Nước Mỹ rất to, nhưng lại có một thủ đô rất bé, chỉ bằng một quận của nước này mà suốt hai trăm năm nay chẳng chịu mở rộng. Ngay ở thủ đô rất bé đó lại có một vườn rau rất to mà chủ là một người đàn bà nhỏ nhắn gốc Việt…
Bà Rau
Bà Bọc (ảnh nhỏ) và chồng
Bà xuất thân từ một gia đình công chức nhỏ, nhà đông con nên cuộc sống chồng chất những khó khăn. Là chị cả của đàn em toàn gái là gái, tròn trĩnh mười người, bà phải bươn chải cùng bố mẹ kiếm sống. Nhờ có nhan sắc lại giỏi ngoại ngữ, nên bà sớm tìm được chân quản lý trong một khách sạn danh tiếng ở đô thị Sài Gòn thời đó. Với đồng lương kha khá, lại chịu khó làm thêm, tằn tiện, chắt chiu, nên bà trở thành lao động chính nuôi cả gia đình. Thế mà khi một sĩ quan hậu cần trong quân đội Mỹ mê bà, xin cưới làm vợ, thì gia đình lại phản đối kịch liệt. Ông bố còn đòi từ bà nếu lấy chồng nước ngoài. Nhưng tình yêu của hai người đã vượt qua thử thách, và kết quả đứa con đầu lòng ra đời.Chúng tôi đến khu vườn tại địa chỉ 3251 Annandale Rd.Falls Church, VA 22042, vừa mua rau, ngắm vườn vừa trò chuyện với người chủ vườn cực kỳ thân thiện. Ai gọi chủ vườn rau này là Bà Rau, bà cũng ừ. Có người gọi là Bà Vườn, bà cũng gật. Thế tên thật của bà là gì, có lần tôi hỏi. Là Bọc, Ngô Thị Bọc. Quả là tên nào cũng hợp với vẻ lam lũ, ăn mặc có vẻ tuềnh toàng, đậm chất thôn quê của bà. Nhìn bà Bọc bây giờ, chẳng ai nghĩ rằng khoảng 40 năm trước từng là một thiếu nữ duyên dáng và sành điệu có tiếng ở Sài thành.
|
Đầu những năm bảy mươi thế kỷ trước, chồng bà về nước, bà không nỡ bỏ gia đình, bỏ quê hương sang Mỹ mà quyết định ở lại Sài Gòn với bố mẹ và các em. Mãi đến sát ngày Sài Gòn giải phóng, bà mới làm giấy để đem con sang sum họp với chồng. Sang đây, bà sinh tiếp hai con, cũng vẫn là gái. Nay thì ba cô con gái của bà đều thành đạt, tốt nghiệp đại học, theo chồng sống ở các tiểu bang khác.
Vậy cơ duyên nào mà bà tậu được vườn rau lớn và đẹp giữa mảnh đất đắt giá này? Câu hỏi của tôi như chạm vào niềm đam mê, bà Bọc bộc bạch: Bà vốn mê việc vườn tược, đồng áng, nhưng giữa Sài Gòn thuở ấy thì đến mảnh đất nhỏ để ở cũng không đủ, làm sao có được. Nên ngay từ những ngày đầu sang Mỹ, dù gia đình chồng rất quý bà, muốn bà mở xưởng may, nhưng bà lại quyết tìm mảnh đất để trồng trọt cho thỏa mong ước.
Lúc đầu, bà tìm mua được khu đất hơn một sào tây, cách khu vườn hiện nay không xa. Bà hăm hở trồng rau, nhưng kẹt nỗi, luật pháp sở tại chỉ cho phép trồng rau kinh doanh trên diện tích từ hai mẫu tây trở lên (khoảng 8.000 m2), bà lại cùng chồng tìm mảnh đất khác. “Mãi đến năm 1980, khi tình cờ qua đây, tôi thấy một phụ nữ rất đẹp đang đóng cọc rao bán nhà và khu đất này. Tôi dừng xe và hỏi mua. Thì ra, đây là nhà ở của cặp vợ chồng nghệ sĩ trẻ, họ đang muốn ly dị, nhưng người chồng không đồng ý. Thoáng nhìn khu đất rộng, chất đất màu mỡ, cây cối rậm rạp um tùm lại gần nhà thờ và trường học, thuận lợi đủ điều, tôi rất mê và quyết theo đuổi. Rồi một hôm, họ thông báo đồng ý bán cho chúng tôi mảnh đất với giá rất rẻ so với giá trị đất – 200.000 USD sau thuế. Chúng tôi mừng lắm, từ đó bắt tay vào làm trang trại sau bao tháng ngày mong ước”, bà Bọc nhớ lại.
Những ngày đầu quả chẳng dễ dàng gì. Khu đất với bao gốc cây hoang dại đã làm gãy đến cả trăm lưỡi cưa cùng bao mồ hôi của vợ chồng bà Bọc mới nên trang trại như hôm nay. Sau này, rất nhiều người nhòm ngó, hỏi mua với giá cả triệu đô nhưng bà không bán. Giá nào cũng không bán. Đây là điều mơ ước của bà, nên vợ chồng bà sẽ sống với nó trọn đời.
Đam mê là chính
Nhìn khu vườn xanh mướt, toàn giống rau dân Việt chuộng dùng, tôi hỏi, trang trại rau lớn thế, làm sao bà có đủ sức để kham nổi mọi công việc? Bà Bọc cho hay, bà phải thường xuyên thuê thêm người để cùng làm. Cách đây mấy năm, ông chồng về hưu cũng góp sức với bà. Hằng ngày, ông đánh xe đi lấy bã đậu phụ và mùn gỗ về làm phân bón cho cây. Rau rất hợp với bã đậu và mùn gỗ, vừa sạch, vừa tốt, lại không có sâu, chứ bà không dùng bất kỳ loại phân bón hay hóa chất nào khác. Không phải chỉ vì chấp hành luật pháp Mỹ về an toàn vệ sinh thực phẩm, mà bản thân bà cũng muốn vườn rau sạch của mình mãi mãi là địa chỉ thân thuộc của người Việt khu vực thủ đô nước Mỹ.
Nhiều người đến mua rau vào tận vườn để hái – Ảnh: Nguyễn Thị Hòa
Tôi nhìn thấy trang trại chia thành nhiều khu, phía sau hai ngôi nhà vợ chồng bà sinh sống là những cây hồng, cây bưởi rất sai quả. Kế đó là những giàn bí xanh, giàn mướp, bí ngô… Nhiều nhất là rau muống, rau cải, xà lách, xu hào, bắp cải, mồng tơi, dọc mùng… và hầu như chẳng thiếu một thứ rau thơm, gia vị nào mà người Việt hay dùng như các loại rau húng, mùi tàu, diếp cá…
Bà Bọc chỉ ra luống rau húng xanh mởn: “Giống rau thì ở Mỹ cũng chẳng thiếu gì, nhưng rau thơm thì nhiều thứ phải lấy giống từ quê nhà sang. Khách mua rau của tôi chủ yếu là người Việt. Khách đến đây mua trực tiếp, thích thì ra tận từng luống rau tự tay hái”.
Có siêu thị muốn hợp đồng lâu dài, nhưng bà Bọc không thích, bà thích bán kiểu ngày xưa của Việt Nam mới thấy hết hạnh phúc của người làm vườn. Vả lại, rau bán cho mấy trung tâm ăn uống người Việt khu vực thủ đô cùng với khách quen nhiều khi còn không đủ nên rau của bà không cần vào siêu thị.
Nhiều người đã lầm khi nhìn trang trại rau xanh tươi mơn mởn này, nghĩ là bà phải thu được bộn tiền. Họ có biết đâu, chi phí cho vườn rau này cũng không hề nhỏ, riêng tiền lương trả công cho người làm thuê đã hơn 10.000 USD/tháng, chưa kể thuế đất và nhiều loại chi tiêu khác. Thêm vào đó, do thời tiết mùa đông lạnh nên việc làm rau ở khu vực thủ đô này cũng chỉ có mùa, hằng năm chỉ làm từ tháng 4 đến tháng 10. Sau Tết “Con Gà Tây” (tức Lễ Tạ ơn), bà cùng chồng lại xuôi xuống phía nam, nghỉ tại ngôi biệt thự nhỏ trên bờ biển Florida.
“Thế thì nhất bà rồi. Làm vườn như bà ai chẳng muốn”, tôi đùa.
– Thì cũng phải nghỉ chứ, hai vợ chồng đã già rồi. Ấy thế nhưng chỉ có mấy tháng không được làm rau lại nhớ lắm. Bởi anh có biết không? Làm rau ở đây, bao giờ tôi cũng có cảm giác như đang làm rau trên quê hương mình vậy… Lý do tôi sống chết với cái nghề này cũng vì thế.
Bà Bọc nói xong, cười thỏn thẻn, rồi thon thón chân đất ra tít đầu vườn hái rau tía tô cho một chị khách hàng đang chờ để mang nhanh phục vụ ông chồng và đám bạn nhậu ở nhà.
Nhìn bà, tôi bất giác nhớ lại cảnh những người nông dân quê tôi trong dịp đồng áng. Thế mới biết, sức sống đồng quê của dân mình mới dai dẳng và mãnh liệt làm sao.
Theo Thái Chí Thanh / Thanh Niên Online
Bài gốc có thể xem tại đây.