Rất dễ thốt lên câu cảm thán quen thuộc khi nhìn vào bức tranh khởi nghiệp ở Việt Nam: thiếu và yếu.
Thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam mặc dù được đánh giá cao trong khu vực Đông Nam Á nhưng khoảng hai năm gần đây, lẫn vào sắc màu ảm đạm của cả nền kinh tế, khu vực này không có nhiều tiến bộ và không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Một cuộc họp mặt định kỳ của MyProClub – một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp – thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân, founder của các dự án khởi nghiệp – Ảnh do MyProclub cung cấp
Nhưng trước hết, giữa một khung cảnh gây lo âu vẫn nên nhớ lại chúng ta từng có ít nhiều điểm sáng khá đặc biệt. Vào mùa Giáng sinh và đón năm mới 2014 vừa rồi, tin tức về việc sản phẩm Tosy Robot được CNN Money chọn là một trong tám món đồ chơi “phải có” đã đem đến cho cộng đồng khởi nghiệp nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung nhiều khích lệ.
Lần đầu tiên một sản phẩm mang đậm dấu ấn công nghệ của một khởi nghiệp ở Việt Nam đã chiếm được vị trí tốt trên thị trường quốc tế. “Nóng sốt” hơn nữa chính là tin tức về trò chơi Flappy Bird và tác giả Nguyễn Hà Đông trong những ngày đầu năm 2014.
Đây là lần đầu tiên một ứng dụng của tác giả Việt Nam được cả thế giới biết đến, trở thành phần mềm được tải nhiều nhất trên tất cả các kho ứng dụng trên di động. Những gì xảy ra xung quanh nó đã thật sự khích lệ cộng đồng làm công nghệ thông tin trong nước, cũng phải nói thêm game vẫn tiếp tục là khu vực mà các khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin ưa thích nhất.
Quốc gia cạnh tranh không thể thiếu khởi nghiệp
Đối với một nền kinh tế, các khởi nghiệp thường đóng góp rất tích cực và đáng kể vào sự phát triển chung, cho dù nền kinh tế đó ở trình độ phát triển nào chăng nữa, bởi họ luôn tạo ra nhiều giá trị thông qua việc hiện thực các ý tưởng kinh doanh mới. Quan trọng hơn nữa, các khởi nghiệp làm tăng sức cạnh tranh của quốc gia khi tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có tính đổi mới và cách tân cao.
Khuyến khích khởi nghiệp là việc các nền kinh tế đều muốn đẩy mạnh, mà kết quả được mong đợi của nó là kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo ra việc làm, thu nhập, từ đó nâng cao mức sống của người dân và giảm đói nghèo. Các chương trình khuyến khích khởi nghiệp ở các quốc gia nhắm đến các mục tiêu: (1) Tạo việc làm, giảm thất nghiệp, (2) Thúc đẩy, gia tăng cạnh tranh, (3) Thúc đẩy phát triển công nghệ và đổi mới, (4) Thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế và (5) Phát triển kinh tế vùng miền.
Hiện vẫn chưa có các nghiên cứu chính thức và khoa học về khởi nghiệp ở Việt Nam, nên chúng ta vẫn chưa có các phân loại cụ thể về các nhóm hay kiểu hình khởi nghiệp, cũng như tình hình khởi nghiệp trong các ngành khác nhau, để có thể phục vụ tốt hơn cho công tác thiết lập chính sách và chương trình hành động nhằm khuyến khích khởi nghiệp.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch – đầu tư cho biết trong số gần 77.000 doanh nghiệp mới được thành lập trong năm 2013 thì nhóm ngành được đăng ký nhiều nhất là “bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy”, chiếm gần 50%; cùng lúc đó, các doanh nghiệp đăng ký ở nhóm ngành “kỹ thuật, công nghệ, thông tin và truyền thông” chiếm khoảng 10% trên tổng số.
Kết quả nghiên cứu trên các nền kinh tế khác nhau cho biết có thể chia các khởi nghiệp thành bốn nhóm: (1) Khởi nghiệp dựa vào công nghệ mới (new technology-based firms), (2) Khởi nghiệp theo cơ hội thị trường (opportunity-based start-ups), (3) Khởi nghiệp kiểu “bắt chước” (copycat start-ups) và (4) Khởi nghiệp tránh thất nghiệp (start-ups driven by unemployment).
Trong đó, nhóm khởi nghiệp dựa vào công nghệ mới luôn là nhóm năng động nhất và có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tuy nhiên số lượng các khởi nghiệp ở nhóm này chiếm tỉ lệ không nhiều. Phần đông các khởi nghiệp diễn ra ở những khu vực và ngành nghề ít đòi hỏi tri thức và sáng tạo.
Trong một cuộc tọa đàm về cạnh tranh toàn cầu và hướng đi cho người khởi nghiệp diễn ra đầu năm nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã lo lắng trước con số hơn 200.000 doanh nghiệp phá sản trong bốn năm vừa qua.
Theo bà, dù có 77.000 doanh nghiệp mới ra đời, nhưng con số gần 61.000 doanh nghiệp đóng cửa (thống kê năm 2013) quan trọng và “đau” hơn nhiều. Dẫu “thật sự mong có người trẻ khởi nghiệp và có thể thành công trong tương lai” nhưng bà vẫn phải thành thật nói với các nhà khởi nghiệp trẻ: “Bối cảnh hiện nay chưa dám chắc các bạn thành công sớm được”.
Nhiều bài viết trước trên Tuổi Trẻ Online từng ghi nhận những dấu hiệu tích cực của thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam, và đồng thời qua ý kiến của các chuyên gia là đại diện các quỹ đầu tư, chỉ ra một số vấn đề có thể gọi là “chết người” mà các khởi nghiệp ở Việt Nam đang mắc phải.
Có thể kể đến: (1) Yếu tố con người, tức là nguồn nhân lực, (2) Tâm lý tự làm chủ dẫn đến “gia đình hóa” doanh nghiệp, mà hệ quả là hạn chế về tầm nhìn đối với sản phẩm, (3) Thuyết trình về sản phẩm không tốt, tập trung quá nhiều vào các vấn đề “kỹ thuật” nên khó thu hút đầu tư.
Trong một chia sẻ khác, ông Phạm Quốc Đạt – giám đốc và đồng sáng lập chương trình Hatch! Program – cũng nhận định: “Việt Nam đang có nhiều bạn trẻ quan tâm tới khởi nghiệp… nhưng tỉ lệ thất bại còn rất cao. Đôi khi các bạn quá tập trung vào ý tưởng mà quên mất kế hoạch phát triển sản phẩm của mình”.
Những điều cần hỏi
Giữa một bối cảnh được cho là không thuận lợi và các khởi nghiệp lại đang mang trong nó những khiếm khuyết lớn như các chuyên gia đã nhận định thì chúng ta cần phải nhìn vào bức tranh khởi nghiệp Việt Nam với tâm thế nào, hơn thế nữa, như những người trong cuộc, chúng ta có thể làm gì?
Có lẽ cần hỏi và trả lời những câu hỏi cụ thể hơn nữa: Đặc điểm của thị trường khởi nghiệp Việt Nam hiện nay là gì, các khởi nghiệp đang thật sự thiếu gì, ai có thể và sẽ nên làm gì để bức tranh khởi nghiệp Việt Nam khởi sắc hơn và hòa nhập tốt vào môi trường kinh doanh đang được quốc tế hóa ngày càng nhanh chóng?
Trong những năm qua, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam đã vận động và thay đổi như thế nào?
Đầu tiên là sự ra đời của hàng loạt chương trình hỗ trợ và tài trợ vốn cho khởi nghiệp do các đơn vị quản lý nhà nước thực hiện, từ các cơ quan thuộc bộ đến các chương trình của địa phương, thậm chí các tổ chức xã hội cũng tham gia, có thể kể đến Hội Liên hiệp thanh niên hay Hội Nông dân. Nhưng đến nay chưa có báo cáo nào được công bố rộng rãi cho biết kết quả của các chương trình này.
Một hoạt động thịnh hành khác là các vườn ươm doanh nghiệp. Loại hình này xuất hiện ở Việt Nam khá muộn, khoảng đầu những năm 2000, từng có thời kỳ bùng nổ với “nơi nơi làm vườn ươm doanh nghiệp”, từ các khu công nghệ cao, các trường đại học đến các doanh nghiệp lớn. Hiệu quả của các vườn ươm này đã từng được tổng kết với những kết luận không mấy tích cực.
Thực tế quan sát cũng cho thấy hầu hết vườn ươm này lặng lẽ kết thúc sứ mệnh của mình hoặc đang lãng phí tài nguyên với những không gian bỏ trống không người sử dụng. Ở thời điểm hiện nay, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp phần lớn đều do các cộng đồng tự thiết lập, trong đó Action, Hatch! Program hay MyProClub là những cộng đồng đang có các hoạt động tích cực.
Từ thực tế đó, chúng ta buộc phải đặt câu hỏi: có gì chưa phù hợp trong việc triển khai các chủ trương, chính sách rất có ý nghĩa này?
Các hoạt động khuyến khích khởi nghiệp thường tập trung vào các nhóm sau đây, mà các nhà làm chính sách gọi chúng là các công cụ: 1/ Hỗ trợ tài chính, 2/ Cung cấp cơ sở hạ tầng, 3/ Tư vấn quản lý và luật pháp, 4/ Xây dựng mô hình và 5/ Giáo dục và đào tạo.
Có thể thấy rằng các chương trình khuyến khích khởi nghiệp tại Việt Nam thời gian qua đã chú trọng rất nhiều đến nhóm hoạt động thứ nhất và thứ hai. Hiển nhiên, tài chính và cơ sở hạ tầng chính là những điều kiện tối cần thiết để khởi sự kinh doanh, nhưng chính trình độ quản lý yếu, sự am hiểu luật pháp không đầy đủ và sự chuẩn bị không tốt về thái độ và năng lực của các cá nhân khởi nghiệp mới là vấn đề cản trở các khởi nghiệp, không cho phép họ đi đến được thành công.
Do vậy, để đạt hiệu quả thật sự, các chương trình khuyến khích khởi nghiệp cần được xây dựng trên một tổng hòa, kết hợp khéo léo các nhóm hoạt động dựa trên điều kiện thực tiễn ở cả tầng vi mô lẫn vĩ mô.
Nếu được chuẩn bị tốt, các khởi nghiệp hoàn toàn có thể xoay xở một cách hiệu quả trong những tình huống bị hạn chế về tài chính cũng như các nguồn lực khác. Trên thế giới, khởi nghiệp tinh gọn (lean startup) đang là một phương pháp làm việc nhận được rất nhiều sự chú ý và đã chứng minh được tác dụng của nó trong việc giúp các khởi nghiệp vượt qua hạn chế về nguồn lực.
Vai trò của nhà nước đối với các chương trình khuyến khích khởi nghiệp là hết sức quan trọng, tuy nhiên chính quyền và các cơ quan chức năng tham gia những hoạt động nào, đến mức độ nào, vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời dứt khoát. ở Việt Nam, sự hỗ trợ của Nhà nước đối với khởi nghiệp đã bắt đầu rất ấn tượng trong những năm đầu nhưng hiệu quả lại không được chứng minh một cách rõ nét.
Nên chăng, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò của người làm chính sách và tạo ra các hành lang phù hợp, không nên can thiệp sâu vào việc đầu tư hay sử dụng tài nguyên để hỗ trợ các khởi nghiệp, mà trao phần việc đó vào tay các tổ chức kinh tế tư nhân hoặc tổ chức xã hội do chính các cộng đồng khởi nghiệp quản lý.
Để khắc phục các điểm chết của thị trường khởi nghiệp, tức là thoát khỏi tình trạng thiếu và yếu, việc cần làm là phải tạo ra một cộng đồng lớn và có khả năng nhân rộng, các chính sách và chương trình khuyến khích khởi nghiệp phải được củng cố một cách sâu sắc, trong đó công tác đào tạo chuẩn bị và tư vấn hỗ trợ là những hoạt động cần được quan tâm nhất, bởi chính các hoạt động đó mới tạo ra được những “người chơi” (player) của cuộc chơi mạo hiểm mà lý thú này.
Theo Vũ Thái Hà / Tuổi Trẻ Online
Bài gốc có thể xem tại đây.
Tôi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa lịch sử năm 2001, không công ty nào muốn nhận tôi vào làm việc và tôi phải tự kiếm sống bằng việc mở một cửa hàng điện thoại. Sau đó, tôi thành lập công ty đầu tiên năm 2003. Tôi đã thất bại rất nhiều lần và thất bại tới mức nó trở thành một điều hết sức bình thường. Năm 2007, tôi từng xây dựng một trung tâm kỹ thuật điện thoại di động lên tới 100 người và tới năm 2009 tôi lại một lần nữa thất bại, phải bán cả nhà và xe để trả lương nhân viên. Sau đó tôi đi làm thuê cho một công ty công nghệ. Ở công ty này, tôi cống hiến hết sức mình và thành quả lớn nhất tôi nhận lại được là kiến thức… Sau khi rời công ty này vào cuối năm 2010, tôi quyết định khởi nghiệp lại với hai bàn tay trắng. Rất may mắn, tôi gặp khóa học Founder Institute – khóa đào tạo khởi nghiệp của Silicon Valley. Tại đây, tôi đã được học cách xây dựng một công ty khởi nghiệp có ý nghĩa và bền vững và Appota ra đời từ đó. Một startup thành công là một startup giải quyết được một vấn đề gì đó cho người dùng hoặc cho thị trường hoặc cho xã hội. Và startup đó phải tồn tại bền vững. Đấy là định nghĩa startup thành công của tôi. \Để làm được điều đó, startup cần phải đủ quyết tâm, đủ đau đáu, không ngừng học hỏi và liên tục hành động. Mỗi hành động dù tạo ra giá trị nhỏ hay lớn đều rất quan trọng. Đặc biệt, thành hay bại của startup là vấn đề con người, không phải là tiền hay ý tưởng. Ông ĐỖ TUẤN ANH (chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Công ty Appota, trao đổi tại cuộc thảo luận trực tuyến “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thông qua cộng đồng khởi nghiệp” do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 22-5-2014) |
Các doanh nghiệp mới khởi nghiệp thường gặp nhiều rủi ro, cần hỗ trợ họ giảm thiểu những rủi ro đó. Một trong những việc Chính phủ có thể làm là đưa ra những quy định rõ ràng, dễ hiểu và ổn định. Một vấn đề quan trọng nữa là cần hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp để họ có được kiến thức về quản trị doanh nghiệp, bởi các doanh nhân mới khởi nghiệp có ý tưởng mới, nhưng đôi khi không biết hiện thực hóa ý tưởng đó như thế nào. Quan trọng nhất là vấn đề tài chính. Chính phủ không cần phải là nguồn cấp vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp khởi sự, nhưng Chính phủ có thể tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn tài chính để họ bắt đầu hoạt động kinh doanh của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm, kết nối các doanh nghiệp khởi sự với các quỹ đầu tư mạo hiểm này. Bà VICTORIA KWAKWA (giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)
|