(Sinhvienusa.org) Một du học sinh VEF năm 2010 đã viết lá thư nói lên trăn trở của người trẻ đối với đất nước trước vụ Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu thuyền xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Sinhvienusa.org trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư sau khi được sự đồng ý của tác giả:
TÂM THƯ
(Về hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Chính quyền Trung Quốc)
5/31/2014
Quí vị thân mến,
Trong những ngày vừa qua, sự kiện chính quyền Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan dầu Haiyang Shiyou 981 (HS981) vào thăm dò khai thác bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ 1 tháng 5 năm 2014 là một hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam, làm phẫn uất dư luận Việt Nam và đe dọa hòa bình cửa ngõ thông thương hàng hải giữa Ấn Độ Dương và Thái bình Dương [2, 3]. Đồng thời, chính quyền Trung Quốc gửi hơn 80 tàu hộ tống giàn khoan phi pháp, tấn công làm hư hỏng tàu cảnh sát biển Việt Nam, đâm chìm một tàu cá trong vùng biển Việt Nam và liên tục đe dọa dùng vũ lực với lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam [4, 5, 12].
Hành động này của chính quyền Trung Quốc cực kỳ nguy hiểm vì họ đã cố ý vi phạm trắng trợn công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là thành viên, và vi phạm tuyên bố ứng xử về biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với các nước quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002 [6, 7]. Đây là một trong chuỗi hành động cố ý, leo thang từng bước và có chủ đích của chính quyền Trung Quốc nhằm hợp thức hóa tham vọng bành trướng, và nhằm vẽ lại bản đồ lãnh thổ Trung Quốc từ sau thế chiến thứ II [8]. Để đạt mưu đồ này, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc chiến tranh biên giới và gồm cả chiếm đóng bằng vũ lực một phần lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng như Ấn Độ, Nga, Mông Cổ, Tây Tạng, Philippines, và đặc biệt là với Việt Nam vào các năm 1974, 1979 và 1988 [9, 10, 15, 16, 17].
Tham vọng hơn nữa, chính quyền Trung Quốc còn chính thức tuyên bố chủ quyền của họ hầu như toàn bộ vùng biển phía nam Trung Quốc, còn gọi là đường chín đoạn khi chưa đưa ra các bằng chứng pháp lý thuyết phục hoặc bằng chứng lịch sử có giá trị nào [11]. Song song đó, chính phủ Trung Quốc từ nhiều năm nay đã thành lập các lực lượng học giả hùng hậu và sử dụng nhiều nguồn truyền thông khác nhau để đưa ra các tuyên bố chủ quyền không chính xác, thiếu chứng cứ pháp lý và thiếu thành thật ở các vùng mà họ đơn phương tuyên bố chủ quyền [13]. Cụ thể, Trung Quốc dùng các lực lượng này để lớn tiếng bảo vệ cho việc chiếm đóng và kiểm soát bãi cạn Scarborough từ năm 2012 của Phillipines, việc đơn phương lập vùng phòng thủ hàng không (ADIZ) ở vùng biển Hoa Đông, và gần đây nhất là việc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào thăm dò ở vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam [13, 14].
Trung Quốc là một quốc gia có nền văn minh lâu đời và được nhận diện như là một thế lực kinh tế lớn thứ nhì thế giới từ đầu thế kỷ 21, nhưng hành động của chính phủ Trung Quốc hiện nay với các quốc gia láng giềng chưa tương xứng các vai trò đó. Chính phủ Trung Quốc đã và đang chứng tỏ cho thế giới thấy, họ muốn tiến bước ra thế giới văn minh hiện đại bằng một khao khát lãnh đạo thế giới với lối tư duy của các chiến binh thời trung cổ.
Riêng với người Việt Nam, nhìn về dòng lịch sử từ cột mốc cận đại, sự kiện vi phạm chủ quyền này của chính quyền Trung Quốc nhắc nhở vai trò quá nhỏ bé của đất nước trong bàn cờ chiến cuộc lịch sử, để rồi chúng ta đã không chủ động quyết định được vận mệnh quốc gia. Hậu quả là Việt Nam thăng trầm qua nhiều biến cố lịch sử và tiềm ẩn trong mình nhiều vết thương chưa bao giờ thật sự lành. Chúng ta yêu hòa bình nhưng chúng ta cần phải sẵn sàng trở thành một người chơi có nội lực khi ván cờ mới đang dần hình thành trong một tương lai rất gần. Khi khối đế chế bành trướng đang trỗi dậy và từ từ nuốt chửng các vùng biên xa xôi của tổ quốc, hãy để tầm nhìn và khát vọng sống mỗi người con Việt vượt thoát khỏi hàng rào bao quanh chiếc ao bèo làng quê và tiến xa đến những vùng đất ta có thể học hỏi kiến thức và sự hiểu biết mới. Chúng tôi tin rằng bảo khí có tiềm lực nhất để tự quyết định vận mệnh đất nước đó là mỗi người dân Việt tự nhận thức trách nhiệm và đào luyện mình trở thành một chiến binh can trường trong hành trình mở mang tri thức. Một khi xã hội lấy tri thức làm đầu, mang sự ham học hỏi để rèn thành bảo kiếm trí tuệ và rộng mở tâm hồn, gạt bỏ lối suy nghĩ hủ nho để đúc lá chắn văn minh thì quốc gia chắc chắn sẽ vượt qua định mệnh lịch sử để tự lực, tự cường.
Do đó mỗi người Việt Nam nhân sự kiện này mà nên lấy sự an nguy quốc gia làm sự lưu tâm, lấy trí nghiệp làm đầu và lấy sự chuyên tâm học một ngoại ngữ để tiếp cận chân thực nhất nguồn tri thức nhân loại. Chúng tôi tin rằng đó là cách sâu rễ bền gốc để bảo vệ đất nước. [18]
Chúng tôi mong rằng với sự lắng nghe của quí vị sẽ góp phần không nhỏ ngăn chặn tham vọng bá quyền, bảo vệ các nước nhỏ trước hành vi hiếp đáp của chính quyền Trung Quốc và góp phần gìn giữ hòa bình cũng như an ninh hàng hải của thế giới.
Xin cảm ơn sự lưu tâm của quí vị với sự biết ơn sâu sắc.
Trân trọng kính chào,
Tham khảo
[1] VEFFA. (2004). Retrieved from http://www.veffa.org/main/about-us/
[2] Greg Torode. U.S. criticizes Chinese oil rig move amid Vietnam protests. (May 6, 2014). Retrieved from http://www.reuters.com/article/2014/05/06/us-china-vietnam-usa-idUSBREA450WL20140506
[3] Hilary Whiteman. How an oil rig sparked anti-China riots in Vietnam. (Mon May 19, 2014). Retrieved from http://www.cnn.com/2014/05/19/world/asia/china-vietnam-islands-oil-rig-explainer/
[4] Nguyen Anh Thu. Diary at Sea: At the Standoff Line Between China and Vietnam. (May 20, 2014). Retrieved from http://blogs.wsj.com/searealtime/2014/05/20/diary-at-sea-at-the-standoff-line-between-china-and-vietnam/
[5] China still keeps over 90 ships around oil rig .(20/05/2014).http://english.vietnamnet.vn/fms/government/102818/china-still-keeps-over-90-ships-around-oil-rig.html
[6] Beckman, R. (2013). The UN Convention on the Law of the Sea and the Maritime Disputes in the South China Sea. American Journal of International Law, 107(1), 142-163.
[7] Thao, N. H. (2003). The 2002 Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea: A Note. Ocean Development &International Law, 34(3-4), 279-285.
[8] Mohan Malik. Historical Fiction: China’s South China Sea Claims. (May/June 2013). Retrieved from http://www.worldaffairsjournal.org/article/historical-fiction-china%E2%80%99s-south-china-sea-claims
[9] China-Vietnam tensions: Beijing vows to continue drilling .(16 May 2014). Retrieved fromhttp://www.bbc.com/news/world-asia-27434945
[10] Gordon G. Chang. China And The Biggest Territory Grab Since World War II (6/02/2013). Retrieved from http://www.forbes.com/sites/gordonchang/2013/06/02/china-and-the-biggest-territory-grab-since-world-war-ii/
[11] Thang, N. D., & Thao, N. H. (2012). China’s Nine Dotted Lines in the South China Sea: The 2011 Exchange of Diplomatic Notes Between the Philippines and China. Ocean Development & International Law, 43(1), 35-56.
[12] Helene Cooper And Jane Perlez. (MAY 30, 2014). Retrieved fromhttp://www.nytimes.com/2014/05/31/world/asia/us-sway-in-asia-is-imperiled-as-china-challenges-alliances.html
[13] Swaine, M. D. (2014). Chinese Views and Commentary on the East China Sea Air Defense Identification Zone (ECS ADIZ). China Leadership Monitor.
[14] Ted Galen Carpenter. (April 28, 2014). Retrieved fromhttp://www.cato.org/publications/commentary/washingtons-growing-security-ties-manila-risk-alienating-china
[15] Tønnesson, S. (2003). Sino-Vietnamese Rapprochement and the South China Sea Irritant. Security Dialogue, 34(1), 55-70.
[16] Chinese Invasion of Vietnam-February 1979. Retrieved fromhttp://www.globalsecurity.org/military/world/war/prc-vietnam.htm
[17] Burgess, J. P. (2003). The politics of the South China Sea: Territoriality and international law. Security Dialogue, 34(1), 7-10.
[18] Nguyễn, V. K. (2008). Thế ứng đối văn hóa của Đại Việt với các quốc gia khu vực-qua hành trạng và tâm thức của một số quý tộc thời Trần.
Mời quí vị Vừa đọc vừa nghe Plaine, ma plaine
https://www.youtube.com/watch?v=Tf6eYWTzFgM&list=PL00E149A97E701683&index=42