“Trưởng thành hơn và hiểu rõ bản thân hơn”, bạn Phạm Đình Hải Long (sinh 1995, cựu HS Trường THPT Nam Sài Gòn, Q.7, TP.HCM) khẳng định sau một năm trải nghiệm “gap year”.
Ai cũng cần nút “F5”
Dù đã học xong năm ba ĐH, bạn Hà Thị Kim Tuyền (21 tuổi, ĐH KHTN TP.HCM) vẫn quyết định thực hiện “gap year”. “Tôi không thấy vui khi đi học và cũng chẳng biết sẽ làm được gì khi ra trường. Tôi muốn dành khoảng một năm để tìm câu trả lời cho chính mình cũng như tranh thủ hoàn thiện những kỹ năng còn yếu, tham gia hoạt động xã hội… trước khi tốt nghiệp”, Tuyền chia sẻ. Những trường hợp tương tự Tuyền không ít trong giới trẻ.
“Gap year” bao lâu và lúc nào thì phù hợp? “Lý tưởng nhất là một năm vì không quá ngắn để thử nghiệm và đánh giá kết quả, đồng thời cũng không quá dài để bị sa lầy vào những chuyến đi, hoạt động… thiếu mục đích” – Bảo Ngọc. “Điều đó tùy thuộc hoàn cảnh của mỗi cá nhân, quan trọng nhất bạn phải nhớ là thời gian sẽ không đợi ai nên đừng phí hoài tuổi trẻ” – bà Đoan Thùy. “Chẳng bao giờ là quá trễ để thực hiện “gap year” – Mai Uyên và Hải Long. |
Nhìn lại thời sinh viên của mình, bà Huỳnh Thị Đoan Thùy (trưởng phòng thị trường Trung tâm Xúc tiến du lịch TP.HCM) cho biết: “Chúng tôi đã không có đủ thời gian nhìn lại bản thân, định hình sở thích và nghề nghiệp vì phải chạy theo những áp lực từ người thân về việc học, việc phải đi làm ngay khi tốt nghiệp… Công việc hiện nay của tôi hoàn toàn khác chuyên ngành được đào tạo ở ĐH, tôi phải tốn rất nhiều thời gian tự học hỏi, đào tạo lại”. Bà Thùy cho rằng nếu có cơ hội thực hiện “gap year”, khoảng thời gian tưởng chừng phung phí này có thể đã giúp bản thân tiết kiệm được tiền bạc và trí lực về đường dài.
“Hầu hết những người bạn từng “gap year” của tôi đều có “diện mạo mới” đầy tích cực. Giới trẻ đôi khi cũng cần bước ra khỏi vòng tròn an toàn để làm những điều mình muốn, thử nghiệm điều mới… từ đó khám phá bản thân và xác định động lực sống”, bạn Huỳnh Hồ Bảo Ngọc (ĐH Ngoại thương TP.HCM) nêu quan điểm.
Do được gia đình tin tưởng, ủng hộ việc “gap year”, Hải Long có cơ hội lăn xả vào nhiều hoạt động mới mẻ. Từ việc trở thành tình nguyện viên Tổ chức du học VietAbroader, hội trưởng Câu lạc bộ Operation Smile VN (Phẫu thuật nụ cười) tại trường, tham gia đi kêu gọi tài trợ, làm MC… sau một năm “gap year”, anh chàng từng rất rụt rè, bị bạn bè gán biệt danh “con mọt sách” đã có những thay đổi đáng kể. “Tôi thấy mình tự tin, trưởng thành dần qua những điều nho nhỏ cóp nhặt được trong hành trình “gap year”, hiểu sâu hơn về cuộc sống”, Hải Long nói. Quan trọng nhất, bạn khẳng định đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi là ai? Tôi muốn làm gì trong tương lai?”. Những trải nghiệm có được từ “gap year” đã góp phần giúp bạn chinh phục được hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Williams (Mỹ).
Còn với ThS xã hội ứng dụng Nguyễn Diệp Quý Vy (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) thì: “Ngoài mục đích nghỉ ngơi sau thời gian dài học tập căng thẳng, “gap year” có ý nghĩa quan trọng trong việc đem lại những trải nghiệm mới mà giới trẻ sẽ khó có được nếu chỉ miệt mài trên ghế nhà trường”.
Nên “liệu cơm gắp mắm”
Tuy rất ủng hộ “gap year” nhưng ThS Quý Vy lưu ý: “Với người Việt thì chuyện học hành và bằng cấp là vô cùng quan trọng, vì thế rất dễ hiểu việc người lớn lo lắng, bất an khi thấy con mình “gap year”. Cá nhân tôi chỉ ủng hộ những bạn có kế hoạch “gap year” rõ ràng, cụ thể và lý giải được vì sao cần tham gia hoạt động này. Người trẻ cũng cần lưu ý đến yếu tố kinh tế. Đôi khi chúng ta cũng cần một giải pháp linh hoạt hơn (chẳng hạn tranh thủ thời gian rảnh để rèn luyện kỹ năng, học những môn mình thích…) vì không phải lúc nào cũng phải sống chết làm điều chúng ta muốn”.
Không đi theo hướng “gap year”, Thiều Mai Uyên (19 tuổi) vốn đang hoài nghi về việc chọn ngành học (Uyên chọn thi vào ngành bác sĩ đa khoa dù bạn thích việc làm toán, nghiên cứu khoa học) đã chọn cách sống chậm lại một nhịp để có thời gian cho những sở thích cá nhân, trau dồi thêm kỹ năng. “Ngoài việc lên giảng đường, tôi còn tham gia hoạt động tình nguyện và thực hiện những sở thích cá nhân…”, bạn nói. Sau thời gian này, hiện Uyên đã giành được học bổng toàn phần tại ĐH Amherst (Mỹ). “Không nhất thiết phải “gap year” bằng mọi giá, đôi khi chỉ cần thêm chút nỗ lực, linh hoạt bạn cũng có thể làm mới mình”, Uyên chia sẻ.
Từng có dịp gặp Dale Stephens (diễn giả 21 tuổi người Mỹ nổi danh với việc thành lập phong trào xã hội Uncollege và điều hành nhiều hoạt động thú vị liên quan đến “gap year” trên thế giới), ông Vũ Hải Đăng – quản lý truyền thông Hội đồng Anh tại VN – cho biết “gap year” nếu được áp dụng một cách đúng đắn sẽ có những “điểm cộng” nổi trội mà không trường lớp nào có được.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh VN không phải là Mỹ hay phương Tây. “Chúng ta còn quá thiếu những định hướng và hỗ trợ một cách quy củ cho người trẻ nên họ có thể bơ vơ, lạc lối khi tham gia “gap year”. Nếu không khéo, “gap year” qua đi sẽ để lại những “lỗ hổng” (gap) về kiến thức, kỹ năng và nhất là bào mòn sự tự tin trong bạn trẻ khi quay lại nhịp sống thường”.
Theo Công Nhật / Tuổi Trẻ Online
Bài gốc có thể xem tại đây.