Vẫn có những bức còn chưa khô hẳn, chữ ký ở phía dưới nhiều khi cho người xem biết nó mới chỉ được hoàn thành vài ngày trước. Vẽ xong, tự đóng khung tranh, tự mang đến nhà triển lãm là cảnh thật sự hiếm gặp ở các cuộc triển lãm gần đây.
Những tiếng nói mạnh mẽ
Trước ngày khai mạc, họa sĩ Thành Chương còn lui tới phòng triển lãm ba lần chỉ để kiểm tra xem cái khung tranh đã vừa vặn, hợp lý chưa. Họa sĩ Ðinh Quân gửi tranh xong lại vội vã lên đường đi công tác. Vốn kiệm lời, họa sĩ Ðinh Quân “phó thác” toàn bộ suy nghĩ của mình vào những liên tưởng mà bức Cá lớn của anh mang lại. Cá lớn là hình ảnh của một hàm cá mập đang há rộng như muốn nuốt chửng toàn bộ sinh vật xung quanh. Quả thật, tác phẩm của Ðinh Quân khiến người xem dừng lại lâu hơn để suy ngẫm và bình luận. “Ðó là hình ảnh của ai thì mọi người đều biết rồi đấy” – một cựu chiến binh vừa cười hóm hỉnh vừa nói.
Ngay bên cạnh bức Cá lớn là tác phẩm của Nguyễn Nghĩa Phương (Trường ÐH Mỹ thuật Việt Nam). Dù nhỏ hơn về kích thước nhưng tiếng nói từ bức Bóng đen trên biển Ðôngkhông kém phần quyết liệt. Tác phẩm được làm từ chất liệu tổng hợp nói trực diện đến vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 đang hiện diện bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam và đường lưỡi bò đầy tham lam của Trung Quốc. Ðây cũng là tác phẩm duy nhất ở triển lãm cho phép “người xem chạm vào hiện vật”. Do vậy, những lớp đinh nhọn được bọc trên lưỡi bò càng làm tăng thêm cảm xúc cho người xem. “Ðây là một tác phẩm rất đáng chú ý với những cách tạo hình mới, chạm đến những vấn đề hết sức thời sự” – họa sĩ Vi Kiến Thành (cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm) nhận định.
“Đây là cuộc triển lãm hoàn toàn không có một đồng kinh phí. Các họa sĩ hoàn toàn vui vẻ, tự nguyện trong một thời gian gấp gáp như thế. Chất lượng tác phẩm thật sự rất tốt” Họa sĩ Vi Kiến Thành |
Bóng ma trên biển cũng là một tác phẩm gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác của họa sĩ Ðặng Xuân Hòa. Hỏi về lý do tham dự triển lãm sau nhiều năm không bày tranh ở Hà Nội, Ðặng Xuân Hòa nói ngắn gọn: “Vì biển Ðông”. Nghĩ một tuần, thực hiện cũng mất chừng đó thời gian, tác phẩm cuối cùng cũng hoàn thành. “Vẽ về đề tài cụ thể nhưng điều đáng tiếc là tôi chưa ra đến Hoàng Sa, Trường Sa. Những trang báo suốt thời gian qua nói hộ tôi cái không khí thời sự đầy căng thẳng đó. Chỉ có hai màu đen trắng chứ không xanh đỏ tím vàng bởi lẽ tôi muốn mọi thứ tranh chấp phải rõ ràng. Bóng ma trên biển là biểu tượng cho một thế lực hắc ám đang muốn xưng hùng xưng bá” – họa sĩ Ðặng Xuân Hòa chia sẻ.
Lấy cái lành để nói về cái ác
Bên cạnh những bóng đen đầy ám ảnh là những vùng biển, những ánh trăng, những con thuyền trôi yên lành giữa không gian trong veo. Trời yên biển lặng của họa sĩ Lê Thiết Cương mang đến cảm giác ấm áp, yên bình như ở nhà. “Tại sao anh vẽ lành thế giữa một không khí đang sôi sục thế này?”. “Vì tên của bức tranh là Trời yên biển lặng. Tôi vẽ cái hiền lành để nói về cái ác. Cũng như Picasso vẽ về cái ác, về cảnh đầu rơi máu chảy để nói về cái thiện, về hòa bình” – Lê Thiết Cương chia sẻ.
Ðào Hải Phong vẽ Ðèn nơi biển đảo nhưng cũng gợi lên một cảm giác thân thuộc. “Biển đảo của tôi sẽ khiến người xem thấy rằng nơi đó như quê của họ, để họ có ý thức giữ gìn, bảo vệ hơn” – họa sĩ nói.
Còn với Thành Chương, hai tác phẩm Biển Ðông và Nơi nước sạch biển xanh là một cách họa sĩ gửi gắm tình yêu biển đảo của mình. Những gam màu tươi mới thay lời cho khát vọng hòa bình. “Ðất nước chúng ta đã trải qua và cũng đã trả giá kinh hoàng cho chiến tranh hơn bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới. Chiến tranh là điều không ai muốn. Chúng ta luôn có tình yêu và khát vọng hòa bình”.
Sẽ không thể liệt kê hết từng tên tác phẩm, tác giả đã đến với triển lãm về chủ quyền biển đảo Việt Nam. 50 tác giả là con số khiến không ít người ngạc nhiên. Cái tên cuộc triển lãm, dù giản dị nhưng có lẽ là lời hiệu triệu mạnh mẽ nhất đối với các thế hệ họa sĩ. “Riêng tôi, tôi không bất ngờ. Các họa sĩ đã sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này. Mảnh đất này đã nuôi dưỡng họ, cho họ cảm xúc, tạo nên tên tuổi của họ. Tôi không dám nói to tát là trách nhiệm nhưng không tham gia triển lãm sẽ là điều vô cùng áy náy” – họa sĩ Ðào Hải Phong bày tỏ.
Theo HÀ HƯƠNG / Tuổi Trẻ
Bài gốc có thể xem tại đây.
Họa sĩ cả nước vẽ về biển đảo 55 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm Chủ quyền biển đảo của Việt Nam là những sáng tác mới mẻ, chủ yếu sáng tác trong năm 2014 bằng các chất liệu đa dạng như sơn dầu, sơn mài hay bột màu. Ngoài tranh vẽ, triển lãm còn trưng bày tranh cổ động của tác giả Nguyễn Văn Thủy và các tác phẩm sắp đặt như Hoa sóng làm từ giấy bồi của Lê Lạng Lương hay Một chuyến đi từ thép của tác giả Trần Trọng Tri. Mỗi tác giả có tuổi đời, tuổi nghề và phong cách nghệ thuật khác nhau nhưng tựu trung lại triển lãm mang đậm trăn trở thời cuộc từ góc nhìn nghệ thuật trước tình hình biển Đông. Triển lãm diễn ra từ ngày 18 đến 24-6 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. * Tại TP.HCM, sáng 20-6, triển lãm tranh cổ động chủ đề biển đảo sẽ được khai mạc tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. Trước đó tại TP Đà Lạt, triển lãm mỹ thuật Hướng về biển Đông và Năm du lịch quốc gia 2014 Tây nguyên – Đà Lạt đã được khai mạc ngày 15-6 tại Hội Văn học – nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, kéo dài đến ngày 21-6. Tại Quảng Ngãi, triển lãm mỹ thuật Bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng đã diễn ra tại Hội Liên hiệp văn học – nghệ thuật tỉnh từ ngày 7 đến 11-6. Trong khi đó, một triển lãm mỹ thuật khác chủ đề Đến với Trường Sa do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức sẽ khai mạc ngày 25-6 tại Nhà triển lãm mỹ thuật (số 16 Ngô Quyền, Hà Nội). Kèm theo hoạt động triển lãm là một buổi tọa đàm sẽ diễn ra ngày 4-7. VÂN ĐỖ – Q.THI |