Diễn giả Việt Nam Phạm Thị Thanh Thủy |
Đại biểu Ecuador nói về việc giai đoạn Tây Ban Nha đô hộ đã làm biến dạng văn hóa bản địa. Từ khi Tổng thống Correa lên nắm quyền, vấn đề bảo vệ và phát triển văn hóa được đưa vào hiến pháp.
Tại một hội nghị khác về văn hóa, đại biểu Namibia cho biết, người trẻ nước này không còn một bản nhạc thuần dân tộc để nghe, một món ăn thuần dân tộc để thưởng thức. Văn hóa từ các nước tư bản đã xâm nhập và làm biến dạng hoàn toàn văn hóa quốc gia châu Phi này.
Đại biểu Nicaragoa cũng chia sẻ, người trẻ bây giờ kiệt sức trong học hành, mưu sinh khiến không còn thời gian để tiếp cận và hưởng thụ văn hóa.
Đại biểu Tây Sahara cho rằng văn hóa, giáo dục, thông tin đang ở trong tay và trở thành công cụ của chủ nghĩa tư bản. Đại biểu Triều Tiên lại nêu thể thao như một công cụ phát triển quan hệ và tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Tại hội nghị về vấn đề đấu tranh để được hưởng nền giáo dục miễn phí và có chất lượng, đại biểu Colombia cho rằng, nhiều nước đang có những vấn đề lớn về giáo dục. Thứ nhất, người trẻ không có nguồn lực để theo học. Thứ hai, chất lượng giáo dục không đảm bảo.
Ở các nước tư bản, có vẻ chính phủ đầu tư nhiều vào giáo dục nhưng hầu hết là người ở “tầng lớp trên” được hưởng, người nghèo vẫn không có cơ hội, học cấp ba trở lên là rất khó đối với họ. Đại biểu này kêu gọi một nền giáo dục có chất lượng, miễn phí cho người trẻ. Một đại biểu châu Phi nói về nguy cơ nền giáo dục lai căng làm mai một văn hóa dân tộc.
Tại hội thảo chuyên đề “Thông tin về giáo dục văn hóa trong tay tư bản: một công cụ của hệ thống lôi kéo”, các đại biểu Colombia, Ecuador, Chile nêu vấn đề giáo dục đang bị thương mại hóa, giáo dục đại học quá đắt, rất đông người trẻ sau khi tốt nghiệp trung học không thể học tiếp lên đại học. Đại biểu Mỹ cũng cho rằng giáo dục đại học ở Mỹ đắt nhất thế giới, nhiều người nghèo không thể học.
Một đại biểu cũng chia sẻ rằng chính phủ nước mình đầu tư vào quân sự ngang giáo dục, trong khi lẽ ra phải ưu tiên giáo dục.
WFDY gắn chặt với cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam
Trong ngày thứ tư ở Festival diễn ra hội nghị quan trọng với chủ đề “68 năm Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới (WFDY) vì công tác thanh niên” dưới sự điều khiển của Chủ tịch WFDY Dimitris Palmirys và đại diện các châu lục, trong đó có Phó trưởng Ban đối ngoại T.Ư Trần Đắc Lợi.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đắc Lợi nhận xét, WFDY ra đời ở đầu thời kỳ Chiến tranh lạnh (1945), sau đó đã gắn rất chặt với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. WFDY đóng góp lớn vào phong trào toàn thế giới phản đối Mỹ gây chiến tranh ở Việt Nam. Tên của tổ chức gắn liền với lực lượng thanh niên dân chủ thế giới. WFDY luôn hướng tới giải quyết những vấn đề chính của nhân loại như tăng cường đoàn kết quốc tế, đấu tranh vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, chống các dạng cực đoan như chủ nghĩa Arpacthai… WFDY đấu tranh để giải quyết các vấn đề chính trị từ gốc rễ chứ không dừng lại ở những giải pháp tạm thời. Ông nhấn mạnh ngày nay phong trào thanh niên dân chủ thế giới vẫn rất cần thiết vì chủ nghĩa tự bản vẫn đang tồn tại ở những dạng thức mới, với những hoạt động và thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn trước.
|