
Tôi tên là Hưng, mẹ đặt cho cái tên rất hay, Nguyễn Phúc Bảo Hưng, bởi tôi mang dòng máu hoàng tộc.
- Link bình chọn bài viết tại website
- Link bình chọn bài viết tại facebook
- Bài viết khác cùng chuyên mục
Tôi là con cháu Nguyễn Phúc Ánh, đời thứ bảy, ngang hàng với Bảo Long, con của Bảo Đại, vị Hoàng đế cuối cùng của Triều Nguyễn.
Nhưng mọi người gọi tôi là Cu Nhi, và tôi thì tự xưng là Nhi. Năm tôi lên 9, mẹ dắt tôi sang Mỹ. Tôi chưa đến nước Mỹ bao giờ, nhưng mẹ đã sống ở đó vài năm cùng với chị Hương nên tôi chỉ biết là Mỹ ở nơi nào đó xa xôi lắm, và ngày đêm thì ngược lại với cái xóm nhỏ ngoại thành Hà Nội, nơi tôi sinh ra và ở đó đến năm lên 9.
Nguyễn Phúc Bảo Hưng trong chuyến hành trình nước Mỹ. Ảnh Minh Phương
Chuẩn bị cho chuyến đi này, tôi đòi bố cho ăn đủ thứ vì sợ sang Mỹ sẽ không có gì để ăn. Chuyến bay của tôi vào lúc nửa đêm. Cả nhà tiễn tôi lên đường, bác Liên, chị Hằng, anh Bình, bà ngoại và bố. Sân bay Nội Bài với tôi lần này thật khác.
Tôi đã nhiều lần chạy nhẩy trên các cầu thang máy mỗi lần đón mẹ về, rồi tiễn mẹ và chị Hương trở lại nước Mỹ. Nhưng lần này, đó là nơi tôi được đi. Khi bước qua cửa an ninh để làm thủ tục, tôi thấy mẹ bận bịu với giấy tờ.
Tôi chạy loanh quanh hỏi mẹ: “Mẹ thấy có cần thiết phải ra nói với bố và mọi người là Nhi sẽ viết thư mỗi ngày không nhỉ?” Mẹ bảo: “Bây giờ không ra được nữa rồi vì mình đã vào khu vực kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh”.
Tôi chạy loăng quăng trong căn phòng rộng mênh mông, chỉ có các chú mặc áo đồng phục đứng đó. Tôi đã chạy vụt qua cửa chỉ vì tò mò. Khi có người bảo: “Này, ông tướng định vượt biên trái phép hả?” tôi mới trở ra để chờ làm xong thủ tục. Vào đến phòng chờ mới có 11 giờ 30 mà chuyến bay là 12 giờ 40.
Tôi đếm từng giây để được lên máy bay. Tôi nóng lòng lắm, cứ hỏi mẹ liên tục mấy giờ rồi. Cuối cùng thì cũng đến giờ phút tôi mong đợi. Bước chân vào cửa máy bay, tôi chào mấy cô chiêu đãi viên xinh đẹp bằng tiếng Anh.
Tìm đến chỗ ngồi gần cửa sổ, tôi khoan khoái mở rèm, ngắm bầu trời đêm đen thẫm. Hình như tôi bay trên đại dương mênh mông. Chỉ có một ngôi sao nhấp nhánh trong đêm (sau này mẹ bảo tôi mới biết đó là ngọn đèn ở cánh máy bay).
Máy điều hòa mát lạnh làm tôi thấy dễ chịu, nó khác hẳn không khí Hà Nội nóng bức trong những ngày hè, ngồi đâu cũng nóng. Tôi cứ loay hoay quanh chỗ ngồi của mình, ngắm biển, ngắm trời. Máy bay trôi về hướng mặt trời mọc nên chỉ 4 giờ sáng giờ Hà Nội, tôi đã thấy bình minh lên từ phía đường chân trời. Ánh sáng mặt trời chói lòa soi rõ cả một biển mây tôi đang trôi bồng bềnh trên đó. Tôi vui thích, say sưa ngắm bình minh. Thật diệu kỳ là tôi bay trên mây.
Tôi lay gọi mẹ, muốn được nói chuyện và hỏi mẹ biết bao điều mà mẹ thì cứ ngủ li bì. Cuối cùng máy bay cũng hạ cánh xuống sân bay Incheon. Mẹ bảo phải bám chặt tay mẹ kẻo lạc. Trước khi lên đường, mẹ đã làm cho tôi một cái dây đeo có ghi tên và số điện thoại của mẹ phòng khi tôi bị lạc, người ta sẽ gọi cho mẹ. Nhưng mẹ vẫn sợ.
Tôi không cảm thấy đói, nhưng tôi ăn tất cả các món ăn họ mang đến. Món nào cũng ngon, cũng thích, tôi ăn vì tò mò chứ không phải vì đói. Tôi buồn tè, phải chạy tìm bằng được ngay chỗ Transfer. May quá, giải quyết rất nhanh. Bây giờ là nỗi khổ phải chờ đến giờ bay tiếp đi Atlanta. Chờ những 3 tiếng, lâu thế.
Tôi chỉ mong được đi ngay. Mẹ lại lăn ra ngủ trên ghế phòng chờ, còn tôi thì khám phá cả một thế giới kỳ lạ khác hẳn những gì mà tôi đã biết. Máy bay đi Atlanta là một tòa nhà khổng lồ chứa đến hàng trăm người.
Trước mặt tôi là màn hình TV, có thể xem cartoon và chơi games, điều mà ở nhà tôi thường bị hạn chế. Tôi chọn được chỗ gần cửa sổ sau một hồi mẹ thương thuyết với những hành khách khác để mẹ con tôi được ngồi gần nhau.
Tôi lại mở cửa ngắm trời, ngắm đất, nhưng chỉ sau khi cất cánh một lúc họ bắt tôi đóng rèm để mọi người ngủ. Tôi thấy chẳng có gì hấp dẫn bằng TV. Nhưng động vào đâu cũng hỏng. Máy nào cũng có sự cố. Tôi lại buồn tè. May quá, vì thế mà tôi phát hiện ra một chỗ mới để khám phá: Toilet.
Tôi ra vào không biết bao nhiêu lần để học cách sử dụng, mở cửa, đóng cửa, giật nước. Toàn là những điều lạ kỳ, mắt thật tôi chưa thấy bao giờ. Chỉ có điều mỗi lần đi như thế tôi phải tháo dây an toàn rồi leo qua người mẹ và ông hành khách kế bên.
Tôi làm ông ấy khó chịu đến nỗi ông đòi đổi chỗ. Mặc dù tôi rất tiếc chỗ ngồi cạnh cửa sổ, nhưng phải có sự chọn lựa. Tôi đã chọn toilet. Tôi ngồi đó suốt 6 giờ còn lại của hành trình 14 tiếng bay từ Incheon đến Atlanta. Thức ăn trên máy bay và máy điều hòa làm tôi luôn mồm nói: “Nhi thích quá, Nhi dễ chịu quá”.
Có lẽ mặt tôi trông buồn cười lắm. Mỗi khi chiêu đãi viên đến mang đồ ăn, tôi ngay ngắn sửa soạn bàn ăn và hỏi: “How can I eat?” Mẹ bầy cho tôi cách dùng dao ăn, khăn ăn và cách ăn những món mà tôi thích. Thực ra món nào tôi cũng thích. Thỉnh thoảng tôi bấm nút gọi chiêu đãi viên đến để xin họ cốc nước cam. Sướng thật.
Lần đầu tiên đi máy bay, lại là một chuyến bay dài, chuyển máy bay 2 lần, toàn ở những sân bay lớn. Từ Nội Bài, đến Incheon, rồi Atlanta, và cuối cùng là Logan. Máy bay hạ cánh xuống Atlanta vào một buổi sáng. Nắng vàng nhè nhẹ, không khí lành lạnh của mùa thu. Hôm đó là ngày 2 tháng 9. Tôi hỏi mẹ: “Thế đây là nước Mỹ ạ?” Vậy là tôi thực sự đặt chân trên nước Mỹ.
Làm thủ tục nhập cảnh lâu đến mức tôi lại buồn tè đến không thể chịu nổi. Hàng dài khủng khiếp. Đến lượt hai mẹ con lên, tôi hết chịu nổi, đầu óc chỉ quanh quẩn chuyện tìm chỗ đi tè. Vậy mà cái ông hộ pháp da đen chẳng chịu hiểu gì cả. Mãi mới xong, thì lại đến thủ tục khai báo tiền nong, thủ tục chuyển hành lý.
Tôi thấy mẹ chạy trong sân bay rộng mênh mông, muốn giúp mẹ quá mà chẳng biết giúp cách nào. Từ cửa này sang cửa khác phải leo lên tàu mới tới nơi. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được chỗ lên máy bay. Lúc này, tôi mới phát hiện ra một điều kỳ diệu của nước Mỹ. Đó là vending machine (máy bán nước giải khát và thức ăn nhẹ).
Tôi phát hiện ra những chiếc tủ to tướng đựng đầy nước ngọt, món khoái khẩu của tôi, nhất là khi tôi đang khát cháy cả họng. Hóa ra từ lúc ở Hà Nội cất cánh đến giờ đã hơn 24 giờ mà tôi không ngủ chút nào. Tôi thấy tủ đóng kín. Nhưng có một lỗ hổng phía dưới có ghi dòng chữ THANK YOU. Mẹ chạy táo tác tìm tôi khi tôi đang dí chặt mắt vào cái tủ kỳ diệu, bí hiểm đó.
Tôi hỏi mẹ đó là cái gì, mẹ cho biết đó là máy bán hàng, và mua cho tôi một chai coca cola. Mẹ cho tiền vào một khe hở, rồi bấm mã số của chai coca tôi thích, rồi bấm vài nút, một lúc sau, chai nước lăn từ đâu đó đến cái hốc có chữ Thank You.
Tôi cám ơn mẹ vô cùng. Tôi bảo: “Nước Mỹ sao lại hay đến vậy!” Máy bay từ Atlanta về Boston làm tôi thất vọng. Máy bay bé tí tẹo, tôi lại bị ngồi ở cuối máy bay, cửa sổ bị cánh quạt che lấp. Thức ăn không miễn phí, mà phải mua. Ai đời một gói bích quy bé bằng ngón tay giá 3 đô-la, nên dù đói lắm tôi cũng không dám đòi mẹ mua.
Mẹ bảo, về đến nhà sẽ được ăn bún măng chị Hương nấu. Sân bay Logan rộng mênh mông như sân bay Atlanta. Chúng tôi hạ cánh vào lúc 4 giờ chiều. Không ai đón chúng tôi cả. Hai mẹ con ra gọi taxi về nhà. Nhà cao tầng, phố phường rực rỡ trước mắt tôi. Tôi không ngủ trong suốt hành trình 30 tiếng.
Xe taxi đến một khu yên tĩnh, toàn cây xanh, tôi hỏi mẹ: “Đây là ngoại ô hả mẹ?” Mẹ bảo: “Không, đây là trung tâm của thành phố Cambridge, nhà mình ở đây.” Tôi sung sướng lao ra khỏi xe khi xe đỗ trước tòa nhà mặt phố, màu đỏ, ba tầng. Tôi định leo cầu thang như leo cầu thang căn nhà 3 tầng của mình trong Ngõ Lợn Giống.
Nhưng mẹ bảo không được vì căn hộ của mình chỉ là 1 phần 6 của ngôi nhà, tức là chỉ có một gian bên trái ở tầng 1. Tôi thất vọng tràn trề vì tại sao mẹ không nói trước là nhà mẹ bé thế. Tôi co ro trong căn phòng, vừa là phòng ngủ cho cả bốn người, vừa là phòng làm việc. Tôi hiểu, nước Mỹ là như thế. May mà sữa ở đây rất ngon, thời tiết thì dễ chịu, nắng mà không nóng. Tôi nghĩ có lẽ Boston gần Bắc cực nên khí hậu mát mẻ hơn nhiều. Hành trình đi về phía Tây của tôi là thế đấy.
Tôi đặt chân trên đất Mỹ chiều ngày 2 tháng 9, năm 2008, tôi tròn 9 tuổi 14 ngày. Thấm thoắt đã 6 năm qua đi. Từ một chú bé học lớp bốn, tôi đã thành cậu sinh viên trung học. Chiều cao của tôi tỉ lệ thuận với từng nhúm tóc bạc trên đầu mẹ. Tôi hiểu hành trình nước Mỹ của tôi nhẹ nhàng hơn nhiều so với hành trình của mẹ.
Mẹ phải giành học bổng và tạo cơ hội cho chị em tôi được đến đất này. Mẹ vừa đi học vừa đi làm để nuôi nấng, dạy dỗ hai chị em tôi. Nếu không có mẹ chắp cánh, chắc hẳn sẽ chẳng bao giờ tôi có được trải nghiệm “tây du kí” để chia sẻ cùng bạn đọc. Boston, Cambridge, Arlington, tháng 9/2008 – 2014.
Nguyễn Phúc Bảo Hưng