Là một sinh viên quốc tế, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại bao gồm khoảng cách về văn hóa, áp dụng lối sống của Mỹ với bản thân và vượt qua nỗi nhớ nhà. Dưới đây là một số kinh nghiệm giúp bạn xây dựng một mạng lưới bạn bè cũng như phát triển đầy đủ về đời sống xã hội.
1. Kết bạn với thật nhiều người:
Sinh viên quốc tế có xu hướng tụ lại với nhau vì họ đều gặp nhau lần đầu thông qua buổi định hướng dành cho sinh viên quốc tế tại trường. Điều này cũng rất tuyệt, tuy nhiên bạn cũng nên kết bạn với cả sinh viên Mỹ.
Sinh viên Mỹ sẽ dạy bạn rất nhiều về văn hóa cũng như giới thiệu cho bạn biết thêm bạn bè của họ. Nếu đủ thân, bạn có thể được mời đến nhà họ vào các dịp lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh. Ngoài ra, vốn tiếng Anh của bạn cũng sẽ được cải thiện đáng kể!
2. Đừng ngại ngùng vì sự khác biệt:
Hồi ở Việt Nam, lúc vẫn còn là trẻ con, mẹ thường đưa tôi tới thăm ông bà. Vào các buổi sáng, ông bà thường dẫn tôi ra cánh đồng dâu cùng với chú trâu nước. Khi trâu đang cày, tôi ngồi lên lưng nó, nói chuyện và hát cho nó nghe. Đó là một trong những ký ức đẹp đẽ nhất.
Trong suốt năm đầu tiên tại trường đại học, tôi không bao giờ nói bất kỳ chuyện gì. Tôi sợ mọi người sẽ cười nhạo tôi, cười nhạo sự vụng về của tôi. Và rốt cuộc tôi cũng đã dám chia sẻ một câu chuyện, sau đó thì mọi người trong lớn cười lăn lộn và nói rằng đó là câu chuyện hay nhất họ từng được nghe. Kể từ đó, 5 năm sau ngày tốt nghiệp, một vài người trong bọn họ vẫn còn gọi tôi là “cô bé trâu nước”.
Trưởng thành trên một miền đất xa lạ khiến bạn trở nên độc đáo. Đừng e sợ khi nói chuyện về bản thân và văn hóa của mình. Mọi người sẽ yêu bạn vì chính điều đó.
3. Hãy nói chậm rãi và nhờ mọi người nhắc lại:
Là một sinh viên quốc tế, ban đầu tôi cảm thấy rất ngại vì tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Bởi vậy, tôi thường nói nhanh và chẳng hề hỏi bất cứ điều gì khi cảm thấy chưa hiểu rõ.
Điều này đã cản trở khả năng giao tiếp của tôi với mọi người một cách rõ rệt. Hãy nói chậm rãi, rõ ràng trong phát âm và luôn hỏi khi chưa hiểu được điều gì. Mọi người sẽ đánh giá cao điều ấy và sẵn sàng chuyện trò cùng bạn.
4. Đừng giữ liên lạc quá chặt chẽ với gia đình:
Nghe hơi khác thường nhưng thực sự việc giữ liên lạc thường xuyên với người trong gia đình sẽ khiến nỗi nhớ nhà của bạn trở nên tệ hơn. Càng sớm hòa nhập với thế giới tại trường đại học của mình ở Mỹ, bạn sẽ càng vượt qua nỗi nhớ nhà một cách dễ dàng hơn.
Đừng gọi điện đường dài hay viết thư cho gia đình thường xuyên. Hãy chăm kết bạn, chơi thể thao, đọc sách và tận hưởng không gian cá nhân. Nỗi nhớ nhà sẽ qua đi.
5. Theo đuổi sở thích riêng:
Cách nhanh nhất để liên kết với mọi người là thông qua các hoạt động. Hãy làm điều bạn muốn.
Hầu hết các trường đều có rất nhiều câu lạc bộ và tổ chức luôn luôn chào đón thành viên mới. Hãy chú ý đến những tấm áp phích và tờ rơi quanh trường và hỏi bạn bè về các hoạt động ngoại khóa.
Nếu thật sự không tìm ra hoạt động nào ưa thích, hãy thử một điều gì đó mới mẻ.
Một vài người bạn của tôi ở Zimbabwe gặp rất nhiều người bằng cách tham gia vào đội bóng trường học. Một người bạn Nhật Bản khác đã gặp được người bạn thân nhất của cô ấy thông qua một buổi giới thiệu về nghệ thuật Origami. Còn tôi, tôi đã thể hiện mình qua vũ điệu hula, mặc dù chẳng biết mình đã làm những gì. Tuy vậy, tôi đã cực kỳ vui!
Hãy làm những gì bạn yêu thích, và bạn bè rồi sẽ đến bên bạn.
Trà Hồ, sinh viên nhận được học bổng toàn phần của Đại học Colorado năm 2004. Cô tốt nghiệp hạng ưu về toán học năm 2008 và hiện đang là chuyên gia toán cho một công ty tư vấn ở Washington, D.C.
Theo Mai Nguyễn / Học Bổng Hay
Bài gốc có thể xem tại đây.