(Sinhvienusa.org) Ông Trần Đình Hoành, một luật sư kỳ cựu ở Mỹ vừa tổ chức diễn đàn trực tuyến (http://unclosforum.com) để cung cấp kiến thức xung quanh Công ước quốc tế về luật biển (UNCLOS).
Sinhvienusa.org đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Đình Hoành xoanh quanh chủ đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tiến sĩ Trần Đình Hoành, luật sư về đầu tư quốc tế và một số vấn đề liên hệ đến Việt Nam, trụ sở tại Washington DC; chất vấn Giáo sư Su Hao trong phần hỏi đáp của buổi hội thảo “An Ninh Hàng Hải Biển Ðông” do Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế Hoa Kỳ (CSIS) tổ chức ngày 20 tháng Sáu, 2011. (ảnh Hà Giang/Người Việt)
Thưa luật sư Trần Đình Hoành, ông có thể cho biết những giá trị mà diễn đàn về UNCLOS do ông vừa sáng lập có thể mang lại?
LS. Trần Đình Hoành: Trong một cuộc tranh chấp giữa một nước lớn và một nước nhỏ thì “anh lớn cậy lực, anh nhỏ cậy lý”. Nước nhỏ chẳng thể dùng lực, thì phải có đủ khôn ngoan để dùng lý.
Trong vấn đề Biển Đông, lý có nhiều nền tảng, nhưng UNCLOS là nền tảng quan trọng nhất, chính vì vậy mà mọi chúng ta cần hiểu UNCLOS và áp dụng của UNCLOS vào các tranh chấp Biển Đông.
Nếu tất cả mọi người, đặt biệt là giới sinh viên, trí thức, và chuyên gia nắm vững được UNCLOS thì đất nước sẽ có một mảng kiến thức về UNCLOS rất cao, và sẽ lan rộng ra đến các tầng lớp ít chuyên môn hơn. Một nền kiến thức rộng lớn về UNCLOS trong nước, tức là một nền “lý” rất lớn, sẽ giúp chúng ta giỏi dùng lý trước cộng đồng thế giới để đối phó với Trung Quốc.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của du học sinh trong việc đóng góp vào quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước?
LS Trần Đình Hoành: Du học sinh có rất nhiều tiềm năng lớn. Các bạn năng động, thông minh, làm việc giỏi, và nối kết với nhau nhanh. Các bạn đã tổ chức được các cuộc biểu tình, đặt các petitions vào website của Nhà Trắng. Trong tương lai, các bạn có thể gặp các chính trị gia Mỹ và chính trị gia các nước để vận động các nước về vấn đề Biển Đông cho Việt Nam. Tôi hiểu những điều này rất rõ vì đã cùng đồng hành với các bạn trong những điều này. Và chắc chắn là các bạn sẽ có thêm nhiều sáng tạo mới, các bạn sẽ biết nên làm gì với các phương tiện truyền thông hiện đại để chuyển tải những điều muốn nói đến giới lãnh đạo thế giới và bạn bè thế giới.
Về nhân lực tham gia các vụ kiện thì Việt Nam cần một đội ngũ luật sư với tầm cỡ quốc tế. Nhưng chúng ta cần thời gian hơi lâu. Thứ nhất là chúng ta cần nhiều người học luật ở nước ngoài, sau đó là nhiều người hành nghề luật ở nước ngoài, trong đó phải có nhiều người chuyên tranh tụng (là việc khó nhất trong ngành luật), và tranh tụng khoảng 15 năm, 20 năm trước khi có thể tranh tụng trong các vụ kiện quốc tế lớn.
Cách phát triển đội ngũ luật sư nhanh hơn là phát triển hệ thống tư pháp trong nước, đặc biệt là hệ thống tòa án và tranh tụng; một hệ thống tư pháp văn minh sẽ tạo nên nhiều luật gia giỏi.
Ông có gợi ý nào cho cộng đồng du học sinh để có những hoạt động hiệu quả hơn nữa trong vụ việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
LS Trần Đình Hoành: Nắm vững vấn đề. Nắm vững các điều tranh chấp. Nắm vững các loại luật liên hệ đến vấn đề. Nắm vững những tổ chức liên hệ như ASEAN. Nắm vững vị thế chính trị và kinh tế của các nước trong vùng và các quốc gia có quan tâm như Mỹ. Và đừng sợ anh khổng lồ nào, chấu chấu đá xe mà thắng là chuyện thường. Trong tranh đấu, chỉ có hai điều có tính cách quyết định, một là tâm quyết thắng, hai là không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi chiến thắng.
Với góc nhìn của một luật sư kỳ cựu ở Hoa Kỳ, theo ông, Việt Nam nên làm gì trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc xung quanh vụ giàn khoan ở vùng biển Hoàng Sa?
LS Trần Đình Hoành: Chính phủ Việt Nam đang làm mọi việc có thể làm một cách rất tốt—nhất định bảo vệ chủ quyền dù khó khăn cách mấy, nhất định dùng các biện pháp hòa bình và không dùng vũ lực, vận động sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt Mỹ và Châu Âu.
Có một việc đã nên làm lâu rồi mà chưa làm là dùng các thủ tục pháp lý, như là kiện TQ ra tòa trọng tài UNCLOS. Nhưng kiện tụng là một nghệ thuật rất cao. Đó là đấu tranh hòa bình. “Đấu tranh” có nghĩa là có đòn phép, đã đấu thì phải tung đòn mạnh mẽ và có áp lực cao, không chiến đấu kiểu nửa đánh nửa nhường được. “Hòa bình” có nghĩa là sự đấu tranh vẫn mở ra và giữ vững các biện pháp hòa bình như điều đình, hòa giải… Và dù kết quả đấu tranh thế nào, kết quả đó cũng cần được dùng vào việc thực hiện hòa bình cho Biển Đông. Hòa bình mới thực sự là chiến thắng, cho Việt Nam, cho mọi quốc gia trong vùng, và cho cả thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông.
Thanh Phong (Thực hiện)