân thiện với đổi mới hay sáng tạo để giúp kinh tế Việt Nam cất cánh. Đây có lẽ là vấn đề nội tại lớn nhất của Việt Nam hiện nay mà nó được thể hiện rất rõ trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng chính phủ.
Thứ hai, tư tưởng ngại thay đổi vì sợ gây ra bất ổn. Có thể không ít người sẽ lo ngại rằng nếu có những cải cách sâu rộng nếu gặp trục trặc gây bất lợi cho mặt trận an ninh quốc phòng. Đây là điều dễ bị một số người hay nhóm lợi ích lợi dụng nhất. Đây cũng là điều dễ kéo Việt Nam thụt lùi nhất.
Thứ ba, tư tưởng dễ dàng, xuê xoa với các nhà đầu tư hay đối tác nước ngoài, nhất là đối với các đối tác đến từ Trung Quốc. Để làm yên lòng các nhà đầu tư hay đối tác nước ngoài sau các sự cố vừa xảy ra rất dễ xảy ra tâm lý dễ dãi để xoa dịu họ. Sẽ là một sai lầm lớn nếu điều này xảy ra.
Những nhà đầu tư chân chính thường mong một môi trường đầu tư tốt, một thể chế thân thiện và có lợi cho hoạt động kinh doanh của họ chứ không phải là những ưu đãi về tài chính hay nguồn lực nào đó. Chỉ những nhà đầu tư “kém chất lượng” mới phải dựa vào các ưu đãi. Hơn thế, nếu dễ dãi với các đối tác nước ngoài trong lúc này sẽ rất dễ rơi vào các sai lầm về mặt chiến lược.
Điều đặc biệt cần lưu ý là chúng ta cần hết sức tỉnh táo để tránh rơi vào những cái bẩy đã và đang được giăng ra để đẩy nền kinh tế Việt Nam vào tình trạng khó khăn hơn nữa và có thể sụp đổ. Khi đó, muốn cải cách hay vực dậy sẽ khó tựa mò kim đáy bể.
Hơn lúc nào hết, Việt Nam đang rất cần những trái tim nóng đi kèm với những cái đầu lạnh, nhất là ở các lãnh đạo cao nhất để đưa ra những quyết sách hợp lý lèo lái con thuyền Việt Nam không chỉ vượt qua giông tố trước mắt mà còn đi đến bến bờ của sự thịnh vượng!
Theo Huỳnh Thế Du / Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Bài gốc có thể xem tại đây.