Những lời khuyên đáng được Việt Nam ghi nhận và tham khảo trong bối cảnh tranh chấp trên biển Đông.
Trong khi Việt Nam đã có sẵn nhiều bằng chứng lịch sử và khoa học về chủ quyền thì Trung Quốc chẳng bao giờ muốn quốc tế hóa tranh chấp về Hoàng Sa và Trường Sa với Việt Nam.
Trong hai năm 1961 và 1962, Cục Quản lý điện nước (PUB) của Singapore đã ký hai thỏa ước với chính quyền tiểu bang Johor của Malaysia để mua nước với một mức giá cố định trong thời hạn lần lượt là 50 năm (hết hiệu lực vào tháng 8-2011) và 99 năm (hết hiệu lực vào năm 2061).
Năm 1965, khi Singapore rời Liên bang Malaysia để trở thành một quốc gia độc lập, Thỏa ước Chia cắt (Separation Agreement) được hai quốc gia ký kết có kèm theo một điều khoản quan trọng là Chính phủ Liên bang Malaysia đảm bảo tiểu bang Johor sẽ tiếp tục thực hiện những điều đã cam kết trước đây.
Thế nhưng, mỗi khi có căng thẳng phát sinh trong quan hệ song phương, các chính trị gia Malaysia thuộc đảng cầm quyền UMNO lại thỉnh thoảng dùng lá bài này để hù dọa Singapore.
Thành công của Singapore trong việc yêu cầu Malaysia cam kết thực hiện hai thỏa ước cung cấp nước nói trên là một câu chuyện dài, nhưng kinh nghiệm mà nhiều quốc gia châu Á có thể tham khảo và áp dụng là khả năng tận dụng các nguồn lực thứ ba trong việc giải quyết ổn thỏa tranh chấp mà Giáo sư Shunmugam Jayakumar gọi ngắn gọn là “Bên thứ ba” (“Third-party”).
Bài học về “Kinh nghiệm ngoại giao Singapore”, đặc biệt là trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, theo Giáo sư Shunmugam Jayakumar, nguyên Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Điều phối an ninh quốc gia Singapore, nguyên Đại diện thường trực của Singapore tại Liên hiệp quốc
Lựa chọn bên thứ ba
Theo ông Jayakumar, thực tiễn quan hệ song phương giữa các nước không tránh khỏi việc phát sinh tranh chấp hay bất đồng.
Không phải tranh chấp nào cũng có hàm ý pháp lý (legal overtone) hay liên quan đến những điều khoản của thỏa ước nào đó.
Tuy nhiên, nếu có, quan điểm nhất quán của Singapore là đề nghị sử dụng những cơ chế giải quyết tranh chấp của bên thứ ba, cho dù phải thông qua trọng tài hay tài phán quốc tế, ví dụ như Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).
Ông cho rằng giải quyết tranh chấp qua bên thứ ba là cách xử lý một cách ổn thỏa những vấn đề đã đi vào ngõ bế tắc.
Chính phủ hai quốc gia vẫn có thể tiếp tục theo đuổi những khía cạnh hợp tác song phương khác trong lúc diễn ra quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh.
Đáng lưu ý là “bên thứ ba” mà ông Jayakumar muốn nói ở đây không chỉ giới hạn trong việc dựa vào trọng tài hay tài phán quốc tế mà còn là một loạt những cơ chế hay lựa chọn để giải quyết vấn đề một cách êm thấm như hòa giải (conciliation), điều đình (mediation), phái đoàn tìm kiếm dữ kiện (fact-finding missions) và những nhân vật có uy tín của các tổ chức quốc tế, thậm chí đến cả Tổng thư ký Liên hiệp quốc.
Một số cơ chế “thứ ba” khác có thể gồm các đại diện mang tính chính trị như Hội đồng cao cấp các đại diện cấp bộ trưởng trong khuôn khổ Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á của ASEAN.
Hầu hết các cơ chế này đều có những thẩm phán hay chuyên gia về pháp lý hay trong các lĩnh vực khác.
Mặt khác, vị giáo sư luật hành nghề ngoại giao này cũng lưu ý rằng giải quyết tranh chấp bằng bên thứ ba không phải lúc nào cũng là phương thức phù hợp áp dụng cho mọi trường hợp mà thỉnh thoảng nó được triển khai trên phương diện chiến thuật để buộc đối phương xem xét lại những quyền lợi của mình.
Điều quan trọng là chọn đúng thời điểm để đưa ra lá bài phù hợp.
Những điểm cần lưu ý
Cũng theo ông Jayakumar, giải quyết tranh chấp qua bên thứ ba cũng có thể khiến một quốc gia thành kẻ thua cuộc bởi nguy cơ phán quyết của tòa án hay trọng tài hay tài phán quốc tế tùy thuộc vào phán xét của các thẩm phán từ nhiều nước khác nhau và có những nền tảng kiến thức về luật pháp khác nhau.
Do đó, khi lựa chọn phương thức này, cần chuẩn bị tình huống quyết định của cơ quan tài phán sẽ bất lợi hoàn toàn hay một phần nào đó và phương án đối phó.
Nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng hay không muốn chấp nhận hậu quả thua cuộc thì không nên đưa ra giải quyết thông qua bên thứ ba.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của ông này, không thể quên cung cấp cho người dân nước mình những thông tin có liên quan để công chúng chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nếu kết quả diễn ra không như ý muốn.
Ví dụ, trong vụ tranh chấp của Singapore với Malaysia về hòn đảo Pedra Branca, trước khi ICJ đưa ra phán quyết, đích thân ông Jayakumar và đồng sự của mình là Giáo sư Tommy Koh là những người được Chính phủ Singapore giao nhiệm vụ làm đại diện thương thuyết đã trả lời phỏng vấn giới truyền thông trong và ngoài nước và công khai liệt kê ra cho người dân Singapore biết tất cả những kịch bản có thể diễn ra, kể cả tình huống xấu nhất.
Ông Jayakumar nhìn nhận rằng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ rất khó giải quyết.
Dù lớn hay nhỏ, có tài nguyên hay người dân sinh sống hay không, các tranh chấp về lãnh thổ đều gây ra những phản ứng chính trị căng thẳng và xúc cảm mang tính dân tộc chủ nghĩa.
Những rào cản này khiến chính phủ các nước bị hạn chế trong việc đạt đến một dàn xếp hay thỏa hiệp thương thuyết cụ thể.
Họ sợ người dân sẽ kết tội họ là thỏa hiệp với nước ngoài hay thậm chí bán nước.
Nhưng chính trong bối cảnh đó mà phương thức giải quyết tranh chấp bằng bên thứ ba sẽ tạo thuận lợi giúp chính phủ các nước xử lý vấn đề một cách khách quan không bị những áp lực như đã nói ở trên.
Dù vậy, trên thực tế, việc áp dụng phương thức này không phải dễ dàng bởi nó đòi hỏi sự dũng cảm về chính trị và bản lĩnh lãnh đạo, thậm chí chấp nhận những chỉ trích trên chính trường và búa rìu dư luận.
Tính ra, tranh chấp đảo Pedra Branca đã kéo dài gần ba thập niên, kể từ năm 1979, khi Malaysia lần đầu tiên công bố tấm bản đồ cho rằng hòn đảo này thuộc lãnh thổ của mình, cho đến năm 2008 khi ICJ đưa ra phán quyết rằng Pedra Branca thuộc chủ quyền của Singapore.
Năm 1989, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đề nghị với Thủ tướng Malaysia Mahathir rằng nếu tranh chấp không được giải quyết sau khi trao đổi các tài liệu thì hai nước chỉ còn cách nhờ đến phán quyết cuối cùng của ICJ.
Đến năm 1994, Thủ tướng Malaysia Mahathir mới chấp nhận đề nghị của Singapore là giải quyết tranh chấp qua quyền tài phán của bên thứ ba, tức là tòa án ICJ.
Những thông tin, sự kiện và kinh nghiệm giải quyết tranh chấp nói trên được ông Jayakumar chia sẻ trong quyển sách Kinh nghiệm ngoại giao Singapore (Diplomacy, a Singapore Experience) được xuất bản ngay sau khi ông về hưu vào năm 2011.
Theo đúc kết của ông, chính sách đối ngoại của Singapore có ba đặc trưng quan trọng:
Thứ nhất, các thỏa ước ký kết giữa các chính phủ phải được cam kết thực hiện theo như các điều khoản đưa ra.
Thứ hai, luật pháp quốc tế phải được tôn trọng.
Và thứ ba là nếu tranh chấp không được giải quyết bằng thương thuyết thì chỉ còn cách giải quyết theo quyền trọng tài hay tài phán quốc tế.
Ông nhấn mạnh:
Việc tuân thủ luật pháp quốc tế là một đặc trưng không thể tách rời trong khuôn khổ những nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc về việc không dùng vũ lực, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không can thiệp vào nội bộ của nước khác, bởi lẽ những quốc gia nhỏ bé sẽ không thể sống sót và phát triển thịnh vượng trong một thế giới mà sự tương tác giữa các quốc gia được chi phối bởi quyền lực tương đối chứ không phải bằng luật pháp”.
LÊ HỮU HUY (*)
(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore
Nguồn: TBKTSG