(Hành trình nước Mỹ- tác giả Tạ Mỹ Ngân) Bây giờ là hai giờ bốn mươi bốn phút, trưa ngày một, tháng năm, năm hai ngàn không trăm mười bốn. Điện thoại bảo nhiệt độ hiện giờ là tám mươi bốn độ F. Cao nhất kể từ hồi mùa đông tới giờ. Ngồi bắt chéo chân trên cái ghế cao nhìn ra đường, tôi chỉ cách cái ngã tư đầy nắng ngoài kia bằng hai cái vách kiếng của quán càfe Starbucks. Tôi đang ngồi chờ đến ba giờ, quán sẽ giảm nửa giá món uống Frapuchino.
- Link bình chọn bài viết tại website
- Link bình chọn bài viết tại facebook
- Bài viết khác cùng chuyên mục
Tôi phải đính chính là tôi chẳng phải là “tín đồ” của cà phê ở Starbucks. Tôi chỉ bắt đầu đến quán này thường xuyên là nhờ có mấy cái bao cafe bột Starbucks mua ở siêu thị. Mỗi cái bao được một ly cafe miễn phí. Thế là sau khoảng một tuần uống cafe miễn phí, tôi khoái chỗ này. Tôi khoái cái chỗ mà tôi đang ngồi. Cái bàn và cái ghế mà tôi đang an toạ có một độ cao rất vừa ý. Ngoài ra, tôi khoái ngồi đây để nhìn ra cái ngã tư nhộn nhịp của đường Alder và đường 13 Đông ở thành phố Eugene, bang Oregon.
Cái đèn giao thông ở cái ngã tư này lạ lắm. Sẽ có một lúc, bốn bên đều là đèn đỏ và đèn báo hiệu cho người đi bộ cũng đỏ luôn. Thế là sau mấy lần lúng túng không biết có nên qua đường hay không, tôi không thèm nhìn đèn nữa mà nhìn xe. Không có xe hoặc xe không chạy thì qua đường. Những người đang qua đường ngoài kia cũng làm như vậy. Nhưng mà mọi chuyện có lúc không có được trôi chảy lắm, chẳng hạn như với một đứa bạn người Lào của tôi. Số là một lần nọ, nó đang đứng chờ qua đường. Đèn thì đỏ bốn hướng mà đèn cho phép nó qua đường lại không chịu chuyển sang màu trắng. Thế là nó quyết định đi qua. Còn chừng ba bước nữa là tới bên kia đường thì nó nghe có người gọi. Ngoảnh đầu lại, thì ra là một cô cảnh sát đang đứng chờ qua đường với nó. Cô ấy ra hiệu cho nó phải quay lại bên này đường chờ tới khi đèn hiệu chuyển sang màu trắng mới được đi. Thế là nó ngượng ngùng quay lại để đứng chờ đèn với cô đó. Sau khi nghe nó kể, giờ mỗi khi qua đường, ngoài nhìn xe, tôi còn phải nhìn coi có cảnh sát không nữa.
Ở góc đường đối diện Starbucks có cái tượng tên là Blue Heron cao khoảng bốn mét, làm bằng phụ tùng xe đạp, một biểu tượng về ý thức bảo vệ môi trường và thiên nhiên hoang dã của địa phương. Đối với người chơi Ingress[1] như tôi thì cái tượng Blue Heron này là một cái portal. Hiện giờ, có một nhạc sĩ đang ngồi dưới chân Blue Heron chơi đàn ghita và hát. Cái thùng đàn mở ra dưới chân chờ đợi. Tôi ít thấy ai để tiền vô. Sinh viên mà, đi ăn nhà hàng còn không muốn cho tiền boa huống hồ chi là cho tiền người hát rong. Tôi thì tôi ngại cho tiền họ lắm. Chắc có lẽ ở Việt Nam, tôi chỉ cho tiền người ăn xin thôi chứ chưa cho tiền nhạc ca sĩ bao giờ nên không quen.
Mới vừa ngồi xuống ngay trước mặt tôi và cách tôi một tấm kiếng là hai người con trai, một người có đội một cái nón nhỏ trên đầu giống như người Do Thái và một người thì không. Họ nói chuyện rất vui. Dĩ nhiên là tôi không nghe được gì nhưng mà nhìn họ cười thì biết là họ đang vui. Ngay cái bàn mà hai người này đang ngồi, buổi trưa, khoảng một giờ, thường hay có một nhóm sinh viên nữ ngồi ăn trưa với bánh mì Subway và khoai tây chiên. Tôi không biết là người nước nào. Họ mặc đồ giống mấy nước Trung Đông, có khăn trùm đầu, có khi trùm cả mặt. Họ cũng rất là vui. Tôi để ý là họ không bao giờ mua cafe Starbucks, chỉ là mượn cái bàn ngồi ăn trưa và tán gẫu chút thôi.
Ở bên ngoài hàng rào, phía bên tay phải của Starbucks có mấy cái thùng để báo. Một số thùng là báo miễn phí, một số là báo bán. Một chú kia ăn mặc không được tươm tất lắm. Theo kinh nghiệm của người sống ở đây được gần hai năm, tôi nghĩ chú là một người vô gia cư. Chú mở một cái thùng báo, lấy ra một cái ly trắng lớn có in logo Starbucks. Chú cẩn thận mở nắp ra và đổ cà phê từ một cái ly Starbucks khác nhỏ hơn vô cái ly lớn đó. Chú đậy nắp lại và từ từ để cái ly vô thùng báo. Tôi đoán là chú ấy gom cafe của người ta uống còn dư và để dành trong cái thùng báo đó.
Brừm, brừm, brừm,…
Một chiếc xe thể thao nhìn cũng mắc tiền mới vừa rồ máy chạy ngang. Ngồi chỗ này, tôi thường thấy nhiều xe sang trọng như vậy. Tin đồn là đa số mấy xe xịn như là Audi, Lexus, BMW, Porch hay Ferrari chạy vòng vòng khu này là của sinh viên người Trung Quốc. Tôi không chắc có phải là sinh viên Trung Quốc hay không nhưng tôi thấy đa số người lái xe có tóc màu đen và da ngâm. Ngoài xe hơi ra, có rất nhiều sinh viên khác đi xe đạp, tôi cũng vậy, vì nó tiện lợi nhiều thứ. Thứ nhất là chỗ đậu xe đạp dễ tìm và không mất tiền. Ở Eugene này, chỗ đậu xe hơi không nhiều và thường phải đóng phí. Thứ hai là người địa phương ở đây quen lái xe hơi chung đường với xe đạp rồi nên cũng khá là an toàn. Thứ ba là dọc theo công viên ở hai bên bờ sông Willamette là đường dành cho xe đạp rất đẹp, nhất là vào mùa thu. Thứ tư là đa số đường xung quanh trường đều có làn dành riêng cho xe đạp. Ví dụ như là đường Alder. Đường này là đường một chiều dành cho xe có động cơ (xe mô tô, xe hơi, xe buýt), nhưng mà có hai làn hai chiều dành cho xe đạp.
Ê! Một bạn trai học chung với tôi hồi năm ngoái đang đi bộ qua đường, mặc áo khoát xanh, nhỏ người, tai đeo headphone màu trắng. Bạn tên gì tôi quên mất tiêu rồi. Bạn đó là sinh viên đại học. Tôi nhớ bạn ngồi kế tôi buổi học đầu tiên của môn “Giàu, nghèo và giới trong xã hội Mỹ.” Bạn dễ thương nhưng nói chuyện nhiều và nhiều lúc tôi không có hiểu bạn nói gì. Một cô gái khác vừa đi tới, ngồi xuống cái bàn gần đường. Bạn mặc quần sọt jean, tank top màu xanh dương có sợi dây quàng lên và cột phía sau cổ, đeo kính mát kiểu phi công. Bạn nhỏ người và xinh xắn. Trước mặt bạn là một chai nước màu cam, iphone với tai nghe màu trắng và một cuốn sách dày có tựa là Truth and Method. Ngồi được một lúc, bạn bỏ kính mát ra, đeo tai nghe vô, bắt đầu đọc sách và viết. Bây giờ tôi mới để ý là ở ngoài gió cũng nhiều. Gió thổi tờ giấy bạn đang viết note bay xuống đất.
Từ chỗ bạn ấy ngó lên cột đèn ngay trước của Starbucks sẽ thấy có hai cái bảng. Cái thứ nhất đề là: “Restricted Area. Curb to sidewalk unlawful to remain. 4.807 E.C.” Cái thứ hai đề là: “No skateboarding or dogs permitted. E.C. 4.427, 5.450 (2)”. Đại khái nghĩa là cấm lấn chiếm vỉa hè, cấm chó và cấm skate boarding. Từ từ trờ tới là một chàng trai đang đứng trên cái skateboard. Bạn ấy bỏ một chân xuống để đẩy cho miếng ván đi tới. Vừa băng qua đường bạn vừa quẹo trái. Sau đó bạn làm vài cái đánh võng giữa đường rồi tôi không nhìn theo bạn nữa.
Eugene, bốn giờ năm mươi sáu phút, chín mươi mốt độ F.
Ly Frapuchino đã cạn. Mặt trời xuống thấp hơn một chút và chiếu thẳng vào bên phải mặt của tôi. Người xe vẫn đi đi lại lại ngoài kia. Hôm nay là một ngày đặc biệt. Ngoài việc hôm nay tôi đi ra ngoài và không cần mặc áo lạnh. Hôm nay tôi mới vừa có vé máy bay để về nhà.
Tác giả: Tạ Mỹ Ngân – Nhận học bổng Fulbright năm 2012 – Ngành International Studies – Đại học Oregon.
[1] Ingress là một trò chơi của Google sử dụng bản đồ thật (location-based game) đòi hỏi người chơi phải di chuyển đến các portal để thực hiện các công việc như xây dựng portal hay tấn công các portal. Ingress ưu tiên chọn các địa điểm có ý nghĩa văn hoá và lịch sử của địa phương để đặt portal. Ngoài ra, nhiều portals của Ingress còn được cố ý đặt ở những nơi mà người chơi phải đi bộ hoặc đi xe đạp mới tiếp cận được.