Bà Ana Botella quyết định sử dụng tiếng Anh. Đó là một lựa chọn rất dễ hiểu: từ lâu, các nhà ngoại giao đã biết rằng việc sử dụng ngôn ngữ của người nghe, hoặc ngôn ngữ phổ thông nhất là tiếng Anh, trong giao tiếp, là một động thái thể hiện sự tôn trọng với đối phương. Thậm chí trong một vài trường hợp, nó có thể là hành vi mang tính biểu tượng. Khi Tổng thống Abdullah Gul của Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào cùng năm đó bằng tiếng Anh, rất nhanh chóng các học giả đi đến kết luận rằng ông đang bày tỏ xu hướng ủng hộ nước Mỹ.
Lựa chọn của thị trưởng Ana Botella đúng đắn về mặt lý thuyết. Nhưng khổ nỗi, tiếng Anh của bà quá tệ.
Trong bài diễn văn, bà dùng những câu kiểu như “relaxing cup of café con leche”, trong đó thì “relaxing cup of café” là tiếng Anh sai ngữ pháp, ý nói thư giãn bên một tách cà phê, còn “con leche” lại là tiếng Tây Ban Nha tức là “có sữa”. Nói chung là thư giãn bên một tách cà phê sữa. Hoặc bà nói là “Madrid is fun” – hiểu là “Madrid rất vui nhộn”. Chữ “fun” ở đây chắc ý bà muốn nói đến sự náo nhiệt, nhưng nghĩa của nó là một sự vui nhộn không hoàn toàn nghiêm túc. Vốn từ vựng đã thế, phát âm thì hoàn toàn theo âm tiếng Tây Ban Nha.
Sau bài diễn văn đầy trọng thị của bà Ana Botella, ngay trong ngày hôm đó, như nhiều người đã biết, quyền đăng cai Olympic 2020 thuộc về Tokyo.
Thị trưởng Ana Botella sau đó một thời gian dài trở thành chủ đề chế giễu của dân Tây Ban Nha. Các trường tiếng Anh thì treo biển: “Hãy theo học chúng tôi để những thứ như cà phê con leche không tái diễn nữa”. Cư dân mạng thì chế bài diễn văn thành nhạc rap, hoặc tạo ra những bức ảnh chế mô tả cảnh bà Botella mắng chồng khi ông này hỏi bà có uống… cà phê không.
Cho đến hôm nay, thì chuyện đó có lẽ là tác hại (có thể đo lường) lớn nhất trong lịch sử ngoại giao của việc không thạo ngoại ngữ. Mất Olympic, là mất đi hàng trăm triệu euro lợi nhuận và có thể là hàng tỷ nếu xét đến lợi ích hình ảnh.
Việc sử dụng ngoại ngữ không phải là điều bắt buộc với các nhà ngoại giao. Hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khiến báo giới được một phen tốn giấy mực: khi Tổng thống Sri Lankan nói chuyện với ông bằng tiếng Anh, ông nghe được, không cần phiên dịch (tiếng Anh của ông Modi rất tốt). Nhưng khi trả lời, ông Modi lại nói bằng tiếng Hindi cho người phiên dịch. Tiếng mẹ đẻ, trong trường hợp này được cho là biểu hiện của sự tự tôn dân tộc.
Nhưng trong rất nhiều dịp, đó lại là cơ hội để bày tỏ sự tôn trọng với người nghe. Thậm chí, trong các sự kiện quốc tế, thì việc có tiếng Anh là bắt buộc.
Tiếc rằng thỉnh thoảng chúng ta vẫn phải “thết đãi” bạn bè quốc tế bằng một thứ tiếng Anh rất là “cà phê con leche”. Những ví dụ thì có rất nhiều, kể không hết. Mới đây nhất là tấm phông trong lễ ký kết với đối tác Hàn Quốc của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hồi tháng 3 với đầy lỗi chính tả, “signing” (ký kết) thì thành “singning”, “speed dome” (xe đạp lòng chảo) thì thành “speedom”.
Khác với bà Ana Botella, chúng ta không để đo được ngay tác hại của những lần “nói ngọng” như thế.
Và không biết có phải vì ý thức được sự tai hại của việc ngọng nghịu với ngoại ngữ hay không, mà mới đây, dự thảo nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước có quy định “sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ thông dụng” với các chức danh thứ trưởng, tổng cục trưởng, vụ trưởng cấp bộ.
Nếu dự thảo này được thông qua, thì đó là một trong những quy định thiết thực nhất trong bối cảnh nước ta đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong nhiều mặt.
Tất nhiên, trong hầu hết các trường hợp, việc sử dụng tiếng mẹ đẻ nên được khuyến khích.
Nhưng nếu đã rơi vào tình huống cần dùng đến ngoại ngữ, thì đó chắc chắn là một sự kiện rất quan trọng. Và đôi khi, chỉ một sai sót, chỉ một câu nói lẫn, một đoạn phát biểu ngọng nghịu, cái giá mà toàn bộ đất nước phải trả, có thể lớn hơn cả một kỳ Olympic.
Theo Đức Hoàng / Vnexpress
Bài gốc có thể xem tại đây.