Giấy phép lao động, một chủ đề lặp đi lặp lại qua nhiều kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), lại được nêu lên trong VBF giữa kỳ diễn ra sáng nay 5-6 tại Hà Nội.
Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài trao đổi bên lề diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ảnh Nguyễn Khánh
Với những quy định ngặt nghèo và thiếu thực tế hiện nay, các đại biểu cho rằng đến cả Steve Jobs sống lại hay tỷ phú Bill Gates cũng không đáp ứng được các yêu cầu để được cấp giấy phép lao động ở Việt Nam.
Ông Fred Burke (công ty Baker & McKenzie), đồng trưởng nhóm công tác về đầu tư và thương mại, cho biết công ty ông vừa bị TP.HCM từ chối cấp giấy phép lao động cho một người nước ngoài đã từng làm việc cho hãng được 3 năm và tốt nghiệp ở một trong những trường đại học hàng đầu nước Mỹ.
Sở dĩ có chuyện như vậy vì theo quy định hiện nay, lao động nước ngoài chỉ được cấp giấy phép nếu đáp ứng cả hai điều kiện một lúc là 5 năm kinh nghiệm và 4 năm trình độ đại học. Ông Burke và nhiều đại biểu khác đề nghị chỉ cần một trong hai, chứ không cần áp dụng cả hai điều kiện này
Tương tự, ông Colin Blackwell – tiểu nhóm nhân sự cho biết một kỹ sư Hàn Quốc có thể là chuyên gia quan trọng trong quá trình sản xuất thiết bị nhưng có dưới 5 năm kinh nghiệm cũng có thể bị từ chối cấp giấy phép lao động. “Định nghĩa hiện nay không rõ ràng và dẫn đến nhiều hồ sơ của chuyên gia có trình độ và kỹ năng mà VN chưa có thì bị từ chối” – ông Blackwell phát biểu tại VBF.
Liên quan đến các giáo viên tiếng Anh, các doanh nghiệp đề xuất chứng chỉ được quốc tế công nhận cần được chấp nhận thay cho bằng cấp hoặc 5 năm kinh nghiệm làm việc. Lý lẽ cho đề xuất này là các giáo viên gia nhập thị trường lao động ở VN là do nhu cầu của thị trường với việc thành thạo ngôn ngữ của họ mà giáo viên trong nước không đảm bảo được.
Một vấn đề không phù hợp mà các công ty đa quốc gia phải đối mặt là gửi nhân viên nước ngoài đến VN trong một thời gian ngắn để thực hiện các công việc như cung cấp đào tạo, thực hiện kiểm toán nội bộ, lắp đặt thiết bị cụ thể. Rất không thực tế khi yêu cầu họ phải xin giấy phép lao động trong khi thủ tục hành chính rườm ra, thời gian xử lý hồ sơ lâu mà họ chỉ ở VN một vài ngày hoặc một vài tuần. Do đó, các doanh nghiệp đề xuất với các lao động sang VN trong thời gian ngắn thì không cần xin giấy phép lao động và không phải báo cáo với Sở LĐTBXH địa phương.
Tương tự, ông Yoshihira Maruta, Chủ tịch Hội DN Nhật Bản tại VN (JBAV): Kể từ khi Thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH ra ngày 20-1 năm nay và có hiệu lực từ tháng 3, một số DN Nhật Bản được các cơ quan chức năng thông báo rằng những lao động đến VN nếu lưu trú dù chỉ một ngày cũng phải xin phiếu lý lịch tư pháp của địa phương. Trong khi thời gian này quá ngắn nên nhiều cơ quan chức năng đã từ chối cấp lý lịch tư pháp.
Ông Nguyễn Ngọc Phi – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết việc yêu cầu lý lịch tư pháp của cả nước ngoài và địa phương ở Việt Nam là theo quy định của luật xuất nhập cảnh. “Chúng tôi rất muốn tháo gỡ cho DN nhưng liên quan đến luật xuất nhập cảnh, thân nhân có thể có người tốt hoặc chưa tốt, thậm chí phức tạp. Vậy quản lý là cần thiết và giúp DN quản lý tốt hơn chứ không phải gây khó khăn. Về đề xuất xem thời gian lưu trú bao nhiêu ngày thì không cần giấy phép lao động, thậm chí lao động nước ngoài ngắn hạn thì được miễn thị thực, chúng tôi sẽ xem xét thêm.” – ông Phi nói.
Theo H. Giang – Cầm Văn Kình / Tuổi Trẻ Online
Bài gốc có thể xem tại đây.