Bài dự thi Hành Trình Nước Mỹ 2
KHÔNG ĐỢI AI Ở IOWA CITY[1]
Tác giả Lê Khánh Huyền – Iowa City, Iowa
- Link bình chọn bài viết tại website
- Link bình chọn bài viết tại facebook
- Bài viết khác cùng chuyên mục
Tôi là một tín đồ của của các loại thành phố. Bạn có thể nghĩ ngay đến những nơi phồn hoa náo nhiệt như New York, San Francisco, Chicago, LA, Seattle,… nhưng nước Mỹ không phải toàn (nếu không nói là ít) nơi đô hội như vậy, và rất nhiều trường đại học lại nằm ở những thành phố nho nhỏ. Tôi muốn kể cho các bạn nghe về một thành phố trầm lặng mà bạn có thể tìm thấy trên khắp nước Mỹ.
Cách Chicago 3-4 giờ lái xe, Iowa City lọt thỏm giữa “đồng bằng sông Cửu Long” Mỹ. Đi trên đường, chốc chốc bạn lại chạy qua một “thành phố”, đôi khi chỉ là một cụm dân cư con con chừng một, hai trăm dân. Bạn tôi từng chỉ vào một tòa nhà thấp tè ở Iowa City, bảo, “số người trong này còn nhiều hơn cả dân thành phố quê tớ”.
Các thành phố Midwest là vậy, cái nào cái nấy nhỏ nhỏ xinh xinh. Ở đây đất phát triển đô thị ắt hẳn phải cạnh tranh quyết liệt với nông nghiệp nên các thành phố không phình to như các bang nhiều đất sa mạc ở phía Tây Nam. Cũng không có đầu mối giao thông nào đáng kể, ngoại trừ các tuyến cao tốc liên bang; không cảng, không sân bay lớn.
Nhờ vậy nên mấy cụm con con ấy thật yên bình. Cả thành phố rải đều trên những sườn đồi nhấp nhô, chỗ thoai thoải, chỗ vút cao hẳn lên. Băng tan ở cuối kỉ băng hà đã biến vùng đất này thành dạng nhấp nhô rất đặc biệt này – khác hẳn với kiểu đồi núi nhấp nhô do sự uốn cong của vỏ Trái Đất. Bên ngoài thành phố là những trang trại trên sườn đồi bạt ngàn ngô và lố nhố turbine gió. Ngoài biệt danh “vựa ngô”, Iowa là một trong những bang dẫn đầu về tỷ lệ sử dụng điện gió và xăng ethanol của nước Mĩ. Lý do là bang có nhiều đất nông nghiệp để lắp turbine và sản xuất được nhiều ngô để làm xăng, và quan trọng là do chính quyền có chính sách trợ giá và cơ chế khuyến khích năng lượng sạch.
Thành phố này đã thay đổi khá nhiều cách nhìn của tôi về nước Mĩ – vốn bị (tôi) xem là nước số một về phá hoại môi trường, giao thông công cộng kém, và đô thị phát triển dàn trải. Iowa City là thành phố có chỉ số bikeability[2] (chỉ số tiện lợi để đi xe đạp) rất cao, với làn và đường dành riêng cho xe đạp chi chít gần như khắp mọi ngóc ngách. Thành phố có thư viện xe đạp[3] cho thuê theo học kì hay theo ngày với giá rẻ. Chỉ số walkability (đi bộ) khu downtown cũng khá cao (tuy xét cả thành phố thì chỉ ở mức trung bình do các khu ngoại vi vẫn xây dựng theo mật độ thấp rất điển hình Mĩ). Sở dĩ vậy là do khuôn viên trường hòa ngay vào downtown, với hàng quán – đặc biệt là quán bar – chen chúc với nhà thờ. Điều này ắt phải làm bất cứ người dân mộ đạo nào đau lòng không kể xiết, nhưng thành phố cũng nhờ đó mà được tiếng thơm lẫy lùng là một trong những đô thị đại học “hư hỏng” nhất vì nhiều tiệc tùng sinh viên.
Riêng xe buýt thì tuyệt vời, cứ đi bộ 5 phút về mọi hướng, bạn phải gặp được vài đến cả tá bến xe buýt (dĩ nhiên bến xe buýt giảm nhiều khi đi ra rìa thành phố). Vì khuôn viên trường khá rộng và xe buýt trường lại miễn phí, nên nửa thành phố cũng có thể đi ké. Xe buýt thành phố thì rất rẻ, Nhiều bác tài véo con chào mỗi sáng lên xe, và mỗi lần đi chợ về lúc 6h chiều, bạn có thể được tặng kèm hàng tá lời “Goodnight”. Tôi từng đọc một bài báo về Atlanta[4], nơi mà muốn đi chợ bằng xe buýt, bạn phải đi mất 2-3 giờ, đổi xe và ngồi chờ (lý do phần nhiều là quá ít cửa hàng trong thành phố). Với những người nghèo hay người già, nếu bạn không thể đi lại bằng xe hơi, sống ở một thành phố có GTCC tốt và nhiều cửa hàng như Iowa City dễ chịu hơn nhiều.
Buổi chiều yên bình ở Iowa City
Thầy cô giáo và bạn bè tôi vẫn thường đi xe buýt hoặc xe đạp đến trường. Phong trào đạp xe ở khoa tôi khá nhộn, đến độ ai “lỡ” lái xe đi học là bị nhìn như trên trời rớt xuống. Mùa đông, trừ những đợt quá lạnh, vẫn có khá nhiều người đi xe đạp, băng đóng thành cục phất phơ dưới mũi. Đến độ xuân – hè, mọi người tíu tít lôi xe đạp ra đi một tháng. Còn tôi – dân chơi xe buýt chính hiệu – sau khi được hỏi thăm xem có biết đi xe đạp không, thì được khuyến mại vài địa chỉ mua và thuê xe đạp… trẻ con trong thành phố.
Sở dĩ có được thành tích đáng kể về đi lại bằng xe đạp và xe buýt như thế là do thành phố chém giá đỗ xe (ô tô) khá cao. Ngoài ra, người ta khó mà tìm được một chỗ đỗ xe thuận tiện mà không phải đi bộ quá xa. Vậy tội gì không lên xe buýt, bật wifi lên đọc báo, rồi xuống xe ngay trước tòa nhà mình cần đến?
Vì nhiều lý do mà Iowa City và hạt Johnson được xếp vào top đô thị nhỏ đáng sống nhất nước Mĩ. Là đô thị đại học điển hình, hạt Johnson có tỷ lệ dân cư có bằng đại học và sau đại học tới khoảng 51.2% và được xếp hạng 32/3152 hạt “dễ sống” nhất trên toàn nước Mỹ[5]. Theo một nghiên cứu[6], cứ 862 người dân thì có một người thành đạt xuất hiện trên Wikipedia. Thành phố chủ yếu tập trung giáo sư, nhân viên trong trường, và sinh viên. Đây là cũng là điểm tổ chức Thành phố Văn chương của UNESCO[7] và Iowa Writers Workshop, từng quần tụ nhiều anh tài văn học như Raymond Carver[8], Kurt Vonnegut[9], Phillip Roth[10] và rất nhiều người được giải Pulitzer.
Đại học Iowa cũng là trường đại học tổng hợp (university) đầu tiên ở Mĩ công nhận giới tính thứ 3 trong các hạng mục hồ sơ, dịch vụ y tế và cơ sở vật chất (ví dụ phòng vệ sinh cho người chuyển giới[11]). Lớp tôi có một bạn lesbian kết hôn với một giáo sư trong trường nên sự đồng cảm tăng lên đáng kể.
Đến với thành phố này, bạn buộc phải làm bạn với dự báo thời tiết. Bão, lốc, lụt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hôm qua còn nắng đến sém cả râu ngô, ngày mai biết đâu trời rét cóng, tự dưng bạn sẽ thành người ăn mặc mát mẻ nhất lớp. Trẻ con được nghỉ học nếu nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ C ở Hà Nội, 0 độ C ở Texas, hoặc -20 độ C ở Iowa. Suốt nửa năm dân tình phải bật sưởi. Cây trên hè phố cũng được mặc áo len đủ màu cho ấm[12]. Khó mà tin được các bác nông dân có thể trồng trọt được gì ở nơi có khí hậu khắc nghiệt như thế.
Tôi xin chế lại một truyện cười về thời tiết như sau:
+15°C/59°F
Dân Madrid mặc áo ấm và đeo găng tay.
Dân Iowa ra sưởi nắng.
+5°C/41°F
Dân Rome không nổ được xe.
Dân Iowa đi xe mui trần.
0°C/32°F
Nước trong đường ống bắt đầu đóng băng.
Nước sông Mississippi hơi cứng lại một tẹo.
-5°C/23°F
Dân California chết cóng.
Dân Iowa kết thúc đợt BBQ cuối cùng.
-10°C/14°F
Dân London bắt đầu bật sưởi.
Dân Iowa bắt đầu mặc áo dài tay.
-20°C/-4°F
Dân Úc chuồn khỏi Địa Trung Hải.
Dân Iowa kết thúc lễ hội mùa hè. Mùa thu đến rồi.
-30°C/-22°F
Cả Paris bắt đầu cứng đét vì lạnh.
Dân Iowa bắt đầu phơi đồ trong nhà.
-50°C/-58°F
Gấu Bắc Cực bắt đầu di cư tránh rét.
Cảnh sát Iowa hoãn buổi tập thường niên mùa đông, chờ mùa đông đến hẳn.
-60°C/-76°F
Cảnh sát Iowa ra ngoài tập cứu hộ.
-183°C/-297.4°F
Vi khuẩn trong thức ăn chết hết.
Bò Iowa phàn nàn là tay bác nông dân quá lạnh.
-273°C/-459.4°F
Nguyên tử ngừng chuyển động.
Dân Iowa kêu “Hôm nay lạnh quá”.
-300°C / -508°F
“Địa ngục đóng băng. Dân Iowa City quay sang ủng hộ đảng Cộng Hòa”.
Thông tin về Iowa City:
Ngoài các điểm thú vị đã nói ở trong bài viết, IC và vùng đô thị IC có tỷ lệ thất nghiệp thấp (3.8%, 2013), chất lượng sống cao, giá cả sinh hoạt rẻ (nếu thuê nhà xa trường) và rất an toàn. Trong 10 năm trở lại đây, các vụ án (crime) chỉ chủ yếu bao gồm ăn trộm xe đạp (chiếm tỷ lệ lớn nhất), ăn cắp, và quấy rối tình dục (ở mức độ nhẹ, tức là bằng lời nói).
3 điểm nên đến khi thăm Iowa City:
– Bảo tàng lịch sử tự nhiên (ngay trong campus): có khủng long, người da đỏ, và một chú lười rất rất to.
– Nhà và bảo tàng tổng thống Herber Hoover: cách IC chục phút lái xe. Có thể bạn không biết ông là ai, nhưng đến nơi này, bạn sẽ được thăm những nơi giống hệt trong phim Ngôi Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên với nhà cửa, phòng học, lò rèn thời đầu thế kỷ 20.
– Pedestrian Mall: trong khu vực downtown. Đây là khu phố đi bộ, tập trung các cửa hàng ăn uống, dịch vụ, thời gian, quán bar, thư viện thành phố… Phố này đặt 2 cây piano ở 2 đầu để khách có thể chơi ngẫu hứng. Trường nhạc ở ngay cạnh đó và có nhiều SV nhạc tham gia nên bạn không cần phải lo tai mình không quen tiếng bật bông. Tối thứ 6 hàng tuần sẽ có Summer Art Festival, có hòa nhạc miễn phí (đặc biệt là Jazz) và chiếu phim ngoài trời.
Cuối cùng, mình đã “xây nhà” trên Ăn Nhờ Ở Đậu và có thể đón các bạn tới thăm, chừng nào mình còn ở đây. Bạn có thể liên lạc qua Facebook và Email của mình.
Chú thích:
[1] Tựa đề phỏng theo các tựa truyện “Đợi anh ở Toronto” và “Chờ em đến San Francisco”
[2] http://www.walkscore.com/IA/Iowa_City
[3] http://www.bikelibrary.org/
[4] http://www.atlantamagazine.com/features/2014/03/03/stranded-in-atlantas-food-deserts
[5] http://www.nytimes.com/2014/
[6] http://www.nytimes.com/interactive/2014/03/23/sunday-review/notable-boomers-and-where-they-came-from.html
http://www.nytimes.com/2014/
[7] http://cityofliteratureusa.org/
[8] Tác giả của Em Làm Ơn Im Đi, Được Không và Mình Nói Chuyện Gì Khi Mình Nói Chuyện Tình.
[9] Tác giả của Người Không Quê Hương.
[10] Tác giả của Người Phàm, Báo Oán, Tạm Biệt Columbus.
[11] Người chuyển giới (Transgender) là những người thể hiện giới tính bên ngoài khác với giới tính sinh học. Họ không nhất thiết là những người đã trải qua phẫu thuật chuyển giới. Do đó nếu một người chuyển giới nữ (có giới tính sinh học là nam) đi vào nhà vệ sinh nữ hoặc nam đều rất bất tiện.
[12] Một hình thức trang trí đường phố.