Tại lễ khai mạc Đại hội Toán học Thế giới của Hiệp hội toán học quốc tế (IMU) 2014 đang diễn ra hôm nay (13/8) tại Seoul, Hàn Quốc, ban tổ chức đã tiến hành trao giải cho những người xuất sắc đoạt giải thưởng toán học Fields danh giá bậc nhất thế giới, trong đó có một nhà nữ khoa học người Iran.
Nhà toán học nữ đầu tiên đoạt giải Fields Maryam Mirzakhani, Ảnh: stanford.edu |
Trong số 4 nhà toán học đoạt giải Fields năm nay đáng chú ý có một gương mặt nữ duy nhất là nhà toán học người Iran Maryam Mirzakhani, 37 tuổi. Cô Mirzakhani cũng là người phụ nữ đầu tiên từng giành được giải thưởng được mệnh danh là “Nobel toán học” này, kể từ khi nhà toán học Canada John Charles Fields sáng lập ra nó vào năm 1936.
Mirzakhani hiện đang là giáo sư toán tại Đại học Stanford (Mỹ). Cô đã đạt học vị tiến sĩ tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 2004 và từng giành được nhiều giải thưởng khác nhau, kể cả Giải thưởng Blumenthal vì sự tiến bộ nghiên cứu toán học năm 2009 và Giải thưởng Satter của Hiệp hội Toán học Mỹ năm 2013.
Nhà toán học Mirzakhani được trao huy chương Fields 2014 vì những cống hiến nổi bật cho lĩnh vực hình học và các thệ thống động lực học, đặc biệt là những vốn hiểu biết quý báu về tính đối xứng của các bề mặt cong, chẳng hạn như mặt cầu hay mặt hyperbol. Mặc dù công trình nghiên cứu của cô được coi là “thuần túy toán học” và hầu hết là lí thuyết, nhưng nó chứa đựng nhiều ý nghĩa liên quan đến vật lý và lý thuyết lượng tử.
Khi biết mình đoạt giải, nhà nữ toán học gốc Iran xúc động bộc bạch: “Đây là một vinh dự lớn. Tôi sẽ rất vui nếu nó là động lực cổ vũ cho các nhà khoa học và toán học nữ trẻ tuổi. Tôi chắc chắn sẽ còn có nhiều phụ nữ đoạt được giải thưởng này trong những năm sắp tới”.
Cùng đoạt giải Fields 2014 với giáo sư Mirzakhani còn có 3 nhà toán học khác là Artur Avila (Brazil), Manjul Bhargava (Mỹ gốc Canada) và Martin Hairer (Anh). Trong đó, nhà toán học Avila được vinh danh vì những đóng góp cho lý thuyết hệ thống động lực học, làm thay đổi bộ mặt của lĩnh vực này; còn Martin Hairer đoạt giải vì công phát triển lý thuyết các đạo hàm riêng ngẫu nhiên, đặc biệt là việc tạo ra một lý thuyết về các cấu trúc quy tắc của những phương trình như vậy.
Huy chương Fields là một giải thưởng được trao cho tối đa 4 nhà toán học không quá 40 tuổi tại mỗi kỳ Đại hội Toán học Thế giới của Hiệp hội toán học quốc tế (IMU). Đại hội này được tổ chức 4 năm một lần.
Ngoài huy chương, mỗi người đoạt giải thưởng Fields sẽ được nhận một khoản tiền thưởng tương đương 15.000 đô la Canada.
GS Ngô Bảo Châu cũng là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam và là nhà toán học châu Á thứ 5 từng được trao huy chương Fields vào năm 2010.
Tuấn Anh (Theo mathunion.org, stanford.edu) / Vietnamnet
Bài gốc có thể xem tại đây.