Trước áp lực của tiền bạc và công việc thì mới bộc lộ ai thực sự có năng lực, ai thực sự vì dân vì nước, thực sự vì công việc, vì xã tắc.
Ăn lương của dân mà vô dụng thì phải thay
Đại biểu Đỗ Văn Đương – đoàn TP.HCM nhận định, thực chất bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ là cảnh báo, cảnh tỉnh, mà điều quan trọng hơn là thôi thúc người được tín nhiệm cao cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
“Cần là cần người năng động sáng tạo, người có tài, chứ còn người có đạo đức tốt một cách trừu tượng thì không ai cần cả, có khi bỏ phiếu lại cao. Tôi nghĩ cần phải đánh giá lại cách bỏ phiếu như thế, mà cụ Hồ đã nói có đức mà không có tài là vô dụng. Anh ăn lương của dân mà vô dụng thì phải thay thôi, thế nhưng khi người ta xả thân vì công việc thì có thể có khuyết điểm này khuyết điểm kia, nhưng những người đấy xã tắc cần”, Đại biểu Đương nói.
Cũng theo Đại biểu Đương, bỏ phiếu tín nhiệm và lấy phiếu tín nhiệm về hình thức giống nhau nên có hai mức thôi là “tín nhiệm” và không tín nhiệm, nhưng bản chất thì khác nhau, vì hậu quả của bỏ phiếu tín nhiệm là có thể dẫn tới mất chức.
Đại biểu Đương phân tích: “Lấy phiếu thăm dò tín nhiệm làm căn cứ đánh giá sử dụng cán bộ trước khi bỏ phiếu, cho nên không sợ trùng. Do đó, tôi cho rằng chỉ ghi trên phiếu hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Khi có kết quả bỏ phiếu rồi thì có định lượng cụ thể ai cao, ai thấp. Tôi lấy thí dụ, 80% trở lên thì được coi là tín nhiệm cao, 50-80% là tín nhiệm và dưới 50% là tín nhiệm thấp. Như vậy, ta định tính trước rồi định lượng sau, hợp với quy luật logic và phù hợp với chân lý là không có chân lý thứ ba. Một là đúng hai là sai; một là cao hai là thấp, chứ không có vừa cao vừa thấp. Tôi lấy thí dụ, bây giờ bỏ phiếu theo cách này một người có 50% phiếu tín nhiệm cao và 50% phiếu tín nhiệm thấp, thế thì đánh giá ông cán bộ ấy thế nào? Chẳng lẽ vừa thấp vừa cao à? Nghe lạ, rất lạ.
Cho nên tôi nghĩ nên lấy định tính là hai mức, còn định lượng là sau khi có kết quả kiểm phiếu mà ra cao hay thấp, chứ không nên định lượng trước rồi định tính sau thì không phù hợp, làm phân tán số phiếu làm cho việc đánh giá không sát thực tế. Tôi cũng bị dân người ta chê dốt. Tôi cũng bị chê dốt nhiều rồi. Tôi bảo vâng sẽ cố gắng nghiên cứu”.
ĐBQH Đỗ Văn Đương.
Tôi đồng tình với rất nhiều ĐBQH là ít nhất một nhiệm kỳ lấy phiếu hai lần vào cuối năm thứ 2 và năm thứ 4. Tổng thống cũng chỉ 100 ngày là đánh giá rồi”.Cuối cùng, Đại biểu Đương đã nói rất thẳng thắn: “Trước áp lực của tiền bạc và công việc thì mới bộc lộ ai thực sự có năng lực, ai thực sự vì dân vì nước, thực sự vì công việc, vì xã tắc. Nếu mà những người có chức vụ này mà còn chuyển động được thì xã hội chuyển động nhanh, nhân dân được nhờ, và không xấu hổ vì một thời làm quan chỉ vì cái ghế của ông nên người ta nể chứ con người ông ấy thì người ta coi thường. Như thế thì có nên không? Tôi cho rằng nên trọng uy tín, mà con người lãnh đạo phải có uy tín chứ không chỉ có uy quyền, đừng mượn quyền lực nhà nước để điều hành, lãnh đạo. Tôi xin thẳng thắn nói như vậy.
Cũng có chung nhận định như vậy, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – tỉnh Lâm Đồng bày tỏ, việc lấy phiếu tín nhiệm dân rất ca ngợi thì kỳ họp này lại dừng, còn lấy phiếu ở 3 mức dân rất chê thì lại giữ.
“Chúng ta phải rút kinh nghiệm về cách làm, bởi vì có nhiều đồng chí có cơ hội rất tốt. Tôi nói thí dụ như Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng, Bộ trưởng Bộ GTVT và một số Bộ trưởng khác họ rất tích cực, nếu lần này bỏ phiếu thì chắc phiếu của họ sẽ cao, nhưng mà dừng thì họ mất, cho nên chúng ta phải cân nhắc”, Đại biểu Thuyền nói.
Ông Thuyền cũng thẳng thắn cho rằng, đây là bước tiến mới của Quốc hội, thể hiện rõ quan điểm của Quốc hội đánh giá nhận xét cán bộ. Tuy nhiên, đáng tiếc là điều gì cử tri khen thì sửa, còn cử tri chê thì lại giữ.
“Có cử chi nói với tôi sao ĐBQH dốt thế nhỉ? Tôi hỏi tại sao thì họ nói là phiếu cao thì tín nhiệm cao, còn phiếu thấp thì đương nhiên là thấp. Họ chê mình như thế đấy. Còn nếu một nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần như dự thảo thì ít, không đánh giá được và chẳng giải quyết được gì cả”, Đại biểu Thuyền bày tỏ.
Cũng theo Đại biểu Thuyền, mức phiếu tín nhiệm ở ba mức như hiện nay cũng không hợp lý, chỉ nên để ở hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, vì lấy phiếu là để thăm dò năng lực cán bộ.
Hiến pháp không quy định lấy phiếu tín nhiệm
Hầu hết các Đại biểu Quốc hội đều bày tỏ quan điểm khi lấy phiếu tín nhiệm chỉ để ở hai mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, đồng thời phải tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – tỉnh Ninh Thuận bày tỏ, qua tiếp xúc cử tri phàn nàn rất nhiều về các mức lấy phiếu tín nhiệm.
“Tôi không biết là sắp tới Quốc hội mà thông qua dự thảo như thế này thì khi tiếp xúc cử tri không biết phải giải thích thế nào? Cá nhân tôi đã phát biểu nhiều lần là trong Hiến pháp không có chế định lấy phiếu tín nhiệm, cho nên quy định như vậy là không phù hợp với Hiến pháp. Tôi không muốn dùng từ nặng nề là vi hiến. Trong Hiến pháp chỉ quy định bỏ phiếu, ở khoản 8 điều 70. Tôi nghĩ rằng Quốc hội cần thực hiện đúng quy định của Hiến pháp. Còn việc miễn nhiệm thì nếu bầu đồng chí nào ra mà thấy chưa xứng đáng thì miễn nhiệm theo quy định của pháp luật, và việc bỏ phiếu tín nhiệm là một căn cứ đánh giá để miễn nhiệm”, Đại biểu Cương chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng, việc lấy phiếu chỉ để ở hai mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương.
“Tôi nghĩ mãi và không thể nào thông suốt được với cái việc để ở ba mức mà lại gọi là thận trọng trong công tác cán bộ. Thận trọng là do mỗi chúng ta chứ. Thí dụ bỏ phiếu ở đây 498 ĐBQH thể hiện tính thận trọng trong đó để đánh giá, chứ tại sao lại đưa ra ba mức thì thận trọng và hai mức không phải thận trọng? Tôi cũng đồng tình với các đại biểu và thời hạn lấy phiếu tín nhiệm cần có hai lần trong một nhiệm kỳ”.
Cùng chung nhận định này, các Đại biểu Tô Văn Tám – tỉnh KonTum, đại biểu Hà Huy Thông – Thừa Thiên Huế; Đại biểu Lê Đình Khanh – tỉnh Hải Dương, Đại biểu Lê Đình Khanh – tỉnh Hải Dương; Đại biểu Đồng Hữu mạo – tỉnh Thừa Thiên Huế; Đại biểu Bùi Thị An và Đại biểu Trương Minh Hoàng – tỉnh Cà Mau; Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng – tỉnh Thái Nguyên… đề nghị chỉ lấy phiếu ở hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, đồng thời phải tổ chức lấy phiếu hai lần trong một nhiệm kỳ.
Đại biểu Trương Minh Hoàng – tỉnh Cà Mau bày tỏ, nên lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ, để đánh giá chính xác mức độ rèn luyện của cán bộ.
“Tôi tin rằng không một đồng chí nào nỡ bỏ phiếu thấp với những đồng chí như Bộ trưởng Bộ GTVT, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hay những đồng chí lãnh đạo cao cấp khi có sự kiện của đất nước thì đã thể hiện ý chí quyết tâm chính trị công bố với thế giới. Như vậy thì ĐBQH và cử tri không có đánh giá gì thu thiệt mà sẽ có đánh giá công bằng cho những đồng chí này”, ông Hoàng nói.
Đại biểu Danh Út – tỉnh Kiên Giang đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là bước tiến quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp. Tuy nhiên, một năm lấy phiếu một lần thì lại quá ít.
“Nếu giữa nhiệm kỳ lấy phiếu thì chỉ đánh giá được 2,5 năm, vậy 2,5 năm còn lại thì ai nhận xét, đánh giá? Do vậy, tôi đề nghị lấy phiếu 2 lần vào cuối nhiệm kỳ năm thứ 2 và cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ”, Đại biểu Út nói.
Còn Đại biểu Trần Ngọc Vinh – TP Hải Phòng cũng cho biết: “Khi tiếp xúc với cử tri thì hầu hết cử tri đều đề nghị đại biểu phản ánh với Quốc hội chỉ lấy phiếu ở hai mức thôi. Tôi thấy có hơn 30 tỉnh, thành phố gửi ý kiến về Quốc hội đều có đề nghị điều chỉnh lấy phiếu tín nhiệm ở hai mức thay vì ba mức như hiện nay.
Theo Ngọc Quang / Giaoduc.net
Bài gốc có thể xem tại đây.