Sau khi Đặng Hoàng Giang và Vũ Chi Mai từ Áo quay về Việt Nam sống, họ sớm bắt tay đi tìm một thiết kế nhà thể hiện được phong cách sống xê dịch của họ.
Là người gốc Hà Nội, nhưng họ tự coi mình như những người du mục hiện đại, những người không bắt rễ ở quê nhà, mà có thể làm việc ở khắp mọi nơi, anh Giang nói. Anh đã từng sống 20 năm ở Áo và Đông Đức cũ, trong đó có 8 năm với vợ anh ở Vienna; và giờ anh mang quốc tịch Áo.
Trong 3 năm tiếp theo, hai người sống tại một số chung cư ở Hà Nội, cùng bố mẹ của anh Giang. Sau đó, năm 2007, họ bỏ ra 1,2 tỉ đồng để mua khoảng 400 m2 đất ở một vùng bán nông thôn ở ngoại ô.
Anh Giang chia sẻ với các kiến trúc sư là anh muốn một ngôi nhà gần với thiên nhiên, và chỉ được đặt nhẹ lên trên mặt đất, giống như một cái lều. Để tìm được thiết kế hợp ý, hai vợ chồng đọc sách kiến trúc và nghiên cứu thiết kế của các khách sạn và resort ở Thailand và Indonesia mà họ từng có cơ hội tới. “Chúng tôi muốn ngôi nhà trông hiện đại,” anh Giang nói. “Nhưng nó cũng phải phù hợp với khí hậu nhiệt đới.”
Cuối cùng họ chọn một phác thảo của Nguyễn Chí Kiên, một kiến trúc sư Việt Nam trẻ vừa tu nghiệp ở Đức về. Anh Giang và Kiên cùng đánh giá cao kiến trúc tối giản của Nhật, đặc biệt là các công trình của Shigeru Ban, người vừa được giải Pritzker năm 2014, giải danh giá nhất của ngành kiến trúc.
Thoạt đầu, chị Mai, một nhà kinh tế học, e ngại về ngôi nhà cạnh sông Đuống, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km, vì điều đó có nghĩa là hai cô con gái của họ sẽ phải mất nhiều thời gian tới trường hơn. Ngoài ra, hai người cũng biết là khu vực này có nguy cơ bị ngập lụt.
Nhưng anh Giang, một người hoạt động trong lĩnh vực phát triển, nói rằng họ vẫn làm tiếp vì không gian nông thôn ở đây quả thật là tương phản mạnh với giao thông và sự ô nhiễm ở trung tâm Hà Nội. Nó cũng làm anh nhớ tới bài thơ buồn “Bên kia sông Đuống” được cố nhà thơ Hoàng Cầm viết năm 1948.
Chi phí thiết kế và xây dựng hết cỡ 1,4 tỉ đồng, và quá trình xây mất gần một năm. Gia đình chuyển vào ở năm 2008.
Ngôi nhà rộng 260 m2, đứng cạnh một bụi tre, cuối một ngõ nhỏ. Nó gồm hai cấu trúc làm bằng bê tông nhẹ, hình dáng như hai khối hộp, nối với nhau bằng một cái cầu gỗ. Các bức tường bên trong nhà được trát vữa và sơn trắng.
Giữa hai khối nhà là sân trong râm mát. Sân thượng của cấu trúc ngoài là một khu vườn trên mái, được cố tình để um tùm. Những cửa sổ rất rộng cho phép gió thổi xuyên qua nhà. Và thiết kế bắt buộc mọi người phải đi ra ngoài thiên nhiên, dù nắng hay mưa, để di chuyển từ khối nhà này sang khối nhà khác.
“Không có ranh giới rõ ràng giữa trong và ngoài,” anh Giang nói vào một chiều chủ nhật gần đây, khi hoàng hôn bắt đầu buông trên sông Đuống. “Chúng hòa lẫn vào nhau.”
Khối hộp bên ngoài, một tầng và nhỏ hơn, được sơn bên ngoài màu trắng và chỉ có một phòng – một không gian mở để tiếp khách và nấu nướng, giáp với một phòng vệ sinh.
Khối hộp bên trong hai tầng, to hơn, sơn mầu xanh nhạt, có 4 phòng ngủ, một ban công bên cạnh phòng ngủ chính, và một nhà tắm ở tầng hai với vách kính trong suốt. Chị Mai nói nhà tắm này được lấy cảm hứng từ một khách sạn ở Bangkok mà chị thích.
Các phòng ngủ có rất ít đồ gỗ, cửa kính trượt và sàn gỗ nhân tạo, anh Giang coi chúng như những không gian đa chức năng, không chỉ để ngủ. Anh thường làm việc ở phòng khách hay ở bếp, còn cô con gái nhỏ thì chơi ở bất cứ chỗ nào em thích. “Bạn có thể làm việc ở mọi nơi và chơi ở mọi nơi,” anh nói. “Phong cách sống du mục được thể hiện cả ở bên trong ngôi nhà.”
Nhưng gia đình và bạn bè anh cần thời gian để có thể chia sẻ sự hào hứng của anh.
Vợ anh lo ngại về an ninh của ngôi nhà và chị muốn có một lan can chạy dọc bờ sông. Nó được dựng lên vào mùa xuân vừa rồi.
Hai cô con gái của họ, bây giờ là 8 và 14 tuổi, đã từng khá khổ sở khi côn trùng tấn công khu vực bếp và hạ cánh xuống mâm cơm tối, chị Mai cười, nhớ lại. Và một vài cô bạn của cô con gái lớn đã rất sợ hãi khi ngủ qua đêm ở đây vì những tiếng côn trùng khó hiểu trong đêm.
Còn bố mẹ của anh Giang thì không thể hiểu được tại sao con trai mình lại cho xây một cái thứ tối giản, chứ không phải một biệt thự theo phong cách Pháp vốn thịnh hành ở Hà Nội.
“Nó là một cái hộp,” họ than phiền với bạn bè, anh Giang nhớ lại.
Và bởi vì cái nhà chả giống một cái nhà Việt Nam đặc trưng tí nào, chị Mai nói, một số hàng xóm cho rằng đây là một nhà hàng, hoặc là một nhà trẻ, khi họ nhìn thấy hai cô con gái của họ chơi ở ngoài sân.
Nhưng cuối cùng thì hai cô con gái đã trở nên thích ngôi nhà, với ngôn ngữ thẩm mỹ hiện đại của nó, anh Giang nói. Và thật may mắn là ngôi trường của hai em đã có kế hoạch chuyển về nơi mới, chỉ cách cổng nhà có 600m.
Địa điểm của ngôi nhà hóa ra cũng không quá bất tiện như lúc đầu tưởng. Khoảng cách 6 km tới trung tâm thành phố là hoàn toàn có thể xử lý được, và một khi cái cầu mới qua sông Đuống được hoàn thành thì thời gian ra sân bay quốc tế Nội Bài chỉ còn 30 phút, thay vì 60, 70 phút như hiện nay.
Anh Giang nói anh thích chạy ở bên kia sông Đuống, phong cảnh bên đó còn thanh bình hơn nữa. Chị Mai thích nghỉ ngơi ở vườn sau những ngày ở văn phòng. “Ở đây tĩnh mịch như một thiền viện vậy.”
Ngập lụt cũng không phải một vấn đề, mặc dù cơn lũ năm 2009 tiến khá sát nhà và làm hư hại một ngôi nhà gần đó, chị Mai nói.
Những hàng xóm của hai người ở đây là một nhóm những nghệ sĩ phóng khoáng và người nước ngoài thích phong cách sống giản dị bên bờ sông Đuống hơn là một khu đắt tiền kín cổng cao tường. Anh Giang đã quen với những không gian mở và đa chức năng, tới mức anh cảm thấy không thoải mái nếu phải sống trong một căn hộ kinh điển.
Thậm chí bố mẹ anh, sau khi nhìn thấy ngôi nhà được lên các tạp chí kiến trúc Việt Nam và chương trình TV, cũng chuyển sang đánh giá cao ngôi nhà, anh nói, mặc dù cái nhà tắm trong suốt vẫn làm họ cũng như nhiều khách tới chơi bối rối.
Anh Giang nói là trong nhiều năm qua, một chiến lược ưa thích khi có các buổi liên hoan thường là một người khách sử dụng phòng tắm, trong khi nhờ một người khác đứng canh ở hành lang. Điều đó không còn cần thiết nữa sau khi anh lắp các mành che di động để phục vụ cho cô con gái tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, bố mẹ anh vẫn khước từ sử dụng cái nhà tắm đó.
Theo Mike Ives / The New York Times
Bài gốc có thể xem tại đây.
Bản dịch tiếng Việt của Saraca Asoca, có thể xem tại đây.